Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 35/CT-UB

Huế, ngày 12 tháng 11 năm 2003

 

CHỈ THỊ

VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ TẦN SỐ VÀ MÁY PHÁT VÔ TUYẾN ĐIỆN

Thực hiện Pháp lệnh Bưu chính, Viễn thông số 43/2002/PL-UBTVQH10 ngày 25/5/2002 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Nghị định số 109/1997/NĐ-CP ngày 12/11/1997 của Chính phủ về Bưu chính và Viễn thông, Nghị định 79/CP ngày 19/6/1997 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về Bưu chính, Viễn thông và Tần số vô tuyến điện, trong thời gian qua các đơn vị hữu quan đã chủ động thực hiện nhiều biện pháp nhằm đưa công tác quản lý tần số và máy phát vô tuyến điện vào nề nếp, góp phần tích cực cho việc phát triển kinh tế, phục vụ dân sinh, đảm bảo an toàn thông tin và an ninh Quốc phòng.

Tuy nhiên, tình trạng kinh doanh, sử dụng các thiết bị điện thoại vô tuyến kéo dài có nguồn gốc nhập lậu và thiết bị thông tin vô tuyến điện trang bị trên các phương tiện nghề cá vẫn còn nhiều biểu hiện tuỳ tiện, không chấp hành đúng quy định của Nhà nước về sử dụng tần số và máy phát vô tuyến điện. Công tác phối hợp của các cơ quan chức năng trong việc tuyên truyền phổ biến, hướng dẫn người sử dụng chấp hành đúng quy định của Nhà nước cũng như việc kiểm tra, kiểm soát phát hiện và xừ lý các vi phạm trong lĩnh vực sử dụng tần số và máy phát vô tuyến điện còn thiếu đồng bộ, dẫn đến việc sử dụng kém hiệu quả, lãng phí phổ tần số và chi phí đầu tư mua sắm thiết bị; nguy cơ gây can nhiễu làm thiệt hại về kinh tế, dân sinh, ảnh hưởng đến an toàn thông tin và an ninh quốc phòng.

Để khắc phục tình trạng trên, nhằm tăng cường công tác quản lý Nhà nước về tần số và máy phát vô tuyến điện, UBND Tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành cấp tỉnh, các đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan và UBND các huyện, thành phố thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:

I. Đối với công tác quản lý, sử dụng tần số và máy phát vô tuyến điện:

1. Yêu cầu các tổ chức, cá nhân có sử dụng tần số và máy phát vô tuyến điện phải nghiêm chỉnh thực hiện đúng các quy định về sử dụng tần số và máy phát VTĐ tại Pháp lệnh Bưu chính, Viễn thông số 43/2002/PL-UBTVQH10 ngày 25/5/2002 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội và Nghị định số 109/1997/NĐ-CP ngày 12/11/1997 của Chính phủ về Bưu chính và Viễn thông.

2. Mọi hình thức vi phạm trong việc sử dụng tần số và máy phát VTĐ phải được xử lý nghiêm theo quy định của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính và Nghị định 79/CP ngày 19/6/1997 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về bưu chính, viễn thông và tần số vô tuyến điện.

3. Đối với việc quản lý và sử dụng thiết bị điện thoại không dây loại kéo dài thuê bao: Nghiêm cấm việc nhập lậu, cất giữ, kinh doanh và sử dụng các thiết bị điện thoại không dây loại kéo dài thuê bao không thuộc Danh mục thiết bị dã được chứng nhận hợp chuẩn của ngành Bưu điện và không áp dụng đầy đủ việc ghi nhãn hàng hoá.

4. Đối với các thiết bị điện thoại kéo dài có công suất máy phát từ 1w trở lên, khi sử dụng phải có ''Giấy phép sử dụng máy phát và tần số vô tuyến điện'' do Cục Tần số vô tuyến điện cấp. Các tổ chức, cá nhân đang sử dụng các thiết bị điện thoại vô tuyến kéo dài có công suất máy phát từ 1w trở lên phải liên hệ với Bưu điện Tỉnh hoặc Trung tâm Kiểm soát tần số khu vực III để được kiểm định và hướng dẫn đăng ký làm thủ tục xin cấp giấy phép.

5. Đối với việc quản lý, sử dụng các thiết bị phát sóng trên phương tiện nghề cá:

5.1. Nghiêm cấm việc sử dụng các máy phát vô tuyến điện trên các phương tiện nghề cá mà không có ''Giấy phép sử dụng máy phát và tần số vô tuyến điện'' do cấp có thẩm quyền cấp.

5.2. Các chủ phương tiện nghề cá có trang bị thiết bị thông tin vô tuyến điện trên tàu thuyền phải liên hệ với Trung tâm Kiểm soát tần số khu vực III hoặc Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản Thừa Thiên Huế dể được hướng dẫn làm thủ tục đăng ký xin cấp giấy phép sử dụng.

II. Giao nhiệm vụ cụ thể:

1. Trung tâm kiểm soát tần số khu vực III có trách nhiệm kiểm soát, phát hiện các vi phạm về sử dụng tần số và máy phát vô tuyến điện (đặc biệt là các vi phạm về sử dụng điện thoại vô tuyến kéo dài), tổ chức phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra và kiến nghị xử lý các vi phạm .

2. Công an Tỉnh có trách nhiệm kiểm tra và ra Quyết định xử lý vi phạm hành chính đối với các vi phạm trong lĩnh vực sử dụng tần số và máy phát vô tuyến điện (đặc biệt là các vi phạm về sử dụng điện thoại kéo dài) theo thẩm quyền quy định tại Nghị định 79/CP ngày 19/6/1997 của Chính phủ.

3. Chi cục quản lý thị trường Tỉnh tổ chức kiểm tra các tổ chức cá nhân kinh doanh thiết bị viễn thông, phát hiện các trường hợp vi phạm trong việc buôn bán các thiết bị điện thoại vô tuyến kéo dài nhập lậu, không rõ nguồn gốc, không đúng quy định về ghi nhãn hàng hóa, có tần số sử dụng không đúng băng tần số quy định, xử lý theo phân cấp và đề xuất biện pháp xử lý lên cấp có thẩm quyền. Các cơ quan: Cục Bưu chính, Viễn thông và Công nghệ thông tin khu vực III, Công an Tỉnh và Trung tâm Kiểm soát tần số khu vực III có trách nhiệm phối hợp thực hiện và tham mưu cho UBND Tỉnh các giải pháp chỉ đạo tốt công tác quản lý Nhà nước về quản lý tần số và máy phát vô tuyến điện trên địa bàn tỉnh.

4. Bưu điện Tỉnh tăng cường kiểm tra các trường hợp thuê bao điện thoại tự ý đấu nối điện thoại vô tuyến kéo dài vào đầu cuối thuê bao, có biện pháp loại bỏ ngay những thiết bị điện thoại vô tuyến kéo dài có tần số không đúng băng tần quy định của Tổng cục Bưu điện (nay là Bộ Bưu chính, Viễn thông), phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

5. Sở Thuỷ sản chỉ đạo Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản thực hiện tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân về yêu cầu phải đăng ký cấp giấy phép cho máy phát VTĐ và phối hợp với Trung tâm Kiểm soát tần số khu vực III trong việc hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ, thu phí và giao Giấy phép cho các chủ phương tiện nghề cá.

Chỉ cấp mới và gia hạn '' Sổ chứng nhận đăng ký tàu cá '' cho các tàu thuyền đã có giấy phép sử dụng máy phát và tần số VTĐ hoặc đã hoàn thành thủ tục đăng ký cấp giấy phép (Đặc biệt là đối với các tàu thuyền đánh bắt xa bờ có trang bị hệ thống máy phát vô tuyến tầm xa -HF).

6. Bộ chỉ huy Biên phòng Tỉnh tổ chức tuyên truyền phổ biến các quy định về việc sử dụng máy phát và tần số vô tuyến điện cho ngư dân tại các đồn, trạm biên phòng; tiến hành kiểm tra ''Giấy phép sử dụng tần số và máy phát vô tuyến điện'' của các tàu thuyền ra vào cửa biển do đơn vị quản lý, nhắc nhở và yêu cầu các chủ tàu thuyền đăng ký làm thủ tục xin cấp giấy phép sử dụng máy phát và tần số vô tuyến điện theo đúng quy định của Nhà nước. Thực hiện việc không cho xuất bến các phương tiện nghề cá sử dụng máy phát VTĐ đã được tuyên truyền, nhắc nhở nhưng không chấp hành việc đăng ký xin cấp ''Giấy phép sử dụng tần số và máy phát vô tuyến điện'' . Tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính và chuyển cơ quan có thẩm quyền xử phạt đối với các trường hợp cố tình vi phạm.

7. Báo Thừa Thiên Huế, Đài PT-TH Thừa Thiên Huế và UBND các Huyện, thành phố Huế tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định trong việc quản lý, sử dụng tần số và máy phát vô tuyến điện

UBND Tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các Sở, Ban ngành cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các Huyện, thành phố Huế và các tổ chức, cá nhân liên quan thực hiện nghiêm Chỉ thị này.

 

 

Nơi nhận:
- TVTU;
- CT và các PCT HĐNĐ và UBND tỉnh;
- Cục Tần số vô tuyến điện;
- Cục Bưu chính, Viễn thông và CNTT khu vực III;
- Trung tâm KSTS khu vực III;
- Các Sở, ban ngành cấp Tỉnh;
- Công an Tỉnh;
- Bưu điện Tỉnh;
- Bộ chỉ huy Biên phòng Tỉnh; .
- UBND các Huyện và thành phố Huế;
- Đài PTTH và Báo Thừa Thiên Huế;
- VP: LĐ; CV:CN,GT,XĐ,TC,NC,TH;
- Lưu : VT.

TM.UBND TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Ngọc Thiện