ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 36/2004/CT-UB | Vinh, ngày 06 tháng 09 năm 2004 |
CHỈ THỊ
VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC ĐẢM BẢO AN TOÀN VÀ KIỂM SOÁT BỨC XẠ TRONG Y TẾ
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 45 cơ sở X-quang của Nhà nước và tư nhân đang hoạt động, trong đó nhiều cơ sở đã đầu tư trang bị máy mới có chất lượng tốt, phòng đặt máy được cải tạo, nâng cấp hoặc được thiết kế xây dựng mới theo tiêu chuẩn quy định, đảm bảo an toàn bức xạ, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng trong chẩn đoán và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tuy vậy, còn nhiều cơ sở X-quang (phần lớn thuộc cơ sở tư nhân) sử dụng máy đã quá cũ; các máy không được hiệu chuẩn định kỳ theo quy định; phòng đặt máy không đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định gây ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân viên trực tiếp làm công tác chiếu chụp, bệnh nhân và dân cư xung quanh. Nhân viên trực tiếp làm việc với thiết bị X-quang đa số không có Chứng chỉ đào tạo về an toàn bức xạ, không mang liều kế cá nhân khi làm việc với tia X, … Các cơ sở X-quang y tế trên địa bàn tỉnh chưa được cấp giấy phép sử dụng máy, chưa thực hiện đầy đủ các quy định của Pháp lệnh an toàn và kiểm soát bức xạ. Các hoạt động quản lý nhà nước về an toàn bức xạ chưa đảm bảo theo yêu cầu của Pháp lệnh An toàn và kiểm soát bức xạ.
Để đảm bảo an toàn và kiểm soát bức xạ, nâng cao chất lượng trong khám chữa bệnh, bảo vệ sức khỏe cho bệnh nhân, cán bộ, nhân viên trực tiếp làm việc với thiết bị X-quang và dân cư xung quanh, Ủy ban nhân dân tỉnh Chỉ thị:
1. Đối với các cơ sở bức xạ trong y tế:
a. Cán bộ và nhân viên bức xạ:
- Người quản lý cơ sở bức xạ, người phụ trách an toàn bức xạ phải có kiến thức về an toàn bức xạ, nắm vững và thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật, hướng dẫn của Bộ KH&CN và Bộ Y tế về an toàn và kiểm soát bức xạ, nghiêm chỉnh thực hiện việc khai báo, xin cấp giấy đăng ký, giấy phép sử dụng thiết bị phát tia X trong y tế theo quy định.
- Nhân viên bức xạ (bác sĩ, y sĩ, y tá, hộ lý, kỹ sư, kỹ thuật viên) làm việc trực tiếp với thiết bị bức xạ phải nghiêm chỉnh thực hiện những quy định của Pháp lệnh An toàn và kiểm soát bức xạ, phải tìm mọi biện pháp giảm liều chiếu xạ đến mức tối thiểu cho bệnh nhân trong khi vẫn thu được tất cả những thông tin lâm sàng cần thiết.
b. Thiết bị phát tia X, các thiết bị xạ trị chứa nguồn phóng xạ kín dùng để khám chữa bệnh, phòng đặt thiết bị bức xạ phải đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật theo quy định hiện hành.
2. Sở Khoa học và Công nghệ:
a. Chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về an toàn và kiểm soát bức xạ trên địa bàn tỉnh; tổ chức, chỉ đạo các hoạt động về an toàn và kiểm soát bức xạ trên địa bàn tỉnh; xây dựng và tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản quy phạm pháp luật và các biện pháp, kế hoạch đảm bảo an toàn và kiểm soát bức xạ phù hợp với điều kiện cụ thể của tỉnh
b. Phối hợp với Sở Y tế:
- Phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về an toàn và kiểm soát bức xạ, hướng dẫn các tổ chức và cá nhân có cơ sở bức xạ, chất thải phóng xạ hoặc tiến hành công việc bức xạ khai báo, đăng ký, xin cấp phép sử dụng nguồn bức xạ trong y tế,…
- Tổ chức thẩm định an toàn bức xạ, cấp phép, gia hạn, thu hồi giấy phép sử dụng thiết bị phát tia X dùng trong y tế theo quy định. Trong năm 2004 phải khẩn trương tổ chức thẩm định và cấp phép sử dụng thiết bị phát tia X dùng trong y tế cho tất cả các cơ sở X-quang trên địa bàn tỉnh. Đối với những cơ sở X-quang không đảm bảo tiêu chuẩn cấp phép sử dụng phải có biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật.
- Tổ chức kiểm tra, thanh tra định kỳ hoặc bất thường về việc chấp hành các quy định pháp luật về an toàn và kiểm soát bức xạ đối với các cơ sở bức xạ, các tổ chức, cá nhân tiến hành công việc bức xạ hoặc có nguồn bức xạ và chất thải phóng xạ. Xử lý kịp thời và nghiêm minh những vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn và kiểm soát bức xạ.
- Hàng năm, trước ngày 20 tháng 12, gửi bản thống kê danh sách các giấy phép đã cấp trong năm và báo cáo tình hình an toàn và kiểm soát bức xạ trên địa bàn tỉnh cho Cục Kiểm soát và an toàn bức xạ, hạt nhân (Bộ KH&CN) và UBND tỉnh.
3. Sở Y tế:
a. Phối hợp với Sở KH&CN giám sát, kiểm tra việc thực hiện an toàn bức xạ ở các cơ sở bức xạ thuộc phạm vi địa phương.
b. Xem xét, cấp giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn và điều kiện hành nghề X-quang cho các cơ sở bức xạ tư nhân sau khi có đầy đủ hồ sơ và giấy phép về an toàn bức xạ theo quy định.
c. Chỉ đạo các Cơ sở X-quang có kế hoạch đổi mới thiết bị, phóng đặt máy đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật theo quy định, không đưa vào sử dụng các thiết bị đã quá cũ để đảm bảo an toàn bức xạ và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.
Nhận được Chỉ thị này, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Giám đốc Sở Khoa học và công nghệ, Giám đốc Sở Y tế, Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành cấp tỉnh có liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị, Thủ trưởng các cơ sở X-quang và các tổ chức, cá nhân liên quan triển khai thực hiện nghiêm túc chỉ thị này.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN |
- 1 Chỉ thị 01/2011/CT-UBND về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước về kiểm soát, đảm bảo an toàn bức xạ trên địa bàn do tỉnh Cà Mau ban hành
- 2 Chỉ thị 37/2007/CT-UBND tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực an toàn và kiểm soát bức xạ trên địa bàn tỉnh Quảng Nam
- 3 Chỉ thị 09/2007/CT-UBND tăng cường công tác quản lí nhà nước về an toàn và kiểm soát bức xạ trên địa bàn tỉnh Bình Dương
- 1 Chỉ thị 01/2011/CT-UBND về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước về kiểm soát, đảm bảo an toàn bức xạ trên địa bàn do tỉnh Cà Mau ban hành
- 2 Chỉ thị 37/2007/CT-UBND tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực an toàn và kiểm soát bức xạ trên địa bàn tỉnh Quảng Nam
- 3 Chỉ thị 09/2007/CT-UBND tăng cường công tác quản lí nhà nước về an toàn và kiểm soát bức xạ trên địa bàn tỉnh Bình Dương