Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

 

UBND TỈNH NGHỆ AN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 37/2000/CT-UB

Ngày 18 tháng 07 năm 2000

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC CỦNG CỐ, CHẤN CHỈNH TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CÁC QUỸ TÍN DỤNG NHÂN DÂN

Sau 5 năm thực hiện đề án thành lập quỹ tín dụng nhân dân, nhìn chung các quỹ tín dụng nhân dân ở tỉnh Nghệ An chấp hành khá tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Hoạt động có hiệu quả, đã góp phần phát triển sản xuất kinh doanh, xóa đói giảm nghèo, hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi, nâng cao đời sống nhân dân ở các vùng nông thôn.

Tuy nhiên vẫn còn một số quỹ tín dụng nhân dân chưa chấp hành nghiêm túc các quy định về chế độ tín dụng, lãi suất, tài chính, hạch toán kế toán, có biểu hiện chạy theo lợi nhuận, trình độ cán bộ còn bất cập so với yêu cầu nhiệm vụ, sự quan tâm của cấp ủy chính quyền địa phương một số nơi chưa đúng mức... dẫn đến kết quả hoạt động thấp.

Để củng cố tổ chức và hoạt động của các quỹ tín dụng theo đúng pháp luật, an toàn, hiệu quả và tăng cường quản lý đối với hệ thống quỹ tín dụng nhân dân trong thời gian tới, UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành liên quan thực hiện tốt một số nội dung sau đây:

1. UBND các huyện, thành phố, thị xã (nơi có quỹ tín dụng nhân dân) chỉ đạo UBND phường, xã, thị trấn, thành lập Ban chỉ đạo củng cố, chấn chỉnh tổ chức và hoạt động các quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn, do Chủ tịch hoặc Phó chủ tịch UBND phướng, xã, thị trấn làm trưởng ban, Chủ tịch HĐQT quỹ tín dụng làm phó ban trực, Giám đốc và kiểm soát của quỹ làm ủy viên. Ban chỉ đạo có nhiệm vụ chỉ đạo quỹ tín dụng nhân dân xây dựng và thực hiện phương án củng cố, chấn chỉnh quỹ tín dụng nhân dân theo hướng dẫn của ngân hàng Nhà nước.

2. Hội đồng quản trị quỹ tín dụng nhân dân căn cứ vào tình hình tổ chức và hoạt động của quỹ mình, xây dựng phương án củng cố, chấn chỉnh báo cáo Ban chỉ đạo phường, xã, thị trấn và xin ý kiến lãnh đạo, chỉ đạo đảng ủy, UBND phường, xã, thị trấn gửi về ngân hàng Nhà nước tỉnh tổng hợp trình UBND tỉnh phê duyệt mới được thực hiện.

3. Đối với các quỹ tín dụng nhân dân công tác tổ chức chưa ổn định, cấp ủy, chính quyền địa phương phường, xã, thị trấn phải có phương án về nhân sự, đại hội nhiệm kỳ lựa chọn những người có năng lực, trình độ, phẩm chất, đạo đức tốt để bầu vào lãnh đạo quỹ tín dụng, đảm bảo quỹ hoạt động có hiệu quả. Trường hợp quỹ tín dụng do cán bộ năng lực quản lý, điều hành yếu, thiếu tinh thần trách nhiệm, hoạt động kém hiệu quả, mặc dầu địa phương đã có nhiều biện pháp khắc phục vẫn không thể củng cố, vươn lên được thì phải xây dựng phương án thu hồi giấy phép hoạt động.

4. Những quỹ tín dụng có dư nợ quá hạn trên 3% tổng dư nợ, phải tập trung chỉ đạo, tìm mọi biện pháp phối hợp với các ngành chức năng tại địa phương tăng cường thu hồi nợ, giảm tỷ lệ nợ quá hạn để quỹ tín dụng hoạt động có hiệu quả.

5. Đối với các quỹ tín dụng nhân dân đã được chuyển đổi theo luật hợp tác xã đang hoạt động có hiệu quả, cần phát huy những mặt mạnh, đảm bảo quỹ tín dụnghd đúng mục tiêu, đúng quy định của pháp luật.

6. Sau khi phương án củng cố chấn chỉnh được phê duyệt, các quỹ tín dụng nhân dân tập trung thực hiện xong phương án củng cố, chấn chỉnh trước ngày 31/12/2000. Định kỳ hàng tháng, quý, quỹ tín dụng nhân dân phải báo cáo tình hình thực hiện phương án cho ngân hàng Nhà nước tỉnh tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.

7. Ngân hàng Nhà nước tỉnh thành lập Ban chỉ đạo củng cố, chấn chỉnh hệ thống quỹ tín dụng nhân dân, đồng thời phối hợp với UBND các cấp, các ngành chỉ đạo các quỹ tín dụng cơ sở triển khai thực hiện phương án nghiêm túc, có hiệu quả.

Yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã, Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban ngành liên quan thực hiện tốt những nội dung đã nêu trên./.

 

 

 

UBND TỈNH NGHỆ AN




Nguyễn Văn Hành