ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 37/CT-UB | TP. Hồ Chí Minh, ngày 01 tháng 08 năm 1985 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC BẢO HIỂM TAI NẠN LAO ĐỘNG TRONG PHẠM VI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Thành phố Hồ Chí Minh là một trung tâm kinh tế văn hóa và khoa học kỹ thuật, một trung tâm công nghiệp có nhiều xí nghiệp, nhà máy lớn, nhiều cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp – thủ công nghiệp và dịch vụ; quy tụ nhiều ngành nghề và công nhân lao động. Theo đà cải tạo và xây dựng thành phố, số lượng công nhân viên chức và thợ thủ công tăng lên không ngừng. Riêng số công nhân viên chức tăng từ 200 ngàn những năm đầu giải phóng đến nay đã tăng lên gần 400 ngàn.
Mặc dù công tác bảo hộ lao động luôn luôn được Nhà nước ta quan tâm tăng cường chỉ đạo thực hiện nhưng trong quá trình lao động vẫn không tránh khỏi xảy ra những tai nạn rủi ro bất ngờ làm cho người công nhân, viên chức bị thiệt mạng hoặc mất sức lao động hoàn toàn, hay một phần, do đó phát sinh ra nhiều vấn đề xã hội. Tuy đã có bảo đảm của chế độ bảo hiểm xã hội theo Nghị định số 218/CP ngày 27-12-1961 của Chính phủ nhưng thực tế của bảo hiểm xã hội cũng chưa đủ đáp ứng được yêu cầu của người lao động.
Trong tình hình trên, Ủy ban Nhân dân Thành phố thấy cần triển khai công tác bảo hiểm tai nạn lao động để bổ sung cho chế độ bảo hiểm xã hội nhằm giúp cho người lao động và gia đình vượt qua được khó khăn khi chẳng may gặp tai nạn.
Để tổ chức thực hiện tốt công tác bảo hiểm tai nạn lao động, Ủy ban Nhân dân Thành phố chỉ thị:
1. Tất cả các cơ quan, xí nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp sản xuất… nói chung là những tổ chức có tư cách pháp nhân có sử dụng người lao động, hoạt động trên địa bàn thành phố phải vận động tập thể công nhân, viên chức, xã viên tham gia bảo hiểm tai nạn lao động.
Phí bảo hiểm tai nạn lao động do các cơ quan, xí nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp… bàn bạc thống nhất trong tập thể người lao động để sử dụng một phần của quỹ phúc lợi hoặc tự mỗi người đóng góp.
Các cơ quan, xí nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp… có nhiệm vụ lập thủ tục ký kết hợp đồng bảo hiểm tai nạn lao động, thu phí và chuyển nộp cho Chi nhánh bảo hiểm thành phố Hồ Chí Minh.
2. Chi nhánh bảo hiểm, thành phố Hồ Chí Minh là cơ quan được Nhà nước giao nhiệm vụ bảo hiểm phải tổ chức tốt công tác bảo hiểm, tai nạn lao động. Khi triển khai cần tích cực phối hợp chặt chẽ với các ngành có liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy tắc, giá biểu phí bảo hiểm, hướng dẫn các cơ quan đơn vị ký kết hợp đồng bảo hiểm và khi có tai nạn lao động phải kịp thời giải quyết bồi thường cho phía người bị tai nạn theo nội dung của hợp đồng bảo hiểm đã ký kết.
Chi nhánh bảo hiểm thành phố phải trích 5% phí thu về bảo hiểm tai nạn lao động để đóng góp với các cơ quan đơn vị tham gia bảo hiểm trong công tác phòng ngừa và hạn chế tai nạn lao động, khen thưởng kịp thời những đơn vị, cá nhân có thành tích trong bảo vệ an toàn lao động.
3. Sở Lao động, Sở Y tế, Công an thành phố Liên hiệp Công đoàn thành phố và Ủy ban Nhân dân các quận huyện kết hợp chặt chẽ, hỗ trợ chi nhánh bảo hiểm thành phố trong công tác tuyên truyền vận động, trong công tác kiểm tra an toàn lao động và đề phòng hạn chế tai nạn cũng như trong công tác điều tra lập hồ sơ khi xảy ra tai nạn.
4. Sở Tài chánh, Ngân hàng các cấp tạo mọi điều kiện dễ dàng giúp Chi nhánh bảo hiểm thành phố thu đầy đủ chi phí bảo hiểm và giải quyết bồi thường đầy đủ kịp thời cho người tai nạn mỗi khi xảy ra tai nạn lao động.
5. Đài phát thanh, truyền hình, các cơ quan báo chí hỗ trợ Chi nhánh bảo hiểm thành phố làm tốt công tác tuyên truyền phổ biến các chế độ, quy tắc bảo hiểm và công tác đề phòng tai nạn hạn chế tổn thất.
6. Chỉ thị này có hiệu lực từ ngày ký. Chi nhánh bảo hiểm thành phố có trách nhiệm cùng các cơ quan hữu quan hướng dẫn triển khai thi hành chỉ thị này và mỗi sáu tháng báo cáo tình hình bảo hiểm tai nạn lao động và những ý kiến đề xuất về Thường trực Ủy ban Nhân dân thành phố.
| TM.ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
QUY TẮC
BẢO HIỂM TAI NẠN LAO ĐỘNG
(Ban hành kèm theo Chỉ thị số 37/CT-UB ngày 01.8.1985 của UBND Thành phố)
I. PHẠM VI BẢO HIỂM:
Quy tắc bảo hiểm này bảo đảm cho công nhân viên chức các cơ quan, đơn vị sản xuất kinh doanh, xã viên hợp tác xã và những người lao động tập thể khác về tổn hại thân thể (thương tật vĩnh viễn hoặc thiệt mạng) do tai nạn lao động gây ra.
Các cơ quan đơn vị kinh doanh sản xuất, hợp tác xã… ở đây được gọi chung là đơn vị tham gia bảo hiểm.
“Tai nạn lao động” theo quy tắc này có nghĩa là tai nạn xảy ra trong thời hạn hợp đồng bảo hiểm cho người lao động được bảo hiểm trong khi đang làm việc tại đơn vị hay trong khi đi công tác; hoặc trong khi từ nhà tới đơn vị hay từ đơn vị trở về nhà trên lộ trình hợp lý theo đúng với nội dung về tai nạn lao động quy định trong chế độ bảo hiểm xã hội.
II. KHÔNG THUỘC PHẠM VI BẢO HIỂM
Quy tắc bảo hiểm này không áp dụng cho những trường hợp và nguyên nhân sau đây:
1. Tổn hại thân thể trực tiếp hoặc gián tiếp gây ra do:
Hành động cố ý phạm tội hoặc là hậu quả của tội phạm kể cả hành động tự tử hay định tự tử của người được bảo hiểm dù trong lúc tỉnh trí hay loạn trí.
Tai nạn xảy ra khi người được bảo hiểm bị ảnh hưởng của rượu, và các loại chất tương đương; hoặc người được bảo hiểm vi phạm nghiêm trọng nội quy, kỹ thuật an toàn lao động.
2. Tổn hại thân thể do bịnh tật, kể cả bịnh nghề nghiệp.
III. SỐ TIỀN BẢO HIỂM
Số tiền bảo hiểm do người được bảo hiểm tự nguyện yêu cầu thông qua cơ quan, đơn vị sản xuất kinh doanh, và được cơ quan bảo hiểm chấp thuận; cụ thể có hai cách tính số tiền bảo hiểm.
Tiền bảo hiểm tai nạn lao động được tính trên cơ sở: số tiền bảo hiểm và tỷ lệ phí bảo hiểm.
Thí dụ: Nhà máy dệt T (thuộc ngành công nghiệp nhẹ) có 1.200 công nhân, viên chức; trong đó có 200 lao động gián tiếp sản xuất và 1.000 lao động trực tiếp sản xuất.
Trường hợp 1 : Tập thể công nhân viên chức của nhà máy đều nhất trí muốn được bảo hiểm tai nạn lao động tới mức nhất định là 10.000 đồng mỗi người. Phí bảo hiểm hàng năm được tính như sau:
10.000 x 200 lao động
gián tiếp x 0,15% = 3.000 đ
10.000 x 1.000 lao động
trực tiếp x 0,25% = 25.000 đ
Tổng số bảo hiểm … 28.000 đ
Như vậy khi xảy ra tai nạn lao động, người bị tai nạn có thể được bồi thường tới mức 10.000 đồng.
Trường hợp 2: Để bảo đảm đúng mức quyền lợi của người lao động theo nguyên tắc phân phối xã hội chủ nghĩa, tập thể công nhân viên chức nhà máy đều muốn được bảo hiểm đủ 12 tháng lương (giả dụ lương tháng bình quân của lao động gián tiếp sản xuất là 1.000đ và trực tiếp sản xuất là 1.500 đồng). Phí bảo hiểm hàng năm được tính như sau:
1.000đ x 12 x 200 lao động
gián tiếp x 0,15 = 3.600đ
1.500đ x 12 x 1.000 lao động
trực tiếp x 0,25 = 45.000đ
Tổng số phí bảo hiểm….……48.600đ
Như vậy khi xảy ra tai nạn lao động, người bị tai nạn có thể được bồi thường tới mức 12 tháng lương.
IV. HỢP ĐỒNG BẢO HIỂM:
1. Đơn vị tham gia bảo hiểm gởi cho cơ quan bảo hiểm giấy yêu cầu bảo hiểm tai nạn lao động, trong đó kê khai đầy đủ mọi chi tiết và kèm theo danh sách những người được bảo hiểm cùng các số tiền bảo hiểm.
Trên cơ sở giấy yêu cầu này, cơ quan bảo hiểm lập hợp đồng bảo hiểm tai nạn lao động chung cho tất cả mọi người có tên trong danh sách của đơn vị tham gia bảo hiểm và hợp đồng bảo hiểm có giá trị kể từ ngày nộp phí bảo hiểm.
2. Mọi sự điều chỉnh thay đổi hợp đồng sau khi ký kết phải được đơn vị tham gia bảo hiểm thông báo cho cơ quan bảo hiểm biết trước ít nhất một tháng.
3. Hợp đồng bảo hiểm tai nạn lao động có thể được tiếp tục hàng năm theo yêu cầu của đơn vị tham gia bảo hiểm.
4. Một trong hai bên ký kết muốn hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm tai nạn lao động phải thông báo cho bên kia biết trước ít nhất là ba tháng. Phí bảo hiểm của thời gian còn lại sẽ được hoàn trả đơn vị tham gia bảo hiểm.
V. NGUYÊN TẮC BỒI THƯỜNG
1. Khi bị tai nạn lao động theo quy định của quy tắc bảo hiểm này, người được bảo hiểm hoặc người thừa kế hay thân quyến hợp pháp sẽ được cơ quan bảo hiểm bồi thường như sau:
a) Bồi thường thiệt mạng: Khi thương tích trong 1 tai nạn lao động làm cho người được bảo hiểm thiệt mạng, ngay hoặc trong vòng 12 tháng kể từ ngày bị tai nạn, người thừa kế hoặc thân quyến hợp pháp sẽ được bồi thường toàn bộ số tiền bảo hiểm đã ghi trong hợp đồng bảo hiểm về phần người ấy.
b) Bồi thường tàn tật vĩnh viễn toàn phần: Khi thương tích trong một tai nạn lao động không làm thiệt mạng người được bảo hiểm nhưng qua Hội đồng giám định y khoa xác nhận người được bảo hiểm bị tàn tật hoặc mất năng lực vĩnh viễn toàn phần tới 100%; cơ quan bảo hiểm sẽ bồi thường như trường hợp thiệt mạng.
c) Bồi thường thương tật vĩnh viễn bộ phận: nếu thương tích trong tai nạn lao động, chỉ làm người được bảo hiểm bị thương tật hoặc mất năng lực vĩnh viễn bộ phận, cơ quan bảo hiểm sẽ bồi thường một phần số tiền bảo hiểm tương ứng với tỷ lệ thương tật do Hội đồng giám định y khoa xác nhận. Trường hợp thương tật dưới 5% cơ quan bảo hiểm không có trách nhiệm bồi thường.
2. Trong bất cứ trường hợp nào cơ quan bảo hiểm chỉ phải trả bồi thường cho một tai nạn lao động không vượt quá số tiền bảo hiểm. Nếu tai nạn lao động dẫn đến thiệt mạng sau khi một phần tiền đã được trả cho trường hợp thương tật vĩnh viễn bộ phận thì tiền bồi thường này sẽ tính trừ vào tiền bồi thường trường hợp thiệt mạng.
3. Nếu vì lý do gì mà tỷ lệ thương tật chưa xác định được, cơ quan bảo hiểm có quyền hoãn việc bồi thường hoặc chỉ ứng trước phần tiền bồi thường nếu theo cơ quan y tế Nhà nước ước định là có một thương tật vĩnh viễn ít nhất là 5% do tai nạn lao động gây ra. Tuy nhiên chậm nhất là hai năm sau ngày xảy ra tai nạn lao động tỷ lệ thương tật phải được xác định dứt khoát.
VII. NGHĨA VỤ NGƯỜI ĐƯỢC BẢO HIỂM
1. Người được bảo hiểm phải triệt để chấp hành nghiêm chỉnh các nội quy, quy tắc an toàn lao động của đơn vị và các yêu cầu phòng hộ lao động khác.
2. Khi xảy ra tai nạn, người được bảo hiểm và thân quyến phải thực hiện tất cả những quy định của cơ quan y tế Nhà nước trong việc cứu chữa và phục hồi sức khỏe.
3. Người được bảo hiểm và đơn vị tham gia bảo hiểm phải khai báo trung thực tình hình và nguyên nhân tai nạn.
VIII. TRÁCH NHIỆM CỦA ĐƠN VỊ THAM GIA BẢO HIỂM
1. Thủ trưởng đơn vị thay mặt tập thể người lao động trong đơn vị mình khai báo đầy đủ mọi chi tiết trên giấy yêu cầu bảo hiểm và ký kết hợp đồng bảo hiểm tai nạn lao động.
2. Đơn vị tham gia bảo hiểm phải có biện pháp cải thiện điều kiện làm việc, trang bị phòng hộ lao động, nghiêm chỉnh chấp hành các chế độ vệ sinh an toàn lao động, chế độ khám tuyển, khám định kỳ cho người lao động nhằm đề phòng tai nạn xảy ra.
3. Khi xảy ra tai nạn lao động, người đại diện có thẩm quyền của đơn vị phải có mặt ngay nơi xảy ra tai nạn.
Thi hành mọi biện pháp cần thiết để chăm sóc cứu chữa kịp thời người bị nạn.
Thông báo ngay cho cơ quan bảo hiểm gần nhất cử người đến xem xét hiện trường để phối hợp cùng với đơn vị và các cơ quan hữu quan khác lập biên bản tai nạn giải quyết hậu quả.
4. Mỗi một tai nạn lao động, đơn vị tham gia bảo hiểm phải tập trung hồ sơ khai báo bằng văn bản cho cơ quan bảo hiểm biết trong vòng bảy (7) ngày kể từ ngày xảy ra tai nạn.
5. Nếu cơ quan bảo hiểm yêu cầu đơn vị hoặc người được bảo hiểm phải có trách nhiệm chứng minh tổn hại thân thể phát sinh từ tai nạn không phải do những trường hợp hoặc nguyên nhân nêu tại phần II của quy tắc này (không thuộc phạm vi bảo hiểm)
Đơn vị tham gia bảo hiểm làm tốt công tác bảo hộ lao động, hàng năm sẽ được cơ quan bảo hiểm xét khen thưởng đúng mức.
IX. THỦ TỤC BỒI THƯỜNG
1. Khi yêu cầu bồi thường, phía người được bảo hiểm cần phải tập trung gởi cho cơ quan bảo hiểm các giấy tờ sau:
Đơn yêu cầu bồi thường tai nạn lao động có nêu rõ số tiền đòi.
Bản sao giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ khẩu thường trú của người được bảo hiểm bị nạn.
Biên bản tai nạn lao động.
Bản kết luận xếp hạng thương tật của Hội đồng giám định y khoa hoặc giấy chứng tử.
2. Cơ quan bảo hiểm có trách nhiệm xem xét giải quyết và thanh toán tiền bồi thường trong vòng ba mươi (30) ngày kể tư ngày nhận được đầy đủ các giấy tờ nói trên.
3. Trong thời hạn một (1) năm kể từ ngày xảy ra tai nạn lao động nếu phía người được bảo hiểm không lập thủ tục đòi cơ quan bảo hiểm bồi thường thì mọi khiếu nại về sau cơ quan bảo hiểm sẽ không còn trách nhiệm giải quyết.
X. QUY ĐỊNH CHUNG
1. Hợp đồng bảo hiểm tai nạn lao động có đầy đủ hiệu lực dù người bị tai nạn đã được hưởng dụng những trợ cấp của bảo hiểm xã hội hoặc những bồi thường của các loại hình bảo hiểm khác.
2. Các tranh chấp liên quan đến hợp đồng bảo hiểm tai nạn lao động sẽ do cơ quan bảo hiểm và đơn vị tham gia bảo hiểm hiệp thương giải quyết và xét cần, thì sẽ mời đại diện Liên hiệp Công đoàn và Sở Lao động cùng tham dự. Nếu không có kết quả có thể đưa ra cơ quan Trọng tài xét xử.
- 1 Quyết định 6699/QĐ-UB-NC năm 1998 bãi bỏ các văn bản qui phạm pháp luật thuộc lĩnh vực văn hóa - xã hội đã hết hiệu lực ban hành từ ngày 02/7/1976 đến ngày 31/12/1996 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh
- 2 Quyết định 6699/QĐ-UB-NC năm 1998 bãi bỏ các văn bản qui phạm pháp luật thuộc lĩnh vực văn hóa - xã hội đã hết hiệu lực ban hành từ ngày 02/7/1976 đến ngày 31/12/1996 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh