Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3727/CT-BNN-TCTS

Hà Nội, ngày 05 tháng 05 năm 2017

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ KHAI THÁC THỦY SẢN CHO NGƯỜI, TÀU CÁ HOẠT ĐỘNG TRÊN BIỂN

Trong những năm vừa qua công tác quản lý khai thác thủy sản, đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động thủy sản trên các vùng biển đã đạt được những kết quả tích cực; số lượng tàu cá hoạt động ở vùng biển ven bờ giảm; số lượng tàu cá hoạt động vùng biển xa bờ phát triển nhanh; mục tiêu hiện đại hóa tàu cá thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 09/02/2007 về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 của Việt Nam bước đầu đã đạt được kết quả nhất định.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hiện nay trong công tác quản lý khai thác thủy sản, đảm bảo an toàn cho người, tàu cá hoạt động thủy sản trên các vùng biển vẫn còn một số bất cập như: tình trạng tai nạn tàu cá xảy ra vẫn còn nhiều, tàu cá đánh bắt bất hợp pháp diễn biến ngày càng phức tạp, tàu cá đóng mới không theo quy hoạch còn phổ biến. Các bất cập nêu trên đã ảnh hưởng tới hoạt động khai thác thủy sản, vi phạm nghiêm trọng các quy định của Việt Nam và quốc tế.

Để quản lý tốt hoạt động khai thác thủy sản, đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động trên các vùng biển; hướng tới khai thác thủy sản bền vững, hiệu quả, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị:

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố ven biển chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện nghiêm một số nội dung giải pháp cụ thể sau:

a) Tăng cường quản lý, kiểm soát chặt chẽ việc đóng mới tàu cá theo quy hoạch, tạm dừng việc cấp văn bản chấp thuận cho phép đóng mới tàu cá làm nghề lưới kéo dưới mọi hình thức, kể cả tàu giải bản, bị hư hỏng mục nát hoặc bị tai nạn.

b) Thực hiện nghiêm việc đăng ký, đăng kiểm tàu cá và cấp giấy phép khai thác thủy sản; đối với việc cấp giấy phép khai thác thủy sản phải thống nhất giữa vùng hoạt động của giấy phép khai thác thủy sản với vùng hoạt động của giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá; hiệu lực của giấy phép khai thác thủy sản phải thống nhất với hiệu lực trong chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá.

c) Tăng cường thẩm định, phê duyệt hồ sơ thiết kế đối với tàu cá có hồ sơ thiết kế và kiểm tra an toàn kỹ thuật, từ khâu thẩm định hồ sơ thiết kế, giám sát quá trình đóng mới, nâng cấp, sửa chữa đối với tàu cá có công suất từ 90CV trở lên; nghiêm cấm việc lắp đặt các loại máy kém chất lượng, máy bộ (động cơ ô tô, máy kéo được thủy hóa, các máy tàu không rõ nguồn gốc, xuất xứ) xuống các tàu cá.

d) Tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định về khai thác thủy sản, kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm của nước ngoài khi tàu cá các nước khác vi phạm; tổ chức cho ngư dân ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài để đánh bắt hải sản; đối với các chủ tàu cá có tàu cá vi phạm vùng biển các nước để đánh bắt hải sản trái phép thì không xem xét hỗ trợ để hưởng các chính sách đã được nhà nước ban hành, đồng thời thực hiện tước quyền sử dụng bằng thuyền trưởng, giấy phép khai thác thủy sản đối với thuyền trưởng và tàu cá vi phạm.

đ) Thực hiện nghiêm công tác xác nhận và chứng nhận nguyên liệu thủy sản khai thác theo đúng quy định tại Điều 6, Điều 7 và Điều 8 Thông tư số 50/2015/TT-BNNPTNT ngày 30/12/2015 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về chứng nhận, xác nhận thủy sản; sản phẩm thủy sản khai thác phải được kiểm tra tính xác thực của các thông tin đã ghi trong giấy xác nhận nguyên liệu của chủ hàng trước khi được xác nhận và chứng nhận nguồn gốc sản phẩm khai thác.

e) Chỉ đạo Thanh tra chuyên ngành thủy sản tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các trường hợp tàu cá vi phạm các quy định của pháp luật như: không trang bị đầy đủ các trang thiết bị đảm bảo an toàn khi hoạt động trên biển, không thực hiện đánh dấu tàu cá, không có số đăng ký không thực hiện ghi nhật ký khai thác thủy sản; sử dụng các loại ngư cụ cấm đặc biệt là các trường hợp sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản.

g) Thực hiện nghiêm chế độ báo cáo về tình hình triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị này và các văn bản hướng dẫn văn bản quản lý về khai thác thủy sản, đảm bảo an toàn cho người, tàu cá hoạt động trên biển về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (qua Tổng cục Thủy sản) trước ngày 25 hàng tháng; bằng văn bản theo địa chỉ số 10 Nguyễn Công Hoan, Ba Đình, Hà Nội, bằng thư điện tử theo địa chỉ: khaithacthuysan@mard.gov.vn

2. Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản

a) Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố ven biển tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định về Luật Thủy sản các quy định về quản lý hoạt động khai thác thủy sản của Việt Nam của các nước, các tổ chức quản lý nghề cá khu vực và quốc tế để ngư dân không vi phạm vùng biển các nước đánh bắt thủy sản trái phép.

b) Tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ trực tiếp làm công tác đăng kiểm tàu cá, đáp ứng được với tình hình ứng dụng công nghệ, kỹ thuật mới, phù hợp với tình hình phát triển tàu cá.

c) Chủ trì, theo dõi, đôn đốc các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện Chỉ thị này, tổng hợp kết quả, báo cáo Bộ.

Trong quá trình thực hiện Chỉ thị, nếu có vướng mắc phát sinh, đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố ven biển và Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản báo cáo, phản ánh bằng văn bản gửi về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Tổng cục Thủy sản) để tổng hợp, xử lý./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (để b/c);
- Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng (để b/c);
- Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường (để b/c);
- Văn phòng Chính phủ;
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố ven biển (để p/h);
- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố ven biển (để t/h);
- Tổng cục Thủy sản (để t/h);
- Đăng Website của Bộ;
- Đăng Website của Tổng cục Thủy sản;
- Lưu: VT, TCTS (80 bản).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Vũ Văn Tám