ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 38/CT-UB | TP. Hồ Chí Minh, ngày 25 tháng 09 năm 1990 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TÍCH CỰC GIẢI QUYẾT HÀNG HÓA VẬT TƯ Ứ ĐỌNG Ở CÁC ĐƠN VỊ SẢN XUẤT KINH DOANH CỦA THÀNH PHỐ VÀ QUẬN HUYỆN
Hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị thành phố và quận huyện đang gặp những khó khăn lớn do thiếu vốn lưu động. Ủy ban nhân dân thành phố với sự hỗ trợ của Nhà nước đang nỗ lực tìm nguồn vốn trong nước và nước ngoài để đáp ứng yêu cầu vốn cho các đơn vị sản xuất kinh doanh. Trong khi đó, kết quả đợt kiểm kê và đánh giá lại vốn của các đơn vị sản xuất kinh doanh cho thấy ở các đơn vị còn một khối lượng lớn sản phẩm, hàng hóa, vật tư tồn đọng, có loại vật tư hàng hóa tồn đọng lâu ngày. Đây là nguồn vốn lưu động rất quan trọng nhưng không phát huy được hiệu quả. Tình trạng này không thể để kéo dài.
Để giải quyết một bước cơ bản tình hình trên nhằm bổ sung kịp thời nguồn vốn cho các đơn vị sản xuất kinh doanh, Ủy ban nhân dân thành phố chỉ thị :
1/ Thủ trưởng các đơn vị sản xuất kinh doanh căn cứ tình hình hàng hóa, vật tư ứ đọng của đơn vị, tiến hành phân loại và có biện pháp tiêu thụ ngay cho các tổ chức kinh tế trên địa bàn thành phố và các tỉnh. Những thiết bị, vật tư lỡ nhập khẩu nhưng không có nhu cầu, không tiêu thụ được trong nước thì tìm cách tái xuất khẩu. Đối với các loại hàng khó tiêu thụ, hàng bị mất phẩm chất, v.v… có thể giảm giá trong những trường hợp nhất định, có thể chịu lỗ để thu hồi vốn.
2/ Giám đốc các sở ngành chủ quản, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện, Tổng Giám đốc, Giám đốc các liên hiệp. Tổng Công ty, Công ty trực thuộc thành phố chịu trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra đôn đốc các đơn vị trực thuộc thực hiện chủ trương giải quyết hàng ứ đọng, và báo cáo kế hoạch thực hiện cho Ủy ban nhân dân thành phố và Cục Thống kê vào ngày 15/10/1990 và sau đó thường xuyên báo cáo định kỳ vào cuối mỗi tháng. Mỗi đơn vị cần tổ chức một bộ phận chuyên trách công tác này.
3/ Sở Tài chánh và Ban Vật giá thành phố có trách nhiệm theo dõi, giải quyết nhanh thủ tục xét duyệt giá cho các đơn vị. Ủy ban Kế hoạch thành phố, Công ty Vật tư tổng hợp, Sở Thương nghiệp chủ động cung cấp thông tin về nhu cầu hàng hóa vật tư cho các đơn vị, hướng tiêu thụ các loại hàng hóa, vật tư.
4/ Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố phụ trách khối nào, có trách nhiệm chỉ đạo các đơn vị trong khối thực hiện chủ trương này. Đối với những vấn đề khó khăn, cấp sở không giải quyết được hoặc quá thẩm quyền của Sở thì Giám đốc Sở xin ý kiến Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố phụ trách khối cho ý kiến giải quyết. Riêng đối với các vướng mắc của các quận huyện, đồng chí Phó Chủ tịch Nguyễn Công Ái chịu trách nhiệm giải quyết.
Ủy ban nhân dân thành phố phân công đồng chí Phó Chủ tịch Nguyễn Công Ái chịu trách nhiệm chung về chỉ đạo thực hiện công tác giải quyết hàng hóa, vật tư ứ đọng của thành phố.
Yêu cầu các Sở khẩn trương triển khai chỉ thị này đến các đơn vị cơ sở sản xuất kinh doanh của Sở mình, ráo riết chỉ đạo thực hiện, tổ chức giao ban hàng tuần, phân công cán bộ theo dõi chặt chẽ, kịp thời giải quyết các kiến nghị của cơ sở, và phản ánh tình hình kịp thời và kiến nghị biện pháp giải quyết những vấn đề cụ thể cho Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố phụ trách khối.-
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
- 1 Quyết định 4340/QĐ-UB-NC năm 1998 bãi bỏ các văn bản qui phạm pháp luật hết hiệu lực ban hành từ ngày 02/7/1976 đến ngày 31/12/1996 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh
- 2 Quyết định 4340/QĐ-UB-NC năm 1998 bãi bỏ các văn bản qui phạm pháp luật hết hiệu lực ban hành từ ngày 02/7/1976 đến ngày 31/12/1996 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh