Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 39/1998/CT-TTg

Hà Nội, ngày 03 tháng 12 năm 1998

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC VĂN HÓA - THÔNG TIN Ở MIỀN NÚI VÀ VÙNG ĐỒNG BÀO CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ

Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, sự nghiệp văn hóa - thông tin ở miền núi và vùng dân tộc thiểu số những năm qua đã có bước phát triển trên một số lĩnh vực, bản sắc văn hóa các dân tộc được coi trọng, mức hưởng thụ về văn hóa ở một số nơi được nâng lên. Thông tin, tuyên truyền phát triển với nhiều hình thức, nội dung thiết thực. Các đơn vị văn hóa - nghệ thuật của nhà nước đã hướng về phục vụ miền núi và đồng bào các dân tộc thiểu số nhiều hơn; công tác sưu tầm, nghiên cứu, phát huy văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số đã được chú trọng. Bên cạnh đó, việc đầu tư các phương tiện văn hóa - thông tin có khá hơn, ở nhiều nơi đã xuất hiện một số mô hình hoạt động văn hóa - thông tin thích hợp, có hiệu quả, có khả năng nhân thành diện rộng. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ dân tộc thiểu số làm văn hóa - thông tin ngày càng được quan tâm.

Tuy nhiên, công tác văn hóa - thông tin ở miền núi và vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, đặc biệt là vùng cao, biên giới, vùng sâu còn nhiều hạn chế, mức hưởng thụ văn hóa còn thấp. Nội dung và hình thức của những sản phẩm văn hóa, thông tin đưa đến các vùng này còn nghèo nàn hoặc chưa thật phù hợp. Đặc biệt, ở một số nơi rất thiếu thông tin cập nhật về đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Về tổ chức, bộ máy và quy hoạch, sử dụng cán bộ làm công tác văn hóa, thông tin, nhất là ở cấp huyện và cơ sở chưa được quan tâm đúng mức, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn. Những chính sách, biện pháp cụ thể để bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số chưa được ban hành kịp thời. Một số chính sách đã ban hành chưa thật phù hợp với miền núi và vùng đồng bào các dân tộc thiểu số hoặc đã phù hợp nhưng chưa được thực hiện nghiêm túc.

Những tồn tại nêu trên đã hạn chế sự phát triển văn hóa, thông tin ở miền núi và vùng đồng bào các dân tộc thiểu số. Một trong những nguyên nhân chủ quan là nhiều ngành và cấp chính quyền chưa thật sự coi văn hóa vừa là động lực, vừa là mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, chưa gắn kết được phát triển văn hóa với phát triển kinh tế.

Hiện nay, đời sống văn hóa ở miền núi và vùng các dân tộc thiểu số có điều kiện mới để phát triển, nhưng vẫn tồn tại nguy cơ tụt hậu và mất dần bản sắc ở một số dân tộc.

Nhằm khai thác tiềm năng, đẩy mạnh quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở miền núi và vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, giảm dần sự chênh lệch về mức sống và hưởng thụ văn hóa giữa các vùng, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị đẩy mạnh công tác văn hóa - thông tin ở miền núi và vùng các dân tộc thiểu số, với các mục tiêu và giải pháp như sau:

1. Triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ V (khóa VIII) của Đảng về ''xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc''. Các ngành, các cấp phải có chủ trương, biện pháp gắn chặt nhiệm vụ phát triển văn hóa - thông tin miền núi và vùng dân tộc thiểu số với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng. Cụ thể là triển khai thực hiện tốt các Đề án trong Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết này của Đảng. Tư tưởng và mục tiêu chỉ đạo là: ''Coi trọng, bảo tồn, phát huy những giá trị truyền thống và xây dựng, phát triển những giá trị mới về văn hóa, văn học, nghệ thuật của các dân tộc, xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa, mở rộng mạng lưới thông tin ở vùng dân tộc thiểu số''. Trước mắt, cần tập trung thực hiện mục tiêu nâng cao mức hưởng thụ văn hóa - thông tin ở vùng cao, biên giới, vùng khó khăn, nhất là các xã nằm trong khu vực 3.

2. Làm tốt hơn nữa công tác giữ gìn và phát huy tinh hoa văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số. Đồng thời với công việc sưu tầm, nghiên cứu, khai thác và giới thiệu, cần có kế hoạch bảo tồn các công trình, địa chỉ văn hóa có giá trị tiêu biểu ở vùng các dân tộc thiểu số (như các chùa, tháp, nhà rông, nhà dài, nhà sàn, các làng, bản có nghề thủ công truyền thống ...) và các di sản văn hóa có giá trị khác.

Tổ chức nghiên cứu, cải tiến, giúp đỡ để phát triển các mặt hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống của các dân tộc thiểu số theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn văn hóa với du lịch. Vận động đồng bào các dân tộc thiểu số giữ gìn và sử dụng trang phục truyền thống, tổ chức giới thiệu các sản phẩm mang tính văn hóa để bảo tồn tinh hoa văn hóa các dân tộc.

3. Cải thiện và nâng cao một bước mức hưởng thụ văn hóa, thông tin ở miền núi và vùng các dân tộc thiểu số. Các ngành, các cấp phải có kế hoạch cụ thể nhằm tăng cường nguồn lực cho văn hóa - thông tin ở miền núi, vùng dân tộc thiểu số, đẩy mạnh các hình thức xã hội hóa hoạt động văn hóa - thông tin, mở rộng sự hợp tác quốc tế để tranh thủ nguồn lực từ bên ngoài.

Phấn đấu hết năm 2000 ít nhất ở mỗi xã có một bản (hoặc tương đương) đăng ký và chỉ đạo tổ chức thực hiện có kết quả công tác xây dựng làng, bản văn hóa.

Tổ chức, xây dựng và nâng cao chất lượng hoạt động của các đội văn nghệ quần chúng ở cơ sở. Ở cấp huyện, những nơi có điều kiện, có thể tổ chức đội văn nghệ bán chuyên làm hạt nhân thúc đẩy các hoạt động văn hóa lành mạnh, đáp ứng nhu cầu của sinh hoạt văn hóa cộng đồng, từ đó hình thành những điểm sáng văn hóa.

Củng cố và phát triển các đội chiếu bóng lưu động, đội tuyên truyền văn hóa lưu động phục vụ đồng bào vùng cao, vùng sâu, vùng xa; các trung tâm văn hóa - thông tin - thể thao, các thư viện, hiệu sách, trạm phát lại truyền hình và đài truyền thanh ở cấp huyện. Cải tiến quản lý để phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa - thông tin ở các cấp, xây dựng các trạm văn hóa - thông tin ở các trung tâm cụm xã miền núi, đặc biệt là khu vực 3, gắn với các chợ, các nông - lâm trường, trạm trại, các trường phổ thông bán trú, đồn biên phòng và các bưu điện văn hóa cơ sở.

4. Các cơ quan thông tin đại chúng cần cải tiến nội dung, hình thức tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước sao cho phù hợp với đặc điểm và điều kiện của từng vùng; chú trọng tuyên truyền vốn văn hóa, nghệ thuật các dân tộc, các điển hình làm ăn giỏi, vận động giữ gìn, bảo vệ môi trường thiên nhiên, môi trường văn hóa, bài trừ tệ nạn xã hội.

5. Làm tốt công tác quy hoạch kế hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đồng thời nghiên cứu ban hành chính sách phù hợp đối với cán bộ văn hóa - thông tin ở miền núi, vùng dân tộc thiểu số. Chính quyền cấp cơ sở cần phân công một đồng chí trong thường trực Ủy ban nhân dân phụ trách công tác văn hóa - thông tin, tiến tới có cán bộ chuyên trách được đào tạo và bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ.

Cần củng cố, kiện toàn và phát triển, các cơ quan, đơn vị văn hóa - nghệ thuật chuyên trách phục vụ miền núi, dân tộc thiểu số ở trung ương và địa phương, tạo điều kiện để các cơ quan, đơn vị này phục vụ tốt hơn, nhất là đối với vùng cao, biên giới, vùng sâu, vùng xa.

6. Tổ chức tốt các cuộc vận động sáng tác văn học, nghệ thuật, báo chí về đề tài miền núi, dân tộc thiểu số và có kế hoạch xuất bản, giới thiệu những tác phẩm này nhằm phản ánh kịp thời những tiến bộ, những tâm tư nguyện vọng của nhân dân các dân tộc trong quá trình đổi mới. Có kế hoạch giúp đỡ văn nghệ sĩ sáng tác, biểu diễn phục vụ miền núi, vùng các dân tộc thiểu số về tinh thần và vật chất.

7. Trước mắt và những năm tới phải làm tốt hơn việc tổ chức giao lưu văn hóa giữa các dân tộc, mở rộng hình thức những ''Ngày hội văn hóa - thể thao các dân tộc'' theo quy mô cụm, vùng, nhằm tăng cường hiểu biết, đoàn kết giữa các dân tộc, đồng thời tăng cường giới thiệu văn hóa - nghệ thuật các dân tộc thiểu số ở trong nước và thế giới.

8. Những nhiệm vụ và biện pháp nêu trên phải được cụ thể hóa trong kế hoạch, chương trình hành động của các Bộ, ngành, các địa phương, trên cơ sở từng bước tăng thêm ngân sách nhà nước cho xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị và kinh phí hoạt động sự nghiệp, đồng thời đẩy mạnh các hình thức xã hội hóa thích hợp nhằm phát triển văn hóa - thông tin ở miền núi, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số.

Bộ Văn hóa - Thông tin chủ trì cùng Ủy ban Dân tộc và Miền núi, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tư lệnh bộ đội Biên phòng, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn quốc gia xây dựng đề án phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số đã nêu trong chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ V Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII; phối hợp cùng Ủy ban Trung ương mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể, các Hội vận động và tổ chức thực hiện các mục tiêu nêu trong Chỉ thị này, gắn với cuộc vận động ''toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa'' mà Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ V đã đề ra.

Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thuộc diện miền núi, có miền núi và dân tộc thiểu số có trách nhiệm thực hiện Chỉ thị này.

 

 

Phan Văn Khải

(Đã ký)