Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-----

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------

Số: 40/CT-UB

 Tp. Hồ Chí Minh, ngày 28 tháng 9 năm 1992

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC THỰC HIỆN QUY CHẾ VỀ ĐƯA NGƯỜI LAO ĐỘNG VIỆT NAM ĐI LÀM VIỆC CÓ THỜI HẠN TẠI NƯỚC NGOÀI BAN HÀNH KÈM THEO NGHỊ ĐỊNH SỐ 370/HĐBT NGÀY 09/11/1991, THÔNG TƯ LIÊN BỘ SỐ 05/TT-LB-TC-LĐTBXH NGÀY 07/3/1992 VÀ THÔNG TƯ SỐ 08/LĐTBXH-TT NGÀY 11/7/1992.

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 30 tháng 6 năm 1989 ;
Căn cứ “Quy chế về đưa người lao động Việt Nam đi làm việc có thời hạn tại nước ngoài” ban hành kèm theo Nghị định số 370/HĐBT ngày 9/11/1991 của Hội đồng Bộ trưởng ; Thông tư Liên Bộ số 05/TT-LB-TC-LĐTBXH ngày 07/3/1992 của Liên Bộ Tài chính- Lao động Thương binh và xã hội “Hướng dẫn về chế độ tài chính đối với người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài” ; Thông tư số 08/LĐTBXH-TT ngày 11/7/1992 của Bộ Lao động- Thương binh và xã hội “Hướng dẫn thi hành Quy chế đưa người lao động Việt Nam đi làm việc có thời hạn tại nước ngoài” ; Công văn số 319/TC-TCĐN ngày 13/8/1992 của Bộ Tài chính về việc ban hành Phụ lục II của Thông tư Liên Bộ số 05/LB-TC-LĐTBXH.

Để chi tiết hóa việc tổ chức thực hiện Quy chế của Hội đồng Bộ trưởng về đưa người lao động Việt Nam đi làm việc có thời hạn tại nước ngoài ; Ủy ban nhân dân thành phố chỉ thị :

1- Về tổ chức kinh tế hoạt động trên địa bàn thành phố :

a- Các tổ chức kinh tế đưa người lao động Việt Nam đi làm việc có thời hạn tại nước ngoài quy định tại Điều 8, chương III Quy chế ; tại mục 1 phần III Thông tư 05/LB-TC-LĐTBXH ; khoản a mục 1 phần I Thông tư 08/LĐTBXH, là các tổ chức kinh tế có đầy đủ tư cách pháp nhân, hoạt động theo phương thức hạch toán kinh tế đầy đủ, hiện có trụ sở, hội sở và chi nhánh đã đăng ký hoạt động trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh theo quy định hiện hành về doanh nghiệp, đồng thời được Bộ Lao động- Thương binh và xã hội cấp giấy phép hoạt động và giấy phép đưa người lao động Việt Nam đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng.

b- Để thực hiện quyền hạn và trách nhiệm quy định tại Điều 9 Quy chế và phần IV Thông tư 05/LĐTBXH-TT, sau khi thỏa thuận về nguyên tắc với bên nước ngoài, các tổ chức kinh tế phải lập phương án tổ chức quản lý người lao động tại nơi họ làm việc, đệ trình Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh xét chấp thuận và thông báo cho các cơ quan ngành Lao động- Thương binh và xã hội, Ngoại giao có liên quan biết.

Sở Lao động- Thương binh và xã hội chịu trách nhiệm hướng dẫn các tổ chức kinh tế lập phương án nói trên.

c- Các tổ chức kinh tế đưa người lao động Việt Nam đi làm việc có thời hạn tại nước ngoài theo ba (03) hình thức quy định tại mục 3 phần I Thông tư 08/LĐTBXH-TT.

Về hai hình thức tổ chức đưa người lao động có hộ khẩu thường trú thành phố Hồ Chí Minh đi làm việc ở nước ngoài theo Hợp đồng cung ứng lao động và Hợp đồng lao động cá nhân, các tổ chức kinh tế phải thực hiện theo mẫu thống nhất kèm theo Thông tư 08/LĐTBXH-TT và có sự phê duyệt của Ủy ban nhân dân thành phố theo định hướng hiện hành trên địa bàn và trên cơ sở đề xuất của Sở Lao động- Thương binh và xã hội.

Khi trình duyệt Hợp đồng cung ứng lao động, tổ chức kinh tế phải đính kèm bản tóm tắt Luật lao động; các thủ tục pháp định về việc nhập cảnh, đăng ký lưu trú để làm việc,... hiện hành tại quốc gia sẽ tiếp nhận lao động Việt Nam ; một số thông tin cơ bản như : mức sống, mức lương tối thiểu, mức thu nhập và các điều kiện miễn giảm thuế thu nhập tại quốc gia liên quan. Ngoài ra tổ chức kinh tế cũng phải báo cáo về tư cách pháp lý của bên nước ngoài sử dụng lao động Việt Nam.

d- Chưa đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đối với những công việc độc hại, nguy hiểm, những công việc nội trợ, phục vụ trong gia đình người nước ngoài, hoặc ở các trung tâm vui chơi, giải trí công cộng.

e- Riêng trường hợp các đơn vị đang làm việc tại Liên Xô, Tiệp Khắc và Đức theo các Hiệp định liên Chính phủ ký năm 1980- 1981, tạm thời vẫn áp dụng như cũ.

Sở Lao động- Thương binh và xã hội hướng dẫn các đơn vị này lập danh sách những người lao động có gốc hộ khẩu thường trú thành phố Hồ Chí Minh và hiện còn đang ở nước ngoài.

f- Tổ chức kinh tế tiến hành tuyển chọn người lao động theo các hình thức quy định tại phần II Thông tư 08/LĐTBXH-TT, phù hợp với nội dung Hợp đồng cung ứng lao động đã được Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh phê chuẩn.

g- Các tổ chức kinh tế phải nghiêm chỉnh chấp hành các chế độ chính sách đối với người lao động, chế độ tài chánh, chế độ quản lý ngoại tệ và phải làm nghĩa vụ nộp thuế.

Sở Tài chánh phối hợp với Sở Lao động- Thương binh và xã hội hướng dẫn các tổ chức kinh tế thực hiện các biểu mẫu quy định trong phần III Thông tư 05/LB-TC-LĐTBXH, đã có hiệu lực từ ngày 01/4/1992.

2- Về người lao động đi làm việc ở nước ngoài :

a- Ngoại trừ các trường hợp không cho phép làm việc ở nước ngoài được nêu cụ thể tại mục 2, khoản 1, Điều 4 Nghị định số 370/HĐBT, tại mục b/ Điểm 1 phần I, tại mục b/ Điểm 2 Thông tư 08/LĐTBXH-TT và khoản c/ Điều 1 chỉ thị này. Các đối tượng đưa đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài gồm :

+ Những người thuộc diện chính sách như con liệt sĩ, thương binh, gia đình có công và người đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự.

+ Những người có nghề hoặc chưa có nghề.

+ Học sinh mới tốt nghiệp các trường chuyên nghiệp trong và ngoài nước, chưa có việc làm tính đến ngày nộp đơn tình nguyện đi làm việc ở nước ngoài.

+ Người làm công tác khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ quản lý, chuyên gia, chưa có việc làm tính đến ngày nộp đơn tình nguyện đi làm việc ở nước ngoài, hoặc được đơn vị quản lý đề nghị cho được đi làm việc ở nước ngoài.

b- Các đối tượng được đưa đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài phải có hộ khẩu thường trú tại thành phố Hồ Chí Minh, phải hội đủ điều kiện quy định tại mục a/ Điểm 2 phần I Thông tư 08/LĐTBXH-TT và chỉ thuộc diện có thể đưa đi làm việc ở nước ngoài, sau khi Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh có văn bản chấp thuận cho đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, theo danh sách đề xuất của Sở Lao động- Thương binh và xã hội.

c- Người lao động có nguyện vọng đi làm việc ở nước ngoài phải làm đầy đủ và đúng các thủ tục quy định tại Điểm 3 Phần II Thông tư 08/LĐTBXH-TT và đăng ký dự tuyển tại một số tổ chức kinh tế hoạt động hợp pháp trên địa bàn thành phố.

d- Quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động đi làm việc ở nước ngoài được quy định tại các Điều 6 và 7 Quy chế, tại phần III Thông tư 08/LĐTBXH-TT và trong Thông tư 05/LB-TC-LĐTBXH phải được cụ thể hóa trong Hợp đồng đi làm việc ở nước ngoài (Mẫu số 2 kèm theo Thông tư 08/LĐTBXH-TT, có tham chiếu Hợp đồng cung ứng lao động có liên quan và đã được Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh phê chuẩn.

3- Về tiền đặt cọc đóng cho tổ chức kinh tế :

Để đảm bảo thực hiện Hợp đồng, khoản 3 Điều 7 Quy chế và mục d/ phần III Thông tư 08/LĐTBXH-TT quy định khoản tiền đặt cọc đóng cho tổ chức kinh tế.

Mức đặt cọc, tính bằng đôla Mỹ, không quá giá vé máy bay một lượt từ quốc gia nơi làm việc trở về thành phố, tính theo giá vé vào ngày rời Việt Nam, và người lao động chỉ phải đóng cho tổ chức kinh tế khi hoàn tất thủ tục xuất cảnh và nhận hộ chiếu.

Thể thức đóng, thời hạn nộp đủ mức, các trường hợp phải sử dụng, tỷ giá hối đoái sử dụng khi đóng và khi thanh toán, cũng như việc thanh quyết toán tiền đặt cọc, do người lao động thỏa thuận với tổ chức kinh tế, có ghi chi tiết trong Hợp đồng đi làm việc ở nước ngoài.

4- Về khoản thu lệ phí :

Nghị định 370/HĐBT, điều 7 và Thông tư số 05/TT-TC-LĐTBXH có cho phép tổ chức kinh tế thu lệ phí không quá 6% tiền lương ghi hợp đồng, sau khi đã trừ các khoản đóng góp theo luật lao động quốc gia sở tại.

Nhằm đảm bảo cho người lao động tìm kiếm lại việc làm tại Việt Nam sau khi hoàn thành Hợp đồng lao động tại nước ngoài, tổ chức kinh tế có nghĩa vụ đóng góp 2% tiền lương ghi hợp đồng và trích từ lệ phí thu từ người lao động vào Quỹ xã hội và thất nghiệp của thành phố. Các tổ chức kinh tế không được phép thu thêm bất kỳ một khoản nào khác từ lương của người lao động.

5- Tổ chức thực hiện :

Giao cho Sở Tài chánh, Sở Lao động- Thương binh xã hội tổ chức thống kê, hướng dẫn và giám sát việc thực hiện Quy chế về đưa người lao động Việt Nam đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, trên địa bàn thành phố, kể từ ngày 01/4/1992.

Giao cho Công an thành phố, Sở Ngoại vụ căn cứ quy định của Nhà nước về quản lý đoàn ra, đoàn vào và giấy phép của Bộ Lao động- Thương binh và xã hội cấp cho các tổ chức kinh tế để xét duyệt chính trị, cấp hộ chiếu và thị thực xuất nhập cảnh cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo yêu cầu của tổ chức kinh tế.

Các đoàn lao động đã đi làm việc ở nước ngoài trước ngày 01/4/1992 và chưa hoàn thành Hợp đồng cung ứng lao động đã ký kết, vẫn thực hiện theo hợp đồng đã ký cho đến ngày hết hạn hợp đồng, không được gia hạn thêm. Các tổ chức kinh tế cần khai báo các hợp đồng này cùng với danh sách người lao động thường trú tại thành phố Hồ Chí Minh đã được đưa đi làm việc ở nước ngoài, về Sở Lao động- Thương binh và xã hội để thống kê và báo cáo với Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh.

Thủ trưởng các tổ chức kinh tế, các ban ngành, Chủ tịch các quận huyện có trách nhiệm thi hành chỉ thị này. Chỉ thị này có hiệu lực kể từ ngày ký.

6- Kèm theo chỉ thị này là các văn bản đã được ban hành :

- Nghị định số 370/HĐBT ngày 9/11/1991 của Hội đồng Bộ trưởng ban hành “Quy chế về đưa người lao động Việt Nam đi làm việc có thời hạn tại nước ngoài”;

- Thông tư Liên Bộ số 05/TT-LB-TC-LĐTBXH ngày 7/3/1992 của Liên Bộ Tài chính - Lao động- Thương binh và xã hội “Hướng dẫn về chế độ tài chính đối với người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài”;

- Thông tư số 08/LĐTBXH-TT ngày 11/7/1992 của Bộ Lao động- Thương binh và xã hội “Hướng dẫn thi hành Quy chế về đưa người lao động Việt Nam đi làm việc có thời hạn tại nước ngoài”;

- Công văn số 319/TC-TCĐN ngày 13/8/1992 của Bộ Tài chính về việc ban hành Phụ lục II của Thông tư Liên Bộ số 05/LB-TC-LĐTBXH; và phát sinh hiệu  lực thi hành từ ngày 01 tháng 4 năm 1992./.

 

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trang Văn Quý