Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 40-TTg

Hà Nội, ngày 29 tháng 10 năm 1992

 

CHỈ THỊ

QUY ĐỊNH MỘT SỐ ĐIỂM TRONG QUAN HỆ LÀM VIỆC GIỮA CÁC ĐỒNG CHÍ PHỤ TRÁCH BỘ MÁY HÀNH CHÍNH CÁC CẤP 

Để quán triệt và tổ chức thực hiện Luật tổ chức Chính phủ, vừa qua, trong phiên họp thứ nhất, Chính phủ đã bàn về quy chế làm việc của Chính phủ, trong đó đã quy định quan hệ làm việc giữa Thủ tướng, Phó Thủ tướng và các Bộ trưởng. Luật Tổ chức Chính phủ và quy chế làm việc của Chính phủ đã xác định các Phó Thủ tướng là người giúp Thủ tướng, nhân danh Thủ tướng chỉ đạo, điều hành, chịu trách nhiệm trực tiếp giải quyết công việc thuộc lĩnh vực công tác được phân công, xem đó là được uỷ nhiệm của Thủ tướng. Các Bộ trưởng quan hệ thường xuyên với Thủ tướng, trực tiếp gặp và làm việc với Thủ tướng khi có việc cần thiết, nhưng khi làm việc với Phó Thủ tướng phụ trách ngành hoặc lĩnh vực của mình thì phải chấp hành ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng coi đó là ý kiến thay mặt Thủ tướng.

Tinh thần nói trên cũng cần được thể hiện trong quan hệ làm việc giữa Bộ trưởng với Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và giữa các đồng chí phụ trách các cấp hành chính trong tỉnh (thành phố), nhằm tăng cường trách nhiệm cá nhân, bảo đảm cho sự chỉ đạo được tập trung, thống nhất, khắc phục tệ quan liêu, phiền hà, trì trệ. Phải khắc phục những cách làm việc không tốt như: lạm dụng quá nhiều hội nghị để giải quyết những vấn đề rất chung; hội nghị gọi là tổng kết mà không đưa biện pháp gì để tháo gỡ được những khó khăn lớn, không sát với tình hình cụ thể của mỗi ngành, mỗi địa phương; người đứng đầu cơ quan cấp trên không trực tiếp giải quyết mà giao việc cho các cơ quan giúp việc mình như Cục, Vụ, Sở, Ban, Phòng, v.v... làm việc với người đứng đầu cơ quan hành chính cấp dưới; hoặc chỉ gọi cấp dưới lên báo cáo hơn là trực tiếp xuống dưới làm việc, v.v...

Trong khi chưa ban hành bản quy chế làm việc đầy đủ của Chính phủ, của các Bộ và Uỷ ban Nhân dân các cấp cần thực hiện ngay một số việc sau đây:

1. Trong quan hệ làm việc giữa các Bộ trưởng và Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Các Bộ trưởng phải trực tiếp làm việc với các Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố, trực thuộc Trung ương (hoặc Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân được Chủ tịch uỷ nhiệm) để giải quyết công việc trực tiếp, nhanh và đủ trách nhiệm các vấn đề thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng. Khi Bộ trưởng uỷ nhiệm cho Thứ trưởng làm việc với Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh (thành phố) thì những ý kiến của Thứ trưởng được coi là ý kiến thay mặt Bộ trưởng.

Khi Chủ tịch (Phó Chủ tịch) Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có vấn đề cần yêu cầu Bộ giải quyết, thì Bộ trưởng (Thứ trưởng) phải có ý kiến giải quyết trong thời gian ngắn nhất, chấm dứt tình trạng Bộ, Thứ trưởng buộc Chủ tịch (Phó Chủ tịch) Uỷ ban nhân dân tỉnh (thành phố) phải đến từng Cục, Vụ để trình bày đề nghị của mình rồi sau đó Bộ trưởng mới làm việc. Các Cục, Vụ có liên quan khi tiếp nhận các đề nghị của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố phải coi đó là việc của Bộ trưởng trực tiếp giao và phải báo cáo sớm và trình bày ý kiến để Bộ trưởng trực tiếp giải quyết công việc với tỉnh, thành phố.

Trường hợp đề nghị của tỉnh, thành phố có liên quan đến nhiều Bộ, thì Bộ chuyên ngành phải đích thân làm đầu mối bàn với các Bộ khác, không nên để Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố phải đi đến từng Bộ để xin ý kiến giải quyết.

2. Đối với những việc vượt quá thẩm quyền của Bộ trưởng thì Chủ tịch (hoặc Phó Chủ tịch) Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương làm việc với Thủ tướng (hoặc Phó Thủ tướng). Trong trường hợp này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ có trách nhiệm đứng ra tổ chức để Thủ tướng hoặc Phó Thủ tướng làm việc trực tiếp với Chủ tịch (Phó Chủ tịch), không để Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố phải đi làm việc từng bộ phận của Văn phòng. ý kiến giải quyết của Phó Thủ tướng được coi là ý kiến thay mặt Thủ tướng.

3. Những quy định nói ở điều 1, điều 2 của Chỉ thị này cũng được thực hiện đối với Thủ trưởng các cơ quan thuộc Chính phủ có chức năng quản lý Nhà nước về ngành hoặc lĩnh vực công tác trong cả nước.

4. Trong quan hệ làm việc giữa Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh (thành phố) với các Giám đốc Sở, các Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân huyện (quận), cũng phải xử lý công việc theo tinh thần nói trên.

Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh (thành phố) phải tăng cường làm việc trực tiếp với Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân huyện (quận) và với các Giám đốc Sở. Nếu Chủ tịch uỷ nhiệm cho Phó Chủ tịch làm việc, thì những ý kiến của Phó Chủ tịch được coi là ý kiến thay mặt Chủ tịch.

Các Giám đốc các Sở phải làm việc trực tiếp với Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân huyện (quận) để giải quyết các công việc thuộc ngành mình và giúp huyện (quận) trong công tác quản lý và tổ chức thực hiện được tốt. Trong trường hợp cần thiết, có thể cử Phó Giám đốc Sở, nhưng ý kiến của Phó Giám đốc được coi như ý kiến của Giám đốc và Giám đốc phải chịu trách nhiệm về các ý kiến đó.

Trường hợp ý kiến đề nghị của huyện liên quan đến nhiều Sở thì Sở chuyên ngành cũng phải tổ chức cách làm việc và giải quyết như đối với Bộ đã nói ở trên.

5. Trong quan hệ làm việc giữa Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện (quận) với Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã (phường), cũng phải quán triệt tinh thần nói trên. Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân huyện (quận) phải dành phần lớn thời gian đi sát các xã (phường), giải quyết công việc tại chỗ, giảm đến mức thấp nhất giải quyết công việc bằng các hội nghị chung hoặc gọi Chủ tịch xã (phường) lên huyện (quận) để báo cáo, xin ý kiến.

Khi Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện (quận) uỷ nhiệm cho Phó Chủ tịch làm việc với Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã (phường) thì ý kiến của Phó Chủ tịch huyện (quận) cũng phải được coi là ý kiến thay mặt Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân huyện (quận) và đồng chí Chủ tịch phải chịu trách nhiệm về ý kiến của cấp phó của mình.

Để giải quyết công việc được chính xác, nhanh gọn, giảm sự cách bức và phiền hà cho cấp dưới, các Bộ trưởng, Thứ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch và Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh (thành phố) cần tăng cường đi sát cơ sở, sát cấp dưới, nắm chắc thực tế. Người đứng đầu mỗi cấp là người chịu trách nhiệm chính trước cấp trên và cấp dưới, phải phát huy trí tuệ tập thể, đồng thời đề cao trách nhiệm cá nhân trong việc quán triệt và chấp hành ý kiến chỉ đạo của cấp trên, cũng như trong khi giải quyết các công việc cụ thể do cấp dưới yêu cầu.

Nhận được Chỉ thị này, các Bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh (thành phố) phải nghiên cứu và chấn chỉnh ngay một bước lề lối điều hành công việc của mình. Trong quá trình thực hiện Chỉ thị này nếu thấy cần bổ sung các điều quy định trên đây cho phù hợp với tình hình, thì các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh (thành phố) gửi công văn báo cáo Thủ tướng xem xét.

 

 

Võ Văn Kiệt

(Đã ký)