Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ CHÍNH TRỊ
-------

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
---------

Số: 42-CT/TW

Hà Nội, 06 tháng 10 năm 1998

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG SỰ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG ĐỐI VỚI TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC HỘI QUẦN CHÚNG

Thực hiện Nghị quyết 8B-NQ/TW (khoá VI) ngày 27-3-1990 về "Đổi mới công tác quần chúng của Đảng, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân", trong những năm gần đây, bên cạnh Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội (bao gồm Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam), các tổ chức hội được phát triển nhanh cả ở trung ương và địa phương.

Dưới sự lãnh đạo của các cấp uỷ đảng và quản lý của Nhà nước, hầu hết các hội được thành lập và hoạt động đúng pháp luật, theo hướng ích nước, lợi nhà, tương thân tương ái, góp phần tích cực vào sự nghiệp ổn định và phát triển của đất nước.

Tuy nhiên, trong quá trình thành lập và hoạt động của các hội còn bộc lộ một số khuyết điểm, nhược điểm :

- Một số hội tổ chức và thành lập không đúng quy định của Nhà nước, chưa có giấy phép thành lập hội đã hoạt động; tự quyết định thành lập hội thành viên trong hội, hội ở địa phương; tự đổi tên hội; tự thay đổi phạm vi hoạt động...

- Một số hội hoạt động còn hình thức kém hiệu quả, chưa phản ánh được nguyện vọng và lợi ích của tập thể hội viên. Có hội được thành lập nhưng không hoạt động. Một số hội còn nặng về xin biên chế, nhà cửa, trợ cấp của ngân sách Nhà nước để hoạt động; không đi vào tổ chức, tuyên truyền giáo dục hội viên mà nặng về phát huy thanh thế, hành chính hoá v.v...

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những khuyết điểm, nhược điểm trên, song chủ yếu là do nguyên nhân chủ quan, trước hết do các cấp uỷ đảng và đảng đoàn ở một số hội chưa quan tâm lãnh đạo, định hướng về tổ chức và hoạt động của hội, chưa quan tâm đúng mức việc giới thiệu cán bộ có phẩm chất và năng lực giữ các chức vụ lãnh đạo chủ chốt của hội. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể và các hội chưa phối hợp chặt chẽ để vận động các đối tượng quần chúng tham gia vào hoạt động vì lợi ích chung.

Nhà nước chậm ban hành và sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật quy định tổ chức, hoạt động và quản lý hội; công tác quản lý về mặt nhà nước còn bị buông lỏng.

Để khắc phục những khuyết điểm, nhược điểm trên đây, tạo điều kiện cho hội tổ chức và hoạt động đúng pháp luật và có hiệu quả, góp phần ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, các tổ chức đảng và cấp uỷ đảng cần thực hiện một số việc sau :

1- Hoạt động của hội phải xuất phát từ nguyện vọng, nhu cầu chính đáng về nghề nghiệp và đời sống của hội viên, đoàn kết tập hợp hội viên, phát triển nghề nghiệp; bảo đảm lợi ích chính đáng của hội viên, của hội, góp phần thực hiện tốt chủ trương, chính sách, pháp luật Nhà nước về lĩnh vực, ngành nghề mà hội hoạt động.

2- Việc lập hội và hoạt động phải theo đúng quy định của pháp luật; trình tự, thủ tục và thẩm quyền cho phép lập hội do Thủ tướng Chính phủ quy định. Điều lệ của hội phải được cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước công nhận; hội không nhất thiết phải tổ chức thành hệ thống từ trung ương đến cơ sở; không kết nạp người nước ngoài vào hội; coi trọng hoạt động các hội ở cơ sở.

Hoạt động của hội theo nguyên tắc chung là : tự nguyện của công dân Việt Nam; hoạt động tự quản và tự trang trải về kinh phí; tuân thủ pháp luật.

Việc Nhà nước xét tài trợ cho hội căn cứ vào sự hoạt động và các chương trình, dự án do các hội tiến hành theo các quy định chung của Nhà nước nhằm góp phần thực hiện chủ trương phát triển kinh tế - xã hội; khuyến khích hoạt động hội vì lợi ích cộng đồng đưa lại hiệu quả thiết thực cho xã hội.

3- Hội hoạt động ở cấp nào, đặt dưới sự lãnh đạo của cấp uỷ đảng và quản lý của chính quyền cấp đó. Cấp uỷ đảng ở mỗi cấp phải chú trọng và phải có trách nhiệm tăng cường công tác lãnh đạo đối với hội ở cùng cấp, thông qua việc định hướng tổ chức và hoạt động của hội.

Đảng đoàn các liên hiệp hội và các hội chỉ đạo các thành viên và hội viên của mình chấp hành các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về tổ chức và hoạt động của hội.

Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở các cấp có trách nhiệm quản lý các hội theo luật định; tạo điều kiện đảm bảo cho hội hoạt động đúng hướng, đúng pháp luật và có hiệu quả thiết thực; kiểm tra việc tuân thủ pháp luật của hội, xử lý những trường hợp vi phạm hoặc làm sai điều lệ hội đã được Nhà nước công nhận.

4- Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội phối hợp chặt chẽ với các hội quần chúng, nhất là ở cơ sở, nhằm thực hiện tốt công tác vận động các đối tượng quần chúng trong tình hình mới.

5- Ban Đối ngoại Trung ương hướng dẫn các cấp uỷ và các tổ chức đảng (đã thành lập) về quy chế quản lý đối ngoại các hội và kiểm tra việc thực hiện các hoạt động đó.

6- Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo việc dự thảo luật về hội trình Quốc hội thông qua, thay thế Sắc lệnh ban hành Luật lập hội năm 1957. Trước mắt cần ban hành văn bản pháp quy, quy định về tổ chức, hoạt động về quản lý hội thống nhất trong phạm vi cả nước.

7- Các cấp uỷ đảng, chính quyền, các ngành cần tiến hành tổng kết, đánh giá đúng thực trạng tình hình tổ chức và hoạt động các hội từ trung ương đến địa phương; khẳng định những kinh nghiệm tốt, những mặt còn yếu kém. Trên cơ sở đó, đề ra các biện pháp tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước đối với tổ chức và hoạt động của các hội.

Ban cán sự đảng Chính phủ, Ban cán sự đảng Ban Tổ chức - cán bộ Chính phủ; các ban của Đảng, các đảng đoàn có liên quan giúp Bộ Chính trị theo dõi, kiểm tra việc thực hiện chỉ thị này.

 

 

T/M BỘ CHÍNH TRỊ




Phạm Thế Duyệt