ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 42/CT-UB | TP. Hồ Chí Minh, ngày 14 tháng 09 năm 1985 |
CHỈ THỊ
VỀ TĂNG CƯỜNG CHĂM SÓC, GIÁO DỤC VÀ QUẢN LÝ THƯƠNG BINH
Cùng với việc chăm sóc gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng, Đảng bộ, chánh quyền, Mặt trận, các đoàn thể quần chúng và nhân dân thành phố, ngoài các chính sách chung đã tiến hành nhiều biện pháp chăm sóc, giáo dục và quản lý giúp đỡ thương binh, coi đây là cách thể hiện lòng biết ơn, là tình nghĩa, là trách nhiệm của mọi cấp, mọi ngành, mọi người dân, là việc làm có ý nghĩa lớn về chính trị, kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng.
Các trại nuôi dưỡng thương binh được xây dựng và đã từng bước cải tiến về tổ chức và quản lý. Nhiều địa phương đã nhận, đón thương binh về chăm sóc, lo chỗ ăn ở, việc làm ổn định. Một số cơ quan đơn vị sản xuất kinh doanh đã nhận đỡ đầu từng đồng chí thương binh. Đại bộ phận anh chị em thương binh đã phát huy bản chất và truyền thống tốt đẹp của người chiến sĩ quân đội nhân dân, thông cảm với khó khăn chung của đất nước, ra sức phấn đấu rèn luyện, tiếp tục cống hiến sức mình vào sự nghiệp chung; trên 80% anh chị em thương binh về địa phương được bình chọn là người công dân kiểu mẫu, nhiều người là chiến sĩ thi đua, lao động tiên tiến liên tục, nhiều người trở thành cán bộ lãnh đạo, cán bộ cốt cán ở cơ sở.
Xuất phát từ trách nhiệm và lòng kính trọng đối với thương binh – người chiến sĩ quân đội nhân dân đã cống hiến và hy sinh phần máu thịt vào cuộc đấu tranh chống kẻ thù xâm lược, trên tinh thần dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, các cấp chánh quyền, Mặt trận, các đoàn thể quần chúng và nhân dân cùng nhau chung sức, chung lòng chăm sóc giúp đỡ thương binh; thực hiện nghiêm chỉnh chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng – Hội đồng Bộ trưởng và sự hướng dẫn của Bộ Thương binh – xã hội; sau khi xem xét tình hình trao đổi thống nhất với Bộ Tư lệnh Quân khu 7 và các ngành liên quan; Ủy ban Nhân dân thành phố chủ trương:
1. Tổ chức một đợt sanh hoạt tập trung trong toàn dân, lấy cơ quan – xí nghiệp (khu vực Nhà nước), tổ dân phố (nhân dân), quân y viện, trại an dưỡng, điều dưỡng thương bịnh binh (quân đội) làm đơn vị sanh hoạt.
Yêu cầu:
Trao đổi về sự hy sinh, cống hiến của thương binh. Qua đó nâng cao thêm trách nhiệm, lòng biết ơn quý trọng đối với thương binh, khắc phục những nhận thức lệch lạc đối với thương binh qua một số việc làm tiêu cực gần đây của một số anh em.
Phổ biến chánh sách và những việc cần làm (theo nội ding chỉ thị này), kiểm điểm việc chăm sóc đối với anh chị em thương binh tại địa phương và trao đổi phân công tiếp tục những việc cần thiết trong phong trào “toàn dân chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng”.
Đối với các cơ quan Nhà nước và các đoàn thể cần kiểm điểm thêm nhận thức và trách nhiệm của mình trong việc thực hiện và giải quyết các chánh sách đối với thương binh.
Đối với các quân y viện, trại an dưỡng – điều dưỡng thương binh cần hướng dẫn anh chị em liên hệ kiểm điểm đề cao mặt tích cực, phê phán mặt tiêu cực, bàn bạc xây dựng nội quy đơn vị.
Ngoài ra các cuộc sanh hoạt ở cơ sở, Sở Thương binh xã hội tranh thủ sự chỉ đạo của Ban Tuyên huấn Thành ủy, cùng Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí, truyền thanh truyền hình có bài bình luận, xã luận, phát biểu theo yêu cầu trên, nêu gương điển hình tốt trong thương binh và của các địa phương, các đơn vị chăm sóc tốt thương binh.
Thời gian: Tiến hành trong tháng 9 và đầu tháng 10-1985, liền theo đợt sanh hoạt về cách mạng tháng tám và Quốc khánh 2-9.
2. Chuẩn bị điều kiện để đón thương binh về sinh sống tại phường, xã theo nguyên tắc: thương binh là người ở phường – xã nào ra đi quân đội, nay bị thương thì phường – xã đó có trách nhiệm đón về chăm sóc, nuôi dưỡng.
Bộ chỉ huy quân sự thành phố và Sở Thương binh xã hội cần phối hợp chặt chẽ liên hệ với Bộ Tư lệnh Quân khu 7 để kịp thời nắm danh sách thương binh là người của thành phố, nhanh chóng thông báo và cùng với quận huyện, phường xã tổ chức thăm viếng và chuẩn bị đón anh chị em về địa phương.
Ủy ban Nhân dân quận huyện, phường xã có trách nhiệm nắm tình hình từng gia đình, chỉ đạo ngành thương binh xã hội và các ngành liên quan khác giải quyết các vấn đề về nhà cửa, việc làm, đời sống và tổ chức đón thương binh về.
Để chủ động và có thời gian cho Ủy ban Nhân dân các cấp chuẩn bị, Bộ Chỉ huy quân sự thành phố cần làm việc với Sở Thương binh xã hội, Ủy ban Kế hoạch, Sở Tài chánh và các cơ quan liên quan khác. Sớm lập trạm trung chuyển để tiếp nhận, chăm sóc, lập hồ sơ phân loại, nhanh chóng thông báo và cùng địa phương chuẩn bị tổ chức đón thương binh về địa phương. Chỉ chuyển sang trại điều dưỡng số thương binh chưa có điều kiện đưa về địa phương.
3. Củng cố trại điều dưỡng thương binh Phước Bình:
Sở Thương binh xã hội cần sớm làm việc với các ngành liên quan và Ủy ban Nhân dân huyện Thủ Đức có kế hoạch củng cố trại điều dưỡng thương binh Phước Bình một cách toàn diện (cán bộ quản lý, phục vụ, cơ sở vật chất, tổ chức sản xuất) với yêu cầu chăm sóc tốt, ổn định đời sống anh em thương binh nặng về tinh thần, vật chất theo đúng chánh sách của Đảng, Nhà nước.
Trước mắt, Sở Thương binh xã hội cần làm việc với Ủy ban kế hoạch, Sở Tài chánh, Sở Quản lý nhà đất để tiến hành việc sửa chữa nhà cửa, tăng thêm trang bị nội thất và nâng chế độ ăn hàng ngày phù hợp với tình hình giá cả.
4. Giao Sở Thương binh xã hội chủ trì việc tổ chức sản xuất và cung cấp các phương tiện chuyên dùng cho thương binh:
Sở Thương binh xã hội cần làm việc với Sở công nghiệp, Liên hiệp xã, Ủy ban kế hoạch và các ngành liên quan khác tổ chức sản xuất và cung cấp đủ các phương tiện chuyên dùng cho thương binh như: chân tay giả, xe lăn, nạng… Phấn đấu trong nửa đầu năm 1986, cung cấp đủ yêu cầu về xe lăn, nạng chống, chân tay giả… cho anh em thương binh.
Nghiên cứu làm thiết kế tiến tới giao cho xí nghiệp 27-7 (Xí nghiệp cơ khí của thương binh) thuộc Sở thương binh xã hội phụ trách sản xuất các phương tiện trên. Nếu chưa làm toàn bộ thì hợp đồng gia công các nơi khác từng công đoạn và xí nghiệp 27-7 chịu trách nhiệm lắp ráp và bảo đảm chất lượng.
5. Ngoài việc thường xuyên ưu tiên giải quyết các mặt theo chính sách chế độ chung của Nhà nước, giải quyết một số vấn đề cụ thể:
a) Để tạo cho anh chị em thương binh có cuộc sống ổn định, Ủy ban Nhân dân các cấp và ngành thương binh xã hội cần có biện pháp giải quyết các vấn đề sau đây:
Xây dựng mối quan hệ gắn bó giữa anh chị em thương binh với Mặt trận và các đoàn thể địa phương. Giao trách nhiệm cho các đoàn thể tổ dân phố thường xuyên thăm viếng, tìm hiểu và giải quyết kịp thời các yêu cầu chánh đáng cho anh chị em thương binh. Vận động và tổ chức cho các đơn vị sản xuất, kinh doanh tại địa phương nhận đỡ đầu trực tiếp từng gia đình anh chị em, nhứt là đối với anh chị em thương binh nặng, khả năng lao động bị nhiều hạn chế.
Tiếp tục vận động phong trào xây dựng và sửa chữa nhà tình nghĩa cho thương binh để mỗi anh chị em đều có chỗ ở ổn định. Cùng với việc chăm lo chỗ ăn ở, từng địa phương cần quan tâm đến việc xây dựng gia đình hạnh phúc và tạo công việc làm cho anh chị em. Các đơn vị sản xuất kinh doanh Nhà nước và tập thể ở địa phương cần ưu tiên tiếp nhận và bố trí công việc thích hợp để anh chị em đóng góp phần công sức của mình vào công việc chung và ổn định cuộc sống. Từng địa phương quận huyện, phường xã có thể bố trí anh chị em vào học các lớp dạy nghề ở địa phương, bên cạnh các xí nghiệp và sau đó giúp anh chị em tổ chức sản xuất tập thể với chánh sách ưu tiên về vay vốn ngân hàng, mua nguyên vật liệu, tiêu thụ sản phẩm, thuế v.v…
Trong quan hệ xã hội, Ủy ban Nhân dân phường xã cần luôn động viên khuyến khích anh chị em thương binh tham gia và đề cao vai trò của anh chị em trong các hoạt động xã hội ở địa phương.
b) Sở Thương binh xã hội cần lập kế hoạch (ngân sách Nhà nước, vận động các cơ sở sản xuất kinh doanh đỡ đầu, nhân dân đóng góp…) để tiến tới giải quyết chủ động:
Xe lăn cho thương binh cụt 2 chân.
Xe đạp cho thương binh cụt 1 chân.
Nếu ở khu vực ngoại thành có nhiều sông rạch thì cấp xuồng thay cho xe lăn, xe đạp.
Quần áo, mùng mền, vật dụng gia đình cần thiết khi anh chị em lập gia đình.
Thuốc trị bịnh khi anh chị em ốm đau.
c) Ngành Thương binh xã hội và cơ quan quân sự cần có tổ chức theo dõi thường xuyên thăm hỏi để kịp thời phát hiện, báo cáo cấp ủy - Ủy ban Nhân dân giải quyết khó khăn cho anh chị em thương binh.
Thực hiện tốt các vấn đề trên đây là thể hiện tính ưu ái của Đảng – Nhà nước toàn dân đối với thương binh, quan tâm tạo điều kiện cho anh chị em sớm ổn định cuộc sống, hăng hái phấn khởi tham gia vào công việc chung của xã hội.
Riêng về hành động tiêu cực do một số thương binh gây ra, các cấp các ngành cần bình tĩnh, có biện pháp giải quyết dứt điểm theo hướng:
Chân thành giáo dục thuyết phục đối với người lầm lỗi, khoan hồng với người biết ăn năn hối lỗi, nhưng đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm minh đối với người ngoan cố, kẻ cầm đầu. Mọi người (bất kể cán bộ hay nhân dân) đều phải chấp hành và bình đẳng trước pháp luật.
Xử lý nghiêm khắc với số thương binh vi phạm pháp luật có tác hại nghiêm trọng bảo vệ luật pháp, bảo vệ lợi ích chung, bảo vệ danh nghĩa cao quý của người thương binh. Cần nhận thức như vậy để có thái độ rõ ràng, dứt khoát và dứt điểm trong xử lý, tránh tình trạng để sự việc kéo dài, gây ảnh hưởng không tốt trong nhân dân.
Trong từng vụ việc xảy ra, nếu có người giả danh là thương binh, xúi giục thương binh thì kiên quyết đưa ra truy tố trước pháp luật xử lý nhanh chóng, trừng trị nghiêm khắc không được để kéo dài.
Đối với thương binh là người của các Tỉnh khác đến cư trú bất hợp pháp ở thành phố, Bộ Chỉ huy quân sự thành phố có trách nhiệm bàn bạc với Quân khu giải quyết theo quy định của thành phố đối với người cư trú bất hợp pháp.
Thủ trưởng các ngành, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các cấp có trách nhiệm phối hợp với Mặt trận, các đoàn thể quần chúng tổ chức thực hiện tốt chỉ thị này.
Sở Thương binh xã hội và Bộ Chỉ huy quân sự thành phố là hai cơ quan chức năng có trách nhiệm tổ chức triển khai, hướng dẫn và theo dõi việc thực hiện, thường xuyên tổng hợp tình hình, báo cáo kết quả và đề xuất ý kiến với Ủy ban Nhân dân thành phố để chỉ đạo.
| TM.ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
- 1 Quyết định 6699/QĐ-UB-NC năm 1998 bãi bỏ các văn bản qui phạm pháp luật thuộc lĩnh vực văn hóa - xã hội đã hết hiệu lực ban hành từ ngày 02/7/1976 đến ngày 31/12/1996 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh
- 2 Quyết định 6699/QĐ-UB-NC năm 1998 bãi bỏ các văn bản qui phạm pháp luật thuộc lĩnh vực văn hóa - xã hội đã hết hiệu lực ban hành từ ngày 02/7/1976 đến ngày 31/12/1996 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh
- 1 Chỉ thị 04/2010/CT-UBND về toàn dân chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng và phong trào Đền ơn đáp nghĩa do tỉnh Lào Cai ban hành
- 2 Chỉ thị 10/2006/CT-UBND về đẩy mạnh công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng do tỉnh Lâm Đồng ban hành
- 1 Quyết định 6699/QĐ-UB-NC năm 1998 bãi bỏ các văn bản qui phạm pháp luật thuộc lĩnh vực văn hóa - xã hội đã hết hiệu lực ban hành từ ngày 02/7/1976 đến ngày 31/12/1996 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh
- 2 Chỉ thị 04/2010/CT-UBND về toàn dân chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng và phong trào Đền ơn đáp nghĩa do tỉnh Lào Cai ban hành
- 3 Chỉ thị 10/2006/CT-UBND về đẩy mạnh công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng do tỉnh Lâm Đồng ban hành