Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ GIAO THÔNG VÀ BƯU ĐIỆN
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 4211-LĐTL

Hà Nội, ngày 16 tháng 09 năm 1958 

 

CHỈ THỊ

VỀ BIỆN PHÁP LẬP KẾ HOẠCH CẢI THIỆN ĐIỀU KIỆN LAO ĐỘNG HÀNG NĂM VÀ THỐNG KÊ BÁO CÁO VIỆC SỬ DỤNG TIỀN CẢI THIỆN ĐIỀU KIỆN LAO ĐỘNG

“Luôn luôn quan tâm đến sinh hoạt quần chúng” là một nhiệm vụ chính trị cao nhất, một chính sách trường kỳ của Đảng và Chính phủ. Kế hoạch cải thiện điều kiện lao động trong các xí nghiệp công nghiệp, giao thông vận tải và bưu điện là biểu hiện cụ thể chính sách đó đối với anh chị em công nhân, đồng thời là những công việc chủ yếu để đảm bảo đảm không ngừng nâng cao hiệu suất lao động. Vì thể trong quá trình lãnh đạo vận chuyển sản xuất, thi công, các cấp phải  có trách nhiệm đầy đủ trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch cải thiện điều kiện lao động.

Theo thống kê chưa đầy đủ thì trong năm 1957, các ngành thuộc Bộ Giao thông và Bưu điện đã đề ra 1.305.713.409 đồng để chi tiêu vào viêc này. Có đơn vị đã đặt kế hoạch một cách thận trọng, thực hiện được một số công việc nhằm thiết thực cải thiện điều kiện làm việc cho công nhân như: sửa sân bốc dỡ hàng, làm hộp che pignon và cầu dao điện, làm rào chắn các hầm hố, mở cửa thông hơi, bắt thêm quạt gió, sắm tăng che nắng, mở thêm chỗ làm việc v .v…gây được ảnh hưởng tốt trong công nhân nhân viên, đối với sản xuất. Nhưng còn nhiều đơn vị chưa nhận rõ sự cần thiết của vấn đề, nên trong khi lập kế hoạch sản xuất tài, vụ, chưa chú trọng đúng mức đến những công việc kể trên, chưa nhận rõ nội dung của kế hoạch cải thiện điều kiện lao động nên không làm, hoặc kê khai những công việc không thuộc phạm vi kế hoạch; chưa nắm vững phương pháp chủ yếu là phải dựa vào công nhân để xây dựng kế hoạch, nên có việc đề ra sớm quá hoặc chưa cần, hay có việc cần làm trước lại không làm, hoặc có việc dự trù rồi lại chưa thực hiện kịp thời vì thiếu sự kiểm tra đôn đốc.

Để từng bước thực hiện một cách có hiệu quả những công việc cải thiện điều kiện lao động trong toàn ngành, Bộ quy định những biện phép cụ thể sau đây:

A. LẬP KẾ HOẠCH CẢI THIỆN ĐIỀU KIỆN LAO ĐỘNG

1. - Từ nay về sau, tất cả các đơn vị kinh doanh và sự nghiệp thuộc Bộ khi lập kế hoạch công tác hàng năm, phải lập cả kế hoạch cải thiện điều kiện lao động và coi đó là một bộ phận không thể thiếu được trong kế hoạch sản xuất, tài vụ và kế hoạch kiến thiết cơ bản.

2. - Nội dung của kế hoạch cải thiện điều kiện lao động, gồm các phần việc về bảo hộ lao động, an toàn kỹ thuật, vệ sinh sản xuất, vệ sinh trong sinh hoạt và những vấn đề liên quan quy định cụ thể trong bản “Mục lục những công việc thuộc về cải thiện điều kiện lao động” kèm theo chỉ thị này.

3. – Các khoản chi tiêu về kế hoạch cải thiện điều kiện lao động của các xí nghiệp và các đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ đều xếp vào một tiết mục riêng “Tiền cải thiện điều kiện lao động” hoặc quy định trong một khoa mục riêng của kế hoạch đầu tư về kiến thiết cơ bản, cũng như kế hoạch sản xuất tài vụ.

Những khoản chi tiêu trên đây đều quy định trong các khoảnh chi về kiến thiết cơ bản, đại tu, chỉ tiêu doanh nghiệp và một phần tiền thưởng hoàn thành nhiệm vụ.

Những khoản chi ghi vào tiền kiến thiết cơ bản là tiền làm mới hoặc sửa chữa lại những công trình có tính chất kiến thiết cơ bản và những vật phẩm từ 15 vạn đồng trở lên và thời gian dùng trên một năm.

Những khoản chi về công trình thuộc phạm vi đại tu thì ghi vào khoản đại trung ương.

Những khoản chi không thuộc phạm vi kiến thiết cơ bản và đại tu thì ghi vào các khoản chi tiêu doanh nghiệp. Trường hợp đã ghi vào khoa mục thích đáng rồi nhưng vẫn chưa hết các công việc cần thiết thì cần đặt thêm những khoa mục riêng.

Trường hợp những công việc cải thiện điều kiện lao động trọng yếu, vì một lý do nào đó chưa được ghi vào tiền kiến thiết cơ bản, đại tu hoặc chi tiêu doanh nghiệp, nhưng xét không thể hoạn lại năm sau, thì phải tận dụng tiền khen thưởng hoàn thành nhiệm vụ của xí nghiệp để thực hiện; trường hợp dùng tiền khen thưởng thì ghi vào tiền khen thưởng.

4. – Các khoản chi tiêu về thức ăn, nước uống để bảo vệ sức khỏe, xả phòng thường dùng, dụng cụ phòng hộ, quần áo công tác và phụ cấp hao mòn phải căn cứ vào quy định chung để làm khái toán riêng và sắp xếp vào các khoa mục chi tiêu doanh nghiệp, không tính vào tiền cải thiện điều kiện lao động và cũng không đặt vào kế hoạch cải thiện điều kiện lao động quy định ở chỉ thị này.

5. - Việc đặt kế hoạch cải thiện điều kiện lao động (không kể những khoản nói ở điều 4) phải căn cứ vào phương châm cải thiện dần dần và số vốn Nhà nước bỏ ra hoặc trong số tiền chi tiêu doanh nghiệp hàng năm để thực hiện mỗi năm một ít. Vì việc cải thiện điều kiện lao động là một công tác lớn và có tính chất thường xuyên nên mỗi năm phải tùy theo  tình hình thực tế và khả năng có thể, đề cao thêm một bước, không thể hoàn thiện mọi việc trong một thời gian nhất định được.

Trường hợp những công việc trọng yếu nếu để chậm thì xảy ra thiệt hại, nhưng chưa ghi vào các khoa mục về kiến thiết cơ bản, đại tu, chi tiêu doanh nghiệp vì thiếu tiền hoặc trong khi làm kế hoạch chưa nhận thấy, thì có thể thỏa thuận với Công đoàn cùng cấp để tận dụng  quỹ “tiền thưởng hoàn thành nhiệm vụ” của xí nghiệp mình theo quy định trong định trong điều 7 tiết 3 của nghị định số 133-TTg ngày 4-4-1957 của Thủ tướng phủ đề thực hiện.

6. - Lập kế hoạch khai toán trong năm về tiền cải thiện điều kiện lao động phải làm theo phương pháp sau đây:

Hàng năm vào quý 3, các đơn vị hiện trường sau khi đã cũng với công đoàn cơ sở thu nhập ý kiến anh em công nhân, căn cứ vào tình hình thực tế của đơn vị, phân tích cân nhắc kỹ lưỡng, không thể trì hoãn qua năm sau được, thì căn cứ vào bản mục lục công việc, làm đơn vị kinh phí cải thiện điều kiện lao động (theo mẫu số 1) về cấp trên trực tiếp xét.

Cấp trên trực tiếp thẩm tra lại, thấy thật cần thiết và có thể thực hiện được, làm bản đề nghị chung cho toàn ngành gửi về Cục hoặc Nha đồng thời gửi cho mộ môn bảo hộ lao động, phòng tài vụ, phòng kế hoạch của Cục hoặc Nha mỗi nơi một bản.

Cục hoặc Nha triệu tập hội nghị gồm trưởng phòng kế hoạch, trưởng phòng tài vụ, các trưởng phòng nghiệp vụ có liên quan, đại biểu Công đoàn đồng cấp tham dự để thẩm tra và xác định, Tổng công trình sư hoặc Cục phó hay phó Giám đốc Nha phụ trách về bảo hộ lao động làm chủ tịch, Trưởng bộ môn bảo hộ lao động làm thư ký hội nghị. Khi xét xong Cục hoặc Nha đề nghị về Bộ xét lại và phê chuẩn.

Bộ chuẩn y xong, các Cục hoặc Nha thông tư cho các đơn vị ghi vào kế hoạch và giải thích lý do những vấn đề chưa được giải quyết. Riêng các đơn vị chịu sự lãnh đạo hai chiều, kế hoạch khi làm xong trình Ủy ban Hành chính địa phương duyệt để thi hành và sao gửi cho Cục hoặc Nha biết.

B. KÝ GIAO ƯỚC CẢI THIỆN ĐIỀU KIỆN LAM ĐỘNG

7. – Sau khi các việc làm được phê chuẩn hành chính và Công đoàn đơn vị tổ chức việc ký giao ước cải thiện điều kiện lao động.

Giao ước ký kết giữa Công đoàn và Chính quyền cốt để bảo đảm sử dụng kinh phí cải thiện điều kiện lao động được chính xác và kịp thời, có hiệu lực làm cho cấp lãnh đạo có nhận thức được sâu sắc và sản xuất phải an toàn; xác định trách nhiệm cho các cơ quan nghiệp vụ về kỹ thuật an toàn, làm cho công nhân thấy rõ sự quan tâm của Đảng và Chính phủ; trau dồi ý thức quản lý, xí nghiệp cho công nhân để cỗ vũ nhiệt tình sản xuất, hoàn thành kế hoạch Nhà nước.

Khi làm bản dự thảo (theo mẫu số 2) thì mỗi đại biểu đoàn thanh niên cùng cán bộ tài vụ, vật liệu tham gia thảo luận, xác định tên các công việc, thời hạn, vật liệu, tiền bạc cần thiết để thực hiện các công việc và phân công người phụ trách.

Làm xong đưa ra Đại hội công nhân, thủ trưởng báo cáo nội dung bản giao ước, thư ký công đoàn nói ý nghĩa, công nhân giúp đỡ ý kiến, tiếp đến thủ trưởng và thư ký công đoàn ký tên vào bản giao ước, chính thức công bố và gửi về cấp trên trực tiếp, kèm theo biên bản hội nghị.

8. - Cuối năm, mỗi hành chính và công đoàn lại phối hợp kiểm tra việc thực hiện giao ước một lần, lập biên bản (theo mẫu số 3) gửi về công đoàn đồng cấp và các cấp lãnh đạo trực tiếp tổng hợp phân tích.

C. THỐNG KÊ BÁO CÁO

9. – Hàng đơn vị phải làm bản thống kê báo cáo về việc chi tiêu tiền cải thiện điều kiện lao động (theo mẫu số 3) để giúp cấp lãnh đạo theo dõi và kiểm tra việc thực hiện công tác này đạt được kết quả tốt.

Bản thống kê báo cáo sử dụng tiền cải thiện điều kiện lao động gồm có những mục như sau:

- An toàn kỹ thuật : Ghi các khoản chi tiêu về những công việc quy định ở mục I bản mục lục công việc cải thiện điều kiện lao động.

- Vệ sinh sản xuất: Ghi các khoản chi tiêu về những công việc quy định ở mục II bản mục lục công việc cải thiện điều kiện lao động.

- Vệ sinh sinh hoạt: Ghi các khoản chi tiêu về những công việc quy định ở mục III bản mục lục công việc cải thiện điều kiện lao động.

- Các công việc khác: Ghi các khoản chi tiêu về những công việc quy định ở mục IV bản mục lục công việc cải thiện điều kiện lao động.

10. – Các đơn vị hoặc xí nghiệp trực thuộc Cục hoặc Nha gửi thống kê báo cáo về Cục hoặc Nha và Ủy ban địa phương trước ngày 25 tháng sau quý quyết toán.

Các Cục hoặc Nha phải gửi về Bộ trước ngày 30 tháng sau quý quyết toán.

Hành chính các cấp phải gửi cho công đoàn đồng cấp bản thống kê báo cáo sử dụng tiền cải thiện điều kiện lao động hàng quý.

11. - Ở xí nghiệp, cán bộ phụ trách bảo hộ lao động và tài vụ, theo dõi làm bản thống kê báo cáo về sử dụng tiền cải thiện điều kiện lao động hàng quý trình chủ trương duyệt để gửi về Cục hoặc Nha.

Ở các Cục hoặc Nha, bộ phận bảo hộ lao động có trách nhiệm trực tiếp giúp đỡ Cục hoặc Nha kiểm tra đôn đốc về việc sử dụng tiền cải thiện điều kiện lao động của các đơn vị hiện trường, hàng quý tổng hợp phân tích các bản thống kê báo cáo lập thành bản báo cáo chung trình Cục trưởng hoặc Giám đốc Nha duyệt để gửi về Bộ.

D. TRÁCH NHIỆM THI HÀNH

12.- Các ông Cục trưởng, Giám đốc Nha các ngành Giao thông vận tải, Bưu điện, Công trình, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Kế hoạch, Vụ tài vụ đều có trách nhiệm mỗi người trong phạm vi quyền hạn và nhiệm vụ của mình thi hành, kiểm tra đôn đốc việc chấp hành chỉ thị tạm thời này.

Trong khi thi hành nếu gặp khó khăn trở ngại gì hoặc có ý kiến thêm bớt gì sẽ báo cáo ngay về Bộ để nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung nếu cần.

 

 

KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ GIAO THÔNG VÀ BƯU ĐIỆN
THỨ TRƯỞNG

 
 
 
 
Nguyễn Hữu Mai