Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 43/2004/CT-BNN

Hà Nội, ngày 14 tháng 09 năm 2004 

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TUYÊN TRUYỀN, QUÁN TRIỆT VÀ TRIỂN KHAI THỰC HIỆN LUẬT THANH TRA, LUẬT SỬA ĐỔI MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO

Tại lỳ họp thứ 5 Khoá XI, Quốc Hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua Luật Thanh tra và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật khiếu nại, tố cáo. Đây là hai văn bản pháp luật quan trọng, quy định cơ sở pháp lý để tăng cường công tác thanh tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo của thủ trưởng các cơ quan, đơn vị. Để thực hiện tốt Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật khiếu nại, tố cáo và Luật Thanh tra ngay từ ngày đầu có hiệu lực thi hành (01/10/2004), Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ thị thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ tiến hành một số công việc sau:

1. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ chủ động phối hợp với cấp uỷ và BCH Công đoàn cùng cấp tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện Luật Thanh tra, Luật khiếu nại, tố cáo đến toàn thể cán bộ công nhân viên thuộc phạm vi quản lý theo phân cấp của Bộ và thẩm quyền quy định của pháp luật.

2. Rà soát tình hình giải quyết khiếu nại, tố cáo và thực hiện kế hoạch thanh tra năm 2004 của cơ quan, đơn vị; tổ chức thực hiện tốt kế hoạch 06 tháng cuối năm 2004; chỉ đạo xây dựng kế hoạch thanh tra của cơ quan, đơn vị năm 2005, nội dung thanh tra cần tập trung vào các vấn đề trọng tâm: công tác quản lý đầu tư xây dựng, việc quản lý sử dụng vốn chương trình, dự án, kinh phí ngân sách cấp và việc quản lý sử dụng đất đai.

3. Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 09/CT-TW ngày 06/3/2002 của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Phối hợp với cấp uỷ Đảng, BCH Công đoàn cùng cấp chỉ đạo giải quyết dứt điểm đơn thư tồn đọng, giải quyết kịp thời ngay tại cơ sở các vụ khiếu kiện của công dân, nhất là những vụ khiếu kiện phức tạp, có đông người tham gia.

4. Tổ chức thực hiện có hiệu quả các quyết định xử lý sau thanh tra, các quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo có hiệu lực pháp luật của cơ quan có thẩm quyền theo quyền theo quy định của pháp luật. Kết hợp công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo với công tác phòng ngừa đấu tranh chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm và chống lãng phí, tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính, góp phần nâng cao hiệu lực quản lý ở từng cơ quan, đơn vị.

5. Tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp và lề lối làm việc của cơ quan, đơn vị trong việc thanh tra, tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; cải cách thủ tục hành chính trong giải quyết khiếu nại, tố cáo, trong hoạt động thanh tra, kiểm tra. Chú trọng xây dựng, củng cố tổ chức thanh tra, nâng cao chất lượng (cả về trình độ lý luận chính trị và nghiệp vụ chuyên môn) đội ngũ cán bộ làm công tác thanh tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo của cơ quan, đơn vị nhằm đáp ứng yêu cầu công tác thanh tra trong tình hình mới.

6. Giao Thanh tra Bộ phối hợp với hai Trường Cán bộ quản lý Nông nghiệp và PTNT I, II tổ chức triển khai, học tập, quán triệt Luật Thanh tra, Luật khiếu nại, tố cáo sửa đổi năm 2004, các văn bản quy phạm pháp luật về thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và tập huấn nghiệp vụ Thanh tra cho thủ trưởng, cán bộ của các cơ quan, đơn vị đúng thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

7. Giao Thanh tra Bộ hướng dẫn, chỉ đạo, đôn đốc thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ thực hiện đầy đủ các nội dung nêu trên; định kỳ tổng hợp kết quả thực hiện báo cáo Bộ, Thanh tra Chính phủ.

Yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị quán triệt và thực hiện nghiêm các nội dung nêu trên, định kỳ báo cáo Bộ (qua Thanh tra Bộ) theo quy định ./.

 

 

Q. BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN



 

Cao Đức Phát