Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ THÔNG TIN VÀ
TRUYỀN THÔNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 43/CT-BTTTT

Hà Nội, ngày 13 tháng 7 năm 2016

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TỔ CHỨC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 18/CT-TTG NGÀY 19/5/2016 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC PHÁT ĐỘNG THI ĐUA THỰC HIỆN THẮNG LỢI NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2016 VÀ KẾ HOẠCH 05 NĂM (2016-2020) THEO NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC LẦN THỨ XII

Để tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 34/CT-TW ngày 07/4/2014 của Bộ Chính trị về việc “Tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng”, đồng thời để triển khai thực hiện Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 19/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phát động thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 và Kế hoạch 05 năm (2016-2020) theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong toàn ngành Thông tin và Truyền thông:

1. Tiếp tục quán triệt, tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc; Chỉ thị số 34/CT-TW ngày 07/4/2014 của Bộ Chính trị về việc “Tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng”; chính sách, pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng. Nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức các phong trào thi đua. Tăng cường sự phối hợp giữa tổ chức Đảng, chuyên môn và các đoàn thể quần chúng trong việc phát động, tổ chức triển khai các phong trào thi đua, làm cho phong trào thi đua phát triển sâu rộng, thiết thực, hiệu quả; đảm bảo cho hoạt động thi đua, khen thưởng thực sự là động lực phát triển và là biện pháp quan trọng góp phần tích cực vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ công tác năm 2016 và giai đoạn 2016-2020.

2. Thực hiện đổi mới nội dung, phương thức tổ chức các phong trào thi đua với hình thức phong phú, đa dạng, nội dung cụ thể, thiết thực với chủ đề “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tquốc” do Thủ tướng Chính phủ phát động tại Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX. Đồng thời, tiếp tục thực hiện có hiệu quả giai đoạn 2 phong trào thi đua “ngành Thông tin và Truyền thông chung sức xây dựng nông thôn mới”. Nội dung các phong trào thi đua cần bám sát nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của Ngành, của từng đơn vị cơ sở. Tập trung giải quyết các khó khăn, vướng mắc, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho sự phát triển Bưu chính, Viễn thông, Công nghệ thông tin, Báo chí và Xuất bản. Hàng năm, cùng với việc tổ chức phát động các phong trào thi đua thường xuyên, kết hợp phát động các phong trào thi đua theo đợt, theo chuyên đề với nội dung và hình thức phong phú, phù hợp với thực tế.

3. Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng các điển hình tiên tiến, các mô hình mới, nhân tố mới, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của công tác thi đua, khen thưởng. Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong toàn Ngành cần xây dựng kế hoạch cụ thể để bồi dưỡng, xây dựng các mô hình mới, nhân tố mới trong từng năm và trong cả giai đoạn, được thực hiện từ cơ sở và thực hiện đồng bộ tất cả 4 khâu: phát hiện - bồi dưỡng - tổng kết - nhân điển hình tiên tiến. Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc phát hiện, biểu dương, khen thưởng các tổ chức, cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ. Quan tâm tạo điều kiện để các điển hình tiên tiến tiếp tục phát huy các thành tích đã đạt được, đóng góp tích cực hơn nữa cho phong trào thi đua yêu nước. Các cơ quan báo chí tăng cường công tác tuyên truyền tư tưởng thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng; mở chuyên trang, chuyên mục và tăng thời lượng để giới thiệu, tuyên truyền các gương điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua, gương người tốt, việc tốt. Phấn đấu các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong ngành Thông tin và Truyền thông ngày càng có nhiều các điển hình tiên tiến xuất sắc.

4. Thực hiện công tác khen thưởng kịp thời, công khai, minh bạch và đúng quy định. Có biện pháp cụ thể để thực hiện khen thưởng thông qua việc phát hiện các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua. Chú trọng khen thưởng người lao động trực tiếp sản xuất, công tác, khen thưởng đột xuất, khen thưởng theo chuyên đề, khuyến khích phát triển những nhân tố mới, các sản phẩm, dịch vụ mới có năng suất, chất lượng và hiệu quả cao. Thực hiện cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thi đua, khen thưởng.

5. Thực hiện nghiêm túc việc đôn đốc, kiểm tra công tác thi đua, khen thưởng; tổ chức sơ kết, tổng kết các phong trào thi đua thường xuyên hàng năm, phong trào thi đua theo chuyên đề, đột xuất; lựa chọn các tập thể, cá nhân có thành tích để biểu dương, tôn vinh, khen thưởng kịp thời. Đề cao tinh thần trách nhiệm trong thực thi pháp luật về thi đua, khen thưởng.

6. Tiếp tục củng cố, nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các cấp, kiện toàn tổ chức bộ máy về thi đua, khen thưởng các cấp đảm bảo ổn định để thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng. Bố trí, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng ở các cấp nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới công tác thi đua, khen thưởng trong giai đoạn mới.

7. Xây dựng tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh. Xây dựng tổ chức Công đoàn, Đoàn thanh niên vững mạnh, tiên tiến. Các tổ chức đoàn thể trong ngành Thông tin và Truyền thông căn cứ chức năng, nhiệm vụ, vận động đoàn viên, hội viên tổ chức thực hiện tốt phong trào thi đua, góp phần thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội hàng năm và kế hoạch 05 năm (2016-2020).

Để hoàn thành nhiệm vụ năm 2016, năm đầu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm (2016-2020) theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong ngành Thông tin và Truyền thông căn cứ nhiệm vụ chính trị được giao và tình hình thực tiễn để tổ chức phong trào thi đua sôi nổi, thiết thực, hiệu quả, phù hợp. Các phong trào thi đua cần tiếp tục tập trung đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 07/01/2016 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2016; tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu, xây dựng hệ thống pháp luật, các cơ chế chính sách, Chiến lược, Quy hoạch, Kế hoạch, tạo lập hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ cho sự phát triển của Bưu chính, Viễn thông, Công nghệ thông tin, Báo chí và Xuất bản. Tăng cường công tác thực thi đảm bảo cho pháp luật, cơ chế, chính sách thực sự đi vào cuộc sống, góp phần đưa ngành Thông tin và Truyền thông phát triển nhanh, bền vững. Phát triển Bưu chính, Viễn thông và Công nghệ thông tin theo hướng hiện đại, đồng bộ, hiệu quả. Xây dựng mạng bưu chính công cộng an toàn, tiện lợi cho người dân và cộng đồng, phấn đấu đến năm 2020 đưa năng suất, chất lượng lao động bưu chính Việt Nam đạt mức ngang bằng trình độ các nước tiên tiến trong khu vực. Xây dựng và phát triển hạ tầng kỹ thuật viễn thông, phát triển mạng truy cập băng rộng, nâng cao năng lực hệ thống truyền dẫn. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng viễn thông đạt 1,2 đến 1,5 lần tốc độ tăng trưởng của GDP, tổng doanh thu viễn thông chiếm 6% đến 7% GDP. Phát triển Công nghiệp công nghệ thông tin thành ngành kinh tế - kỹ thuật chủ lực, tăng trưởng nhanh và bền vững, ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin. Phấn đấu đến năm 2020 Việt Nam nằm trong nhóm 1/3 nước dẫn đầu trong bảng xếp hạng của Liên hiệp quốc về mức độ sẵn sàng Chính phủ điện tử.

Phát triển lĩnh vực Báo chí, Xuất bản, bảo đảm hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích và đúng định hướng của Đảng và Nhà nước. Phấn đấu đến năm 2020, các cơ quan Báo chí tự chủ về tài chính và Báo điện tử trở thành loại hình báo chí chủ lực của các cơ quan truyền thông đa phương tiện. Duy trì nhịp độ tăng trưởng xuất bản phẩm. Trong đó có 20% đến 30% là xuất bản phẩm điện tử. Phấn đấu đến năm 2020 đạt khoảng 450 triệu bản.

Nhận được Chỉ thị này, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong toàn Ngành kịp thời phổ biến đến toàn thể cán bộ, công chức, công nhân viên chức thuộc phạm vi quản lý; tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị này và định kỳ vào ngày 15 của tháng cuối quý báo cáo kết quả thực hiện về Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Bộ (qua Vụ Thi đua - Khen thưởng) để tổng hợp báo cáo Bộ trưởng./.

 

 

Nơi nhận:
- Hội đồng TĐKT TW;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ;
- Ban TĐKT TW;
- Bộ trưởng và các Thứ trưởng;
- Các thành viên Hội đồng TĐKT Bộ;
- Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ;
- Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Các Hội, Hiệp hội thuộc lĩnh vực TTTT;
- Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực TTTT;
- Cổng thông tin điện tử Bộ;
- Lưu: VT, TĐKT.

BỘ TRƯỞNG




Trương Minh Tuấn