Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 43/CT-UB-QLĐT

TP. Hồ Chí Minh, ngày 11 tháng 12 năm 1997

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH SỐ 04/CP NGÀY 10/01/1997 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC QUẢN LÝ, SỬ DỤNG ĐẤT ĐAI TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ.

Việc triển khai thực hiện các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý và sử dụng đất theo Nghị định số 04/CP ngày 10/01/1997 của Chính phủ và Thông tư hướng dẫn số 278/TT-ĐC ngày 7/3/1997 của Tổng cục Địa chính cần phải được các ngành hữu quan và Ủy ban nhân dân quận-huyện, phường-xã quan tâm tổ chức thực hiện nghiêm chỉnh, đặc biệt là trong thời điểm hiện nay, nhằm giải quyết những ách tắc trong công tác quản lý Nhà nước về đất đai, góp phần đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và kịp thời xử phạt nhằm ngăn chặn những vi phạm luật đất đai đang xảy ra khá phổ biến.

Ủy ban nhân dân thành phố chỉ thị cho thủ trưởng các ngành các cấp có liên quan triển khai thực hiện như sau:

1. Mọi hành vi vi phạm hành chánh trong lĩnh vực quản lý và sử dụng đất trên địa bàn thành phố được quy định tại Nghị định số 04/CP ngày 10/01/1997 của Chính phủ phải được lập biên bản và xử phạt kịp thời, đúng quy định.

Vi phạm hành chính bị xử phạt nêu ở đây bao gồm các vi phạm xảy ra không quá 2 năm kể từ ngày vi phạm đó được thực hiện, nếu quá thời hạn nói trên thì không xử phạt nhưng vẫn có thể áp dụng biện pháp buộc khôi phục lại tình trạng đất như trước khi bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra. Trường hợp cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính, cố tình trốn tránh không thực hiện các biện pháp xử lý, xử phạt đã có hoặc tái phạm nhiều lần thì không áp dụng thời hiệu 2 năm này.

2. Cơ quan, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý và sử dụng đất phải đảm bảo xử lý đúng các quy định của pháp luật khi tiến hành xử phạt bao gồm cả việc tổ chức thực hiện cưỡng chế và áp dụng các biện pháp khác khi cần thiết.

Cơ quan ra quyết định tạm giữ phương tiện tang vật vi phạm có trách nhiệm tổ chức quản lý cất giữ phương tiện tang vật đó và trình cấp có thẩm quyền quyết định xử lý theo quy định.

Trường hợp áp dụng biện pháp thu hồi đất thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân thành phố, Ủy ban nhân dân quận-huyện nơi có đất bị thu hồi có trách nhiệm chỉ đạo Ngành Địa chính trực thuộc tiến hành khảo sát, xác minh và lập biên bản hiện trạng, tài sản có trên đất bị thu hồi (nếu có), lập bản đồ hiện trạng vị trí theo tỷ lệ 1/500 và kèm theo các tài liệu liên quan gởi về Sở Địa chính xem xét, trình Ủy ban nhân dân thành phố quyết định.

3. Giao cho Sở Địa chính chuẩn bị nội dung, tài liệu và tổ chức việc tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ được giao nhiệm vụ, quyền hạn trong việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý và sử dụng đất và xây dựng qui trình hướng dẫn nghiệp vụ, đồng thời phối hợp với Sở Tư pháp, Sở Văn hóa thông tin trong việc tuyên truyền phổ biến Nghị định số 04/CP của Chính phủ trên các phương tiện truyền thông đại chúng.

4. Lực lượng công an nhân dân có trách nhiệm phối hợp với các ngành liên quan trong việc tổ chức cưỡng chế thực hiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan có thẩm quyền.

5. Trong quá trình tổ chức thực hiện Nghị định số 04/CP ngày 10/01/1997 của Chính phủ và Thông tư số 278/TT-ĐC ngày 7/3/1997 của Tổng cục Địa chính về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất nếu có vướng mắc, khó khăn các sở ngành và Ủy ban nhân dân quận-huyện phải nhanh chóng báo cáo về Sở Địa chính để tập hợp, nghiên cứu, trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét giải quyết.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Vũ Hùng Việt