Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4316/CT-BGDĐT

Hà Nội, ngày 12 tháng 10 năm 2018

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC BẢO ĐẢM AN TOÀN THỰC PHẨM TRONG CÁC CƠ SỞ GIÁO DỤC

Thời gian qua, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong các cơ sở giáo dục nhìn chung đã được chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả. Tuy nhiên, thời gian gần đây, một số cơ sở giáo dục chưa thực hiện nghiêm túc quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm (sử dụng thực phẩm không đảm bảo vệ sinh để chế biến thức ăn; ký hợp đồng sử dụng suất ăn chế biến sẵn của các cơ sở kinh doanh chưa có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm; nhân viên chưa được bồi dưỡng về an toàn thực phẩm; sử dụng sữa pha chế bên ngoài không bảo đảm an toàn; quảng cáo và kinh doanh tại căng tin nhà trường thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn nhanh, bánh và xúc xích, đồ uống giải khát, nước ngọt có ga... chưa rõ nguồn gốc), đặc biệt tình trạng học sinh bị ngộ độc thực phẩm xảy ra ở một số cơ sở giáo dục đã ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý của học sinh, sinh viên, uy tín của nhà trường, gây lo lắng cho gia đình học sinh, sinh viên và gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Nhằm tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong các cơ sở giáo dục, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ thị:

1. Các sở giáo dục và đào tạo

a) Tổ chức quán triệt và thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các quy định của Luật an toàn thực phẩm, Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 09/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, Chỉ thị số 46/CT-TTg ngày 21/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác dinh dưỡng trong tình hình mới, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến bảo đảm an toàn thực phẩm và dinh dưỡng hợp lý trong trường học. Thực hiện nghiêm túc “Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm” từ ngày 15/4 đến ngày 15/5 hằng năm.

b) Chỉ đạo các cơ sở giáo dục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm, kiến thức về an toàn thực phẩm, phòng, chống ngộ độc thực phẩm cho cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, nhân viên, học sinh và cha mẹ học sinh. Phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và gia đình để giáo dục, hướng dẫn về bảo đảm an toàn thực phẩm và dinh dưỡng hợp lý phù hợp với độ tuổi, thể trạng của trẻ em, học sinh và điều kiện của gia đình trẻ em, học sinh.

- Các trường học có tổ chức ăn bán trú và có căng tin trong nhà trường thực hiện nghiêm túc các quy định về an toàn thực phẩm đối với nhân viên, người làm việc tại nhà ăn, căng tin, nhà bếp, kho chứa thực phẩm, các trang thiết bị bảo quản chế biến thực phẩm. Không sử dụng thực phẩm không đảm bảo vệ sinh để chế biến thức ăn; không ký hợp đồng sử dụng suất ăn chế biến sẵn không đảm bảo các quy định về an toàn thực phẩm, không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

- Không quảng cáo và kinh doanh trong nhà trường các đồ uống có cồn, nước ngọt có ga và các thực phẩm không có lợi cho sức khỏe học sinh. Phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong việc ngăn chặn các hoạt động buôn bán, tiếp thị các sản phẩm rượu, bia và đồ uống có cồn tại căng tin, nhà ăn tập thể, ký túc xá và khu vực thuộc khuôn viên nhà trường.

- Đối với các cơ sở giáo dục triển khai Chương trình Sữa học đường, tổ chức, hướng dẫn cho trẻ em, học sinh uống sữa đúng cách, tuân thủ nghiêm các quy định về an toàn thực phẩm của Bộ Y tế; đảm bảo an toàn tuyệt đối cho trẻ em và học sinh khi uống sữa.

c) Phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế, các ban, ngành liên quan và các cơ quan truyền thông tại địa phương thực hiện tốt, có hiệu quả công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, công tác truyền thông về an toàn thực phẩm trong các cơ sở giáo dục.

c) Tổ chức kiểm tra, giám sát và phối hợp kiểm tra, giám sát về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại các cơ sở giáo dục. Phát hiện những hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm và thông báo ngay cho các cơ quan chức năng tại địa phương để có biện pháp xử lý kịp thời.

d) Chỉ đạo các cơ sở giáo dục đánh giá, tổng kết và báo cáo đột xuất, định kỳ sau mỗi năm học, sau khi kết thúc “Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm”; khen thưởng, xử lý và phối hợp xử lý vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm theo đúng quy định của pháp luật.

2. Các đại học, học viện, các trường đại học, cao đẳng sư phạm và trung cấp sư phạm

a) Tổ chức các hoạt động truyền thông, giáo dục sức khỏe nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm, kiến thức của giáo viên, giảng viên, học sinh, sinh viên, nhân viên làm việc tại căng tin, bếp ăn tập thể trong việc bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng, chống ngộ độc thực phẩm; truyền thông về việc tăng cường bảo đảm an toàn thực phẩm thông qua các hoạt động phong trào, các sự kiện hưởng ứng Tháng hành động an toàn thực phẩm, Ngày hội Vệ sinh yêu nước, tuần sinh hoạt công dân đầu năm học, đầu khóa và cuối khóa học.

b) Định kỳ và đột xuất tổ chức kiểm tra các cơ sở bếp ăn tập thể, căng tin, nhà ăn của nhà trường phục vụ tập trung đông người nhằm phát hiện sớm, chấn chỉnh, xử lý và phối hợp xử lý kịp thời các vi phạm về bảo đảm an toàn thực phẩm.

3. Các đơn vị thuộc Bộ

a) Vụ Giáo dục Thể chất chủ trì, tham mưu cho Bộ trưởng trong việc phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và các đơn vị thuộc Bộ chỉ đạo tăng cường việc bảo đảm an toàn thực phẩm trong các cơ sở giáo dục. Phối hợp với các đơn vị liên quan của Bộ Y tế tham mưu xây dựng văn bản hướng dẫn sử dụng sữa đúng cách cho trẻ em và học sinh bảo đảm các quy định về an toàn thực phẩm.

b) Các Cục, Vụ và các đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo căn cứ chức năng và nhiệm vụ hướng dẫn thực hiện Chỉ thị này trong phạm vi và lĩnh vực được phân công phụ trách.

c) Thanh tra Bộ hướng dẫn các sở giáo dục và đào tạo, cơ sở đào tạo tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng, chống ngộ độc thực phẩm.

4. Tổ chức thực hiện

a) Giám đốc các sở giáo dục và đào tạo, Thủ trưởng các đại học, học viện, các trường đại học, cao đẳng sư phạm và trung cấp sư phạm có trách nhiệm tổ chức triển khai nghiêm túc Chỉ thị này; định kỳ báo cáo kết quả thực hiện về Bộ Giáo dục và Đào tạo (qua Vụ Giáo dục Thể chất) trước ngày 15/6 hằng năm.

b) Vụ Giáo dục Thể chất chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan lập Kế hoạch chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Chỉ thị của các địa phương, các cơ sở giáo dục, tổng hợp báo cáo Bộ trưởng kết quả triển khai thực hiện Chỉ thị trong cả nước.

Chỉ thị này được phổ biến đến tất cả các cán bộ, công chức, viên chức ở các cấp quản lý giáo dục, cán bộ quản lý giáo dục, nhà giáo, người học tại các cơ sở giáo dục trong cả nước và các đơn vị liên quan để tổ chức quán triệt và thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ (để b/c);
- PTTg Vũ Đức Đam (để b/c);
- Ban Tuyên giáo TW (để b/c);
- Văn phòng Chính phủ (để b/c);
- Văn phòng Quốc hội (để b/c);
- UB VHGDTNTNNĐ của Quốc hội (để b/c);
- Bộ trưởng (để b/c);
- Bộ Y tế (để p/h);
- UBND các tỉnh, thành phố (để p/h c/đ);
- Các Thứ trưởng (để p/h);
- Các đơn vị thuộc Bộ GDĐT (để t/h);
- Các sở GDĐT (để p/h);
- Các cơ sở GDĐH, trường CĐ, TC sư phạm (để t/h);
- Website Bộ GDĐT;
- Lưu: VT, Vụ GDTC.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Thị Nghĩa