BAN BÍ THƯ | ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM |
Số: 44-CT/TW | Hà Nội, ngày 20 tháng 9 năm 1994 |
CHỈ THỊ
VỀ MỞ RỘNG VÀ ĐỔI MỚI HOẠT ĐỘNG ĐỐI NGOẠI NHÂN DÂN
1- Từ sau Đại hội lần VII của Đảng, hoạt động đối ngoại nhân dân được mở rộng, góp phần tạo mội trường quốc tế thuận lợi, phục vụ công cuộc đổi mới, sự nghiệp xây dựng và bảo về Tổ quốc. Tuy nhiên, những hoạt động đó chưa đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ mới, còn có những thiếu sót và sơ hở cần được khắc phục.
Công tác đối ngoại nhân dân là bộ phận cấu thành công tác đối ngoại chung của nước ta. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3 (khoá VII) đã đề ra nhiệm vụ: mở rộng và đổ mới hoạt động đối ngoại nhân dân nhằm giữ vững hoà bình, mở rộng quan hệ hữu nghị và hợp tác, tạo điều kiện quốc tế thuận lợi cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo về Tổ quốc, đồng thời góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội, theo tinh thần “Việt Nam muốn là bạn của tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hoà bình, độc lập và phát triển”.
2- Hoạt động đối ngoại của các đoàn thể quần chúng, tổ chức chính trị- xã hội, hội nghề nghiệp, tổ chức phi chính phủ phải thể hiện chính sách đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hoá, đa phương hoá quan hệ quốc tế một cách sáng tạo, năng động, linh hoạt, phù hợp với khả năng từng tổ chức, đoàn thể của ta và đặc điểm từng đối tượng nước ngoài ta có quan hệ.
3- Hoạt động đối ngoại nhân dân nhằm:
a- Làm cho nhân dân thế giới hiểu rõ đất nước và con người Việt Nam, chính sách đối nội, đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta, tranh thủ thiện cảm, sự đồng tình và ủng hộ của nhân dân các nước đối với công cuộc đổi mới, sự nghiệp xây dựng và bảo về Tổ quốc của nhân dân ta.
b- Tăng cường tình hữu nghị, mở rộng quan hệ hợp tác với nhân dân các nước trên thế giới, bày tỏ sự đoàn kết, ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của các dân tộc vì hoà bình, độc lập, dân chủ, tiến bộ xã hội và giải quyết những vấn đề có tính toàn cầu như loại trừ vũ khí hạt nhân, phòng chống bệnh AIDS, bảo vệ môi trường, v.v.. Đấu tranh với những quan điểm, ý đồ và hành động xấu của một số người và tổ chức nước ngoài đối với ta.
Tham gia tích cực góp phần duy trì và đổi mới hoạt động của các tổ chức quốc tế mà ta là thành viên phù hợp với tình hình mới của thế giới.
c- Tranh thủ sự giúp đỡ của nhân dân các nước trên thế giới về vốn, chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm quản lý kinh tế và quản lý xã hội, đào tạo cán bộ….
Việc phát triển quan hệ với các cá nhân, nhân sĩ nước ngoài, các tổ chức chính trị- xã hội, phi chính phủ, hội nghề nghiệp, quốc gia, khu vực và quốc tế phải có lợi cho các mục đích nói trên.
4- Khi mở rộng hoạt động đối ngoại nhân dân cần chú ý:
a- Tăng cường công tác nghiên cứu tình hình, đặc điểm, tông chỉ, mục đích, thái độ chính trị, thực lực của đối tượng mà ta có quan hệ để có chính sách đúng.
b- Nâng cao cảnh giác, giữ gìn bí mật quốc gia, giữ vững độc lập chủ quyền, an ninh chính trị nội bộ, chống “diễn biến hoà bình”
Quản lý tốt các hội nghị, hội thảo, lớp bồi dưỡng do nước ngoài tổ chức ở nước ta và cử người có đủ tiêu chuẩn đi dự hội nghị, hội thảo, lớp bồi dưỡng tổ chức ở nước ngoài theo đúng quy định của Đảng và Chính phủ ta.
c- Nghiêm chỉnh chấp hành kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Kiên quyết chống những hiện tượng tiêu cực trong hoạt động đối ngoại nhân dân, khắc phục tình trạng chạy theo lợi ích vật chất do nước ngoài hứa hẹn mà quên lợi ích chính trị, danh dự và nhân phẩm của phía ta.
d- Tích cực và khẩn trương bồi dưỡng, đào tạo và đào tạo lại đội ngũ cán bộ đối ngoại nhân dân có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức phẩm chất tốt, có ý thức tổ chức kỷ luật, nắm vững đường lối, chính sách đối ngoại, có năng lực nghiệp vụ và trình độ ngoại ngữ được đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác đối ngoại nhân dân.
e- Có chính sách tạo điều kiện vật chất cho công tác đối ngoại nhân dân mở rộng hoạt động, từng bước phân cấp quản lý, xét duyệt hoạt động đối ngoại nhân dân phù hợp với tính chất, đặc điểm và quy mô hoạt động đối ngoại của từng tổ chức chính trị- xã hội, phi chính phủ, hội nghề nghiệp.
5- Đảng đoàn uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể nhân dân, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị của Việt Nam, các tổ chức chính trị- xã hội, tổ chức phi chính phủ, hội nghề nghiệp chịu trách nhiệm chỉ đạo và quản lý các hoạt động đối ngoại trong Mặt trận, đoàn thể, tổ chức và hội của mình cả về phương hướng, chủ trương, chính sách, kế hoạch hoạt động đối ngoại lẫn quản lý nhân sự; định kỳ 3 tháng một lần báo cáo Ban bí thư thông qua Ban Đối ngoại Trung ương Đảng và kết quả hoạt động đối ngoại; khi cần và khi gặp những tình huống phức tạp về đối ngoại phải xin ý kiến trước Ban Bí thư.
Các tỉnh uỷ, thành uỷ có trách nhiệm lãnh đạo và quản lý hoạt động đối ngoại nhân dân ở địa phương mình.
Ban Đối ngoại Trung ương có trách nhiệm giúp Ban Bí thư theo dõi, hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện chỉ thị này.
| T/M BAN BÍ THƯ |