Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
----------

Số: 44/CT-UB

TP. Hồ Chí Minh, ngày 17 tháng 09 năm 1985

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC PHÂN CÔNG ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG CÁN BỘ QUẢN LÝ VÀ KẾ TOÁN CHO CỬA HÀNG HỢP TÁC KINH DOANH VÀ XÍ NGHIỆP HỢP DOANH

Căn cứ kế hoạch cải tạo xã hội chủ nghĩa (bước 3) đối với công thương nghiệp của Thành phố trong năm 1985, ngành công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp phải hoàn thành cơ bản việc cải tạo và tổ chức lại sản xuất 17 ngành hàng (xay xát, đường mía, ép dầu, chế biến nông sản, dệt và may, xe đạp, đồ dùng điện, giấy, cơ khí sửa chữa, khai thác chế biến gỗ, thủy tinh, xà bông, đồ nhôm, đồ nhựa, vật liệu xây dựng, chế biến cao su, thuốc chữa bệnh). Trong thời gian tới (theo Quyết định số 80/QĐ-UB ngày 18-5-1985 của UBND Thành phố) ngành công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp phải thành lập khoảng 1.200 xí nghiệp hợp doanh trên địa bàn thành phố. Các ngành thương nghiệp và dịch vụ thành phố phải kiện toàn đội ngũ cán bộ quản lý ở 857 cửa hàng hợp tác kinh doanh đã thành lập, và theo kế hoạch bước 3 còn phải thành lập tiếp 400 cửa hàng hợp tác kinh doanh trong các ngành thương nghiệp và dịch vụ.
Để bảo đảm đào tạo và bồi dưỡng tốt đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu trên, UBND Thành phố phân công như sau:

1. Sở Công nghiệp và Liên hiệp xã TCN-TCN thành phố chịu trách nhiệm về chương trình và nội dung đào tạo, bồi dưỡng đối với đội ngũ cán bộ quản lý xí nghiệp. Sở Công nghiệp và Liên hiệp xã TTCN bàn bạc và đề ra kế hoạch thực hiện theo nguyên tắc: cán bộ cho xí nghiệp mang tính chất công nghiệp thì do Sở Công nghiệp đào tạo; cán bộ cho các cơ sở sản xuất thủ công, mỹ nghệ thì do Liên hiệp xã đào tạo. Số lượng cần đào tạo cho khu vực công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp là 1.200 cán bộ quản lý xí nghiệp: từ nay đến cuối năm 1985 đào tạo 600 và sang quý I/1986 đào tạo 600.

2. Sở Thương nghiệp (Trường trung học thương nghiệp) có trách nhiệm bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý và kế toán của 857 cửa hàng đã được thành lập; ngoài ra tiếp tục đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý và kế toán cho 400 cửa hàng hợp tác kinh doanh sẽ thành lập. Trong tổng số cán bộ quản lý và kế toán cửa hàng hợp tác kinh doanh sắp thành lập, Thành phố đã đào tạo xong 150 cán bộ quản lý và 150 kế toán, nên số lượng cần đạo tạo từ nay đến hết năm 1985 là 250 cán bộ quản lý và 250 kế toán.

3. Sở Tài chánh (Trường trung học Tài chánh) chịu trách nhiệm về chương trình, nội dung và tổ chức đào tạo, 1.200 kế toán của xí nghiệp hợp doanh. Sở Tài chánh cấp kinh phí đào tạo. Từ nay đến cuối năm, Trường phải đào tạo 600 kế toán và sang quý I/1986 tiếp tục đào tạo 600. Khi làm xong nhiệm vụ đào tạo thì chuyển sang bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ này:

4. Sở ăn uống khách sạn chịu trách nhiệm đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý cửa hàng và kế toán của ngành mình.

5. Trường nghiệp vụ lương thực phối hợp với Sở Công nghiệp và Trường trung học Tài chánh làm nhiệm vụ đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ nghiệp vụ cho các xí nghiệp hợp doanh. Bắt đầu từ tháng 10-85 sẽ mở một lớp 150 học viên và sang tháng 11-85 sẽ chiêu sinh 300 học viên. Những lớp học tổ chức tại trường thì trưởng đảm nhiệm công tác giáo vụ và quản lý học sinh.

6. Các quận huyện có trách nhiệm tính toán cụ thể nhu cầu cán bộ quản lý và kế toán cho các cửa hàng và XNHD trên địa phương mình, lập kế hoạch huy động lực lượng hàng tháng, quý (lực lượng chủ yếu lấy cán bộ trong biên chế) để báo cáo cho Ban Tổ chức chính quyền Thành phố lên kế hoạch chiêu sinh đào tạo. Về tiêu chuẩn văn hóa, đối với số cán bộ quản lý và chưa kinh qua công tác trong ngành thì phải có trình độ văn hóa hết cấp 2, đối với cán bộ đã làm công tác thực tế trong ngành phải có trình độ văn hóa tương đương cấp 2. Để nâng cao chất lượng hoạt động của xí nghiệp hợp doanh, quận huyện cần tổ chức bồi dưỡng thực tế bằng các hình thức báo cáo điển hình, tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ cán bộ quản lý và kế toán trẻ. Ngoài ra cần thường xuyên tổ chức bồi dưỡng đạo đức phẩm chất và chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ này.

7. Ủy ban kế hoạch Thành phố bổ sung kế hoạch đào tạo bồi dưỡng cán bộ năm 1985 cho các trường (Trung học Tài chánh, Trung học thương nghiệp, Trường nghiệp vụ ăn uống, Sở Công nghiệp và Liên hiệp xã TTCN) theo chỉ tiêu mà UBND Thành phố đã giao cho các đơn vị.

8. Ban Tổ chức chính quyền Thành phố có trách nhiệm theo dõi kiểm tra đôn đốc việc thực hiện Chỉ thị này và hằng tháng báo cáo kết quả cho UBND Thành phố. Đối với Trường nghiệp vụ lương thực hiện nay đang trực thuộc Sở Lương thực Thành phố, Sở chưa bàn giao cho Công ty lương thực Thành phố, trước mắt để cho Sở Lương thực trực tiếp tục quản lý về cơ sở vật chất – kỹ thuật, tổ chức bộ máy nhân sự và Ban Tổ chức chánh quyền quản lý về chuyên môn nghiệp vụ đào tạo bồi dưỡng cán bộ phục vụ cho cải tạo xã hội chủ nghĩa. Ban Tổ chức chánh quyền Thành phố và Sở Lương thực bàn phân công trách nhiệm cụ thể giữa Ban và Sở.

Nhận được chỉ thị này, các đơn vị tổ chức triển khai và thực hiện ngay, bảo đảm yêu cầu về số lượng và chất lượng cán bộ, phục vụ tốt nhiệm vụ công tác cải tạo.

 

 

TM.ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC




Lê Văn Triết