BỘ LÂM NGHIỆP | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 44-LN/KL | Hà Nội, ngày 29 tháng 10 năm 1977 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC GIAO NỘP, PHÂN PHỐI NHỮNG LÂM SẢN PHẠM PHÁP SAU KHI ĐÃ XỬ LÝ.
Trong việc triển khai thực hiện Pháp lệnh quy định việc bảo vệ rừng, thời gian qua cơ quan kiểm lâm nhân dân các cấp đã kiểm tra, ngăn chặn và xử lý được nhiều vụ vi phạm luật lệ bảo vệ rừng, thu hồi về cho Nhà nước được nhiều loại lâm sản với khối lượng khá lớn.
Nhưng đến nay, tình hình quản lý những lâm sản phạm pháp đó còn có nhiều thiếu sót: chưa có hệ thống kho và thủ kho, thủ tập nhập, xuất, bảo quản còn tùy tiện, để lâm sản phân tán, ngoài trời dễ hư hỏng, mất mát; ở một số nơi đã có tình trạng tự ý phân phối, sử dụng trái phép. Đáng lưu ý một tình hình tồn tại phổ biến ở các hạt, trạm kiểm lâm nhân dân hoặc kiểm soát lâm sản lâu nay là việc giao nộp lâm sản phạm pháp sau khi đã xử lý thường có nhiều khó khăn, lâm sản bị tồn kho nhiều, một số loại lâm sản không giao nộp được, có loại tồn từ mấy năm nay đến nay vẫn chưa được giải quyết …
Tồn tại đó vừa gây lãng phí, vừa gây những ảnh hưởng không có lợi đối với công tác của cơ quan kiểm lâm nhân dân.
Để kịp thời khắc phục tình hình trên đây, căn cứ vào các chính sách, chế độ, thể lệ quản lý lâm sản hiện hành của Nhà nước và tình hình thực tế về các loại lâm sản đã thu hồi được, Bộ Lâm nghiệp yêu cầu các ông Trưởng Ty lâm nghiệp, chỉ cục trưởng và hạt trưởng kiểm lâm nhân dân cấp tính thi hành nghiêm chỉnh những việc sau đây:
1. Tăng cường quản lý những lâm sản phạm pháp đã xử lý hoặc mới tạm giữ theo đúng pháp luận hiện hành, tuyệt đối không tự ý phân phối sử dụng. Nhanh chóng xây dựng hệ thống kho, thủ kho ở các hạt, trạm kiểm lâm nhân dân hoặc kiểm soát lâm sản, xây dựng nội quy về thủ tục nhập, xuất, thống kê, vào sổ sách, bảo quản, chống mọi hiện tượng để mất mát, hư hỏng.
2. Đối với những lâm sản phạm pháp sau khi đã xử lý, cơ quan kiểm lâm nhân dân có trách nhiệm giao nộp cho cơ quan làm nhiệm vụ phân phối lâm sản để phân phối theo kế hoạch Nhà nước; cơ quan làm nhiệm vụ phân phối có trách nhiệm nhận những lâm sản phạm pháp mà cơ quan kiểm lâm nhân dân đã xử lý và chuyển giao sang. Cơ quan giao và cơ quan nhận lâm sản phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình, bảo đảm việc giao nhận được kịp thời, có chứng từ giao nhận cụ thể, không để lâm sản bị ứ đọng, hư hỏng, mất mát.
3. Đối với gỗ phạm pháp đã xử lý.
a) Đối với gỗ tròn, gổ xẻ thuộc tất cả các nhóm gỗ, cơ quan kiểm lâm nhân dân có trách nhiệm giao cho công ty vật tư lâm sản hoặc giao cho lâm trường đóng tại địa phương, tùy theo địa điểm tập trung lâm sản phạm pháp ở từng đơn vị kiểm lâm nhân dân. Riêng đối với gỗ nhóm I (hoặc gỗ thượng hạng ở các tỉnh phía Nam), các công ty vật tư lâm sản phải có kế hoạch dự trữ và chỉ được phân phối theo lệnh của Nhà nước.
Về giá giao, nếu giao cho lâm trường thì áp dụng theo giá thu mua lâm sản hiện hành tại địa phương; nếu giao cho công ty vật tư lâm sản thì áp dụng theo giá bán vật tư lâm sản tại bãi 2, nơi chưa có hoặc không có giá trị quy định thì giá giao cụ thể sẽ do hai bên cơ quan giao và nhận thỏa thuận. Trong những trường hợp mà việc thu hồi gỗ phạm pháp phải mất nhiều công vận chuyển, cơ quan kiểm lâm nhân dân còn được tính thêm phí vận chuyển thực tế vào giá giao; phí vận chuyển tính thêm này do cơ quan nhận lâm sản thanh toán trên cơ sở thỏa thuận giữa hai bên.
Đối với số gỗ phạm pháp mà cơ quan kiểm lâm nhân dân chuyển giao nhưng cả lâm trường và công ty vật tư lâm sản không nhận được (gỗ không đủ quy cách, phẩm chất giao nhận; gỗ nằm quá phân tác, rải rác và có khối lượng không lớn mà việc thu hồi đòi hỏi phí vận chuyển chung quá lớn) thì cơ quan kiểm lâm nhân dân phải lập biên bản về số gỗ đó, có xác nhận của lâm trường và công ty vật tư lâm sản, sau đó có thể giải quyết như sau :
- Chi cục, hạt kiểm lâm nhân dân các tỉnh, trong từng thời gian, tổng hợp tình hình gỗ phạm pháp không giao nộp được ở các hạt, trạm, báo cáo với Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố để có kế hoạch giao cho công ty vật liệu kiến thiết hoặc phân phối trực tiếp cho nhu cầu của các ngành, cơ quan, đơn vị đã có kế hoạch được phân phối gỗ tại đị phương. Về giá giao, áp dụng theo giá bán vật tư lâm sản tại địa phương; về mặt kế hoạch phân phối vật tư lâm sản, tùy theo khối lượng gỗ đã giao cụ thể, mà có thể trừ hoặc cộng thêm vào kế hoạch phân phối gỗ trong năm đó của đơn vị đã được nhận số gỗ đó.
- Đối với số gỗ phạm pháp nằm phân tán ở rừng, hạt kiểm lâm nhân dân có thể cấp gỗ đó cho nhu cầu gia dụng của nhân dân những xã ở nơi có rừng theo đối tượng và khối lượng đã được xét, cấp phép, để tiết kiệm bớt gỗ phải chặt ở rừng cho nhu cầu gia dụng; hoặc có thể xét cho cấp xã; hợp tác xã sở tại để sử dụng vào các nhu cầu phục vụ lợi ích công cộng hoặc tập thể (làm cầu cống, xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo…); nhưng không được cấp gỗ thuộc các nhóm I,II (hoặc gỗ thượng hạng và gỗ hạng I ở các tỉnh phía Nam). Về giá giao, cá nhân hoặc đơn vị được nhận gỗ phải trả tiền cho hạt kiểm lâm nhân dân theo giá thu mua lâm sản hiện hành tại địa phương và phải nộp tiền nuôi rừng cho Nhà nước.
b) Đối với gỗ mộc và gỗ phạm pháp đã sơ chế:
- Đối với gỗ mộc như giường, tủ, bàn, ghế… cơ quan kiểm lâm nhân dân báo cáo với Ủy ban nhân dân cùng cấp để có kế hoạch phân phối các hàng đó cho nhu cầu của các cơ quan, đơn vị xung quanh tỉnh, huyện; riêng đối với đồ mộc thuộc gỗ nhóm I (hoặc gỗ thượng hạng ở các tỉnh phía Nam), chi cục, hạt kiểm lâm nhân dân cấp tỉnh phải tập trung lại để giao Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố sử dụng cho các nhu cầu phục vụ lợi ích công cộng. Về giá giao, áp dụng theo giá bán lẻ đồ mộc tại địa phương.
- Đối với gỗ mới sơ chế như mặt bàn, mặt ghế, vai giường…cơ quan kiểm lâm nhân dân có thể giao cho xí nghiệp đồ mộc tại địa phương, theo giá bán vật tư lâm sản tại địa phương.
- Đối với đồ mộc và gỗ sơ chế mà cơ quan kiểm lâm nhân dân giao nhưng không có cơ quan đơn vị nào nhận thì cơ quan kiểm lâm nhân dân được áp dụng chế độ bán hóa giá cho cán bộ, nhân viên xung quanh tỉnh, huyện kể cả cho nội bộ cơ quan kiểm lâm nhân dân.
4. Đối với củi, tre, nứa phạm pháp đã xử lý.
a) Đối với củi, tre, nứa các loại, cơ quan kiểm lâm nhân dân có trách nhiệm giao cho công ty vật tư lâm sản hoặc giao cho lâm trường đóng tại địa phương, tùy theo địa điểm tập trung lâm sản phạm pháp ở từng đơn vị kiểm lâm nhân dân.Về giá cao, áp dụng theo giá bán vật tư lâm sản tại bãi 2 hay theo giá bán hai bên thỏa thuận (đối với công ty vật tư lâm sản), hoặc theo giá thu mua hiện hành tại địa phương (đối với lâm trường).
b) Đối với số củi, tre, nứa phạm pháp mà cơ quan kiểm lâm nhân dân chuyển giao nhưng cả lâm trường và công ty vật tư lâm sản không nhận được (như trường hợp đã nêu đối với gỗ phạm pháp tại điểm a, mục 3 trên đây) thì cơ quan kiểm lâm nhân dân phải lập biên bản về số lâm sản đó, có xác nhận của lâm trường và Công ty vật tư lâm sản, sau đó có thể giải quyết như sau:
Cơ quan kiểm lâm nhân dân báo cáo với Ủy ban nhân dân cùng cấp để có kế hoạch giao cho công ty vật liệu kiến thiết hoặc kiểm lâm nhân dân phân phối trực tiếp cho nhu cầu của địa phương, cho xã, hợp tác xã đã tham gia vào việc phát hiện ngăn chặn vụ vi phạm có số lâm sản đã xử lý đó, để sử dụng cho các nhu cầu phục vụ lợi ích công cộng hoặc tập thể.
Về giá giao, áp dụng theo giá thu mua lâm sản hiện hành tại địa phương và đơn vị nhận lâm sản phải nộp tiền nuôi rừng cho Nhà nước.
5. Đối với các lâm sản phạm pháp khác đã xử lý.
a) Các lâm sản thuộc mặt hàng lâm nghiệp thu mua, thì cơ quan kiểm lâm nhân dân giao cho công ty vật tư lâm sản hoặc cơ quan trong ngành lâm nghiệp làm nhiệm vụ thu mua tại địa phương, theo giá thu mua lâm sản hiện hành tại địa phương.
b) Các lâm sản thuộc mặt hàng thu mua của ngành nội thương, ngoại thương, y tế, thì cơ quan kiểm lâm nhân dân giao cho các cơ quan làm nhiệm vụ thu mua của các ngành đó tại địa phương, theo giá thu mua hiện hành tại địa phương.
Các cơ quan nhận lâm sản trong trường hợp a và b trên đây, ngoài việc trả tiền cho cơ quan kiểm lâm nhân dân theo giá giao đã quy định, còn phải nộp tiền nuôi rừng cho Nhà nước.
c) Đối với các tang vật thuộc loại thực phẩm tươi sống như thịt, chim, thú hoang dã, măng tươi…tuy chưa xử lý nhưng hướng là xử lý tịch thu hoặc trưng mua lại, thì cơ quan kiểm lâm nhân dân phải kịp thời giao cho cửa hàng thực phẩm hoặc nhà ăn tập thể tại địa phương, và tùy theo hướng xử lý là tịch thu hoặc trưng mua lại mà đơn vị nhận tang vật đó trả tiền cho cơ quan kiểm lâm nhân dân hoặc trả trực tiếp cho người vi phạm. Riêng đối với những loại chim, thú còn sống có giá trị kinh tế cao hoặc thuộc loại quý hiếm, các chi cục phải báo cáo kịp thời về Cục kiểm lâm nhân dân để có hướng giải quyết chung một các hợp lý.
6. Về tổ chức thực hiện cụ thể:
Các Ty lâm nghiệp, chi cục và hạt kiểm lâm nhân dân cấp tỉnh phối hợp cùng với các cơ quan làm nhiệm vụ phân phối, thu mua lâm sản tại địa phương để bàn bạc cụ thể về vấn đề chế độ trách nhiệm giữa cơ quan giao và cơ quan nhận lâm sản; địa điểm hành chính trong việc giao nhận; địa điểm giao nhận ở các huyện; việc thực hiện chế độ giá giao, thủ tục thanh quyết toán, nộp tiền nuôi dưỡng…
Cục kiểm lâm nhân dân, các công ty chế biến cung ứng lâm sản I, II, III và các Ty lâm nghiệp; chi cục, hạt kiểm lâm nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm phổ biến ngay chỉ thị này cho các đơn vị trong ngành và tổ chức chỉ đạo thi hành nghiêm chỉnh.
| K.T. BỘ TRƯỞNG BỘ LÂM NGHIỆP THỨ TRƯỞNG
Trần Văn Quế |