Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 500-TTg

Hà Nội, ngày 25 tháng 8 năm 1995

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC KHẨN TRƯƠNG TỔ CHỨC, SẮP XẾP LẠI DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC

Để khẩn trương tổ chức, sắp xếp lại doanh nghiệp Nhà nước theo Quyết định số 90/TTg ngày 07 tháng 3 năm 1994 và Chỉ thị số 272/TTg ngày 03 tháng 5 năm 1995 của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời để tổ chức thực hiện Luật doanh nghiệp Nhà nước và chương trình cải cách hành chính, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương tiến hành những việc sau:

1. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, các cơ quan thuộc Chính phủ và các Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (gọi tắt là các Bộ, ngành và địa phương) cần nhanh chóng trình Thủ tướng Chính phủ phương án tổng thể sắp xếp các doanh nghiệp Nhà nước đang thuộc phạm vi mình phụ trách nhằm bảo đảm tiến độ sắp xếp xong các doanh nghiệp do Trung ương quản lý vào cuối tháng 9 năm 1995 và các doanh nghiệp do địa phương quản lý vào cuối tháng 10 năm 1995. Phương án trình bày tổng quan, không cần kèm theo các hồ sơ cụ thể.

2. Việc sắp xếp, tổ chức lại doanh nghiệp Nhà nước để đi vào hoạt động theo Luật doanh nghiệp nhà nước phải kết hợp chặt chẽ với việc xoá bỏ dần chế độ Bộ và cấp hành chính địa phương trực tiếp quản lý doanh nghiệp Nhà nước như hiện nay, đồng thời khắc phục một bước tình trạng có nhiều doanh nghiệp Nhà nước hoạt động cùng ngành nghề trên cùng địa bàn nhưng lại do nhiều Bộ, nghành và địa phương chủ quản, nhất là trong lĩnh vực xây dựng và cơ khí.

a. Khi lập phương án tổng thể, các Bộ, ngành và địa phương cần phải rà soát lại tất cả các tổng công ty và doanh nghiệp độc lập thuộc phạm vi mình đang quản lý; cân nhắc kỹ việc thành lập lại và thành lập mới các Tổng công ty theo Quyết định số 90/TTg (gọi tắt là Tổng công ty 90) và việc đề nghị thành lập thêm tổng công ty theo quyết định số 91/TTg (gọi tắt là Tổng công ty 91). Đối với những doanh nghiệp độc lập trực thuộc Bộ, ngành, địa phương thì cần phân loại theo hướng sau:

- Những doanh nghiệp lớn hoặc hợp nhất một số doanh nghiệp nhỏ lại thành lập doanh nghiệp lớn để thành lập Công ty có Hội đồng quản trị.

- Những doanh nghiệp có thể sắp xếp vào cơ cấu làm thành viên tổng công ty 90 do Bộ, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được Thủ tướng Chính phủ uỷ quyền quyết định thành lập. Trường hợp có doanh nghiệp quy mô lớn hoạt động trong lĩnh vực ngành nghề có các Tổng công ty 91 hoặc Tổng công ty 90 đã hoặc đang được thành lập trên địa bàn thì có đề nghị chính thức để Bộ quản lý chuyên ngành kinh tế - kỹ thuật hữu quan xem xét tổ chức, sắp xếp vào các tổng công ty kinh doanh chuyên ngành.

Những doanh nghiệp cho đến nay hoạt động không nhằm mục đích kinh doanh vì lợi nhuận là chính, nếu xét thấy cần thiết phải duy trì thì chuyển ngành doanh nghiệp hoạt động công ích.

- Những doanh nghiệp cho đến nay hoạt động dưới dạng sự nghiệp chủ yếu dựa vào nguồn vốn sự nghiệp do Ngân sách Nhà nước cấp thì tổ chức thành đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ, ngành hoặc địa phương.

- Những doanh nghiệp vốn trực thuộc Bộ chuyên ngành quản lý thấy không cần thiết sắp xếp tham gia tổng công ty hoặc hoạt động công ích, sự nghiệp đặt trực thuộc Bộ thì chuyển cho địa phương để tổ chức, sắp xếp lại theo địa bàn lãnh thổ.

b. Trước mắt, ngành xây dựng và ngành cơ khí cần phối hợp với các Bộ, ngành khác để xem xét việc sắp xếp lại một bước trên cơ sở liên ngành. Bộ Xây dựng và Bộ công nghiệp nặng cần bàn với các Bộ, ngành và địa phương liên quan khẩn trương hoàn thành bản tổng quan về sắp xếp, tổ chức lại các doanh nghiệp Nhà nước (tối thiểu là đối với doanh nghiệp do Trung ương quản lý) đang hoạt động trong ngành xây dựng và ngành cơ khí trình thủ tướng Chính phủ xem xét và phê duyệt trước ngày 10 tháng 9 năm 1995 để làm cơ sở cho việc sắp xếp tổ chức lại bước đầu 2 ngành này.

3. Việc xem xét và phê duyệt phương án tổng thể được tiến hành như sau:

a. Sau khi Phó Thủ tướng phụ trách khối hoặc Bộ trưởng được Thủ tướng Chính phủ uỷ quyền chủ trì nghe trình bày và cho ý kiến vào từng phương án tổng thể, Bộ trưởng hoặc Thủ trưởng ngành, hoặc Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoàn chỉnh lại phương án, lấy ý kiến của Ban kinh tế Trung ương (đối với các Bộ ngành Trung ương) và của Thường vụ Tỉnh uỷ, Thành uỷ (đối với các địa phương) để chính thức trình Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn và uỷ quyền cho Bộ trưởng, Thủ trưởng ngành đó hoặc Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ra quyết định về tổ chức và cán bộ cho từng doanh nghiệp được phép đăng ký thành lập mới hoặc thành lập lại theo quy định của Luật doanh nghiệp Nhà nước.

b. Nhằm xúc tiến nhanh việc xem xét để phê duyệt các phương án tổng thể, Thủ tướng Chính phủ uỷ quyền như sau:

- Các Phó Thủ tướng trực tiếp nghe trình bày phương án tổng thể của các Bộ, ngành Trung ương theo từng khối mình phụ trách.

- Phó Thủ tướng Trần Đức Lương trực tiếp nghe trình bày phương án tổng thể của Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

- Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước Đỗ Quốc Sam trực tiếp nghe trình bày phương án tổng thể của một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác có nhiều doanh nghiệp Nhà nước.

- Bộ trưởng, trưởng Ban chỉ đạo Trung ương Đổi mới doanh nghiệp Phan Văn Tiệm trực tiếp nghe trình bày phương án tổng thể của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương còn lại.

4. Uỷ ban kế hoạch Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và xã hội, Ban vật giá Chính phủ, Tổng cục Thống kê căn cứ vào sự phân công tại Chỉ thị số 262/TTg ngày 2 tháng 5 năm 1995 của Thủ tướng Chính phủ, cần khẩn trương hoàn thành các dự thảo văn bản pháp quy hướng dẫn thi hành Luật doanh nghiệp nhà nước và trình Thủ tướng Chính phủ chậm nhất vào cuối tháng 9 năm 1995.

 

 

Võ Văn Kiệt

(Đã ký)