Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 52/2002/CT- UBBT

Phan Thiết, ngày 02 tháng 12 năm 2002

 

CHỈ THỊ

VỀ CÁC BIỆN PHÁP TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ LẬP BỘ THU THUẾ NHÀ,  ĐẤT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH THUẬN TỪ NĂM 2003

Theo báo cáo của Cục Thuế Tỉnh, trong năm 2002 đã đưa vào quản lý lập bộ thuế nhà đất trên toàn Tỉnh được 146.752 hộ, với tổng số diện tích là 35.649.130 m2 và 3.387.091 kg thóc tính thuế; trong đó riêng khu vực đô thị là 42.868 hộ, diện tích 5.746.074 m2, 2.469.555 kg thóc tính thuế. Kết quả này đã thể hiện sự cố gắng, tích cực của các cấp, các Ngành trong việc rà soát, khai thác diện tích đất ở đưa vào quản lý thuế, góp phần tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chính sách thuế Nhà đất vẫn còn một số tồn tại cần phải kịp thời chấn chỉnh, khắc phục như: Việc phân loại, xác lập vị trí đất tính thuế Nhà đất chưa thực hiện đúng quy định của UBND Tỉnh; chưa có sự phối hợp đầy đủ, chặt chẽ giữa các cấp, Ngành để xác định đúng diện tích lập bộ- tính thuế; chưa xây dựng đầy đủ, cụ thể các tiêu thức để xếp loại đường phố, vị trí; vì vậy đã tạo sự thiếu đồng bộ, nhất quán trong thực hiện chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực đất đai.

Để chấn chỉnh công tác quản lý lập bộ thuế nhà đất từ năm 2003 trở đi, góp phần thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về đất đai; UBND Tỉnh chỉ đạo UBND các Huyện, Thành phố, Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành thực hiện các vấn đề sau đây:

1- Giao Chủ tịch UBND các Huyện, Thành phố phối hợp với Cục Thuế chỉ đạo Chi cục Thuế, UBND các Xã, Phường, Thị trấn căn cứ vào quy định phân loại đường phố, vị trí theo Quyết định giá đất hiện hành của UBND Tỉnh tiến hành từng bước công tác khảo sát, điều tra lại diện tích của từng tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất ở, đất xây dựng công trình thuộc diện chịu thuế nhà đất xác định đúng loại đường phố, vị trí làm cơ sở lập bộ tính thuế nhà đất kể từ năm 2003 trở đi.

Đối với những vị trí đất, đường phố chưa được UBND Tỉnh quy định cụ thể thì giao UBND các Huyện, Thành phố căn cứ vào các nguyên tắc phân loại do UBND Tỉnh quy định để xác định cụ thể từng vị trí đất tính thuế.

Riêng đối với những lô đất có 2 hoặc 3 cạnh kề tiếp giáp với 2 hoặc 3 mặt tiền đường thì tính thuế nhà đất theo đường phố có giá đất cao hơn.

2- Trong công tác quản lý lập bộ thuế nhà đất phải căn cứ vào các giấy tờ địa chính có liên quan như: Giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà, đất; giấy tờ hợp lệ về quyền sử dụng đất theo quy định tại điểm 2 khoản 3 điều 1 Nghị định số 79/2001/NĐ- CP ngày 01/11/2001 của Chính Phủ hoặc sổ địa chính Nhà nước. Trong trường hợp không có các loại giấy tờ địa chính nêu trên thì phải căn cứ vào tờ khai nộp thuế nhà đất của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân theo thực tế đất sử dụng có xác nhận của ủy viên địa chính và Chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn làm cơ sở quản lý lập bộ tính thuế. Vị trí đất tính thuế, lập bộ phải xác định theo khu phố, thôn, xóm và loại đường phố.

3- Về diện tích tính thuế nhà đất, yêu cầu cơ quan Thuế phối hợp với cơ quan Địa chính thực hiện tốt công tác đối chiếu, rà soát theo quy hoạch sử dụng đất của cấp thẩm quyền để đưa vào quản lý lập bộ đầy đủ, kịp thời đối với toàn bộ diện tích đất ở, đất xây dựng công trình thuộc diện chịu thuế đất đã được cấp quyền sử dụng, đã được giao cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tại các khu dân cư, kể cả diện tích đã được Nhà nước cấp mà chưa xây dựng cũng phải đưa vào quản lý lập bộ và truy thu thuế Nhà đất đúng theo quy định nhằm thúc đẩy việc sử dụng đất có hiệu quả.

Riêng đối với số diện tích do lấn chiếm, sử dụng đất không đúng mục đích để làm nhà ở, xây dựng công trình thì giao cho cơ quan Thuế phát tờ khai cho hộ tự kê khai có ý kiến xác nhận của ủy viên địa chính và UBND xã, phường, thị trấn làm cơ sở lập bộ tính thuế. Việc tính thu thuế đất trong trường hợp này không có nghiã thừa nhận tính hợp pháp về đất sử dụng và phải được thông báo cho hộ sử dụng đất được biết và ký xác nhận đồng ý. Trường hợp phần diện tích đất lấn chiếm bị giải toả để xây dựng các công trình, thì Nhà nước không đền bù.

4- Về chính sách miễn, giảm thuế nhà đất; tiếp tục thực hiện đúng theo quy định tại các Thông tư số 83 TC/TCT ngày 07/10/1994, số 106/2000/TT- BTC ngày 24/10/2000, số 71/2002/TT- BTC ngày 19/8/2002 của Bộ Tài chinh và Chỉ thị số 15/2002/CT- UBBT ngày 12/3/2002 của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận.

5- Về giá thóc tính thuế nhà đất năm 2003, cho phép tiếp tục ổn định giá thu là 1.500 đồng/kg thóc lập bộ tính thuế, kể cả giá thóc thu thuế nợ đọng năm 2002 trở về trước chuyển sang.

6- Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng về Pháp lệnh thuế nhà đất và các chính sách khác của Nhà nước về đất đai có liên quan để các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân hiểu và thực hiện đầy đủ nghiã vụ nộp thuế nhà đất cho Nhà nước.

7- Giao cho Cục Thuế Tỉnh làm việc với Sở Tài chính- Vật giá về dự trù kinh phí thực hiện trình UBND Tỉnh xem xét, để hỗ trợ thêm chi phí trong việc khảo sát, điều tra lại diện tích lập bộ thuế nhà đất đối với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất; tổ chức thiết kế quản lý dữ liệu về đất ở trên máy tính phục vụ cho công tác quản lý lập bộ thuế nhà đất và các chính sách thu khác có liên quan.

Cục Thuế Tỉnh, Sở Địa chính, Sở Tài chính- Vật giá, UBND các Huyện, Thành phố căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị hướng dẫn và tổ chức việc triển khai thực hiện Chỉ thị này. Trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện có gì vướng mắc kịp thời báo cáo, để UBND Tỉnh xem xét, giải quyết./.

 

 

Nơi nhận: 
- T/T Tỉnh ủy (để báo cáo)
- T/T HĐND Tỉnh (để báo cáo)
- T/T UBMTTQVN Tỉnh
- Chủ tịch, PCT UBND Tỉnh
- ủy viên UBND Tỉnh
- Các Sở, Ngành cấp Tỉnh
- UBND các Huyện, Thành phố
- Chuyên viên PPLT, NC, TH
- Lưu: VP.

TM.UBND TỈNH BÌNH THUẬN
CHỦ TỊCH




Huỳnh Tấn Thành