Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

*******

 

Số: 525-TTg

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

*******

Hà Nội, ngày 07 tháng 11 năm 1978

 

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC MỞ RỘNG CHẾ ĐỘ HỢP ĐỒNG KINH TẾ HAI CHIỀU Ở TẤT CẢ CÁC TỈNH, THÀNH PHỐ TRONG THỜI GIAN TỚI

I

Ngày 23 tháng 3 năm 1978, Hội đồng Chính phủ đã ban hành quy định tạm thời số 65-CP về chế độ hợp đồng kinh tế hai chiều giữa các tổ chức kinh tế Nhà nước với nông dân và những người làm nghề rừng, nghề cá, nghề muối. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ra chỉ thị số 175-TTg ngày 23-03-1978 để hướng dẫn việc thi hành.

Đây là một biện pháp có ý nghĩa rất quan trọng về kinh tế và chính trị, đồng thời cũng là một vấn đề mới mẻ, phức tạp, phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm.

Sau một thời gian triển khai thực hiện, tính đến nay, ngoài 6 huyện điểm có đoàn cán bộ của trung ương và tỉnh, thành phố đưa về giúp Ủy ban nhân dân huyện tổ chức làm thử để rút kinh nghiệm, đã có 5 tỉnh ở cả hai miền là Bắc Thái, Vĩnh Phú, Nghệ Tĩnh, Bình Trị Thiên, Phú Khánh đã tiến hành ký hợp đồng hai chiều với tất cả các hợp tác xã và hộ sản xuất trong toàn tỉnh, 2 tỉnh Hà Bắc và Thanh Hóa đã làm thử trên diện rộng, còn nói chung các tỉnh khác mới làm thử trong một hay vài huyện.

Tuy quá trình thực hiện mới trong 6 tháng, diện thi hành trong cả nước còn hẹp, nhưng qua thực tiễn của những nơi đã làm và làm tốt, có thể sơ bộ nhận định chung về kết quả bước đầu như sau:

1. Ở tất cả những nơi cấp ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố quán triệt tư tưởng chỉ đạo của trung ương, nắm vững tinh thần và nội dung chế độ hợp đồng kinh tế hai chiều và quyết tâm làm thì mặc dù còn nhiều khó khăn, vấp váp đều đã đạt được kết quả tốt bước đầu về nhiều mặt. Nhìn chung, các tỉnh đã thông qua việc này mà thúc đẩy mọi mặt công tác của Đảng và Nhà nước trên địa bàn huyện tiến lên một bước mới, đặc biệt là đề cao được trách nhiệm của các tổ chức kinh tế Nhà nước và người sản xuất cùng nhau đảm bảo thực hiện thắng lợi kế hoạch Nhà nước, thắt chặt thêm quan hệ kinh tế giữa Nhà nước và nông dân, ngư dân, các cơ quan kinh tế Nhà nước phục vụ sản xuất và đời sống của người sản xuất tốt hơn; người sản xuất đồng tình với chế độ hợp đồng hai chiều, yên tâm phấn khởi đẩy mạnh sản xuất phát triển và bán sản phẩm cho Nhà nước nhiều hơn; Nhà nước nắm nguồn hàng chắc hơn, nhiều hơn trước, cả về lương thực, thực phẩm và các loại nông sản, hải sản chủ yếu.

Đây là kết quả của một quá trình giáo dục và đấu tranh để thống nhất về nhận thức tư tưởng và chính sách trong Đảng, chính quyền và trong quần chúng, đồng thời để chấn chỉnh tổ chức và cải tiến quản lý của các ngành kinh tế ở các cấp nhất là ở tỉnh và huyện.

2. Công tác kế hoạch ở địa phương đã có một bước tiến bộ mới. Do yêu cầu ký kết hợp đồng sát đúng, nhiều nơi đã thực hiện một bước dân chủ hóa kế hoạch. Tỉnh đã hướng dẫn cho huyện đem chỉ tiêu kế hoạch tỉnh đã giao về cơ sở bàn bạc cụ thể với các xã, ấp, các hợp tác xã và người sản xuất, vừa động viên mặt tích cực, vừa đấu tranh chống mặt tiêu cực để xây dựng những chỉ tiêu kế hoạch tích cực về sản xuất, cung ứng và thu mua đưa vào hợp đồng hai chiều. Qua đó, tạo nên một mối quan hệ mới giữa cơ quan Nhà nước và người sản xuất, phát huy quyền làm chủ tập thể thật sự của nhân dân lao động ở nông thôn, trong sản xuất cũng như trong lưu thông phân phối, tiêu dùng, nhờ đó xây dựng kế hoạch sát hơn và thực hiện kế hoạch tốt hơn.

3. Việc triển khai chế độ hợp đồng kinh tế hai chiều đã thúc đẩy việc chấn chỉnh tổ chức, cải tiến công tác quản lý của các ngành (trước hết là các cơ quan kế hoạch các cấp và các ngành làm nhiệm vụ quản lý sản xuất, cung ứng vật tư, hàng hóa, thu mua nắm nguồn hàng), cải tiến cách chỉ đạo của cơ quan Đảng và chính quyền các cấp, gắn liền với việc bước đầu xây dựng huyện và tăng cường cấp huyện, củng cố và tăng cường cho cơ sở xã, ấp và hợp tác xã.

4. Việc triển khai chế độ hợp đồng kinh tế hai chiều vừa qua đòi hỏi phải có sự kết hợp chặt chẽ với việc tăng cường quản lý thị trường nông thôn, cải tạo quan hệ sản xuất, kể cả trong nông nghiệp và công thương nghiệp ở các tỉnh miền Nam, củng cố các hợp tác xã ở miền Bắc và thực tế đã góp phần thúc đẩy quá trình đó.

Bên cạnh những ưu điểm, tiến độ và kết quả tốt nói trên, việc triển khai thực hiện tốt chế độ hợp đồng kinh tế hai chiều trong cả nước vừa qua còn gặp nhiều khó khăn, và có những thiếu sót, nhược điểm chính sau đây:

1. Một số ngành và cấp lãnh đạo tỉnh, huyện chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa và nội dung vấn đề này.

Do chưa nghiên cứu kỹ để nắm vững tinh thần và nội dung của chế độ hợp đồng hai chiều, cho nên chưa nhận rõ lợi ích của việc làm này trên nhiều mặt kinh tế và chính trị chứ không phải chỉ nhằm nắm cho được nguồn hàng; muốn tiếp tục giao nghĩa vụ cho nông dân phải bán lương thực và thịt lợn cho Nhà nước hơn là nắm những nguồn hàng này bằng hợp đồng hai chiều; - còn nặng tư tưởng hành chính bao cấp, cho rằng Nhà nước có nghĩa vụ cung ứng tư liệu sản xuất cho người sản xuất và hàng tiêu dùng thuộc nhu cầu cơ bản cho mọi người dân, không muốn đưa những loại hàng đó vào hợp đồng hai chiều, và muốn tiếp tục dùng một số hàng hóa, vật tư quý, hiếm để đổi lấy nông sản thực phẩm của nông dân như đã làm trước đây; - không muốn làm hợp đồng kinh tế hai chiều vì sợ rằng Nhà nước không có đủ khả năng về vật tư hàng hóa để cung ứng cho mọi người sản xuất theo hợp đồng đã ký, và lo ngại bộ máy của cấp huyện và cơ sở hiện nay không đủ sức làm nổi việc này.

2. Cơ sở để ký hợp đồng hai chiều là chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước và các chính sách có liên quan hiện hành. Nhưng vừa qua kế hoạch Nhà nước năm 1978 chưa được xây dựng từ cơ sở lên, kế hoạch của từng huyện chưa làm được đầy đủ, hoặc làm chưa tốt, nhiều chỉ tiêu kế hoạch sản xuất và thu mua giao về cho cơ sở không sát với thực tế. Một số điểm chính sách về lương thực, thu mua lợn và giá cả chưa được thông suốt trong một số ngành và địa phương, dẫn tới tình trạng vận dụng không thống nhất, có trường hợp tùy tiện.

3. Tình hình vật tư, hàng hóa đã khó khăn, thiếu thốn, nhưng ở nhiều nơi việc phân phối lại tổ chức chưa tốt và quản lý chưa chặt chẽ, chưa bảo đảm đưa xuống cho cơ sở đúng kế hoạch, kịp thời vụ, đến tay người tiêu dùng, còn để lọt vào tay bọn đầu cơ, lợi dụng và để chạy ra thị trường tự do nhiều. Đây là một nguyên nhân trực tiếp gây nên tư tưởng hoài nghi, băn khoăn trong cán bộ và quần chúng, làm cho họ chần chừ chưa muốn ký hợp đồng kinh tế hai chiều.

4. Tổ chức bảo đảm thực hiện từ trên xuống dưới chưa chuyển biến kịp với yêu cầu của công tác hợp đồng kinh tế hai chiều. Trong các cơ quan kế hoạch, các ngành cung ứng vật tư, hàng hóa và thu mua ở các cấp, việc chấn chỉnh tổ chức và cải tiến quản lý làm chậm và không đồng bộ. Giữa các ngành trung ương với nhau và với các địa phương, sự hiệp đồng còn thiếu chặt chẽ, tác dụng hướng dẫn giúp đỡ của các ngành trung ương đối với các địa phương còn bị hạn chế nhiều.

Một thiếu sót lớn nữa là việc xây dựng huyện và tăng cường cấp huyện theo nghị quyết của Bộ Chính trị và Hội đồng Chính phủ triển khai rất chậm: bộ máy của huyện chưa được tăng cường để đủ sức giúp Ủy ban nhân dân huyện trực tiếp chỉ đạo tập trung thống nhất công tác hợp đồng hai chiều trên địa bàn huyện; các tổ chức cung ứng và thu mua chưa được gom lại cho bớt đầu mối, việc phân cấp quản lý giữa tỉnh và huyện đối với các tổ chức này chưa được thực hiện tốt.

5. Công tác quản lý thị trường nông thôn vừa qua ở nhiều nơi bị buông lỏng, công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với nông nghiệp và công thương nghiệp ở nông thôn miền Nam tiến hành còn chậm. Tình trạng sản xuất cá thể còn phổ biến, thị trường tự do còn rộng, giá cả không ổn định, đã ảnh hưởng không ít đến việc vận động các hợp tác xã và hộ sản xuất cá thể ký kết hợp đồng hai chiều, đưa các mặt sản xuất – cung ứng và thu mua đi vào kế hoạch.

II

Thực tiễn ở những nơi đã làm và làm tốt vừa qua đã chứng minh: chế độ hợp đồng kinh tế hai chiều đáp ứng đúng nguyện vọng của người sản xuất, và yêu cầu của Nhà nước tăng cường quản lý kinh tế xã hội chủ nghĩa theo hướng xây dựng huyện thành đơn vị kinh tế nông công nghiệp.

Những tỉnh vừa qua đã làm trên diện rộng cũng như ở những huyện làm thử và đã đạt kết quả tốt, không phải vì có những điều kiện thuận lợi hơn các nơi khác, mà cũng vẫn ở trong tình trạng khó khăn chung về vật tư hàng hóa và về tổ chức. Những việc đã làm được ở những nơi này đều có thể rút kinh nghiệm để mở rộng ra làm ở những nơi khác.

Xuất phát từ thực tế đó, và để phát huy mạnh mẽ tác dụng của biện pháp hợp đồng kinh tế hai chiều góp phần tích cực thực hiện thắng lợi kế hoạch Nhà nước trên các lĩnh vực sản xuất và thu mua nắm nguồn hàng lương thực, thực phẩm, nông sản, lâm sản, hải sản như đã nêu trong các nghị quyết của trung ương Đảng và Chính phủ, Hội đồng Chính phủ quyết định các ngành có liên quan và các địa phương cần mở rộng ngay diện thực hiện hợp đồng kinh tế hai chiều trên địa bàn từng huyện ở tất cả các tỉnh miền Bắc và ở những huyện trọng điểm sản xuất lương thực, thực phẩm, hải sản, nông sản, lâm sản, có nhiều hàng hóa bán cho Nhà nước ở các tỉnh, thành phố miền Nam. Công tác này phải gắn liền với việc xây dựng kế hoạch Nhà nước năm 1979, với việc xây dựng huyện và tăng cường cấp huyện, củng cố và tăng cường cơ sở đảng, chính quyền và đoàn thể ở nông thôn, với việc đẩy mạnh phong trào hợp tác hóa nông nghiệp, nghề rừng, nghề cá và cải tạo công thương nghiệp ở miền Nam, củng cố và hoàn thiện quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc.

Những ngành, những địa phương đã làm hợp đồng kinh tế hai chiều trong năm 1978 (kể cả những nơi làm thử) phải tiếp tục thực hiện tốt và thanh lý những hợp đồng đã ký, qua thanh lý, sơ kết và tổng kết mà rút kinh nghiệm chuẩn bị tốt hơn để tiến hành ký kết hợp đồng hai chiều năm 1979 vào cuối năm 1978 cho kịp thời vụ, bắt đầu từ vụ đông xuân năm 1978 – 1979.

Những ngành, những địa phương năm 1978 chưa làm, thì cần căn cứ vào bản quy định tạm thời số 65-CP của Hội đồng Chính phủ và chỉ thị số 175-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chế độ hợp đồng kinh tế hai chiều, và rút kinh nghiệm của những nơi đã làm tốt vừa qua, để chuẩn bị ngay từ bây giờ cho việc ký hợp đồng 1979 kịp thời vụ, khi các hợp tác xã và nông dân bắt tay vào làm vụ sản xuất đông xuân năm 1978 – 1979.

Trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, cần chú ý những vấn đề chính sau đây:

1. Trước hết cần nắm vững tinh thần và nội dung chế độ hợp đồng kinh tế hai chiều theo quy định tạm thời số 65-CP của Hội đồng Chính phủ để vận dụng cho đúng.

A. Để có cơ sở ký hợp đồng kinh tế hai chiều trước mắt phải gắn chặt việc này với việc xây dựng kế hoạch Nhà nước năm 1979 ở các cấp. Dựa vào sổ kiểm tra của Ủy ban Kế hoạch Nhà nước đã đưa xuống, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố cần chỉ đạo xây dựng kế hoạch từ cơ sở hợp tác xã hay xã, ấp lên và tổng hợp xây dựng thành kế hoạch của từng huyện. Hợp đồng ký kết cho cả năm, có chia theo từng vụ sản xuất, để thực hiện và thanh lý. Chỉ tiêu kế hoạch năm là hướng dẫn phấn đấu chung cả năm. Trong quá trình thực hiện, sẽ căn cứ vào thực tế sản xuất từng vụ, ở từng nơi, mà bổ sung các điều khoản cụ thể và có sự điều chỉnh cần thiết cho phù hợp với thực tế. Nếu trong một năm làm nhiều vụ, thì vụ trước, quý trước không thực hiện được đủ hợp đồng, vụ sau, quý sau phải cố thực hiện thêm để bù vào.

Về mặt chính sách, nói chung vẫn căn cứ vào những chính sách thu mua, phân phối và quản lý thị trường hiện hành để ký hợp đồng hai chiều cho năm 1979.

Đối với lương thực: ở miền Nam (từ Bình Trị Thiên trở vào), thì vận dụng theo nghị quyết số 12-NQ/TU của Bộ Chính trị và chỉ thị số 243-CP của Hội đồng Chính phủ. Ở miền  Bắc thì vẫn thi hành theo nghị quyết số 55-CP ngày 03-03-1978 của Hội đồng Chính phủ và chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về công tác huy động lương thực vụ mùa năm 1978.

Đối với việc thu mua thực phẩm: trong các chính sách hiện hành, Bộ Nội thương cần trao đổi thêm với các ngành và các địa phương có liên quan nghiên cứu trình Hội đồng Chính phủ quyết định một số điểm cần bổ sung về chính sách thu mua trâu bò ở miền núi, chính sách đối với vùng chuyên canh rau, và chính sách khuyến khích bán ngoài kế hoạch trong việc thu mua lợn của gia đình xã viên để kịp thi hành trong năm 1979.

Về giá cả, Ủy ban Vật giá Nhà nước cần hướng dẫn, kiểm tra các ngành, các địa phương bảo đảm ký kết và thực hiện hợp đồng đúng giá chỉ đạo của Nhà nước. Mặt khác cần tiếp tục phối hợp với các ngành có liên quan nghiên cứu trình Chính phủ quyết định một số giá theo tinh thần nghị quyết số 05-NQ/TU của Bộ Chính trị và nghị quyết số 10-CP ngày 08-01-1978 của Hội đồng Chính phủ để thi hành trong năm 1979.

B. Nội dung hợp đồng kinh tế hai chiều phải nhằm trước hết phục vụ cho việc phát triển nông nghiệp toàn diện, nghề cá, nghề muối, nghề rừng, bảo đảm Nhà nước nắm chắc nguồn hàng lương thực (cả lúa và màu), thực phẩm, các nông sản, lâm sản, hải sản chủ yếu dùng làm nguyên liệu cho công nghiệp và hàng xuất khẩu. Khối lượng và mặt hàng Nhà nước thu mua cần đưa vào hợp đồng hai chiều là những mặt hàng mà các hợp tác xã, các gia đình xã viên và hộ nông dân có điều kiện và khả năng sản xuất trên từng địa bàn cụ thể, và bán cho Nhà nước. Tinh thần chung là có lao động sản xuất thì phải làm ra sản phẩm, muốn được bảo đảm cung cấp đầy đủ những vật tư hàng hóa cho sản xuất và đời sống của mình, phải cố gắng sản xuất và bán sản phẩm cho Nhà nước để Nhà nước cung cấp cho những người sản xuất khác và nhân dân nói chung.

Về phần Nhà nước cung ứng vật tư và hàng hóa tiêu dùng cho người sản xuất.

Về tư liệu sản xuất và vật liệu xây dựng, dựa vào danh mục chung đã nêu trong bản quy định tạm thời, các Ủy ban tỉnh, thành phố căn cứ vào khả năng thực tế của địa phương, vào yêu cầu cụ thể của từng đối tượng, ở từng vùng, mà xác định cụ thể những loại vật tư và dịch vụ cần dựa vào hợp đồng. Vì tình hình vật tư còn có khó khăn, để đảm bảo chắc chắn, tỉnh cần hướng dẫn cho các huyện chỉ ghi cụ thể vào hợp đồng số đã nắm chắc hoặc có triển vọng giải quyết được, số nào không chắc thì nên ghi rõ điều kiện thực hiện.

Về hàng tiêu dùng: Ủy ban nhân dân huyện cần nắm được toàn bộ quỹ hàng hóa của địa phương (bao gồm cả phần do tỉnh đưa xuống, và phần do địa phương tự sản xuất, khai thác) để phân bố hợp lý cho các nhu cầu trong huyện, xác định rõ phần nào dành để bán cho những đối tượng phi nông nghiệp và những đối tượng khác theo chính sách và chế độ hiện hành, và phần nào dứt khoát dành để bán cho những người sản xuất nông nghiệp, làm nghề rừng, nghề cá, nghề muối. Trong phần này, cần phân biệt:

a) Những loại hàng bán bình thường ở các cửa hàng quốc doanh và hợp tác xã mua bán theo khả năng cung ứng của Nhà nước, không cần có tem, phiếu hay sổ và không đưa vào hợp đồng;

b) Những hàng tiêu dùng đưa vào hợp đồng kinh tế hai chiều gồm có:

Những loại hàng thuộc nhu cầu cơ bản (như lương thực, vải, muối, dầu hỏa, v.v…) bán theo tiêu chuẩn định lượng cho mỗi hộ, mỗi đầu người, mỗi đối tượng. Số hàng này ghi vào hợp đồng để bảo đảm ưu tiên phân phối cho người sản xuất làm tốt hợp đồng bán sản phẩm cho Nhà nước theo tiêu chuẩn quy định và với phẩm chất tốt. Hàng được bán ra theo kế hoạch phân phối từng quý, từng tháng, và có ghi sổ theo dõi kết hợp với thu mua theo hợp đồng;

Những loại hàng hóa chỉ dành để bán cho những đơn vị và người sản xuất với một tỷ lệ nhất định trên trị giá những sản phẩm họ bán cho Nhà nước theo hợp đồng kinh tế hai chiều. Đây là những loại hàng do người sản xuất tha thiết yêu cầu mà Nhà nước không đủ lực lượng để bán tự do hay bán theo tiêu chuẩn định lượng cho mọi người. Hàng này bán ra kết hợp với thu mua.

Ngoài ra, huyện cần dành một số hàng khan hiếm hợp với yêu cầu của nhân dân địa phương để bán thưởng cho những đơn vị và hộ sản xuất hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch và hợp đồng bán sản phẩm cho Nhà nước. Để xác định loại hàng gì, cần phải nghiên cứu và tôn trọng những yêu cầu thiết thân của người sản xuất.

Bộ Nội thương cần ra thông tư hướng dẫn cụ thể cho các địa phương về cách tổ chức và quản lý phân phối các quỹ hàng hóa trên đây, bảo đảm phân phối đến tay người tiêu dùng, phục vụ tốt cho đời sống của nhân dân lao động nông thôn, đồng thời có tác dụng khuyến khích rõ rệt đối với những đơn vị và cá nhân tích cực sản xuất và bán nhiều sản phẩm cho Nhà nước. Chú ý không nên đặt ra nhiều loại quỹ hàng hóa làm cho hàng hóa bị phân tán, bị giữ lại ở các quỹ và dễ bị lợi dụng và tham ô.

Về phần Nhà nước thu mua, trong năm 1979 các địa phương cần tập trung ký hợp đồng kinh tế hai chiều nhằm trước hết vào những sản phẩm chính ở những vùng sản xuất tập trung như lương thực (bao gồm lúa và màu), lợn và trâu bò, muối, vịt và trứng vịt ở vùng có tập quán chăn nuôi tập trung, các loại cây thực phẩm và cây công nghiệp ở vùng sản xuất tập trung hay chuyên canh, những lâm sản, thủy sản, hải sản chính (tươi và chế biến), một số dược liệu quý, những mặt hàng xuất khẩu có giá trị. Đối với những sản phẩm khác ít quan trọng hoặc sản xuất lẻ tẻ, nếu xét không cần ký hợp đồng, các cơ quan thu mua có thể tổ chức thu mua bình thường kết hợp với bán hàng.

C. Về đối tượng ký hợp đồng và thể thức ký kết.

Về phía Nhà nước, người đại diện có thẩm quyền của các tổ chức kinh tế hoạt động trên địa bàn huyện đứng ra ký trực tiếp với người sản xuất, Ủy ban nhân dân huyện giữ vai trò điều khiển cả hai bên ký kết và  phê chuẩn các hợp đồng đã ký.

Về phía người sản xuất, nơi đã có hợp tác xã thì chủ nhiệm hợp tác xã đứng ra ký hợp đồng, vừa đại diện cho kinh tế tập thể, vừa đại diện cho kinh tế phụ gia đình xã viên. Ở những nơi chưa có hợp tác xã như ở các tỉnh miền Nam, người đại diện cho các tập đoàn sản xuất, các tổ, đội đoàn kết sản xuất đứng ra ký. Để giảm bớt số lượng đối tượng ký kết và số lượng bản hợp đồng, có thể làm theo cách: các nông hộ đăng ký với tổ, các tổ đăng ký với ấp hoặc với xã, rồi ủy nhiệm cho trưởng ban sản xuất ấp hay xã (hay trưởng ban quản lý các tập đoàn sản xuất ở ấp, xã, nếu có) thay mặt các hộ sản xuất trong ấp, xã để ký hợp đồng. Người đại diện này cần được Ủy ban nhân dân xã xác nhận tư cách thay mặt cho các đơn vị và hộ sản xuất (phải do hội nghị của các tập đoàn hay tổ, đội sản xuất cử ra), Ủy ban nhân dân xã chịu trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra thường xuyên việc thực hiện hợp đồng kinh tế hai chiều đã ký kết ở địa phương mình.

Về thể thức ký hợp đồng, trước mắt vẫn có thể làm theo hai cách:

1. Dưới sự chỉ đạo tập trung thống nhất của Ủy ban nhân dân huyện, các tổ chức kinh tế của Nhà nước ở huyện cùng ký với người sản xuất một hợp đồng chung kèm theo những phụ lục cụ thể;

2. Sau khi đã tổ chức lại các ngành cung ứng và thu mua ở huyện theo chỉ thị, nghị quyết của Bộ Chính trị và Hội đồng Chính phủ, thì căn cứ vào các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất, cung ứng và thu mua đối với từng hợp tác xã, hay xã, ấp mà Ủy ban nhân dân huyện đã chính thức công bố, từng tổ chức cung ứng, thu mua, vận tải… ở huyện trực tiếp ký với đơn vị sản xuất, có Ủy ban nhân dân huyện phê chuẩn, nhưng khi ký vẫn nên tổ chức ký tập thể, để bảo đảm có sự hiệp đồng chặt chẽ giữa các ngành, và thuận tiện cho người sản xuất.

D. Về việc xử lý các trường hợp vi phạm hợp đồng.

Hội đồng trọng tài kinh tế Nhà nước có trách nhiệm căn cứ vào phương hướng đã nêu trong quy định tạm thời số 65-CP của Hội đồng Chính phủ, ra thông tư hướng dẫn cụ thể thêm cho các địa phương thi hành.

2. Để bảo đảm làm tốt hợp đồng kinh tế hai chiều, các địa phương nên bố trí chỉ đạo thực hiện theo một trình tự đại thể chia ra làm 5 bước như sau:

Bước 1 nhằm làm quán triệt ý nghĩa, mục đích, yêu cầu và toàn bộ nội dung của chế độ hợp đồng kinh tế hai chiều trong các ngành, các đoàn thể ở các cấp, trong cán bộ, đảng viên và người sản xuất. Công tác giáo dục tư tưởng và chính sách trên đây còn được tiếp tục tiến hành trong suốt quá trình ký kết và thực hiện hợp đồng.

Bước 2 là bước chuẩn bị về các mặt ở tỉnh và huyện (nắm lại tình hình, rà soát lại các chỉ tiêu kế hoạch và bàn bạc kỹ với xã, ấp và các cơ sở sản xuất, tập huấn cán bộ; chấn chỉnh một bước tổ chức, và cải tiến quản lý của các ngành kinh tế ở tỉnh và huyện, củng cố các hợp tác xã mua bán, tổ chức nông dân, ngư dân lại ở những nơi còn làm ăn cá thể; chuẩn bị nội dung hợp đồng và các thể thức ký kết…). Bước này rất quan trọng vì bảo đảm cho việc ký kết hợp đồng được sát đúng và thực hiện hợp đồng có kết quả tốt.

Bước 3 tiến hành ký kết với các đơn vị sản xuất sau khi mọi công tác chuẩn bị đã xong. Huyện bắt đầu làm thử ở một xã hoặc một hợp tác xã, sau đó triển khai ra các nơi khác.

Bước 4 thực hiện các hợp đồng đã ký kết. Đây là bước quyết định kết quả của toàn bộ công tác hợp đồng hai chiều. Ủy ban nhân dân tỉnh, huyện và xã cần chỉ đạo chặt chẽ tổ chức kiểm điểm thường xuyên, đôn đốc cả hai bên ký kết, bảo đảm làm đúng hợp đồng đã ký. Đây cũng là quá trình vừa làm vừa củng cố và tăng cường tổ chức, cải tiến công tác, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật của từng ngành kinh tế, quốc doanh, cải tạo quan hệ sản xuất và tổ chức lại sản xuất ở nông thôn, tăng cường quản lý thị trường.

Bước 5 là bước thanh lý hợp đồng, sơ kết từng vụ và tổng kết cả năm, khen thưởng những đơn vị, cá nhân làm tốt và xử lý các vụ vi phạm hợp đồng.

3. Về trách nhiệm của các ngành, các cấp trong việc bảo đảm thực hiện:

Hợp đồng kinh tế hai chiều được tiến hành trên địa bàn huyện và do Ủy ban nhân dân huyện trực tiếp chỉ đạo toàn diện, tập trung, thống nhất đối với cả hai bên ký kết. Muốn cho huyện làm được việc, phải có sự chuyển biến đồng bộ từ trung ương đến tỉnh trong tất cả các ngành có liên quan. Các ngành trung ương phải hiệp đồng chặt chẽ, tạo điều kiện cho tỉnh, thành phố và cùng Ủy ban tỉnh, thành phố thiết thực giúp cho huyện tổ chức thực hiện tốt.

a) Ủy ban Kế hoạch Nhà nước cần hướng dẫn giúp đỡ các tỉnh, thành phố xây dựng cho được kế hoạch huyện, làm từ cơ sở lên, bảo đảm các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất, cung ứng vật tư hàng hóa và huy động (trong này có thu mua) được sát đúng. Chỉ tiêu kế hoạch đề ra phải có biện pháp thực hiện kèm theo. Trên cơ sở đó, hướng dẫn giúp đỡ các huyện phân bổ chỉ tiêu cho các hợp tác xã hay thông qua các xã, ấp để giao chỉ tiêu cụ thể cho các tập đoàn sản xuất, tổ, đội đoàn kết sản xuất, làm căn cứ để ký hợp đồng.

b) Các Bộ, Tổng cục có liên quan và các tỉnh, thành phố phải phối hợp chặt chẽ, tổ chức thực hiện tốt kế hoạch vận tải, cung ứng vật tư, hàng hóa đã phân bổ cho các huyện, trước hết là về tư liệu sản xuất để bảo đảm phục vụ sản xuất kịp thời vụ  theo hợp đồng đã ký.

Mặt khác, cần khẩn trương tổ chức lại các cơ quan cung ứng vật tư, hàng hóa, thu mua và vận tải trên địa bàn huyện theo đúng tinh thần nghị quyết số 33-CP của Hội đồng Chính phủ và thông tư số 418-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Chấn chỉnh tổ chức phải đi đôi với cải tiến phương thức hoạt động, bố trí hợp lý mạng lưới kinh doanh, tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật, giải quyết cụ thể các vấn đề mắc mứu về phân công, phân cấp giữa các ngành với nhau, giữa trung ương và địa phương, tỉnh và huyện, về vận tải, giao nhận, giá cả, thanh toán, tiền mặt, v.v…

c) Hội đồng trọng tài kinh tế Nhà nước có trách nhiệm theo dõi, hướng dẫn các ngành, các địa phương làm tốt việc ký kết và thanh lý hợp đồng hai chiều, xử lý các vụ vi phạm hợp đồng.

d) Các ngành có liên quan ở trung ương, các cấp ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố cần tích cực thực hiện chỉ thị số 33-CT-TU của Bộ Chính trị và nghị quyết số 33-CP của Hội đồng Chính phủ về xây dựng huyện và tăng cường cấp huyện, bảo đảm cho Ủy ban huyện có bộ máy cần thiết để chỉ đạo sản xuất và làm hợp đồng hai chiều (cố gắng hình thành sớm các Ban kết hoạch, Ban nông nghiệp, Ban thương nghiệp – vật tư và đời sống của huyện, có số cán bộ tối thiểu cần thiết để làm nhiệm vụ giúp Ủy ban huyện chỉ đạo).

đ) Các Bộ sản xuất công nghiệp và các Sở, Ty công nghiệp các tỉnh, thành phố có trách nhiệm đẩy mạnh sản xuất tư liệu sản xuất, vật liệu xây dựng và nhất là hàng tiêu dùng để có thêm nhiều vật tư và hàng công nghiệp tiêu dùng trao đổi với nông dân qua hợp đồng hai chiều.

e) Trong khi bộ máy của huyện còn yếu, các ngành trung ương có liên quan và các tỉnh, thành phố cần tập trung cán bộ, tổ chức tập huấn đưa về giúp các Ủy ban huyện triển khai thực hiện chế độ hợp đồng hai chiều kết hợp với các mặt công tác lớn khác ở nông thôn hiện nay. Phải giúp huyện điều tra nắm chắc được tình hình các mặt ở địa phương, xây dựng được kế hoạch của huyện và chuẩn bị tốt cho việc ký hợp đồng hai chiều năm 1979. Tỉnh cần giúp huyện bồi dưỡng cho cán bộ xã, ấp nắm được vấn đề hợp đồng hai chiều để giúp huyện chỉ đạo thực hiện trong phạm vi xã, ấp.

g) Các cơ quan tuyên huấn, thông tin, tuyên truyền cần nắm vững nội dung vấn đề này, phối hợp với các ngành có liên quan và cùng các đoàn thể có kế hoạch tuyên truyền phổ biến chế độ chính sách rộng rãi trong cán bộ và nhân dân, theo dõi sát việc thực hiện ở các ngành, các cấp, phổ biến kinh nghiệm kịp thời.

4. Về tổ chức chỉ đạo ở các cấp

Ở trung ương, Thường vụ Hội đồng Chính phủ trực tiếp chỉ đạo công tác hợp đồng hai chiều, sử dụng Văn phòng Phủ thủ tướng để tổ chức nắm tình hình, điều hòa phối hợp công tác của các ngành có liên quan, và chỉ đạo các địa phương triển khai thực hiện.

Văn phòng Phủ thủ tướng cần có chế độ sinh hoạt thường kỳ với các ngành có liên quan và liên hệ mật thiết với các Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố để thường xuyên theo dõi, nắm sát và kiểm điểm tình hình thực hiện ở các ngành, các địa phương, làm báo cáo cho Hội đồng Chính phủ, kiến nghị với Chính phủ về những việc cần chỉ đạo uốn nắn kịp thời.

Các ngành chủ quản ở trung ương (Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, các Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp, Hải sản, Vật tư, Lương thực và thực phẩm, Công nghiệp nhẹ, Nội thương, Ngoại thương, Y tế, Điện và than, Xây dựng, Giao thông vận tải, Ủy ban Vật giá Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước, Hội đồng trọng tài kinh tế Nhà nước) cần phân công một đồng chí lãnh đạo ngành phụ trách, có một số cán bộ chuyên trách giúp việc, huy động các vụ, cục có liên quan để tổ chức theo dõi sát và chỉ đạo chặt chẽ công tác hợp đồng hai chiều gắn liền với việc xây dựng và thực hiện kế hoạch Nhà nước trong toàn ngành.

Ở các tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương: Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực tiếp chỉ đạo công tác hợp đồng hai chiều gắn với công tác kế hoạch đó ở địa phương. Đồng chí Chủ tịch và đồng chí Phó chủ tịch phụ trách tài chính, thương nghiệp sử dụng Văn phòng Ủy ban để làm việc, có chế độ sinh hoạt thường kỳ với Hội đồng trọng tài kinh tế, Ủy ban Kế hoạch, Ủy ban Vật giá và các ngành có liên quan khác ở tỉnh, thành phố để chỉ đạo chặt chẽ và tổ chức thực hiện tốt từ tỉnh đến huyện và cơ sở. Mỗi sở, ty có liên quan phải phân công một đồng chí lãnh đạo phụ trách công tác này gắn với việc chỉ đạo xây dựng và thực hiện kế hoạch của ngành ở địa phương.

Ở huyện: công tác này do Ủy ban nhân dân huyện chỉ đạo toàn diện gắn liền với công tác kế hoạch ở địa phương. Ủy ban cần phân công đồng chí Chủ tịch và đồng chí Phó chủ tịch phụ trách tài chính, thương nghiệp trực tiếp phụ trách, sử dụng Văn phòng Ủy ban nhân dân huyện và các Ban kế hoạch, Ban nông nghiệp, Ban thương nghiệp – vật tư – đời sống huyện để chỉ đạo tập trung thống nhất các ngành kinh tế ở huyện và các hợp tác xã, các xã, ấp tiến hành.

Ở xã: Ủy ban nhân dân xã có trách nhiệm giúp huyện tổ chức thực hiện công tác hợp đồng hai chiều ở địa phương. Đồng chí Chủ tịch thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện hợp đồng của hai bên ký kết gắn liền với việc thực hiện kế hoạch sản xuất và chăm lo đời sống của nhân dân trong xã.

 

 

KT. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

PHÓ THỦ TƯỚNG

 

 

 

 

 

Phạm Hùng