ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 53/CT-UB | TP. Hồ Chí Minh, ngày 05 tháng 11 năm 1983 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC PHẤN ĐẦU MỞ THÊM TRƯỜNG LỚP KHẮC PHỤC TÌNH TRẠNG HỌC CA 3, CA 4
Sự nghiệp giáo dục của thành phố đã có bước phát triển tốt, nhưng do hoàn cảnh chung của đất nước, do việc bố trí trường lớp dưới chế độ cũ không đồng đều nên hiện nay ở một số địa phương còn tình trạng thiếu trường lớp, học sinh phải học ca 3, ca 4. Tình hình đó đã gây trở ngại không ít đến chất lượng học tập và sức khỏe của thầy cô giáo, của học sinh và trở ngại cho nhiều cháu đến tuổi đi học nhưng không đủ chỗ học để được nhận vào học, nhất là học sinh ở các lớp phổ thông cơ sở. Việc bố trí sắp xếp giảng dạy của thầy cô giáo gặp nhiều khó khăn.
Để trẻ em đến tuổi được vào trường lớp học tập, chấm dứt tình trạng học sinh phải học ca 3, ca 4, việc mở thêm trường lớp mới là yêu cầu cấp thiết của các em, của toàn dân và của ngành giáo dục.
Trong tình hình kinh tế và Ngân sách Nhà nước có hạn, xét thực tế tình hình và khả năng của thành phố. Việc mở thêm trường lớp cần thực hiện theo phương châm: sắp xếp sử dụng tốt các cơ sở nhà cửa hiện có, vận động phong trào nhân dân, cơ quan xí nghiệp góp sức xây dựng thêm trường lớp cho học sinh.
Cụ thể là:
- Nghiên cứu mở rộng và sử dụng tốt các cơ sở trường lớp hiện có, thu hẹp khu làm việc, dành phòng cho lớp học, cố gắng tạo điều kiện xây dựng thêm phòng học.
- Sử dụng cải tạo các nhà vắng chủ, các nhà do nhà nước quản lý để có thêm lớp học: hạn chế bố trí nhà cho các nhu cầu khác, ưu tiên bố trí cho các lớp học ở các địa phương thiếu lớp học.
- Sắp xếp điều chỉnh hợp lý nhà của các cơ quan đơn vị của địa phương để mở thêm trường lớp.
- Nghiên cứu kiến nghị điều chuyển trụ sở cơ quan đơn vị nhà ở của cán bộ công nhân viên nhà nước xét thấy không hợp lý chuyển sang chỗ khác, địa phương khác để có thêm nhà mở thêm lớp học.
- Vận động, sử dụng đền chùa, nhà thờ, thánh thất… mở thêm lớp học.
- Vận động nhân dân góp của, góp công, góp vật tư xây thêm lớp học.
- Vận động các cơ quan, xí nghiệp đóng tại địa phương hỗ trợ sử dụng vận tư nguyên liệu hiện có xây thêm lớp học cho địa phương.
Ngoài việc thực hiện kế hoạch, Ngân sách của Nhà nước (phần xây thêm trường lớp), việc áp dụng các biện pháp theo phương châm trên đây có khả năng khắc phục sớm tình trạng học sinh phải học ca 3, ca 4.
Thành phố ta quyết phấn đấu đến năm 1985 kỷ niện 10 năm thành phố được giải phóng, giải quyết cơ bản xóa bỏ tình trạng học ca 4, ca 3 của học sinh các lớp phổ thông cơ sở.
Để thực hiện tốt yêu cầu trên, Uỷ ban Nhân dân thành phố giao trách nhiệm như sau:
1. Uỷ ban Nhân dân quận huyện, cơ quan Nhà nước địa phương được phân cấp quản lý các trường phổ thông cơ sở, cần nắm chắc lại tình hình: trường thuộc phường xã nào còn bao nhiêu học sinh phải học ca 3, ca 4, dự kiến cần mở thêm bao nhiêu trường lớp và căn cứ các biện pháp trên đây có kế hoạch tổ chức thực hiện, Uỷ ban Nhân dân quận huyện chủ động bàn bạc với các cơ quan đơn vị sản xuất kinh doanh liên quan cấp thành phố và Trung ương, để có sự hỗ trợ tích cực.
Kế hoạch và biện pháp thực hiện cần gởi về Uỷ ban Nhân dân thành phố (đồng gởi Sở Giáo dục thành phố), trước ngày 30 tháng 11 năm 1983.
2. Sở Giáo dục, cơ quan chức năng giúp Uỷ ban Nhân dân thành phố chăm lo sự nghiệp giáo dục chung có trách nhiệm chỉ đạo ngành giáo dục quận, huyện làm tham mưu đắt lực cho Uỷ ban Nhân dân quận huyện thực hiện tốt công tác này, theo dõi tổng hợp tình hình chỉ đạo thực hiện và báo cáo, đề xuất ý kiến với Uỷ ban Nhân dân thành phố.
3. Sở Giáo dục là cơ quan Thường trực của Hội đồng giáo dục thành phố cần tập trung tình hình, chuẩn bị nội dung, đưa vấn đề này ra Hội đồng giáo dục thành phố, có đại diện Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể bàn bạc để có kế hoạch phát động phong trào (mở thêm trường lớp xóa bỏ tình trạng học sinh học ca 3, ca 4).
Sau đó, Sở Giáo dục hướng dẫn cho Uỷ ban Nhân dân quận huyện biết Hội đồng giáo dục và tổ chức cho Hội đồng giáo dục quận huyện, phường xã sinh hoạt theo nội dung trên và tiến hành cuộc vận động thực hiện theo kế hoạch của Uỷ ban Nhân dân thành phố.
4. Uỷ ban kế hoạch, Uỷ ban xây dựng cơ bản, Sở tài chánh, Sở Xây dựng theo chức năng có trách nhiệm xem xét phân bổ chỉ tiêu (kinh phí, vật tư…) hợp lý và hướng dẫn theo dõi, hỗ trợ tích cực cho các quận huyện phấn đấu thực hiện tốt công việc. Kinh phí, vật tư cần được ưu tiên cho các huyện ngoại thành.
5. Sở quản lý nhà đất và công trình công cộng chỉ đạo việc tu sửa bảo dưỡng các cơ sở trường lớp hiện có và nghiên cứu hướng dẫn việc sắp xếp điều chỉnh hợp lý nhà cửa, ưu tiên cho việc mở thêm trường lớp theo các biện pháp trên.
Mở thêm trường lớp, xóa bỏ tình trạng học sinh học ca 3, ca 4 thu hút trẻ em đến tuổi vào trường học là nhiệm vụ cách mạng vẻ vang “vì tương lai con em chúng ta”
Đất nước ta đang có nhiều khó khăn, ngân sách Nhà nước có hạn, nhưng với phương châm “sắp xếp sử dụng cơ sở hiện có hợp lý, nhân dân và Nhà nước cùng chăm lo” chúng ta sẽ được toàn dân đồng tình ủng hộ, mục tiêu phấn đấu sẽ đạt được kết quả.
Trong quá trình thực hiện, Uỷ ban Nhân dân quận huyện và Thủ trưởng các ngành có trách nhiệm báo cáo tình hình, kết quả làm được và đề xuất ý kiến để Uỷ ban Nhân dân thành phố kịp thời chỉ đạo.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
- 1 Quyết định 6699/QĐ-UB-NC năm 1998 bãi bỏ các văn bản qui phạm pháp luật thuộc lĩnh vực văn hóa - xã hội đã hết hiệu lực ban hành từ ngày 02/7/1976 đến ngày 31/12/1996 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh
- 2 Quyết định 6699/QĐ-UB-NC năm 1998 bãi bỏ các văn bản qui phạm pháp luật thuộc lĩnh vực văn hóa - xã hội đã hết hiệu lực ban hành từ ngày 02/7/1976 đến ngày 31/12/1996 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh