CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 56-CT | Hà Nội, ngày 05 tháng 3 năm 1988 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ CÁC HOẠT ĐỘNG
Thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ VI của Đảng, nhiều ngành, địa phương và cơ sở đã thu được kết quả bước đầu trong việc mở rộng quan hệ hợp tác kinh tế với nước ngoài, thu hút thêm được vốn đầu tư, tăng thêm kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu, tìm thêm được công việc làm và tăng thu nhập cho một bộ phận lao động trong nước... Tuy vậy, trong công tác này, cũng còn nhiều khuyết điểm và nhược điểm cần được nhanh chóng khắc phục.
Để ngày càng mở rộng quan hệ hợp tác kinh tế với nước ngoài theo đúng đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước, đồng thời vừa phát huy được tính năng động, sáng tạo của các ngành, địa phương và cơ sở sản xuất, kinh doanh vừa bảo đảm sự tập trung thống nhất quản lý của Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng chỉ thị:
1. Trong khi chờ đợi ban hành quy chế về hoạt động kinh tế đối ngoại, các ngành, địa phương và cơ sở phải thực hiện tốt những quy định tạm thời sau đây:
a) Căn cứ vào quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội dài hạn và ngắn hạn của Nhà nước, của ngành và địa phương mình, các ngành, địa phương và cơ sở sản xuất - kinh doanh xác định chương trình và lập các dự án kêu gọi nước ngoài hợp tác đầu tư.
Nội dung các dự án kêu gọi đầu tư cần được nghiên cứu kỹ lưỡng; dù là sơ bộ, cũng phải được tính toán có căn cứ, từ việc xác định mục đích yêu cầu, quy mô đến phương án sản phẩm, phương thức hợp tác, dự kiến lỗ lãi, phương thức thanh toán, thời gian thực hiện...
Các chương trình, dự án kêu gọi đầu tư phải đăng ký với Uỷ ban Kinh tế đối ngoại để được theo dõi và hướng dẫn về các vấn đề nghiệp vụ cần thiết.
b) Sau khi đã sơ bộ xác định được nội dung chương trình và dự án kêu gọi đầu tư, các ngành, địa phương và cơ sở sản xuất có thể tự mình hoặc thông qua các cơ quan trong và ngoài nước tìm đối tượng hợp tác đầu tư. Việc chọn đối tượng hợp tác cần được cân nhắc nhiều mặt như tư cách pháp lý, trình độ và năng lực về kinh tế, tài chính, kỹ thuật... Việc mời các đối tượng hợp tác vào trong nước hoặc cử cán bộ đi gặp họ ở ngoài nước phải được Bộ trưởng (nếu thuộc phạm vi Trung ương quản lý) hoặc Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương (nếu thuộc địa phương quản lý) cho phép. Chi phí trong quan hệ giao dịch này không thuộc phạm vi ngân sách Nhà nước cấp mà do chi phí kinh doanh của ngành, địa phương, hoặc cơ sở đài thọ.
Việc thăm dò đàm phán cần tiến hành thường xuyên qua nhiều đợt, với nhiều đối tượng khác nhau để có điều kiện so sánh và lựa chọn phương án có hiệu quả nhất. Trong quá trình thăm dò, đàm phán, cần tranh thủ ý kiến của các ngành có nghiệp vụ và phải được sự chỉ đạo của Uỷ ban kinh tế đối ngoại.
c) Trước khi ký kết với bên nước ngoài, các dự thảo hợp đồng phải được xét duyệt theo sự phân công, phân cấp như sau:
- Nếu là những dự án phức tạp có liên quan đến việc khai thác tài nguyên, xây dựng công trình kết cấu hạ tầng, liên quan đến nhiều ngành, nhiều địa phương, kim ngạch lớn, thì Bộ trưởng Bộ chủ quản phải trình dự án lên Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng quyết định. Uỷ ban Kinh tế đối ngoại có trách nhiệm bàn với các ngành hữu quan để thẩm tra và kiến nghị với Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng phương hướng, nội dung giải quyết. Sau khi có quyết định của Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng, Uỷ ban Kinh tế đối ngoại thông báo quyết định và có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra việc thực hiện.
- Đối với các dự án đầu tư quy mô nhỏ dưới 50 vạn đô-la thuộc các lĩnh vực gia công, lắp ráp, chế biến, Bộ trưởng Bộ chủ quản (nếu thuộc phạm vi Trung ương quản lý) hoặc Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố xét duyệt và báo cáo Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng đồng gửi Uỷ ban Kinh tế đối ngoại biết. Sau 15 ngày, nếu không có ý kiến khác thì ngành chủ quản hoặc địa phương cho ký hợp đồng.
Nội dung xét duyệt của các cơ quan quản lý hành chính Nhà nước chủ yếu là các vấn đề về quy hoạch, kế hoạch, tiến bộ kỹ thuật, cân đối chung; còn về hiệu quả kinh tế, lỗ lãi, thì cơ quan quản lý hành chính có thể có những gợi ý khi thấy cần thiết, nhưng giám đốc dự án là người tự chịu trách nhiệm.
d) Sau khi dự án đã được cấp có thẩm quyền nói trên xét duyệt, chủ dự án (bên Việt Nam) ký hợp đồng với bên nước ngoài; hai bên hoặc một trong hai bên thực hiện điều 37 của Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, gửi đơn xin chuẩn y hợp đồng đến Uỷ ban Kinh tế đối ngoại (là cơ quan Nhà nước hiện nay được giao trách nhiệm quản lý đầu tư nước ngoài).
Chỉ sau khi được Uỷ ban kinh tế đối ngoại chuẩn y thì hợp đồng hợp tác kinh doanh, hợp đồng liên doanh ký với bên ngoài mới có giá trị pháp lý.
2. Sau thời gian 3 tháng thực hiện Chỉ thị này, Uỷ ban Kinh tế đối ngoại chủ trì cùng với các ngành, địa phương và cơ sở hữu quan rút kinh nghiệm về việc thi hành, xây dựng sớm quy chế quản lý các hoạt động kinh tế đối ngoại trình Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng quyết định và ban hành.
Trong quy chế cần làm rõ mối quan hệ giữa quản lý Nhà nước với quản lý kinh doanh của cơ sở và sự phân cấp xét duyệt giữa trung ương, địa phương và cơ sở.
Chỉ thị này có hiệu lực từ ngày ký.
| Võ Văn Kiệt (Đã ký)
|