Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG
--------

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
---------------

Số: 57-CT/TW

Hà Nội, ngày 10 tháng 10 năm 2000

 

CHỈ THỊ

VỀ CỦNG CỐ, HOÀN THIỆN VÀ PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG QUỸ TÍN DỤNG NHÂN DÂN

Thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khoá VII về tiếp tục đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, từ giữa năm 1993 Ban bí thư Trung ương Đảng đã chủ trương thí điểm thành lập mô hình quỹ tín dụng nhân dân. Sau 7 năm triển khai, đến nay đã thực hiện được mục tiêu hình thành và phát triển mô hình kinh tế hợp tác trong lĩnh vực tín dụng trên địa bàn nông thôn. Quỹ tín dụng nhân dân được thành lập và hoạt động chủ yếu ở địa bàn xã, phường đã khai thác được nguồn vốn tại chỗ góp phần đáp ứng nhu cầu vốn cho sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và đời sống của các thành viên, thực hiện mục tiêu xoá đói, giảm nghèo và hạn chế cho vay nặng lãi ở nông thôn. Những kết quả đạt được trong quá trình thí điểm đã khẳng định chủ trương đúng đắn về phát triển mô hình quỹ tín dụng nhân dân.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thí điểm, do sự lãnh đạo, chỉ đạo chưa chặt chẽ, hệ thống quỹ tín dụng nhân dân ở một số nơi đã bộc lộ những yếu kém và khuyết điểm : Việc nhận thức chưa đầy đủ về mục tiêu tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữa các thành viên trong cộng đồng đã dẫn đến một số quỹ tín dụng nhân dân hoạt động chạy theo kinh doanh đơn thuần; mở rộng phạm vi hoạt động ngoài địa bàn quy định, vượt quá khả năng quản lý và kiểm soát, một số quỹ có nguy cơ mất an toàn; mô hình tổ chức quỹ tín dụng nhân dân chưa hoàn thiện, chưa có sự liên kết chặt chẽ trong hệ thống để hỗ trợ nhau ổn định và phát triển bền vững; trình độ cán bộ quản lý, điều hành còn nhiều yếu kém, một số cán bộ lợi dụng tham ô, trục lợi, làm thất thoát tài sản của quỹ. Mặt khác, việc kiểm tra, kiểm soát trong nội bộ và của các cơ quan chức năng chưa được coi trọng, chưa thường xuyên, liên tục nên chưa phát hiện và xử lý kịp thời những sai phạm trong việc chấp hành các quy định của pháp luật.

Xuất phát từ thực tiễn và yêu cầu phát triển hệ thống quỹ tín dụng nhân dân sau tổng kết thí điểm, Bộ Chính trị yêu cầu các cấp uỷ, tổ chức đảng từ Trung ương đến cơ sở triển khai tốt một số nhiệm vụ sau:

1- Quán triệt nhận thức việc xây dựng và phát triển quỹ tín dụng nhân dân là một trong những giải pháp quan trọng để góp phần đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực nông nghiệp và nông thôn; quỹ tín dụng nhân dân là loại hình tổ chức tín dụng hợp tác, hoạt động theo Luật các tổ chức tín dụng và Luật hợp tác xã, theo nguyên tắc tự nguyện, tự chủ, tự chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động, thực hiện mục tiêu chủ yếu là tương trợ giữa các thành viên, nhằm phát huy sức mạnh tập thể và của từng thành viên giúp nhau thực hiện có hiệu quả hơn các hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ và cải thiện đời sống; đồng thời làm uỷ thác cho vay vốn ưu đãi của các tổ chức tín dụng và các tổ chức khác. Khuyến khích những người có điều kiện tham gia góp vốn và gửi tiền vào quỹ tín dụng nhân dân để cho vay đối với những người nghèo, kể cả những người nghèo không phải là thành viên cư trú trên địa bàn hoạt động của quỹ, góp phần hạn chế tối đa tình trạng cho vay nặng lãi ở nông thôn.

2- Trên cơ sở báo cáo tổng kết của Ban chỉ đạo Trung ương thí điểm thành lập quỹ tín dụng nhân dân, từng tỉnh, thành uỷ tiếp tục chỉ đạo việc phân tích, đánh giá sâu sắc những mặt được và chưa được của quá trình thí điểm thành lập quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn, làm rõ những nguyên nhân yếu kém, khuyết điểm để đề ra biện pháp khắc phục kịp thời, đảm bảo cho các quỹ tín dụng nhân dân hoạt động an toàn và đúng quy định của pháp luật.

Trước mắt tập trung chỉ đạo, củng cố và chấn chỉnh các quỹ tín dụng nhân dân theo định hướng dưới đây :

- Đối với những quỹ tín dụng nhân dân đang hoạt động bình thường cần tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động, nhất là chất lượng tín dụng, khắc phục khó khăn, yếu kém, bảo đảm hoạt động theo đúng quy định của pháp luật.

- Xử lý thu hồi giấy phép hoạt động của các quỹ tín dụng nhân dân không đủ điều kiện chuyển đổi hoạt động theo Luật Hợp tác xã và những quỹ tín dụng nhân dân hoạt động yếu kém, thua lỗ kéo dài, có nguy cơ mất khả năng chi trả, khả năng thanh toán. Việc thu hồi giấy phép hoạt động các quỹ tín dụng nhân dân phải chú trọng yêu cầu ổn định chính trị, xã hội, không gây đổ vỡ ngoài sự kiểm soát của Nhà nước.

- Từng bước thu hẹp dần địa bàn hoạt động của các quỹ tín dụng nhân dân đô thị, quỹ tín dụng nhân dân liên xã, liên phường, liên xã - phường phù hợp với trình độ quản lý của quỹ tín dụng nhân dân và khả năng kiểm tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước.

3- Hoàn thiện mô hình tổ chức và hoạt động của các quỹ tín dụng nhân dân theo hướng chuyển dần từ mô hình bao gồm quỹ tín dụng cơ sở, quỹ tín dụng khu vực và quỹ tín dụng Trung ương sang mô hình chỉ còn quỹ tín dụng cơ sở và quỹ tín dụng Trung ương; trong đó mỗi quỹ tín dụng nhân dân là một đơn vị kinh tế độc lập, có hình thức liên kết và chỉ đạo thích hợp trong phạm vi cả nước để quản lý và kiểm tra hoạt động trong nội bộ, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, bảo đảm an toàn cho từng quỹ và toàn hệ thống.

4- Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo việc sớm ban hành Nghị định về tổ chức và hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân; xây dựng cơ chế, chính sách, tạo môi trường pháp lý đồng bộ, nhất là các chính sách thuế và chính sách về đào tạo cán bộ phù hợp với tính chất hoạt động vì mục tiêu tương trợ giữa các thành viên, tạo điều kiện thuận lợi để củng cố, phát triển hệ thống quỹ tín dụng nhân dân.

5- Ban cán sự đảng Ngân hàng Nhà nước phối hợp với các tỉnh uỷ, thành uỷ chỉ đạo việc triển khai có hiệu quả Đề án củng cố hoàn thiện và phát triển hệ thống quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn tỉnh, thành phố và tăng cường công tác thanh tra, kiểm soát, bảo đảm hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân thực sự an toàn, hiệu quả, đúng quy định của pháp luật.

Các cấp uỷ đảng địa phương, đặc biệt cấp uỷ đảng ở cơ sở xã, phường và thị trấn chỉ đạo uỷ ban nhân dân xã, phường và thị trấn giám sát, giúp đỡ quỹ tín dụng nhân dân triển khai thực hiện phương án củng cố, chấn chỉnh hoạt động, đồng thời thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước theo quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm về sự phát triển an toàn, hiệu quả của quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn.

6- Đảng đoàn Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể quần chúng các cấp cần chỉ đạo cơ sở làm tốt việc tuyên truyền, giáo dục và vận động hội viên là thành viên tham gia thực hiện việc củng cố, chấn chỉnh quỹ tín dụng nhân dân; đồng thời tham gia giám sát việc củng cố, chấn chỉnh quỹ tín dụng nhân dân ở từng cơ sở, giúp quỹ tín dụng nhân dân hoạt động theo đúng quy định của pháp luật.

Bộ Chính trị yêu cầu các ban đảng, các cấp uỷ và tổ chức đảng, nhất là các cấp uỷ và tổ chức đảng có liên quan trực tiếp đến quỹ tín dụng nhân dân quán triệt và chỉ đạo thực hiện tốt Chỉ thị này.

Ban Kinh tế Trung ương chủ trì phối hợp với các ban của Đảng theo dõi, kiểm tra, báo cáo Thường vụ Bộ Chính trị việc thực hiện Chỉ thị này.

Chỉ thị này phổ biến đến từng chi bộ Đảng.

 

 

T/M BỘ CHÍNH TRỊ




Phạm Thế Duyệt