BỘ NÔNG NGHIỆP | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 5804/CT-BNN-TY | Hà Nội, ngày 06 tháng 9 năm 2022 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TẬP TRUNG TRIỂN KHAI QUYẾT LIỆT, ĐỒNG BỘ CÁC GIẢI PHÁP PHÒNG, CHỐNG BỆNH DẠI TRÊN ĐỘNG VẬT
Theo báo cáo của các cơ quan chuyên ngành thú y và y tế địa phương, từ đầu năm 2022 đến nay, cả nước ghi nhận 40 người tử vong do bệnh Dại tại 16 tỉnh, thành phố (tăng 02 ca tử vong so với cùng kỳ năm 2021), trong đó nhiều nhất là các tỉnh Bến Tre (12 ca), Kiên Giang (05 ca) và Gia Lai (04 ca). Trên động vật, qua công tác giám sát chủ động tại 13 tỉnh, thành phố đã thực hiện 1.248 trường hợp điều tra, trong đó, lấy mẫu của 214 chó nghi mắc bệnh Dại để xét nghiệm và phát hiện 100 (chiếm 46,7%) trường hợp chó, mèo có kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút Dại tại 11 tỉnh, bao gồm: Lào Cai (05/24), Phú Thọ (32/65), Nghệ An (16/31), Đắk Lắk (29/41), Tây Ninh (01/01), Bến Tre (08/09), Trà Vinh (01/01), Long An (01/03), Kiên Giang (01/01), Đồng Tháp (02/02), Cà Mau (04/04). Đặc biệt trong thời gian gần đây, số người tử vong do bệnh Dại có chiều hướng giảm ở các tỉnh nguy cơ cao, ngược lại có xu hướng gia tăng ở các tỉnh nguy cơ thấp và xuất hiện ở một số tỉnh mới. Nguy cơ dịch bệnh Dại tiếp tục xảy ra và gây bệnh trên người trong thời gian tới là rất cao.
Một số nguyên nhân chủ yếu của dịch bệnh Dại gia tăng là do: (i) Trong 06 tháng đầu năm 2022, tổng đàn chó cả nước là gần 7 triệu con, tỷ lệ chó được tiêm phòng trung bình rất thấp, đạt khoảng 40% tổng đàn, chỉ có 13 (20%) tỉnh, thành phố đạt tỷ lệ tiêm phòng trên 70% tổng đàn; (ii) Chó mắc bệnh Dại chủ yếu là chó không xác định được chủ, chưa được tiêm phòng vắc xin Dại; (iii) Công tác quản lý đàn chó của một số địa phương còn lòng lẻo; hầu hết các địa phương chưa thành lập đội chuyên trách để bắt chó thả rông; (iv) Người nuôi chó không chấp hành việc đăng ký, nuôi nhốt chó, tình trạng chó thả rông, không đeo rọ mõm phổ biến dẫn đến cắn trọng thương, chết nhiều người, gây bức xúc trong xã hội; (v) Vi rút Dại còn lưu hành trên động vật; (vi) Chưa áp dụng các chế tài xử lý vi phạm quy định về quản lý chó nuôi, tiêm phòng vắc xin Dại cho chó theo quy định; (vii) Công tác thông tin, tuyên truyền phổ biến pháp luật về phòng, chống bệnh Dại còn hạn chế, chưa phong phú và không thường xuyên; (viii) Việc bố trí kinh phí cho công tác phòng, chống bệnh Dại còn ít, chưa đảm bảo duy trì các hoạt động phòng, chống dịch bệnh Dại kịp thời; (ix) Hệ thống thú y cơ sở còn thiếu về số lượng, chưa được tập huấn về chuyên môn thường xuyên; (x) Phối hợp liên ngành, nhất là ngành Thú y, ngành Y tế và chính quyền ở một số địa phương còn rất hạn chế.
Để khẩn trương kiểm soát các ổ dịch bệnh Dại trên động vật đang xảy ra, phòng ngừa các ổ dịch mới phát sinh và lây lan, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (PTNT) đề nghị đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở, ngành liên quan và UBND các cấp tập trung các nguồn lực để tổ chức thực hiện quyết liệt và đồng bộ các biện pháp phòng, chống bệnh Dại theo quy định của Luật thú y, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thú y, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt tại Quyết định số 2151/QĐ-TTg ngày 21/12/2021 về việc phê duyệt Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh Dại, giai đoạn 2022 - 2030; và hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và PTNT; trong đó chú trọng các nội dung sau:
1. Khẩn trương thống kê và báo cáo chính xác, bảo đảm quản lý được trên 70% số hộ nuôi chó, mèo và số chó, mèo nuôi trong giai đoạn 2022 - 2025 và trên 80% trong giai đoạn 2026 - 2030; hướng dẫn, yêu cầu chủ hộ nuôi chó, mèo cam kết thực hiện nghiêm việc khai báo, chấp hành việc nuôi nhốt chó, mèo trong khuôn viên gia đình; chó khi đưa ra khỏi nhà phải được xích, rọ mõm và có người dắt đề phòng cắn người, đặc biệt đối với các giống chó hung dữ cần được nuôi xích nhốt, có rọ mõm; tổ chức quản lý, lập danh sách hộ nuôi chó, mèo; cập nhật số liệu nuôi chó, mèo tại địa phương trên Hệ thống báo cáo thông tin dịch bệnh trực tuyến (VAHIS); có lộ trình và từng bước áp dụng đánh dấu nhận diện (vòng đeo cổ) cho chó, mèo đã được tiêm vắc xin Dại; căn cứ tình hình thực tiễn tại địa phương để quyết định thành lập đội bắt chó thả rông, không đeo rọ mõm, nghi mắc bệnh Dại.
2. Tổ chức thực hiện tiêm phòng vắc xin Dại cho đàn chó, mèo, bảo đảm đạt tỷ lệ tiêm phòng trên 70% tổng đàn trong giai đoạn 2022 - 2025 và trên 80% trong giai đoạn 2026 - 2030; tỷ lệ tiêm phòng cần tính theo số lượng tổng đàn chó, mèo thực tế thuộc diện tiêm phòng của địa phương (không tính theo kế hoạch tiêm phòng nếu số lượng chó, mèo tiêm theo kế hoạch không phải là số lượng tổng đàn thuộc diện tiêm); thường xuyên rà soát, tiêm phòng bổ sung, tránh bỏ sót chó, mèo thuộc diện tiêm phòng; hỗ trợ mua vắc xin, tổ chức tiêm vắc xin Dại cho đàn chó, mèo của địa phương.
3. Khi phát hiện hoặc nhận được thông tin về các trường hợp người bị chó, mèo mắc bệnh Dại hoặc nghi mắc bệnh Dại cắn, cơ quan quản lý chuyên ngành thú y chủ động phối hợp với cơ quan y tế và các cơ quan liên quan tổ chức điều tra, xác định nguyên nhân ổ dịch và thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định.
4. Có kế hoạch, bố trí nguồn lực để đẩy mạnh công tác xây dựng vùng an toàn dịch bệnh Dại trên động vật, đặc biệt tại những khu du lịch, khu vực thành phố, thị xã, khu đông dân cư.
5. Tổ chức theo dõi, giám sát, ngăn chặn, xử lý tiêu hủy chó, mèo, sản phẩm chó, mèo vận chuyển trái phép từ nước ngoài vào Việt Nam; xử lý nghiêm các hành vi vận chuyển chó, mèo bất hợp pháp qua biên giới theo quy định; tổ chức kiểm soát vận chuyển chó, mèo trong nước theo quy định của Luật Thú y, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thú y; bố trí kinh phí và triển khai giám sát chủ động nhằm phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý kịp thời các trường hợp động vật nhiễm bệnh Dại
6. Thành lập các Đoàn công tác do Lãnh đạo UBND các cấp làm trưởng đoàn phối hợp với các đơn vị chuyên môn như thú y, y tế đi kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Dại; kiểm tra xử phạt đối với chủ nuôi chó, mèo vi phạm các quy định về phòng, chống bệnh Dại và để chó, mèo cắn người; giám sát, đánh giá kết quả tổ chức thực hiện công tác quản lý đàn chó, mèo, tổ chức tiêm phòng, kết quả tiêm phòng, xử phạt vi phạm hành chính.
7. Tăng cường thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức, nhất là qua hệ thống đài truyền thanh cơ sở về tính chất nguy hiểm của bệnh Dại, nguy cơ dịch bệnh phát sinh, lây lan và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, nâng cao trách nhiệm của người nuôi chó, mèo đối với cộng đồng và nhận thức của người dân để tích cực tham gia phòng, chống bệnh Dại tại cộng đồng và quản lý chó, mèo nuôi; tổ chức giám sát chủ động lưu hành mầm bệnh Dại trên động vật để cảnh báo cộng đồng.
8. Bộ Nông nghiệp và PTNT giao Cục Thú y và các đơn vị thuộc Cục tổ chức các đoàn công tác đến các địa phương trọng điểm để kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc, tổ chức, và đánh giá hiệu quả thực hiện; tăng cường giám sát vi rút Dại, kịp thời cảnh báo, hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Dại.
Bộ Nông nghiệp và PTNT đề nghị đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố quan tâm chỉ đạo các Sở, ngành và chính quyền các cấp của địa phương khẩn trương tổ chức thực hiện nghiêm các nội dung nêu trên; kịp thời thông báo về Bộ Nông nghiệp và PTNT (qua Cục Thú y, địa chỉ: Số 15 Ngõ 78, đường Giải Phóng, Đống Đa, Hà Nội; email: dichte.dah@gmail.com) để phối hợp xử lý các vấn đề phát sinh./.
| KT. BỘ TRƯỞNG |
- 1 Công văn 1177/BNN-TY năm 2021 về chỉ đạo tổ chức thực hiện và tổng kết Chương trình Quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh Dại giai đoạn 2017-2021 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 2 Chỉ thị 2894/CT-BNN-TY năm 2021 về tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ giải pháp phòng, chống bệnh Dại ở động vật do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 3 Công văn 17/BNN-TY năm 2022 về tổ chức triển khai Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh Dại, giai đoạn 2022-2030 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành