Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 60/2006/CT-BNN

Hà Nội, ngày 02 tháng 08 năm 2006 

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TRIỂN KHAI MỘT SỐ BIỆN PHÁP PHÒNG,TRÁNH LŨ Ở CÁC ĐỊA PHƯƠNG DUYÊN HẢI MIỀN TRUNG 

Trong những năm qua, trên địa bàn các tỉnh duyên hải miền Trung liên tiếp xẩy ra lũ, lụt và lũ quét. Do đặc điểm địa hình dốc, lượng mưa lớn, tập trung, nên mực nước lũ lên nhanh và dòng chảy lũ mạnh đã gây nhiều thiệt hại, đặc biệt là về người. Để chủ động phòng, tránh, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do lũ, lụt gây ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh duyên hải miền Trung thực hiện một số nội dung sau:

1. Kiện toàn Ban chỉ huy phòng, chống lụt bão - Tìm kiếm cứu nạn các cấp, đặc biệt là cấp xã, nhằm đảm bảo công tác điều hành phòng, chống lụt, bão đạt hiệu quả; kiểm tra các phương án bảo đảm thông tin và triển khai các biện pháp phòng tránh, khắc phục hậu quả lũ, bão gây ra theo phương châm 4 tại chỗ;

 2. Tổ chức kiểm tra, rà soát kỹ, thống kê các địa bàn dân cư, thôn bản, buôn làng và hộ dân sống ở những khu vực dễ bị ảnh hưởng của lũ, lũ quét, lũ bùn đá, sạt lở đất, vùng ngập sâu (khu vực ven sông,ven suối, ven ta luy của hệ thống đường giao thông, sườn đồi núi, thung lũng và hạ lưu của các hồ chứa nước). Trên cơ sở đó triển khai xây dựng kế hoạch và phương án phòng tránh cụ thể cho từng vùng, từng trọng điểm;

3. Tổ chức ngay việc cắm biển cảnh báo những khu vực có nguy cơ xẩy ra lũ quét, sạt lở đất, vùng ngập sâu. Tổ chức canh gác ở những điểm nguy hiểm để quản lý việc đi lại, làm ăn của nhân dân. Đặc biệt từng thôn, xã phải có biện pháp ngăn chặn vớt củi, đi qua ngầm, qua đường bị ngập sâu, các bến đò không bảo đảm an toàn  khi lũ về;

4. Phối hợp chặt chẽ với lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn tổ chức diễn tập, xử lý tình huống khẩn cấp khi lũ, bão xẩy ra. Đặc biệt sử dụng hiệu quả lực lượng công an ở các cấp của địa phương trực tiếp chỉ dẫn đi lại ở các điểm nguy hiểm, tham gia tổ chức sơ tán dân, khi cần thiết phải cưỡng chế di dời hoặc sơ tán để đảm bảo an toàn tính mạng cho nhân dân;

5. Giao trung tâm Khí tượng Thuỷ văn tỉnh hướng dẫn các cán bộ chủ chốt và lực lượng xung kích của các xã ở vùng có nguy cơ xẩy ra lũ, lụt, vùng thường bị ngập sâu, theo dõi mực nước qua các cột cảnh báo lũ đã được xây dựng để kịp thời báo động và cảnh báo cho nhân dân biết, chủ động phòng tránh;

6. Giao các Trung tâm thông tin đại chúng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên ngành để thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kinh nghiệm và gương điển hình trong công tác phòng, tránh lũ, lụt đạt hiệu quả.

7. Thực hiện lồng ghép các nội dung phòng, tránh lũ, lụt khi xây dựng quy hoạch tổng thể bố trí dân cư, phát triển sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng, nhằm góp phần đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn một cách bền vững.  

 

 

BỘ TRƯỞNG




Cao Đức Phát