BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 61/2004/CT-BNN | Hà Nội, ngày 10 tháng 11 năm 2004 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG HẠN BẢO SẢN XUẤT VỤ ĐÔNG XUÂN VÀ VỤ HÈ THU NĂM 2005
Năm 2004, ở Bắc Bộ, Tây Nguyên, Nam Bộ mưa ít và mùa mưa kết thúc sớm; ở Trung Bộ đang trong mùa mưa, nhưng tổng lượng mưa rất nhỏ. Lượng mưa trung bình quân 10 tháng đầu năm hụt khoảng 30%, riêng trong mùa mưa hụt khoảng 40% so với trung bình nhiều năm. Lượng dòng chảy trên các sông suối đều ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm và đang xuống nhanh. Lượng nước trữ trong hồ chứa chỉ đạt từ 60-70% dung tích thiết kế, có hồ thấp dưới 50% thậm chí đang ở mực nước chết. Theo dự báo, lượng mưa, lượng dòng chảy trên các sông suối trong vụ đông xuân 2004-2005 trên phạm vi cả nước đều ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm, trong khi nhu cầu nước cho các ngành kinh tế và môi trường ngày càng tăng. Tình hình hạn hán đang diễn ra và có khả năng kéo dài, trên diện rộng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất vụ đông xuân 2004-2005, vụ hè thu 2005 và đời sống nhân dân.
Để chủ động phòng chống hạn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung thực hiện một số việc cấp bách sau đây:
1. Kiện toàn Ban chỉ đạo phòng chống hạn các cấp để có kế hoạch và đủ hiệu lực điều hành công tác phòng chống hạn đạt hiệu qủa.
2. Đánh giá, cân đối khả năng nguồn nước thực tế ở các sông suối, hồ, đầm ao, nguồn nước trữ của các công trình thủy lợi và nguồn nước ngầm của từng vùng, từng khu vực tại địa phương để chủ động bố trí cơ cấu tổ chức sản xuất, mùa vụ; quản lý chặt chẽ nguồn nước, chống rò rĩ thất thoát nước của các hồ chứa. Các hồ chứa đang xây dựng nếu có đủ điều kiện an toàn cũng phải tích nước chống hạn; sử dụng nước tiết kiệm có hiệu qủa. Ưu tiên cân đối nguồn nước cho sinh hoạt và chăn nuôi.
3. Tổ chức ra quân làm thủy lợi để khơi thông dòng chảy, nạo vét kênh mương, các cửa khẩu dẫn nước đảm bảo thông nước tới mặt ruộng, nhất là các kênh nội đồng.
4. Chỉ đạo các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Công ty Khai thác công trình thủy lợi thực hiện nghiêm túc các phương án chống hạn đã đề ra, kế hoạch bổ sung các trạm bơm dã chiến, thường xuyên bảo dưỡng máy móc, tu sửa công trình, xử lý các sự cố hư hỏng; tổ chức kiểm tra đồng ruộng, đặt lịch tưới cụ thể; quản lý phan phối chặt chẽ và linh hoạt; tổ chức tưới luân phiên và tiết kiệm nước; theo dõi chặt chẽ tình hình nguồn nước, xâm nhập mặn và tình hình hạn hán trong và ngoài hệ thống công trình thủy lợi, chủ động xử lý tình huống phục vụ tốt yêu cầu của sản xuất và đời sống nhân dân.
5. Những vùng không cân đối được nguồn nước cho suốt vụ, phải thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng; gieo trồng những cây trồng cạn dùng ít nước đảm bảo hiệu quả sản xuất.
6. Có các giải pháp đảm bảo cấp nước sinh hoạt, đặc biệt chú ý vùng núi cao, vùng sâu, vùng ven biển. Kiên quyết không để xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân.
7. Bố trí kinh phí từ nguồn vốn sự nghiệp kinh tế, ngân sách phòng và dự trữ tài chính hàng năm của địa phương để tu bổ, sửa chữa công trình thủy lợi và thực hiện các biện pháp phòng chống hạn.
8. Sử dụng phương tiện thông tin đại chúng để tuyên truyền vận động, hướng dẫn nhân dân thực hiện phòng chống hạn. Biểu dương, khuyến khích những địa phương, cơ sở chủ động và có những sáng kiến chống hạn mang lại hiệu quả cao.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan và đơn vị triển khai các giải pháp đảm bảo nguồn nước, chủ động thực hiện công tác phòng chống hạn, thường xuyên bào cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Cục Thủy lợi phối hợp với Tổng công ty Điện lực Việt Nam, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị liên quan theo dõi và tổng hợp diễn biến thời tiết, tình hình nguồn nước, hạn hán và vận hành hệ thống công trình thủy lợi phục vụ sản xuất, kịp thời chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các địa phương tổ chức thực hiện tốt các biện pháp phòng chống hạn, Cục Nông nghiệp, các Cục, Vụ chức năng thuộc Bộ, phối hợp với Cục Thủy lợi giúp Bộ chỉ đạo và giải quyết các khó khăn để các địa phương thực hiện tốt công tác phòng chống hạn, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất và đời sống vụ đông xuân, hè thu năm 2005./.
| Q. BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN |
- 1 Quyết định 97/2007/QĐ-BNN công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành tính đến ngày 30 tháng 10 năm 2007 hết hiệu lực thi hành
- 2 Quyết định 1457/QĐ-BNN-PC năm 2014 công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đến hết ngày 31/12/2013
- 3 Quyết định 1457/QĐ-BNN-PC năm 2014 công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đến hết ngày 31/12/2013
- 1 Chỉ thị 42/1998/CT-TTG về các biên pháp cấp bách phòng, chống hạn vụ đông xuân và hè thu năm 1999 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2 Chỉ thị 381-TTg năm 1979 về tăng cường tổ chức chỉ đạo công tác thuỷ lợi, tích cực phòng, chống hạn, bảo đảm đủ nước cho sản xuất Đông Xuân 1979-1980 ở các tỉnh miền Bắc do Thủ tướng Chính phủ ban hành