Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 61/2008/CT-BGDĐT

Hà Nội, ngày 12 tháng 11 năm 2008

 

CHỈ THỊ

VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS TRONG NGÀNH GIÁO DỤC

Thực hiện Luật phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) (sau đây gọi là Luật phòng, chống HIV/AIDS) và Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2010 và tầm nhìn 2020 (ban hành kèm theo Quyết định số 36/2004/QĐ-TTg ngày 17 tháng 3 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ), ngành giáo dục đã triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, giáo dục phòng, chống HIV/AIDS và đã đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập như: Nhận thức của người học, nhà giáo, cán bộ, nhân viên ngành giáo dục về phòng, chống HIV/AIDS chưa cao; Sự quan tâm của các cán bộ quản lý giáo dục và đầu tư cho công tác phòng, chống HIV/AIDS chưa đáp ứng được yêu cầu; Sự kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm và bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS vẫn còn phổ biến.

Nhằm tăng cường công tác giáo dục phòng, chống HIV/AIDS, chống kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm và bị ảnh hưởng bởi HIV, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các sở giáo dục và đào tạo, đại học, học viện, trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và các cơ sở giáo dục thường xuyên thực hiện tốt các nội dung sau đây:

1. Củng cố hệ thống tổ chức chỉ đạo phòng, chống HIV/AIDS ở các cấp quản lý giáo dục và các cơ sở giáo dục.

2. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và của ngành giáo dục về phòng, chống HIV/AIDS cho người học, nhà giáo, cán bộ, nhân viên. Chú trọng tuyên truyền Chỉ thị số 54/CT-TW ngày 30 tháng 11 năm 2005 của Ban Bí thư Trung ương đảng về tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS trong tình hình mới; Luật phòng, chống HIV/AIDS; Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2010 và tầm nhìn 2020 ban hành kèm theo Quyết định số 36/2004/QĐ-TTg ngày 17 tháng 3 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ.

3. Tăng cường truyền thông, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người học, nhà giáo, cán bộ, nhân viên về phòng, chống HIV/AIDS, cụ thể là:

a) Nâng cao chất lượng giảng dạy chính khóa về phòng chống HIV/AIDS theo chương trình và kế hoạch giảng dạy; Chú trọng tích hợp nội dung phòng, chống HIV/AIDS và chống kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm và bị ảnh hưởng bởi HIV trong các môn học có liên quan;

b) Tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, hoạt động ngoại khóa về phòng, chống HIV/AIDS; Chú trọng rèn luyện kỹ năng phòng, chống HIV/AIDS cho người học;

c) Tổ chức Tháng hành động phòng, chống HIV/AIDS và ngày Thế giới phòng, chống HIV/AIDS (01/12) hàng năm;

d) Xây dựng góc truyền thông, tư vấn thân thiện về sức khỏe sinh sản và phòng, chống HIV/AIDS.

4. Lồng ghép nội dung phòng chống HIV/AIDS vào các hoạt động của phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” và các hoạt động khác có liên quan như: giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản, kỹ năng sống, phòng, chống ma túy, mại dâm và các hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí.

5. Thực hiện các biện pháp dự phòng toàn diện lây nhiễm HIV trong các cơ sở giáo dục. Nâng cao ý thức trách nhiệm và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ y tế trường học về phòng, chống HIV/AIDS.

6. Thực hiện nghiêm túc các quy định về chống kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm và bị ảnh hưởng bởi HIV được quy định cụ thể tại Luật phòng, chống HIV/AIDS:

a) Các cơ sở giáo dục cam kết không kỳ thị và phân biệt đối xử với người học, nhà giáo, cán bộ, nhân viên nhiễm HIV hoặc bị ảnh hưởng bởi HIV;

b) Đảm bảo quyền được học tập, làm việc, sống hòa nhập cộng đồng của người nhiễm hoặc bị ảnh hưởng bởi HIV;

c) Tuyên truyền, giáo dục lòng nhân ái, chia sẻ đối với người nhiễm và bị ảnh hưởng bởi HIV; Không đưa tin, hình ảnh tiêu cực về người nhiễm HIV/AIDS;

d) Huy động người nhiễm HIV tham gia các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS của cơ sở giáo dục;

đ) Cơ sở giáo dục không được yêu cầu xét nghiệm HIV, xuất trình kết quả xét nghiệm HIV đối với người học, người đến xin học, nhà giáo, cán bộ, nhân viên, người dự tuyển lao động; Không được từ chối tiếp nhận, kỷ luật, tách biệt, hạn chế, cấm đoán người học, nhà giáo, cán bộ, nhân viên tham gia các hoạt động, dịch vụ của cơ sở chỉ vì lý do người đó nhiễm HIV.

7. Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, giáo viên làm công tác phòng, chống HIV/AIDS tại các cấp quản lý giáo dục và các cơ sở giáo dục.

8. Tăng cường đầu tư ngân sách cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.

9. Phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể tại địa phương để triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, chống kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm và bị ảnh hưởng bởi HIV.

10. Kiểm tra, giám sát, đánh giá và báo cáo các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trong ngành giáo dục theo quy định.

11. Biểu dương, khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác phòng, chống HIV/AIDS và xử lý các tập thể và cá nhân vi phạm Luật phòng, chống HIV/AIDS và các quy định tại Chỉ thị này.

12. Giao Vụ Công tác học sinh, sinh viên là đầu mối giúp Bộ trưởng chỉ đạo thực hiện công tác phòng, chống HIV/AIDS, cụ thể là:

a) Xây dựng cơ chế điều phối liên Vụ và kế hoạch phòng, chống HIV/AIDS trong toàn ngành;

b) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị hữu quan chỉ đạo các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, hoạt động ngoại khóa về phòng, chống HIV/AIDS cho người học;

c) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị hữu quan tổ chức kiểm tra, đánh giá, báo cáo Bộ trưởng tình hình thực hiện công tác phòng, chống HIV/AIDS trong toàn ngành.

Các đơn vị liên quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm tham gia phối hợp triển khai hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.

Nhận được Chỉ thị này, các Giám đốc sở giáo dục và đào tạo, Giám đốc đại học, học viện, Hiệu trưởng trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp, Thủ trưởng đơn vị có liên quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm tổ chức thực hiện.

Chỉ thị này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

 

 

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Phạm Vũ Luận