Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ CHÍNH TRỊ
-----

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
-------

Số: 61 CT/TW

Hà Nội, ngày 28 tháng 12 năm 2000

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC THỰC HIỆN PHỔ CẬP TRUNG HỌC CƠ SỞ

Hơn 10 năm qua, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, VII, VIII, ngành Giáo dục đã cùng với các ngành, các cấp tích cực triển khai công tác xoá mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học. Đến nay cả nước đã đạt chuẩn quốc gia về xoá mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học và đang củng cố, phát huy các kết quả này, tiếp tục phát triển mạnh giáo dục thường xuyên

Bước vào thế kỷ XXI, chất lượng nguồn nhân lực giữ vai trò quyết định trong việc phát huy nội lực, phát triển đất nước, hợp tác và cạnh tranh trong hội nhập khu vực và quốc tế, điều đó đòi hỏi phải tiếp tục nâng cao học vấn của những người lao động. Vì vậy, việc thực hiện phổ cập giáo dục trung học cơ sở trong giai đoạn 2001 - 2010 có ý nghĩa chiến lược quan trọng nhằm góp phần phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Mục tiêu của phổ cập trung học cơ sở là nâng cao mặt bằng dân trí một cách toàn diện, làm cho hầu hết công dân đến 18 tuổi đều tốt nghiệp trung học cơ sở, kết hợp phân luồng sau cấp học này, tạo cơ sở cho việc tiếp tục đổi mới cơ cấu và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu của đất nước trong những thập kỷ đầu của thế kỷ XXI, phát huy cao độ tính độc lập, năng động, sáng tạo và bản lĩnh chính trị của thế hệ trẻ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Để hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở vào năm 2010 như Nghị quyết Trung ương 2 khoá VIII đã đề ra và thực hiện tốt mục tiêu nêu trên, các cấp uỷ đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể nhân dân từ Trung ương đến địa phương phải:

1. Nhanh chóng xây dựng và thực hiện kế hoạch phổ cập giáo dục trung học cơ sở gắn với việc đổi mới nội dung chương trình, phương pháp giáo dục theo hướng cập nhật những thành tựu mới nhất của khoa học - công nghệ, với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời kỳ mở cửa, hội nhập, toàn cầu hoá, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

2. Củng cố và phát huy kết quả của công tác xoá mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học; tiếp tục công việc này ở những nơi còn chưa đạt chuẩn.

3. Có kế hoạch tiếp tục củng cố và xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị trường học theo hướng tiêu chuẩn hóa và hiện đại hóa.

4. Có kế hoạch cụ thể củng cố và nâng cao năng lực và chất lượng đào tạo của các trường sư phạm, đặc biệt là đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy nhằm đảm bảo đủ về số lượng và chuẩn hoá về trình độ của đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục để thực hiện tốt nội dung chương trình phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Mở rộng và hoàn thiện mạng lưới trường trung học cơ sở, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục kỹ thuật tổng hợp, hướng nghiệp; tiếp tục xây dựng và hoàn thiện chế độ, chính sách đãi ngộ thoả đáng đối với giáo viên nói chung và giáo viên tham gia công tác phổ cập trung học cơ sở nói riêng.

5. Đẩy mạnh xã hội hoá hoạt động giáo dục, đặc biệt đối với việc phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Các cấp uỷ đảng, uỷ ban nhân dân, hội đồng nhân dân phải có kế hoạch chỉ đạo ngay từ năm học này và thường xuyên kiểm tra, đôn đốc làm tốt công tác tuyên truyền, vận động học sinh, giáo viên, nhân dân thực hiện đúng tiến độ và có chất lượng phổ cập trung học ở địa phương.

6. Những nơi đã hoàn thành phổ cập trung học cơ sở cần tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng, tổ chức phân luồng sau cấp học này và tuỳ điều kiện có thể tiến hành phổ cập bậc trung học (trung học phổ thông, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề).

Chính phủ chỉ đạo việc thể chế hoá về mặt Nhà nước các giải pháp, chính sách được nêu trong Chỉ thị này và Nghị quyết của Quốc hội thông qua ngày 9-12-2000, xây dựng kế hoạch, bước đi, đảm bảo các điều kiện và chỉ đạo thực hiện thắng lợi mục tiêu phổ cập giáo dục trung học cơ sở.

Các Ban Cán sự đảng các bộ, ngành, các cấp uỷ đảng từ Trung ương đến địa phương phải quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên công tác phổ cập giáo dục trung học cơ sở; coi đây là một nhiệm vụ chiến lược quan trọng; các đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội động viên nhân dân tích cực, chủ động tham gia có hiệu quả vào các hoạt động phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Ban Khoa giáo Trung ương phối hợp với Ban Cán sự đảng Bộ Giáo dục và đào tạo làm đầu mối giúp Bộ Chính trị hướng dẫn và đôn đốc, kiểm tra thực hiện Chỉ thị này.

 

 

TM. BỘ CHÍNH TRỊ




Phạm Thế Duyệt