ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 62/CT-UB | TP. Hồ Chí Minh, ngày 11 tháng 05 năm 1979 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC HUY ĐỘNG LAO ĐỘNG VÀ TỔ CHỨC CÁC ĐỘI LAO ĐỘNG CHUYÊN NGHIỆP Ở CÁC QUẬN, HUYỆN, PHƯỜNG, XÃ ĐỂ XÂY DỰNG CÁC CÔNG TRÌNH THỦY LỢI PHỤC VỤ SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP CỦA THÀNH PHỐ
Nhiệm vụ xây dựng các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp của thành phố năm 1979 và các năm sau , có khối lượng xây dựng, vốn đầu tư và yêu cầu sử dụng lực lượng lao động rất lớn.
Riêng năm 1979 với khối lượng đào đấp 3,5 triệu m3 đất, 15.000m3 bê tông, gạch đá xây các loại, vốn đầu tư 10,2 triệu đồng và yêu cầu sử dụng 4,5 triệu ngày công lao động ; nhưng cho đến nay, mới thực hiện được 16,8% kế hoạch về khối lượng, 13,8% vốn đầu tư và 7,3% ngày công lao động.
Có tình hình trên là do thời gian qua không huy động đủ lao động theo kế hoạch cho công tác thủy lợi ; số người huy động được đã ít, lại phần lớn làm chưa quen, năng suất kém, ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống, làm cho người lao động không hăng hái tham gia, khó huy động …
Tình hình trên nếu không kịp thời chấn chỉnh, kế hoạch thủy lợi năm 1979 khó hoàn thành, ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp cho năm nay và các năm sau.
Để khắc phục tình trạng trên, căn cứ các quy định của Nhà nước về tổ chức huy động lao động, các chế độ chính sách đối với lao động đi làm thủy lợi và tình hình của thành phố, sau đây là một số việc cấp bách phải làm ngay:
1/- Về đối tượng được huy động đi làm lao động thủy lợi, bao gồm :
a) Lực lượng lao động của các huyện ngoại thành ;
b) Lực lượng lao động của các quận, huyện được chọn và tổ chức thành các Đội lao động chuyên nghiệp ;
c) Lực lượng lao động cưỡng bức của các quận, huyện ;
d) Lực lượng thanh niên xung phong của thành phố ;
e) Ngoài ra, trong từng thời gian, từng trường hợp, có thể huy động lực lượng lao động xã hội chủ nghĩa của các quận, huyện đi làm (đợt ngắn ngày) để hỗ trợ cho việc xây dựng những công trình thủy lợi trọng điểm sớm hoàn thành đưa vào phục vụ kịp thời vụ.
Đối với những công trình thủy lợi nhỏ (nội đồng) của xã, ấp, chủ yếu là huy động lao động tại chỗ để làm, thực hiện phương châm : đồng ruộng, công trình thủy lợi ở đâu, phải gắn liền với lao động ở đó, người nông dân tại chỗ có nghĩa vụ đóng góp công sức để xây dựng. Tùy theo tính chất, quy mô công trình mà Ủy ban nhân dân xã tổ chức huy động lao động thực hiện. Những nơi mà nhân dân bị thiếu đói thì sẽ được bán gạo theo giá cung cấp, một số nhu yếu phẩm và tiền thù lao theo quy định của Nhà nước.
2/- Về việc tổ chức các Đội lao động chuyên nghiệp.
Để có lực lượng lao động chuyên môn làm lâu dài, phục vụ việc xây dựng các công trình công cộng của thành phố, và trước mắt là các công trình thủy lợi ; Ủy ban nhân dân thành phố ban hành kèm theo chỉ thị này “Quy định tạm thời về tổ chức các đội lao động chuyên nghiệp quận, huyện, phường, xã” để Ủy ban nhân dân các quận, huyện làm căn cứ tiến hành tổ chức gấp, đưa vào hoạt động càng sớm càng tốt, tranh thủ hoàn thành một số công trình trước mùa mưa.
3/- Về trách nhiệm các cấp, các ngành.
a) Ủy ban nhân dân mỗi quận, huyện căn cứ vào chỉ tiêu do Sở Lao động phân bổ (được Ủy ban nhân dân thành phố thông qua), có trách nhiệm khẩn trương huy động tổ chức lao động theo tinh thần chỉ thị này và tổ chức gấp các đội lao động chuyên nghiệp quận, huyện, phường, xã, đặt dưới quyền quản lý và điều khiển trực tiếp của các Ban chỉ huy công trường lao động thủ công quận, huyện sẵn có, có đủ tư cách pháp nhân, để tiến hành hoạt động được ngay.
Các trường hợp huy động lao động khác theo tinh thần trên, thuộc quận, huyện nào, cũng đặt dưới quyền điều khiển của Ban chỉ huy công trường lao động thủ công quận, huyện đó, để thống nhất một mối chỉ huy.
- Các Ban chỉ huy công trường lao động thủ công quận, huyện có trách nhiệm ký kết hợp đồng với Sở Thủy lợi, chuẩn bị chu đáo về mặt dụng cụ, hậu cần cho các Đội lao động chuyên nghiệp thuộc quận, huyện mình ; tổ chức, sử dụng lao động hợp lý, đạt năng suất cao ; thực hiện tốt các chế độ, chính sách mà Nhà nước và Ủy ban nhân dân thành phố đã quy định ; bảo đảm an toàn lao động ; thực hiện tốt các chế độ bàn giao, nghiệm thu, thanh quyết toán ; trả công sòng phẳng và chăm lo đời sống cho số người lao động mà mình được phân công phụ trách.
b) Sở Lao động căn cứ yêu cầu, kế hoạch của Sở Thủy lợi được Ủy ban nhân dân thành phố phê chuẩn và căn cứ tình hình thực tế của các quận, huyện, tính toán phân bổ kịp thời chỉ tiêu huy động cho từng quận, huyện ; theo dõi, giúp đỡ để các quận, huyện huy động đủ số và đúng thời hạn ; kiểm tra việc tổ chức sử dụng lao động, tình hình thi hành các chế độ, chính sách, bảo đảm an toàn cho người lao động ; thường kỳ báo cáo về Ủy ban nhân dân thành phố tình hình và đề xuất bổ sung, hoặc sửa đổi những điểm còn thiếu, hoặc chưa hợp lý nêu ở bản quy định.
c) Sở Thủy lợi đảm bảo thi hành đúng các điều đã ký kết hợp đồng với các Ban chỉ huy công trường lao động thủ công quận, huyện nhất là về mặt cung cấp vật liệu xây dựng, nghiệm thu và thanh toán tài chánh ; thường xuyên theo dõi tình hình hoạt động của các đội lao động, cùng với Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố hết sức giúp đỡ khi các đội gặp khó khăn về mặt phục vụ điều kiện lao động và đời sống.
d) Các Sở, Ban, Ngành khác : Ủy ban kế hoạch, Ủy ban Vật gái, Sở Nông nghiệp, Sở Tài chánh, Ngân hàng kiến thiết, Ngân hàng thành phố, Sở Công nghiệp, Ty Lâm nghiệp, Công ty vật tư tổng hợp, Sở Lương thực, Sở Thương nghiệp, Sở Y tế, Sở Giao thông vận tải, Sở Quản lý phân phối điện, các đoàn thể Nông hội, Thanh niên, Phụ nữ thành phố theo chức năng, nhiệm vụ của ngành mình cần có kế hoạch đóng góp tích cực, hướng dẫn các cơ sở trực thuộc ngành mình phục vụ tốt và kịp thời.
Nhận được chỉ thị này, yêu cầu các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các quận, huyện hết sức lưu ý ; khẩn trương tổ chức triển khai thi hành tốt.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
QUY ĐỊNH TẠM THỜI
VỀ TỔ CHỨC CÁC ĐỘI LAO ĐỘNG CHUYÊN NGHIỆP Ở CÁC QUẬN, HUYỆN, PHƯỜNG, XÃ
(Ban hành kèm theo Chỉ thị số 62/TC-UB ngày 11-5-1979 của Ủy ban nhân dân TP)
I. HÌNH THỨC, CƠ CẤU VÀ BIÊN CHẾ TỔ CHỨC ĐỘI LAO ĐỘNG CHUYÊN NGHIỆP.
Điều 1. Đội lao động chuyên nghiệp (tổ chức theo đơn vị quận, huyện và phường, xã) là một tổ chức lao động tập thể, gồm những người có sức lao động và trong độ tuổi lao động, nhưng chưa có việc làm, được sắp xếp tổ chức vào các Đội lao động chuyên nghiệp ;
Việc thành lập các Đội lao động chuyên nghiệp do Ủy ban nhân dân quận, huyện xét quyết định, tiến hành tổ chức và giao cho các Ban chỉ huy công trường lao động thủ công quận, huyện trực tiếp quản lý, điều khiển.
Các Ban chấp hành Công trường lao động thủ công quận, huyện có tư cách pháp nhân ký kết hợp đồng với Sở Thủy lợi, quan hệ với các ngành Tài chánh, Ngân hàng, lương thực, thương nghiệp để nhận và thanh toán tiền bạc, vật tư, lương thực thực phẩm, hàng hóa, nhu yếu phẩm v.v…
Điều 2. Cơ cấu và biên chế tổ chức Đội lao động chuyên nghiệp :
a) Ở quận, huyện : Mỗi quận, huyện được tổ chức một Đội lao động chuyên nghiệp, với quy mô từ 300 đến 500 người.
- Đội được chia ra làm nhiều tổ lao động, mỗi tổ từ 20 đến 30 người ;
- Nếu trong Đội có người biết các nghề chuyên môn như : mộc, nề, sắt …, thì xếp những người cùng nghề vào một Tổ để hình thành các tổ lao động chuyên môn xây lắp các công trình, các tổ còn lại chủ yếu làm đất ;
- Mỗi Đội có một Đội trưởng điều khiển chung và từ 2 – 3 đội phó phụ trách từng mặt công tác của Đội, và một số nhân viên giúp việc làm các công tác như : hậu cần, kế toán, tài vụ, y tế, quản lý …, bảo đảm tỷ lệ gián tiếp theo quy định tối đa không quá 10% ;
- Mỗi tổ lao động do một Tổ trưởng và từ 1 – 2 Tổ phó điều khiển mọi mặt công tác của Tổ.
b) Ở phường, xã : Mỗi phường (quận ven có nông nghiệp) và mỗi xã được tổ chức một Đội lao động chưyên nghiệp, với quy mô từ 50 đến 150 người để làm thủy lợi tại chỗ.
- Đội được chia ra làm nhiều tổ lao động, mỗi tổ từ 20 – 30 người ;
- Mỗi Đội do một Đội trưởng điều khiển chung và từ 1 – 2 đội phó phụ trách từng mặt công tác của Đội, và một số người làm kế toán, vật tư, hậu cần, y tế, quản lý …, bảo đảm tỷ lệ gián tiếp theo quy định từ 10 – 12%;
- Mỗi tổ lao động do một Tổ trưởng và từ 1 – 2 tổ phó điều khiển mọi mặt công tác của Tổ.
II. CHẾ ĐỘ ĐỐI VỚI ĐỘI LAO ĐỘNG CHUYÊN NGHIỆP :
Điều 3. a) Chế độ làm việc : Chế độ làm việc trên các công trường thủy lợi, theo chế độ giao khoán khối lượng, kỹ thuật và thời gian, theo định mức lao động của Nhà nước. Chỉ những việc không thể tính định mức được mới làm việc theo thời gian, và nếu làm việc theo thời gian thì mỗi ngày làm việc 8 giờ. Sau 6 ngày làm việc liên tục được nghỉ 1 ngày. Những đợt huy động lao động nghĩa vụ từ 10 ngày trở lại thì làm xong nhiệm vụ rồi về, không nghỉ giữa đợt.
Phụ nữ làm việc trên công trường thủy lợi những ngày hành kinh thì làm việc nhẹ 7 giờ trong ngày và không giao việc phải ngâm mình dưới nước hoặc trèo cao ;
b) Tiền công lao động : Nguyên tắc tiền công lao động là dựa trên cơ sở khối lượng đạt được, theo định mức lao động giao khoán. Người lao động được trả tiền công theo đơn giá gồm : giá gốc + phụ cấp khu vực + phụ phí thi công theo quy định của Nhà nước.
- Lương của Đội trưởng, Tổ trưởng các Đội lao động chuyên nghiệp được xếp bằng lương người lao động giỏi và cộng thêm phụ cấp 5 – 7% lương trách nhiệm tùy theo hưởng lương theo thời gian hay lương sản phẩm.
- Lương của nhân viên giúp việc các Đội lao động chuyên nghiệp được xếp bằng lương người lao động trung bình.
Kinh phí để trả lương sẽ lấy trong khoản phụ phí thi công công trình, được trả cùng với khi nghiệm thu, thanh toán khối lượng chính mà các Đội thực hiện :
c) Lương thực : Hàng tháng Nhà nước bảo đảm bán lương thực theo giá cung cấp cho đội viên các Đội lao động chuyên nghiệp (kể cả nội, ngoại thành) đều được mua đủ thức ăn cho từng đối tượng như sau :
- Lao động trực tiếp được mua 15kg lương thực/tháng ;
- Lao động gián tiếp được mua 10kg lương thực/tháng ;
(không kể 9 kg lương thực được mua hàng tháng tại địa phương).
- Nếu người nào làm giỏi, tăng năng suất lao động 100% trở lên, được xét khen thưởng thỏa đáng bằng vật chất theo quy định của Nhà nước.
Đi đôi với việc cấp lương thực nói trên, Sở Thủy lợi phải có định mức giao khoán khối lượng, và trong một thời gian nhất định (khoảng 1 tháng), nếu người lao động không đạt được định mức giao khoán khối lượng đó, thì phải xem xét lại mức cấp lương thực cho phù hợp với công sức lao động của họ, bảo đảm sự công bằng giữa người làm giỏi và người làm kém, không đạt định mức.
d) Về thực phẩm và nhu yếu phẩm :
Đội viên các Đội lao động chuyên nghiệp, khi đi xây dựng các công trình thủy lợi của thành phố, nếu làm việc liên tục trên công trường sẽ được mua thực phẩm, nhu yếu phẩm theo giá cung cấp, tiêu chuẩn như cán bộ, công nhân viên Nhà nước.
e) Quần áo lao động : Đội viên các Đội lao động chuyên nghiệp, khi đi xây dựng các công trình thủy lợi của thành phố, nếu làm việc liên tục 6 tháng trở lên, sẽ được bán thêm một bộ quần áo lao động ngoài tiêu chuẩn bán vải hàng năm ;
Nếu làm lao động liên tục trên công trường từ 3 tháng trở lên đối với nam được mua thêm 1 quần đùi + 1 áo thun và đối với nữ được mua thêm 3m vải.
f) Các chế dộ khác bao gồm chế độ nghỉ phép, tiền tàu xe, nghỉ ốm đau, chờ việc, khám điều trị bệnh, thuốc men, tai nạn lao động, chế độ thương tật …, đối với đội viên các Đội lao động chuyên nghiệp, khi đi xây dựng các công trình thủy lợi của thành phố, do Nhà nước đầu tư vốn, áp dụng đúng theo quy định của Thông tư Liên Bộ Lao động – Thủy lợi số 5/TT-LB ngày 29-6-1978.
Điều 4. Khen thưởng, kỷ luật :
a) Những người làm thủy lợi đạt năng suất cao, có sáng kiến cải tiến tổ chức lao động, cải tiến công cụ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được bằng khen đến tặng huân chương, danh hiệu anh hùng lao động ;
b) Người trốn tránh nghĩa vụ lao động làm thủy lợi, có hành động cản trở việc thực hiện nghĩa vụ lao động, phao tin nhảm, xúi dục người khác không đi làm thủy lợi…, những cán bộ vì thiếu trách nhiệm hoặc cố ý làm sai chế độ quy định của Nhà nước như : không chuẩn bị chu đáo, gây ra lãng phí lớn sức lao động, gây thiệt hại cho Nhà nước, cho tập thể, cho sức khỏe và tính mạng của người lao động thì tùy theo tính chất và mức độ phạm lỗi sẽ bị khiển trách, cảnh cáo hoặc truy tố trước tòa án.
III. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 5. Các quy định trên đây có giá trị thi hành trong phạm vi toàn thành phố kể từ ngày Ủy ban nhân dân thành phố ký ban hành.
- Những quy định đã ban hành trước đây trái với các quy định này nay bãi bỏ.
- Việc bổ sung, sửa đổi các điều trong bản quy định này do Ủy ban nhân dân thành phố quyết định.
- 1 Quyết định 6699/QĐ-UB-NC năm 1998 bãi bỏ các văn bản qui phạm pháp luật thuộc lĩnh vực văn hóa - xã hội đã hết hiệu lực ban hành từ ngày 02/7/1976 đến ngày 31/12/1996 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh
- 2 Quyết định 6699/QĐ-UB-NC năm 1998 bãi bỏ các văn bản qui phạm pháp luật thuộc lĩnh vực văn hóa - xã hội đã hết hiệu lực ban hành từ ngày 02/7/1976 đến ngày 31/12/1996 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh