Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 620-TTg

Hà Nội, ngày 29 tháng 09 năm 1995 

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG TƯ VẤN PHÁP LUẬT

Trong điều kiện Nhà nước ta tăng cường quản lý xã hội, quản lý kinh tế bằng pháp luật, nền kinh tế đang chuyển sang vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, theo định hướng xã hội chủ nghĩa, hoạt động tư vấn pháp luật trở thành một nhu cầu khách quan và đang ngày càng phát triển. Trong những năm gần đây, đội ngũ luật gia ngày càng đông đảo, nhiều luật gia tham gia hoạt động tư vấn pháp luật; nhiều tổ chức tư vấn pháp luật đã được thành lập.

Hoạt động tư vấn pháp luật đã góp phần giúp các tổ chức, cá nhân trong việc nâng cao nhận thức, hiểu biết về luật pháp và chấp hành pháp luật. Hoạt động tư vấn pháp luật cũng đã bước đầu được thực hiện ở các lĩnh vực kinh doanh, thương mại, góp phần tăng cường pháp chế trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, tư vấn pháp luật là một lĩnh vực hoạt động còn mới mẻ, văn bản pháp luật của Nhà nước chưa được ban hành đầy đủ, nên tính thống nhất trong quản lý Nhà nước trên lĩnh vực này chưa được bảo đảm. Thủ tục cấp phép thành lập các tổ chức tư vấn pháp luật còn rất phân tán, có nhiều kẻ hở, hoạt động tư vấn pháp luật của cá nhân, tổ chức còn lộn xộn, thậm chí có trường hợp vi phạm pháp luật. Thẩm quyền cấp giấy phép thành lập Văn phòng Tư vấn Pháp luật quy định tùy tiện. Ở một số địa phương, thẩm quyền này thuộc Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cấp phép; ở các địa phương khác thì thuộc Sở Tư pháp; một số đoàn thể cũng tự quyết định thành lập các Văn phòng Tư vấn Pháp luật của mình. Căn cứ pháp lý để làm thủ tục xin phép thành lập và đăng ký kinh doanh đối với các Công ty Luật và Văn phòng Tư vấn Pháp luật cũng chưa có hướng dẫn rõ ràng theo Luật Công ty hoặc theo Luật Doanh nghiệp tư nhân.

Hầu hết những người đang hành nghề tư vấn pháp luật chưa được lựa chọn kỹ về tiêu chuẩn chuyên môn, chưa được đào tạo về kỹ năng hành nghề, tiêu chuẩn về đạo đức cũng chưa được chú trọng; chưa có quy định cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chịu trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra về mặt chuyên môn đối với các Công ty Luật. Vấn đề trách nhiệm và nghĩa vụ của người hành nghề tư vấn pháp luật, của tổ chức tư vấn pháp luật chưa được đặt ra một cách đầy đủ, thống nhất, đặc biệt là trách nhiệm bồi thường thiệt hại do tư vấn sai.

Những khuyết điểm và kẽ hở trên đây làm cho hoạt động tư vấn pháp luật hiện nay chưa có chất lượng, chưa tạo được sự tin cậy của công dân, đặc biệt là của các tổ chức kinh tế trong nước và nước ngoài; chưa đáp ứng được yêu cầu trong việc hợp tác với các tổ chức luật sư nước ngoài.

Để lập lại trật tự, tăng cường quản lý Nhà nước trong lĩnh vực hoạt động tư vấn pháp luật trong khi chờ ban hành văn bản chính thức, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị:

1. Tạm thời ngừng việc cấp giấy phép thành lập Công ty Luật, Văn phòng Tư pháp Luật và các tổ chức tư vấn pháp luật khác. Những Công ty Luật, Văn phòng Tư vấn Pháp luật và các tổ chức tư vấn pháp luật khác đã được cấp giấy phép thành lập hợp lệ trước ngày ban hành Chỉ thị này được tiếp tục hoạt động cho đến khi có quyết định mới và phải chịu sự hướng dẫn, kiểm tra của Bộ Tư pháp.

2. Bộ Tư pháp chủ trì phối hợp với các Bộ hữu quan, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Hội Luật gia Việt Nam, tiến hành rà soát, đánh giá toàn diện tình hình tổ chức và hoạt động tư vấn pháp luật và có kiến nghị trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định trước ngày 30 tháng 10 năm 1995.

3. Chỉ thị này có hiệu lực từ ngày ban hành. Bộ Tư pháp có trách nhiệm hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị này và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

 

 

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
 
 


Võ Văn Kiệt