BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 65/2004/CT-BNN | Hà Nội, ngày 11 tháng 11 năm 2004 |
Hiện nay nhà nước đã ban hành các Pháp lệnh quản lý chất lượng hàng hoá, Pháp lệnh giống cây trồng, Pháp lệnh giống vật nuôi, Pháp lệnh Thú y, Pháp lệnh Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật, các Nghị định của Chính phủ về quản lý phân bón, thức ăn chăn nuôi.Trong thời gian qua, công tác quản lý nhà nước về các lĩnh vực trên đã từng bước được tăng cuờng từ Trung ương đến cơ sở, góp phần tích cực thúc đẩy sản xuất nông lâm nghiệp theo hướng hàng hoá có năng suất, chất lượng và hiệu quả. Nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và kinh doanh giống, phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuôc thú y, thuốc bảo vệ thực vật... đã có cố gắng để cung cấp các loại vật tư nông lâm nghiệp đảm bảo số lượng, chất lượng, thời vụ và giá cả hợp lý, đáp ứng nhu cầu của sản xuất. Nhiều địa phương đã làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện ngăn chặn và xử lý kịp thời những vi phạm, chấn chỉnh những tiêu cực trong lĩnh vực kinh doanh vật tư nông nghiệp, tạo môi trường thuận lợi để doanh nghiệp và nông dân yên tâm phát triển sản xuất, kinh doanh có hiệu quả.
Tuy nhiên, bên cạnh đó công tác quản lý nhà nước đối với vật tư nông lâm nghiệp trong nước còn nhiều hạn chế, bất cập. Nhiều địa phương chưa xây dựng kế hoạch và bố trí lực lượng, kinh phí để tổ chức thanh tra, kiểm tra thường xuyên, chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành có liên quan. Mặt khác, nhiều doanh nghiệp chưa thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không được phép kinh doanh... gây thiệt hại cho sản xuất.
Xuất phát từ yêu cầu của sản xuất, để tăng cường công tác quản lý nhà nước, khắc phục những mặt yếu kém nêu trên, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn chỉ thị :
Thời gian đợt tổng kiểm tra từ 20/11/2004 đến 20/01/2005. Căn cứ vào tình hình cụ thể các địa phương bố trí kế hoạch thời gian kiểm tra đối với từng loại vật tư cho phù hợp .
Mục đích của đợt kiểm tra nhằm khuyến khích và động viên những doanh nghiệp, những cơ sở chấp hành tốt các quy định của nhà nước, phục vụ sản xuất tốt; đồng thời phát hiện và xử lý nghiêm những cơ sở vi phạm quy định về sản xuất, kinh doanh vật tư nông lâm nghiệp; chấn chỉnh và ngăn chặn những biểu hiện tiêu cực; bảo vệ lợi ích chính đáng của nông dân và người tiêu dùng tạo môi trường kinh doanh vật tư lành mạnh góp phần phục vụ tốt sản xuất nông lâm nghiệp năm 2005.
- Các cục Nông nghiệp, Lâm nghiệp, Bảo vệ thực vât, Thú y khẩn trương có văn bản hướng dẫn Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn và các Chi cục Lâm nghiệp, Bảo vệ thực vật, Thú y của các tỉnh, thành phố về: đối tượng, nội dung, phương pháp tổ chức kiểm tra đối với các loại hàng hoá vật tư theo chuyên ngành quản lý trước ngày 20/11/2004; trực tiếp chỉ đạo hệ thống theo ngành dọc phối hợp với các cơ quan chức năng của địa phương để thực hiện tốt kế hoạch kiểm tra của tỉnh, thành phố; kiểm tra đôn đốc việc triển khai chỉ thị này và tổ chức một số đoàn trực tiếp kiểm tra điểm ở các địa phương.
- Các Viện nghiên cứu, các Trung tâm khoa học kỹ thuật thuộc Bộ, các các phòng thí nghiệm phân tích, kiểm nghiệm, kiểm định bố trí cán bộ và trang thiết bị phân tích, kiểm định, giám định chất lượng hàng hoá vật tư theo yêu cầu của các đoàn kiểm tra và các địa phương, đảm bảo khẩn trương, chính xác, khách quan, chi phí tiết kiệm.
- Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động lập kế hoạch kiểm tra, dự trù kinh phí trình UBND tỉnh phê duyệt; phân cấp rõ trách nhiệm quản lý nhà nước của cấp tỉnh, cấp huyện; chủ động phối hợp với các ngành chức năng để triển khai đợt kiểm tra.
Trong quá trình thực hiện kiểm tra, các đoàn kiểm tra phải tuân thủ các quy định hiện hành của nhà nước về thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các lĩnh vực kiểm tra; không làm cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh của đối tượng kiểm tra.
Kết thúc đợt kiểm tra, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, các đơn vị thuộc Bộ theo nhiệm vụ được phân công tiến hành đánh giá kết quả kiểm tra, đề xuất các kiến nghị với UBND tỉnh, thành phố và Bộ nông nghiệp và phát triển Nông thôn. Báo cáo đánh giá kết quả kiểm tra gửi về Cục Nông nghiệp để Cục tổng hợp báo cáo Bộ.
| Q. BỘ TRƯỞNG |