ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 68/CT-UB | TP. Hồ Chí Minh, ngày 1 tháng 6 năm 1979 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC KHAI KHOANG MỞ RỘNG DIỆN TÍCH Ở NGOẠI THÀNH
Thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Chánh phủ về công tác khai hoang mở rộng diện tích, chuyển lao động đi xây dựng vùng kinh tế mới. Trong những năm qua thành phố chúng ta đã xúc tiến khai hoang xây dựng vùng kinh tế mới, ở các tỉnh, chuyển được một bộ phận những người phi sản xuất về vùng kinh tế mới lập nghiệp, số đông đời sống dần dần được ổn định.
Tiếp tục thực hiện nghị quyết của Ban chấp hành Đảng bộ thành phố về cải tạo và phát triển nông nghiệp. Trong thời gian tới cần đẩy nhanh tốc độ khai hoang, phục hóa mở rộng diện tích sản xuất nông nghiệp ở các huyện ngoại thành, vùng ven, nhằm phân bổ lại lực lượng lao động hiện còn chưa có công việc làm. Đồng thời nhanh chóng tạo ra vành đai thực phẩm góp phần, ổn định đời sống cho dân, thực hiện phương châm hậu cần tại chỗ, nhất là trong điều kiện cả nước có chiến tranh.
Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu các ngành các cấp trong thời gian tới có biện pháp thực hiện công tác sau đây :
1- Về tổ chức sản xuất :
Ban kinh tế mới, Ban phân vùng qui hoạch và Sở Nông nghiệp tiến hành quy hoạch, điều tra thổ nhưởng ở các vùng đất còn hoang hóa ở ngoại thành và xác định phương hướng cây con cho từng vùng.
Ủy ban nhân dân các quận, huyện xúc tiến thành lập bộ máy Ban chỉ đạo sản xuất gồm có : Trưởng, phó ban, một kế toán, một thủ quỹ kiêm thủ kho và một số cán bộ điều hành sản xuất. Ban này do Ủy ban nhân dân các quận xét chọn đệ trình Ủy ban nhân dân thành phố ra quyết định. Đối với các trại cải tạo thuộc cơ quan an ninh, Đoàn thanh niên Cộng sản thành phố Hồ Chí Minh, Hội liên hiệp phụ nữ quản lý thì do trại trưởng chịu trách nhiệm tổ chức khai hoang mở rộng diện tích, trên số đất hiện giao cho trại quản lý. Ban sản xuất có trách nhiệm nhận đất, vật tư – tiền vốn, sắp xếp số lao động được dãn ra, tổ chức chỉ đạo sản xuất trong vùng, sớm hình thành các đội, tập đoàn tiến tới hình thành các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp.
Ban kinh tế mới cùng với Ủy ban Kế hoạch thành phố, có trách nhiệm giúp các quận huyện lập nhiệm vụ thiết kế khai hoang phục hóa mở rộng diện tích, kế hoạch sản xuất và chi phí để nhận vốn đầu tư. Thường xuyên theo dõi tiến độ thực hiện báo cáo với Ủy ban trong các cuộc họp giao ban. Các Trại cải tạo cũng lập kế hoạch mở rộng diện tích sản xuất. Trình Ủy ban nhân dân quận huyện để đưa vào kế hoạch chung của thành phố.
2- Về nguồn vốn và nguyên tắc sử dụng các nguồn vốn
Căn cứ theo quyết định số 272/CP của Hội đồng Chính phủ và Thông tư liên bộ số 14 tài chánh – Ngân hàng đã hướng dẫn.
- Vốn chi phí khai hoang xây dựng đồng ruộng, thủy lợi (bao gồm kênh cấp 1 đến cấp 4) làm nhà cho dân, giếng nước, bệnh xá, nhà trẻ, trường học trong vùng, chi phí chuyển dịch dân đến, trang bị dụng cụ sản xuất ban đầu, sử dụng nguồn vốn khai hoang vùng kinh tế mới do ngân sách nhà nước đài thọ và chi hàng kiến thiết cấp phát.
- Vốn chi phí sản xuất để phát triển cây don, trong vụ đầu các Tổ sản xuất chưa được hình thành, Ban sản xuất chịu trách nhiệm vay vốn ngân hàng Nhà nước ở một số đối tượng như : giống, phân bón, thuốc trừ sâu bệnh, tiền thuê cày, bừa. Ban sản xuất quận lập kế hoạch sản xuất, kế hoạch chi phí để gởi đến Ngân hàng Nhà nước các quận, huyện xin vay vốn. Ban sản xuất nhận vốn vay và tổ chức sử dụng vốn đó theo đúng mục đích xin vay, trong sản xuất và sau mỗi vụ thu hoạch phải phân bổ chi phí cho đội, tập đoàn và có trách nhiệm quản lý sản phẩm thu hồi vốn để trả nợ đúng kỳ hạn quy định cho cơ quan Ngân hàng Nhà nước.
Ban sản xuất có trách nhiệm tổ chức quản lý sử dụng có hiệu quả các loại nguồn vốn, và hạch toán rõ ràng về việc sử dụng các loại vốn, theo nguyên tắc vốn nào chi cho việc đó. Riêng các trại cải tạo thuộc cơ quan an ninh được sử dụng thêm nguồn vốn kinh phí cải tạo.
Các cơ quan Tài chánh – Ngân hàng cấp cơ sở cần đi sát Ban sản xuất, các trại cải tạo giúp đỡ hướng dẫn mở sổ sách ghi chép, hạch toán theo chế độ kế toán Nhà nước quy định.
Đến vụ sản xuất sau, Ngân hàng sẽ cho vay trực tiếp các đội, tập đoàn sản xuất, hợp tác xã. Khi các tổ chức đó đã được hình thành và có tư cách pháp nhân.
Để bổ sung đội ngũ cán bộ quản lý, Sở Tài chánh chiêu sinh đào tạo lớp kế toán cấp tốc cung cấp cho quận và các trại cải tạo có điều kiện tiến hành sản xuất và quản lý được tốt.
3. Sử dụng số sản phẩm thâu hoạch
Đề bù đắp lại chi phí sản xuất và hoàn lại vốn tín dụng Ngân hàng sau khi kết thúc một chu kỳ sản xuất cây con. Số sản phẩm sản xuất ra ở vụ đầu phải giao nộp cho các cơ quan Nhà nước, được quy định theo chính sách thâu mua hai giá : giá nghĩa vụ và giá khuyến khích, tỷ lệ cụ thể do Ủy ban nhân dân quận đệ trình Ủy ban nhân dân thành phố có quyết định sau mỗi vụ thâu hoạch. Đối với các hộ đi khai hoang xây dựng vùng kinh tế mới, thời gian 6 tháng đầu đang được trợ cấp về lương thực, nên việc phân phối ăn chia chỉ thực hiện theo phương án giá trị.
Trong trường hợp có thiên tai ảnh hưởng đến năng suất cây trồng. Ban sản xuất phải báo cáo kịp thời với các ngành có liên quan như kinh tế mới – Tài chánh – Ngân hàng đến hiện trường xem xét, xác nhận sự thiệt hại đó – Sở Tài chánh tập hợp trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt trợ cấp, số tiền được trợ cấp thiên tai đó được ưu tiên dành trả nợ Ngân hàng Nhà nước.
Nhận được chỉ thị này, yêu cầu các cấp, các ngành có biện pháp tổ chức thực hiện, sớm triển khai cho các cơ sở trực thuộc thi hành. Trong quá trình chỉ đạo thực hiện có gắp khó khăn trở ngại, phản ảnh kịp thời về Ủy ban nhân dân thành phố để có hướng giải quyết./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
- 1 Quyết định 5985/QĐ-UB-NC năm 1998 bãi bỏ các văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực thuộc lĩnh vực quản lý đô thị ban hành từ ngày 02/7/1976 đến ngày 31/12/1996 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh
- 2 Quyết định 4340/QĐ-UB-NC năm 1998 bãi bỏ các văn bản qui phạm pháp luật hết hiệu lực ban hành từ ngày 02/7/1976 đến ngày 31/12/1996 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh
- 3 Quyết định 4340/QĐ-UB-NC năm 1998 bãi bỏ các văn bản qui phạm pháp luật hết hiệu lực ban hành từ ngày 02/7/1976 đến ngày 31/12/1996 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh