THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 734/CT-TTg | Hà Nội, ngày 17 tháng 05 năm 2011 |
VỀ CHẤN CHỈNH CÔNG TÁC QUẢN LÝ ĐỐI VỚI CÁC GÓI THẦU EPC
Trong những năm qua, việc áp dụng cơ chế đấu thầu, trong đó có đấu thầu, trong đó có đấu thầu các gói thầu thuộc các dự án sử dụng vốn nhà nước theo hình thức gói thầu EPC đã góp phần đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng, rút ngắn thời gian thực hiện của một số dự án, tăng cường tính thống nhất, đồng bộ và nâng cao hiệu quả quản lý. Tuy nhiên, việc tổ chức thực hiện các gói thầu EPC thời gian qua còn bộc lộ một số tồn tại như: chất lượng hồ sơ mời thầu còn yếu; dự toán, giá gói thầu được lập chưa sát với giá thị trường; năng lực, kinh nghiệm của một số nhà thầu EPC còn hạn chế, chưa thực sự chọn được nhà thầu có năng lực; cơ hội tham gia của các nhà thầu trong nước còn nhiều hạn chế; việc quản lý lao động nước ngoài chưa được quan tâm đúng mức; việc giám sát của chủ đầu tư chưa nghiêm túc; thời gian thực hiện hợp đồng của nhiều gói thầu EPC bị kéo dài …. Vấn đề này dẫn tới tiến độ thực hiện các dự án, công trình bị chậm trễ, chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu, đặc biệt việc chậm tiến độ các công trình xây dựng các nhà máy nhiệt điện làm cho tình trạng thiếu điện càng trầm trọng hơn, một số dự án giao thông, thoát nước, vệ sinh môi trường tại các thành phố lớn bị chậm trễ gây bức xúc trong nhân dân, ảnh hưởng lớn đến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Để tăng cường hiệu quả đầu tư của các dự án, công trình kết cấu hạ tầng, bảo đảm an ninh năng lượng và phát huy nội lực, nâng cao năng lực cạnh tranh của các nhà thầu trong nước, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị:
I. VỀ TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CÁC GÓI THẦU EPC
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Hội đồng quản trị các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ và trong phạm vi quản lý của mình rà soát và chỉ đạo thực hiện các gói thầu EPC theo các nội dung sau:
1. Đối với các hợp đồng đang thực hiện:
a) Tăng cường giám sát bảo đảm việc thực hiện hợp đồng đúng kế hoạch, tiến độ thi công mà nhà thầu cam kết trong hồ sơ dự thầu và hợp đồng đã ký kết;
b) Thực hiện nghiêm túc việc xử lý vi phạm hợp đồng đối với các hành vi chậm tiến độ, không đảm bảo chất lượng vật tư, thiết bị … theo các điều khoản đã cam kết trong hợp đồng và quy định của pháp luật về đấu thầu, pháp luật về xây dựng và quy định của pháp luật khác có liên quan;
c) Thực hiện nghiêm túc việc đăng tải công khai thông tin xử lý vi phạm theo quy định;
d) Báo cáo cụ thể nguyên nhân và thiệt hại về kinh tế do chậm tiến độ đối với các hợp đồng thuộc dự án nhóm A đã chậm so với kế hoạch từ 6 tháng trở lên và chưa thực hiện quyết toán, gửi về Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, đánh giá.
2. Đối với các hợp đồng trong giai đoạn ký kết hợp đồng:
a) Rà soát các điều kiện của dự thảo hợp đồng, trong trường hợp thấy không đảm bảo tính khả thi, tính hiệu quả thì kiên quyết không ký kết hợp đồng;
b) Xác định rõ các chế tài trong hợp đồng đủ mạnh để ràng buộc nhà thầu phải đảm bảo tiến độ, chất lượng của công trình, kiểm soát chi phí trong tổng mức đầu tư (phạt, dừng và hủy hợp đồng).
3. Đối với các dự án, gói thầu được triển khai trong thời gian tới:
a) Khi lập Báo cáo nghiên cứu khả thi (Dự án đầu tư xây dựng công trình), các chủ đầu tư cần bám sát yêu cầu về tính tiên tiến, hiện đại của thiết bị công nghệ; phản ánh chính xác và dự báo biến động của giá cả thiết bị, vật tư, hàng hóa theo giá thị trường trong nước và quốc tế;
b) Các chủ đầu tư, bên mời thầu khi lập kế hoạch đấu thầu phải cân nhắc việc phân chia thành các gói thầu EPC; trường hợp có thể thì tách thành các gói thầu riêng biệt như tư vấn (E), cung cấp thiết bị, vật tư (P) và xây lắp (C) hoặc tách thành gói thầu tư vấn, cung cấp vật tư, thiết bị (EP) và gói thầu xây lắp (C) để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước có thể tham gia đấu thầu và thực hiện gói thầu. Không triển khai gói thầu theo hình thức EPC khi không thực sự cần thiết. Trong trường hợp phải tuân thủ chặt chẽ tính đồng bộ trong việc thực hiện dự án theo hình thức EPC thì trong hồ sơ mời thầu cần quy định mức yêu cầu tối thiểu về mặt kỹ thuật không thấp hơn 90% tổng số điểm (nếu đánh giá theo phương pháp chấm điểm) hoặc tất cả tiêu chuẩn chính phải đạt (nếu đánh giá theo phương pháp đạt/không đạt);
c) Trường hợp gói thầu EPC mà khả năng các nhà thầu trong nước đảm nhận được trên 50% khối lượng công việc thì không được tổ chức đấu thầu quốc tế mà phải tổ chức đấu thầu rộng rãi trong nước; đối với phần thiết bị, công nghệ trong nước không sản xuất được thì có thể được thực hiện theo 2 phương án sau:
- Tách phần thiết bị công nghệ thành một gói thầu riêng để tổ chức đấu thầu, quốc tế; trong trường hợp này, hồ sơ mời thầu phải thể hiện sự cam kết ràng buộc, hợp tác chặt chẽ giữa nhà chế tạo nước ngoài với nhà thầu trong nước để thực hiện thành công dự án, đảm bảo tính đồng bộ của dự án;
- Giao nhà thầu trong nước đã trúng thầu tổ chức lựa chọn nhà thầu phụ đặc biệt để cung cấp thiết bị công nghệ đảm bảo yêu cầu chất lượng tiên tiến, hiện đại; việc lựa chọn nhà thầu phải có sự chấp thuận của chủ đầu tư.
d) Trường hợp các gói thầu EPC có giá trị, quy mô lớn yêu cầu công nghệ đa dạng, phức tạp thuộc các dự án quan trọng của ngành hoặc dự án quan trọng quốc gia thì Bộ quản lý ngành thành lập các Hội đồng khoa học về kinh tế - kỹ thuật để nghiên cứu và đề xuất phương pháp đánh giá chất lượng (công suất, hiệu suất, chi phí vận hành, bảo dưỡng ….) và tuổi thọ thiết bị trong cả đời dự án, bảo đảm so sánh được hiệu quả giữa các loại thiết bị công nghệ mà nhà thầu chào khác nhau khi tổ chức đấu thầu quốc tế mua sắm thiết bị, công nghệ từ nước ngoài;
đ) Nghiêm chỉnh thực hiện việc sử dụng và quản lý lao động nước ngoài theo quy định của pháp luật về đấu thầu và pháp luật về lao động.
4. Rà soát lại đội ngũ cán bộ Ban Quản lý dự án và các chủ đầu tư, tăng cường bồi dưỡng năng lực chuyên môn về đấu thầu và quản lý dự án, đảm bảo tuân thủ yêu cầu về chuyên môn của chủ đầu tư, bên mời thầu, tổ chuyên gia đấu thầu và các cá nhân có liên quan theo quy định hiện hành, đồng thời nâng cao ý thức đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm cá nhân. Tăng cường sử dụng các tổ chức đấu thầu chuyên nghiệp để nâng cao chất lượng hoạt động đấu thầu, bảo đảm lựa chọn được nhà thầu có đủ năng lực, kinh nghiệm và uy tín thực hiện gói thầu.
II. TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC BỘ, NGÀNH
1. Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các Bộ: Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tin và Truyền thông rà soát các tiêu chuẩn công nghệ ngành đảm bảo không để xảy ra tình trạng nhập khẩu công nghệ lạc lậu của thế giới, chỉ chấp nhận công nghệ tiên tiến, an toàn về môi trường và có giải pháp chọn lọc công nghệ bảo đảm phù hợp với các cam kết WTO.
2. Bộ Công Thương chủ trì tổng kết, đánh giá việc thực hiện cơ chế chính sách đặc thù đối với các công trình điện theo Quyết định số 1195/QĐ-TTg ngày 09 tháng 11 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ, trường hợp cần thiết thì đề xuất điều chỉnh cho phù hợp.
3. Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Bộ quản lý ngành rà soát, kiến nghị sửa đổi các quy định có liên quan về chế tài xử lý vi phạm hợp đồng, xử phạt vi phạm theo hướng nâng cao hạn mức xử phạt hợp đồng, bảo đảm xử lý nghiêm minh đối với các trường hợp cố tình vi phạm.
4. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội nghiên cứu, đề xuất việc sửa đổi quy định “Người nước ngoài làm việc tại doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức tại Việt Nam từ đủ 03 tháng trở lên phải có giấy phép lao động” bằng quy định “Người nước ngoài làm việc tại doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức tại Việt Nam phải có giấy phép lao động” và giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với công an địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng lao động nước ngoài trên các công trường.
5. Bộ Công an phối hợp với Bộ Ngoại giao giao chỉ đạo Cục Xuất nhập cảnh và cơ quan ngoại giao tại các nước kiểm soát chặt chẽ việc cấp thị thực xuất nhập cảnh cho người nước ngoài; trường hợp cấp thị thực cho từ 10 người trở lên vào làm việc tại Việt Nam dưới mọi hình thức phải có ý kiến của cơ quan chủ quản đầu tư hoặc chủ đầu tư.
6. Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát, kiến nghị sửa đổi các quy định của pháp luật về đấu thầu theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 38/TTg-KTN ngày 30 tháng 9 năm 2010.
1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ ngành theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, thanh tra các chủ đầu tư, bên mời thầu trong việc thực hiện đúng Chỉ thị này; kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xử lý nghiêm các trường hợp không thực hiện đúng Chỉ thị.
2. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước, trong phạm vi quản lý của mình chỉ đạo các chủ đầu tư, bên mời thầu cần nghiêm túc quán triệt tinh thần của Chỉ thị này để bảo đảm thực hiện có hiệu quả các dự án, công trình quan trọng của ngành, của đất nước.
Nơi nhận: | THỦ TƯỚNG |