BỘ THÔNG TIN VÀ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 75/CT-BTTTT | Hà Nội, ngày 31 tháng 10 năm 2013 |
CHỈ THỊ
VỀ TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ VÀ PHÁT TRIỂN DỊCH VỤ VIỄN THÔNG QUỐC TẾ
Trong thời gian qua, dịch vụ viễn thông quốc tế, đặc biệt là dịch vụ điện thoại quốc tế chiều về và dịch vụ thông tin di động chuyển vùng quốc tế chiều về (sau đây gọi chung là dịch vụ viễn thông quốc tế) có bước phát triển mạnh mẽ cả về doanh thu và lưu lượng, trong khi chất lượng dịch vụ ngày càng nâng cao, giá cước ngày càng giảm, mang lại nhiều lợi ích cho người sử dụng dịch vụ và cải thiện môi trường đầu tư của Việt Nam. Tuy nhiên bên cạnh những ưu điểm tích cực, do mức độ cạnh tranh gay gắt và biến động của thị trường, việc kinh doanh dịch vụ viễn thông quốc tế cũng nảy sinh nhiều bất cập như: việc cạnh tranh không lành mạnh bằng hình thức phá giá, khuyến mại, chiết khấu lớn sai quy định; nợ đọng cước trong thanh toán quốc tế; kinh doanh trái phép và trộm cắp cước dịch vụ diễn biến phức tạp. Tình hình đó đã làm cho việc kinh doanh dịch vụ viễn thông quốc tế kém hiệu quả, ảnh hưởng đến lợi ích của doanh nghiệp, của người sử dụng và nhà nước. Để tăng cường quản lý và phát triển dịch vụ viễn thông quốc tế, trên cơ sở tuân thủ các điều ước quốc tế và pháp luật về viễn thông, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại thông báo số 312/TB-VPCP ngày 16 tháng 8 năm 2013, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ thị:
I. Đối với các cơ quan quản lý nhà nước
1. Cục Viễn thông:
a) Hướng dẫn các doanh nghiệp xây dựng phương án giá cước dịch vụ viễn thông quốc tế trên cơ sở giá thành, quan hệ cung cầu trên thị trường, phù hợp mặt bằng giá cước của khu vực và quốc tế.
b) Thường xuyên theo dõi và cập nhật đầy đủ tình hình biến động giá cước dịch vụ viễn thông quốc tế của Việt Nam, khu vực và quốc tế để có những dự báo kịp thời giúp doanh nghiệp điều chỉnh giá cước dịch vụ viễn thông quốc tế phù hợp với thị trường.
c) Trong từng thời kỳ, căn cứ vào giá cước thanh toán quốc tế mà các doanh nghiệp áp dụng trên thực tế, Cục Viễn thông công bố giá cước thông thường của dịch vụ viễn thông quốc tế và tỷ lệ phần trăm (%) xác định việc phá giá gây mất ổn định thị trường dịch vụ viễn thông quốc tế, làm cơ sở cho các doanh nghiệp xác định giá cước thanh toán quốc tế với các đối tác nước ngoài.
d) Kịp thời chỉ đạo các doanh nghiệp đảm bảo chất lượng, giá cước và kinh doanh dịch vụ viễn thông quốc tế theo quy định trên cơ sở cạnh tranh lành mạnh và phát triển bền vững.
đ) Nghiên cứu tình hình phát triển công nghệ, dịch vụ mới, đặc biệt là dịch vụ điện thoại, nhắn tin miễn phí trên Internet (OTT) để đề xuất các cơ chế, chính sách, biện pháp nhằm giảm thiểu ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh dịch vụ viễn thông nói chung, dịch vụ viễn thông quốc tế nói riêng trên cơ sở bảo đảm quyền lợi người sử dụng dịch vụ, hợp tác cùng có lợi giữa các doanh nghiệp viễn thông và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ OTT.
e) Tăng cường tuyên truyền phổ biến kiến thức trong kinh doanh dịch vụ viễn thông quốc tế đối với các doanh nghiệp tham gia kinh doanh lĩnh vực này.
g) Chủ trì chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Chỉ thị này.
2. Thanh tra Bộ:
a) Chủ trì phối hợp với các đơn vị của Bộ Thông tin và Truyền thông, các Sở Thông tin và Truyền thông tiến hành thanh tra, kiểm tra thường xuyên hoạt động kinh doanh dịch vụ viễn thông quốc tế. Kiên quyết xử lý các doanh nghiệp viễn thông cố tình vi phạm các quy định về quản lý nói chung và giá cước dịch vụ viễn thông quốc tế nói riêng.
b) Phối hợp với Cục Viễn thông, các cơ quan chức năng của Bộ Công an để phát hiện, ngăn chặn và xử lý theo quy định của pháp luật các tổ chức, cá nhân kinh doanh trái phép và trộm cắp cước dịch vụ viễn thông quốc tế.
3. Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh:
Phối hợp với Cục Viễn thông, Thanh Tra Bộ trong việc kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm về kinh doanh dịch vụ viễn thông quốc tế.
II. Đối với các doanh nghiệp viễn thông
1. Xác định và báo cáo về Cục Viễn thông giá thành dịch vụ viễn thông quốc tế định kỳ và đột xuất theo đúng quy định tại Thông tư số 16/2012/TT-BTTTT ngày 30/10/2012 về Quy định phương pháp xác định và chế độ báo cáo giá thành dịch vụ viễn thông.
2. Các doanh nghiệp hoặc nhóm doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ viễn thông quốc tế có vị trí thống lĩnh thị trường:
a) Xây dựng và ban hành giá cước dịch vụ viễn thông quốc tế không được thấp hơn giá thành theo quy định tại Khoản 3 Điều 19, Khoản 2 Điều 55 Luật Viễn thông và Điều 23 Nghị định 116/2005/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Cạnh tranh.
b) Khi điều chỉnh giá cước thu khách hàng, khi thực hiện các chương trình khuyến mại giảm giá cước, doanh nghiệp phải đăng ký với Cục Viễn thông trước khi điều chỉnh giá cước thu khách hàng hoặc khuyến mại theo quy định.
3. Tất cả các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ viễn thông quốc tế:
a) Ban hành và thực hiện giá cước trên cơ sở giá thành, cung cầu trên thị trường và mặt bằng giá cước trong khu vực và quốc tế. Nghiêm cấm việc bán phá giá, chiết khấu, khuyến mại, chi hoa hồng dẫn tới giá cước thanh toán quốc tế thấp hơn giá cước thông thường của dịch vụ viễn thông quốc tế và tỷ lệ bán phá giá do Cục Viễn thông công bố theo từng thời kỳ, gây mất ổn định thị trường theo quy định tại Khoản 2 Điều 56 Luật Viễn thông; Điều 45, 46 Luật Cạnh tranh.
b) Nhằm bảo đảm lợi ích của nhà nước, doanh nghiệp và người sử dụng dịch vụ, doanh nghiệp có trách nhiệm đàm phán với các đối tác nước ngoài đảm bảo giá cước thanh toán quốc tế không vi phạm giá cước thông thường của dịch vụ viễn thông quốc tế trên thị trường Việt Nam và mức bán phá giá do Cục Viễn thông công bố theo từng thời kỳ.
c) Nghiêm cấm việc bù chéo dịch vụ nhằm mục đích cạnh tranh không lành mạnh theo quy định tại Khoản 2 Điều 19 và Khoản 3 Điều 55 Luật Viễn thông. Đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ viễn thông quốc tế cả chiều đi và chiều về, khi đàm phán với các đối tác nước ngoài cần cân đối giữa giá cước thanh toán quốc tế chiều đi và giá cước thanh toán quốc tế chiều về trên nguyên tắc không bù chéo dịch vụ và đảm bảo kinh doanh có hiệu quả.
d) Cần lựa chọn đối tác nước ngoài có uy tín, năng lực tài chính tốt để ký kết hợp đồng, thỏa thuận kinh doanh dịch vụ viễn thông quốc tế. Rà soát và giám sát chặt chẽ việc ký kết và thực hiện các hợp đồng, thỏa thuận kinh doanh dịch vụ viễn thông quốc tế theo đúng pháp luật Việt Nam, điều ước và thông lệ quốc tế về viễn thông.
Trong những trường hợp cụ thể, áp dụng các biện pháp kinh tế, nghiệp vụ, kỹ thuật cần thiết (trả trước, mở thư tín dụng dự phòng, đặt cọc, bảo lãnh qua ngân hàng, cắt kênh liên lạc khi không thanh toán v.v) để bảo đảm thanh toán quốc tế đầy đủ, đúng thời hạn, tránh tình trạng nợ xấu, nợ đọng kéo dài.
đ) Các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ viễn thông quốc tế đảm bảo thanh toán đúng hạn và đầy đủ cước kết nối, các loại cước và phí khác theo quy định pháp luật hiện hành và/hoặc thỏa thuận giữa các doanh nghiệp phát sinh trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ viễn thông quốc tế.
e) Tăng cường phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông khác, các cơ quan chức năng của Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông phòng chống tội phạm mạng, tội phạm công nghệ cao, đặc biệt là phát hiện và ngăn chặn kịp thời các tổ chức, cá nhân kinh doanh trái phép và trộm cắp cước dịch vụ viễn thông quốc tế.
Khi giao kết hợp đồng sử dụng dịch vụ viễn thông, cần chủ động kiểm tra trên hồ sơ (mục đích, quy mô, cấu hình mạng), tính hợp lý giữa nhu cầu sử dụng thực tế của các thuê bao, chủ mạng nội bộ, chủ mạng dùng riêng với yêu cầu thuê kênh, thuê đường dây trung kế, yêu cầu đăng ký sử dụng số thuê bao di động. Đồng thời đối với các thuê bao, mạng nội bộ, mạng dùng riêng có kết nối với kênh thuê riêng đường dài trong nước và quốc tế có dung lượng kênh thuê hoặc số lượng đường dây trung kế, số lượng số thuê bao di động đăng ký sử dụng lớn hoặc lưu lượng thông tin lớn vượt quá mức sử dụng thông thường, cần tăng cường áp dụng các biện pháp kỹ thuật, nghiệp vụ kiểm soát chặt chẽ lưu lượng và mức cước thanh toán hàng tháng của thuê bao, chủ mạng để sớm phát hiện và ngăn chặn kịp thời việc kinh doanh bất hợp pháp hoặc sử dụng không đúng mục đích các dịch vụ viễn thông.
Khi phát hiện việc kinh doanh trái phép, trộm cắp cước dịch vụ viễn thông quốc tế cần báo cáo kịp thời cho các cơ quan quản lý nhà nước và có biện pháp xử lý ngừng cung cấp dịch vụ theo đúng quy định và thẩm quyền.
g) Thực hiện nghiêm chế độ báo cáo, thống kê về quản lý giá cước nói chung, giá cước dịch vụ viễn thông quốc tế và giá thanh toán quốc tế theo quy định.
h) Chủ động nghiên cứu và thử nghiệm các mô hình hợp tác với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ OTT. Xem xét và đề xuất với Cục Viễn thông giá cước dịch vụ truy nhập Internet trên di động và các gói cước áp dụng với dịch vụ OTT nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng và đảm bảo quyền lợi của người sử dụng dịch vụ, cũng như của doanh nghiệp viễn thông, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ OTT.
Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong ngành Thông tin và Truyền thông nghiêm túc thực hiện. Trong quá trình thực hiện nếu có các vấn đề phát sinh doanh nghiệp báo cáo Bộ Thông tin và Truyền thông để xem xét, giải quyết./.
Nơi nhận: | BỘ TRƯỞNG |
- 1 Chỉ thị 16/CT-BTTTT năm 2014 tăng cường quản lý và nâng cao chất lượng dịch vụ viễn thông do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành
- 2 Thông tư 21/2013/TT-BTTTT quy định doanh thu dịch vụ viễn thông do Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành
- 3 Thông báo 312/TB-VPCP năm 2013 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại cuộc họp về tình hình giá cước điện thoại quốc tế chiều về và giá cước chuyển vùng quốc tế của thuê bao nước ngoài đến Việt Nam do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 4 Thông tư 08/2013/TT-BTTTT quy định về quản lý chất lượng dịch vụ viễn thông do Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành
- 5 Thông tư 16/2012/TT-BTTTT quy định phương pháp xác định và chế độ báo cáo giá thành dịch vụ viễn thông do Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành
- 6 Thông tư 10/2010/TT-BTTTT quy định về quản lý và cung cấp dịch vụ trợ giúp tra cứu số máy điện thoại cố định qua mạng viễn thông do Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành
- 7 Luật viễn thông năm 2009
- 8 Công văn 2206/BTTTT-KHTC tăng cường quản lý thực hiện chính sách cung cấp dịch vụ viễn thông công ích do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành
- 9 Thông tư 14/2008/TT-BTTTT hướng dẫn quản lý kinh phí hỗ trợ thực hiện thẩm tra, xác nhận sản lượng dịch vụ viễn thông công ích tại các địa phương do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành
- 10 Nghị định 116/2005/NĐ-CP Hướng dẫn Luật Cạnh tranh
- 11 Luật cạnh tranh 2004
- 1 Thông tư 14/2008/TT-BTTTT hướng dẫn quản lý kinh phí hỗ trợ thực hiện thẩm tra, xác nhận sản lượng dịch vụ viễn thông công ích tại các địa phương do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành
- 2 Thông tư 10/2010/TT-BTTTT quy định về quản lý và cung cấp dịch vụ trợ giúp tra cứu số máy điện thoại cố định qua mạng viễn thông do Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành
- 3 Công văn 2206/BTTTT-KHTC tăng cường quản lý thực hiện chính sách cung cấp dịch vụ viễn thông công ích do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành
- 4 Thông tư 08/2013/TT-BTTTT quy định về quản lý chất lượng dịch vụ viễn thông do Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành
- 5 Thông tư 21/2013/TT-BTTTT quy định doanh thu dịch vụ viễn thông do Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành
- 6 Chỉ thị 16/CT-BTTTT năm 2014 tăng cường quản lý và nâng cao chất lượng dịch vụ viễn thông do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành
- 7 Thông báo 67/2020/TB-LPQT về hiệu lực của điều ước quốc tế Văn kiện sửa đổi Thể lệ Thông tin Vô tuyến Thế giới năm 2019 của Liên minh Viễn thông quốc tế [Partial Revision of the Radio Regulation contained in the Final Acts of the World Radiocomunication Conference (WRC-19)] do Bộ Ngoại giao ban hành