CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 77-CT | Hà Nội, ngày 09 tháng 3 năm 1992 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC THỰC HIỆN MỘT SỐ BIỆN PHÁP CẤP BÁCH ĐỂ NGĂN CHẶN VIỆC GIAO ĐẤT, MUA BÁN, CHUYỂN NHƯỢNG VÀ SỬ DỤNG ĐẤT ĐAI TRÁI PHÁP LUẬT
Thời gian qua, việc tổ chức thi hành Luật Đất đai đã đưa lại một số kết quả tích cực; việc quản lý đất đai đang từng bước đi vào nền nếp, sử dụng đất hợp lý và có hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, việc thực hiện Luật Đất đai còn nhiều khuyết điểm nghiêm trọng:
- Tình hình cấp đất, giao đất, mua bán, chuyển nhượng đất, chia đất, sử dụng đất nông nghiệp không theo quy hoạch đang diễn ra phổ biến ở nhiều địa phương, nhiều ngành và có xu hướng ngày càng phát triển.
- Chính quyền nhiều tỉnh, huyện, xã, phường, một số cơ quan, xí nghiệp, hợp tác xã giao đất để xây dựng nhà ở tuỳ tiện, trái pháp luật. Thậm chí, còn chủ trương bán đất lấy tiền lập quỹ riêng, xây dựng công trình phúc lợi, trụ sở hoặc trang trải nợ nần làm giảm sút quỹ đất sản xuất một cách nghiêm trọng.
- Một số đơn vị quân đội, cơ quan, xí nghiệp tự ý chia đất cho cán bộ, chiến sĩ làm nhà riêng, nhiều người lợi dụng đất được chia này để bán hoặc làm nhà để bán thu lời đã gây bất bình trong nhân dân, nhất là một số đơn vị quân độ ở các thành phố, thị xã.
- Một số cơ quan Nhà nước, đơn vị quốc doanh xin cấp đất xây dựng với diện tích lớn, rồi bán, chuyển nhượng một phần, vi phạm nghiêm trọng luật pháp Nhà nước.
- Uỷ ban Nhân dân nhiều huyện, tỉnh quản lý đất đai quá lỏng lẻo, không nắm chắc tình hình biến động quỹ đất ở địa phương để có biện pháp bảo vệ, ngăn chặn việc chuyển đất nông nghiệp sang mục đích khác.
- Việc hướng dẫn thi hành Luật Đất đai của các ngành chức năng chưa đầy đủ, chậm trễ, nhất là chưa làm tốt việc lập quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch các khu vực dân cư, dẫn đến việc chiếm đất tràn lan không theo quy hoạch.
Để khắc phục những khuyết điểm và những việc làm trái pháp luật nói trên, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng yêu cầu Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân các cấp, và thủ trưởng các ngành có liên quan khẩn trương kiểm tra, đôn đốc việc thi hành Luật Đất đai, Nghị định số 30-HĐBT ngày 23 tháng 3 năm 1989 của Hội đồng Bộ trưởng ở địa phương mình, đơn vị mình và đề ra các biện pháp khắc phục khuyết điểm, xử lý các việc làm tiêu cực. Trước hết cần tập trung làm ngay một số việc sau đây:
1. Đình chỉ ngay việc cấp đất, giao đất, chia đất sai thẩm quyền, không đúng đối tượng, sử dụng đất quá tiêu chuẩn, sai mục đích, nhất là việc giao đất, chia đất để làm nhà, làm gạch ngói ngoài quy hoạch.
Việc giao đất, chia đất làm nhà, làm gạch ngói phải theo quy hoạch, hết sức tiết kiệm và phải được cấp có thẩm quyền duyệt. Mọi trường hợp sử dụng đất nông nghiệp vào các mục đích khác mà không được cấp có thẩm quyền cho phép theo Luật định đều coi như không hợp lệ.
2. Tiến hành thanh tra việc quản lý đất đai, phát hiện các trường hợp cấp đất, giao đất sai thẩm quyền, không đúng đối tượng, quá tiêu chuẩn, sử dụng đất không đúng mục đích, việc mua bán, sang nhượng đất, thu chi tiền bán đất, tiền đền bù không đúng quy định của Nhà nước trong tất cả các địa phương và các ngành được Nhà nước cấp đất sử dụng.
Trên cơ sở kết quả thanh tra, lập biên bản các trường hợp vi phạm, xác định rõ trách nhiệm của người cấp đất, giao đất, chia đất, bán đất, chuyển nhượng đất, chiếm đoạt đất dưới mọi hình thức, và sử dụng tiền bán đất, tiền đền bù, trái với quy định của Nhà nước.
Tổng cục quản lý ruộng đất chủ trì cùng với Thanh tra Nhà nước và Bộ Tư pháp hướng dẫn các địa phương, các ngành Trung ương tiến hành thanh tra, xử lý nghiêm các vi phạm theo hướng dẫn sau đây:
- Thu hồi và trả lại cho sản xuất đối với đất đã cấp, giao chia, nhượng, bán sai pháp luật.
- Nhà cửa xây dựng trên các loại đất đó phải được xử lý như các công trình xây dựng trái phép; nhất là phải kiên quyết giải toả nhà cửa, các công trình kiến trúc xây dựng ven các đường giao thông, các khu vực Nhà nước đã cấm xây dựng; đình chỉ ngay và phạt nặng các trường hợp sử dụng đất nông nghiệp làm gạch, ngói không theo quy hoạch.
- Đối với cán bộ chính quyền, cơ quan, xí nghiệp lợi dụng chức quyền cấp đất, giao đất sai pháp luật, chia đất trong nội bộ cơ quan, xí nghiệp một cách tuỳ tiện, cục bộ hoặc lợi dụng việc xin cấp đất, chuyển quyền sử dụng đất để mua bán, chuyển nhượng đất, chiếm đoạt đất dưới bất cứ hình thức nào đều phải được xử lý nghiêm minh.
3. Đất đai ở các đô thị (thành phố, thị xã, thị trấn), đất ven đường giao thông cần được quản lý và sử dụng hết sức tiết kiệm.
- Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm lập quy hoạch sử dụng đất tại các đô thị. Việc cấp đất, giao đất phải tiến hành theo đúng Luật Đất đai và theo đúng quy hoạch đã được duyệt.
- Đất trong ranh giới quy hoạch đô thị cần được quy hoạch chi tiết cho từng tuyến đường, từng khu vực và được Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xét duyệt trước khi cấp giấy phép sử dụng đất.
- Đất đã được cấp, giao phải được xây dựng đúng mục đích và quy mô xây dựng được duyệt; nếu sau sáu tháng kể từ ngày cấp giấy phép mà chưa sử dụng thì cần phải thu hồi.
- Đất đai lấn chiếm xây dựng nhà trái phép vi phạm quy hoạch đô thị khi thu hồi không phải đền bù thiệt hại.
- Đối với các khu dân cư mới, từ nay trở đi phải cắm mốc (gồm cả các tuyến giao thông) và công khai thông báo cho nhân dân trong vùng đó biết thực hiện và kiểm tra, theo dõi việc thực hiện.
Tổng cục quản lý ruộng đất và Bộ Xây dựng quy định chi tiết việc quản lý quy hoạch và sử dụng đất đô thị.
4. Đối với các nông - lâm trường, xí nghiệp công nghiệp quốc doanh, cơ quan và cơ sở của quân đội, phải rà soát lại việc sử dụng đất đai đã quy hoạch với tinh thần hết sức tiết kiệm về sử dụng có hiệu quả nhất. Diện tích đất chưa sử dụng và đang bỏ hoang hoá thì kiên quyết trả lại cho địa phương để đưa vào sản xuất hoặc dùng vào các mục đích thích hợp khác; nghiêm cấm việc tẩu tán đất dưới mọi hình thức để xây dựng nhà cửa, hoặc lợi dụng đất được chia để bán thu lời bất chính.
- Các tổ chức kinh tế (trong và ngoài quốc doanh) khi thanh lý, chuyển giao tài sản trong quá trình giải thể, tách, nhập... phải thực hiện thủ tục chuyển giao đất đai theo đúng thẩm quyền giao và thu hồi đất của Luật Đất đai; nghiêm cấm mọi hành vi lợi dụng việc chuyển giao, xử lý tài sản để chuyển nhượng đất bất hợp pháp.
Đối với đất đã cấp cho xí nghiệp, cơ quan quá mức cần thiết, cần phải rà xét lại và thu hồi phần đất không cần thiết đó để sử dụng vào các mục đích khác. Việc giao đất mới cần xét duyệt chặt chẽ.
Tổng cục quản lý ruộng đất phối hợp với Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước và Bộ Xây dựng soát xét lại tiêu chuẩn giao đất, sử dụng đất để xây dựng cơ quan, xí nghiệp cho hợp lý theo tinh thần tiết kiệm, bảo vệ quỹ đất sản xuất nông nghiệp.
Đất đai của các nông, lâm trường, xí nghiệp, trường học, các Viện nghiên cứu, các cơ quan, cơ sở quân đội v.v... hiện đang quản lý phải có giấy giao đất của các cơ quan có thẩm quyền hoặc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo đúng Luật Đất đai. Tổng cục quản lý ruộng đất hướng dẫn các địa phương và các ngành tự kiểm tra để trên cơ sở đó cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các cơ quan, đơn vị trên.
5. Bộ Nông nghiệp và công nghiệp thực phẩm cùng các ngành có liên quan chỉ đạo chặt chẽ việc giao đất nông nghiệp cho hộ nông dân nhằm sử dụng đất có hiệu quả cao nhất, ngăn chặn việc sử dụng đất sai mục đích.
Tổng cục quản lý ruộng đất phối hợp với Bộ Nông nghiệp và công nghiệp thực phẩm nghiên cứu quy chế thực hiện việc giao đất cho hộ nông dân và việc chuyển nhượng quyền sử dụng ruộng đất ở nông thôn để bảo đảm việc quản lý đất đai được chặt chẽ, sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả cao.
6. Các ngành, các cấp căn cứ vào Luật Đất đai và các quy định của Hội đồng Bộ trưởng bổ sung và soát xét lại các văn bản đã hướng dẫn nhằm khắc phục các sơ hở, thiếu sót để đưa việc quản lý đất đai vào nền nếp, đúng luật pháp.
7. Kiện toàn tổ chức và chấn chỉnh lề lối làm việc của cơ quan quản lý đất đai các cấp để giúp chính quyền nắm chắc tình hình đất đai, việc sử dụng đất và kịp thời xử lý các hiện tượng vi phạm Luật Đất đai.
Tổng cục quản lý ruộng đất có trách nhiệm chủ trì, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện và tổng hợp tình hình thực hiện của các Bộ, ngành, Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, định kỳ báo cáo Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.
| Phan Văn Khải (Đã ký)
|