PHỦ THỦ TƯỚNG | VIỆT |
Số: 88-TTg | Hà Nội, ngày 26 tháng 04 năm 1973 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC CHẤP HÀNH CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI VIỆC BẢO VỆ CÁC CHÙA THỜ PHẬT VÀ ĐỐI VỚI TĂNG NI
Trên miền Bắc nước ta có nhiều chùa thờ Phật.Tại nhiều chùa vẫn có tăng ni ở. Từ trươc đến nay, nói chung các tăng ni đều chấp hành đúng các chính sách và pháp luật của Nhà nước và tổ chức của những người tu hành đạo Phật ở nước ta là một tổ chức tôn giáo có tinh thần yêu nước, tích cực tham gia sự nghiệp chống Mỹ cứu nước và ủng hộ công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nhiều chùa lại là những di tích lịch sử, di tích nghệ thuật quý báu cần được bảo vệ, gìn giữ chu đáo.
Tại các địa phương, nhiều cấp chính quyền và đoàn thể nhân dân đã chấp hành nghiêm chỉnh chính sách tự do tín ngưỡng và chính sách tôn giáo, theo đúng tinh thần của thông tri số 180-TT.TW ngày 16-5-1966 về việc chấp hành chính sách tôn giáo đối với đạo Phật của Ban bí thu trung ương Đảng lao động Việt
Tuy nhiên, ở một số nơi cũng đã để xảy ra những việc làm không đúng chính sách nói trên.
Để bảo đảm việc thi hành đúng đắn chính sách tự do tín ngưỡng, chính sách đối với tôn giáo và để bảo vệ các chùa, cấp cứu chính quyền đoàn thể và cấp cứu có liên quan cần chấp hành nghiêm chỉnh những điều dưới đây:
1. Ở những chùa đang thờ phật, dù có tăng ni ở hay không, nhưng nhân dân vẩn còn đến lễ bái, thì không được dùng nơi lễ bái vào việc khác.
2. Nhà, sàn, ruộng đất, cây cối, vườn ao ở trong và ngoài khu nội tự mà pháp luật đã thừa nhận là của nhà chùa thì đều thuộc quyền quản lý, sử dụng của nhà chùa, không ai được xâm phạm.
Nếu nhà chùa không sử dụng hết nhà cửa, sâu trong khu nội tự mà hợp tác xã nông nghiệp muốn mượn sử dụng thì phải đựơc sự thoã thuận của nhà chùa. Trong khi sử dụng nhà cửa và sân của chùa, nếu hợp tác xã làm hư hỏng, hợp tác xã phải tu sửa lại hoặc bồi thường thích đáng.
Vườn, đất, cây cối, hồ ao trong khu nội tự đều do tăng ni chăm sóc và thu sản phẩm. Nếu tăng ni không đủ sức chăm sóc và yêu cầu giúp đỡ thì hợp tác xã cẩn giúp đỡ như đối với xã viên.
Đối với ruộng, đất của chùa ở ngoài khu nội tự thì giải quyết như sau: trường hợp tăng ni tự nguyện đưa ruộng , đất vào hợp tác xã và tham gia lao động sản xuất thi hợp tác xã căn cứ vào khả năng lao động thực tế và điều kiện hoạt động tôn giáo của tăng ni mà phân công lao động cho thích hợp , cố gắng bảo đảm đời sống của tăng ni. Hợp tác xã dù ở bậc thấp hay bậc cao cũng vẫn nên để cho tăng ni được hưởng hoa lợi ruộng đất. Trường hợp tăng ni tự trồng, cấy lấy ruộng đất thì hợp tác xã cần giúp đỡ khi cần để đảm bảo sản xuất kịp thời vụ và tăng năng suất. Việc chia sản phẩm cần được giải quyết thoã đáng theo sự bàn bạc , thoả thuận giửa hai bên và trên tinh thần chíếu cố đến đời sống của tăng ni và giữ gìn tu bổ chùa.
Trong việc nhà chùa gửi ruộng , đất vào hợp tác xã cũng như cho hợp tác xã mượn nhà cửa, sân phơi, hai bên cần có văn bản hợp đồng cụ thể và chịu trách nhiệm thực hiện đúng hợp đồng đã ký kết. Nếu trong việc xử lý đối với các nhà cửa , ruộng, đất, hồ ao của chùa có sai sót thì kiên quyết sửa lại.
Ruộng, đất,vườn, ao, cây cối, của nhà chùa được hưởng chính sách chiếu cố về thếu nông nghiệp.
3. Đối với các hoa lợi thu về ruộng, đất, vườn cây, hồ, ao của nhà chùa, cùng những khoản thu nhập khác,( như tiền góp, tặng của tín đồ...) thì nhà chùa, ngoài phần thoả đáng dành cho việc sinh hoạt của tăng ni và việc hoạt động tôn giáo , phải sử dụng trước tiên vào các công việc bảo vệ, tu sửa chùa.
4. Đối với những tăng ni già yếu, mất sức lao động đời sống gặp khó khăn. địa phương cần quan tâm giúp đỡ. Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, thành phố , huyện nên báo cáo và đề nghị với Ủy ban Hành chính địa phương về biện pháp giúp đỡ cụ thể, thiết thực những tăng ni kể trên , Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc và Hội phật giáo thống nhất nên có kế hoạch bố trí những tăng ni già cả, sức yếu cùng ở với những tăng ni có sức lao động để có thể giúp đỡ nhau trong công việc sản xuất và đời sống ,và có thể xét trợ cấp cho những tăng ni mà đời sống khó khăn.
5. Những chùa là những di tích lịch sử, di tích nghệ thuật hay là danh lam thắng cảnh có giá trị tiêu biểu đối với cả nước hoặc từng địa phương, dù còn dùng vào việc thờ cúng hay không đều đặt dưới sự quản lý của ngành văn hoá và phải được nghiên cứu xếp hạng. Tại các xã, khu phố có di tích nói trên , cần thành lập các ban bảo vệ di tích là những tổ chức nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ và phát huy tác dụng của tác dụng của di tích. Cần mời những tăng ni tham gia ban bảo vệ di tích , nhận nhiệm vụ trực tiếp trông nom di tích . Các ban bảo vệ di tích chỉ nên giúp đỡ tăng ni trong việc gìn giữ, tu sửa di tích, không can thiệp vào các hoạt động tôn giáo. Ở những chùa tiêu biểu , Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội phật giáo Thống nhất Việt Nam nên cùng với chính quyền địa phương chọn cử những tăng ni có trình độ hiểu biết giúp đỡ việc đón tiếp khách tham quan và giới thiệu di tích danh lam thắng cảnh. Những tăng ni làm việc này được hướng dẫn nghiệp vụ và có thể được hưởng trợ cấp của ngành văn hoá, nếu xét thấy cần thiết.
Đối với những chùa còn tốt nhưng từ lâu nhân dân không đến lễ bái, không có tăng ni ở và không phải là nơi danh lam thắng cảnh hoặc di tích lịch sử thì Ủy ban Hành chính xã, sở tại có trách nhiệm quản lý. Khi cần thiết có thể cho mượn làm trường học, nơi hội hộp; nhưng cơ quan được sử dụng phải giữ gìn chu đáo , sạch sẽ, không được dùng vào những việc hoặc có những hành động xúc phạm đến tình cảm, tín ngưỡng của nhân dân , không được phá tượng và lấy đồ thờ Phật dùng vào việc khác.
6. Chiến tranh đã chấm dứt, những cơ quan, xí nghiệp, đơn vị bộ đội, trường học và hợp tác xã nào được phép tạm mượn sử dụng những nhà cửa, đất đai của các chùa thuộc diện xếp hạng hoặc đang còn nhân dân đến lễ bái phải mau chóng thu xếp trả lại các tài sản trên ; nếu trong khi sử dụng đã làm hư hỏng chổ nào thì phải sửa chữa lại hoặc bồi thường.
7. Đối với những chùa đã bị hư hỏng, các Ủy ban Hành chính tỉnh, thành phố, huyện , xã cần phối hợp với mặt trận tổ quốc kiểm tra lại và có chủ trương tu sửa.
Đối với những chùa là di tích đã xếp hạng hoặc trong diện xếp hạng do trung ương tỉnh hay thành phố quản lý , Nhà nước sẽ cấp kinh phí và vật tư để tu sửa khi cần thiết , đồng thời có thể huy động thêm sự đóng góp của tín đồ.
Đối với những chùa không phải là di tích được xếp hạng mà nhân dân vẫn đến lễ bái , nếu tăng ni và tín đồ muốn sửa chữa thì việc sửa chữa do tăng ni và tín đồ đảm nhiệm; chính quyền và Mặt trận Tổ quốc xã giúp đỡ.
Đối với những chùa đã lâu nhân dân không đến lễ bái, không có người trông coi, không phải là nơi danh lam thắng cảnh di tich lịch sử mà bị hư hỏng nặng, nếu được sự đồng ý của nhân dân địa phương, Ủy ban Hành chính huyện, Chi hội phật giáo tỉnh và Uỷ ban Mặt trận tỉnh thì có thể dỡ đi và di chuyển tượng và đồ thờ đi chùa khác.
8. Những điều ghi trong chỉ thị này về việc bảo vệ các chùa thờ phật được xếp hạng di tích , cũng được áp dụng đối với các đình , đền, miếu nằm trong diện xếp hạng của ngành văn hoá.
Bộ văn hóa , Ủy ban Hành chính các cấp và các đoàn thể có liên quan cần chấp hành nghiêm chỉnh và có kế hoạch hướng dẫn thi hành chỉ thị này.
| T.M THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
- 1 Chỉ thị 188-TTg/VG 1966 về việc bảo vệ và phát huy tác dụng của các di tích lịch sử trong thời gian chống Mỹ cứu nước do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2 Thông tư 165-VH/VP năm 1960 về việc bảo quản, sử dụng, tu sửa các công trình kiến trúc chưa xếp hạng (đình, chùa, lăng, miếu, cầu quán, nhà thờ, mồ mả, vv…) và các động sản phụ thuộc (bia, đồ thờ, đồ trang trí, cây cổ thụ, vv…) do Bộ Văn hóa ban hành