THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 92-TTg | Hà Nội, ngày 07 tháng 2 năm 1996 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG PHÒNG CHỐNG BỆNH DẠI
Thời gian gần đây, bệnh dại ở nước ta, đặc biệt bệnh dại do bị chó cắn, đang có chiều hướng gia tăng, đã gây ra những hậu quả lớn về tính mạng con người và tiền của nhân dân. Theo báo cáo của Bộ Y tế, số người bị nhiễm vi rút dại do bị chó cắn và bị chết ngày một tăng. Hàng năm Nhà nước đã phải dành kinh phí khá lớn cho việc sản xuất vác xin tiêm phòng dại, xây dựng các điểm tiêm phòng dại nhưng vẫn chưa đáp ứng, giải quyết được cơ bản vấn đề do số lượng người cần phải tiêm vác xin phòng dại tăng rất nhanh trong mấy năm qua.
Nguyên nhân của tình hình trên là do chúng ta còn thiếu những biện pháp quản lý chặt chẽ việc nuôi, thả chó; chưa đẩy mạnh việc tiêm phòng bệnh cho đàn chó; công tác tuyên truyền, giáo dục nhân dân về nguy cơ, tác hại của bệnh dại còn chưa đủ mạnh; chính quyền địa phương ở nhiều cấp chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của công tác phòng chống bệnh dại nên chưa có các biện pháp tích cực, mạnh mẽ; thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành và với các địa phương.
Để thực hiện nghiêm chỉnh Luật Bảo vệ sức khoẻ nhân dân và Pháp lệnh Thú y, hạn chế thiệt hại về người và của cải, thực hiện mục tiêu khống chế bệnh dại vào năm 2000 và thanh toán bệnh dại vào những năm tiếp theo, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị:
1/ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn:
- Xây dựng đề án phòng chống bệnh dại trên gia súc từ nay đến năm 2000, đặc biệt là việc tiêm phòng bệnh dại trên đàn chó nuôi, trình Chính phủ trong năm 1996.
- Phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan và các địa phương để triển khai thực hiện Đề án này có hiệu quả trong phạm vi cả nước.
- Chủ trì xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định về quản lý việc nuôi, thả chó, gắn trách nhiệm dân sự trong việc bồi thường thiệt hại cho người bị chó cắn và các biện pháp cần thiết khác trong công tác phòng chống bệnh dại trên đàn gia súc.
2/ Bộ Y tế:
Đưa công tác phòng chống bệnh dại là một trong những những nhiệm vụ ưu tiên cần tập trung quản lý, chỉ đạo của Bộ từ nay đến năm 2000, tăng cường và thường xuyên phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan trong công tác phòng chống bệnh dại. Xây dựng Đề án sản xuất vác xin và tổ chức tiêm phòng chống bệnh dại cho người đến năm 2000 đặc biệt chú trọng những nội dung sau đây:
- Củng cố và nâng cấp, xây dựng hệ thống tiêm phòng và giám sát bệnh dại ở người trên phạm vi cả nước.
- Bảo đảm đủ về số lượng và chất lượng vác xin, huyết thanh kháng dại tiêm phòng cho mọi đối tượng bị chó ghi dại cắn, đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học phục vụ cho công tác phòng chống bệnh dại.
3/ Bộ Tài chính:
Bảo đảm cung cấp đủ ngân sách, kinh phí cho các hoạt động trong công tác phòng chống, giám sát bệnh dại của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế và các địa phương.
4/ Các cơ quan phát thanh và truyền hình, các phương tiện thông tin đại chúng khác, các đoàn thể nhân dân, các trường học phối hợp chặt chẽ với ngành y tế, nông nghiệp tăng cường công tác tuyên truyền sâu rộng trong phạm vi cả nước để mọi người dân hiểu rõ tác hại của bệnh dại, hưởng ứng và nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, các quy định của Nhà nước và của chính quyền địa phương trong công tác phòng chống và đẩy lùi bệnh dại.
5/ Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo chặt chẽ ngành y tế, ngành nông nghiệp và các ngành hữu quan khác tại địa phương, động viên các đoàn thể nhân dân tham gia thực hiện tốt chương trình phòng, kiểm soát và khống chế bệnh dại tại địa phương.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm thực hiện nghiêm chỉnh Chỉ thị này. Bộ y tế có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, đôn đốc và tổng hợp tình hình hàng quí báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
| Võ Văn Kiệt (Đã ký) |