Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 936/CT-BNN-TCLN

Hà Nội, ngày 18 tháng 03 năm 2014

 

CHỈ THỊ

VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ, NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG GIỐNG CÂY TRỒNG LÂM NGHIỆP

Trong những năm gần đây, công tác quản lý giống cây trồng lâm nghiệp đã có những chuyển biến tích cực, hiện tượng sản xuất giống tràn lan, thiếu kiểm soát đã dần được khắc phục; tỷ lệ giống kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ từng bước được hạn chế, nhiều giống mới có năng suất và chất lượng cao được đưa vào sản xuất.

Tuy vậy, để nâng cao giá trị của rừng đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu ngành lâm nghiệp thì công tác quản lý giống cây trồng lâm nghiệp còn nhiều bất cập, một số địa phương chưa kiểm soát được nguồn gốc, chất lượng giống; hệ thống tổ chức quản lý nhà nước về giống cây trồng lâm nghiệp ở các cấp địa phương chưa chặt chẽ và thiếu thống nhất; quản lý chất lượng giống mới thực hiện được ở các đơn vị có sử dụng vốn ngân sách nhà nước; tỷ lệ các giống năng suất thấp, không rõ nguồn gốc đưa vào trồng rừng còn cao, nhiều cơ sở sản xuất giống không đủ điều kiện theo quy định; việc xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan đến quản lý chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp còn thiếu so với yêu cầu của thực tiễn; công tác nghiên cứu, đánh giá, đề xuất danh mục giống, nguồn giống cây trồng chính có năng suất và chất lượng cao, phù hợp với điều kiện lập địa từng vùng còn hạn chế.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, tạo sự chuyển biến rõ rệt trên thực tế đảm bảo nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ sau:

1. Khẩn trương kiện toàn hệ thống tổ chức quản lý nhà nước về giống cây trồng lâm nghiệp ở các cấp địa phương; quản lý nghiêm ngặt nguồn gốc giống cây trồng lâm nghiệp từ khâu thu hoạch vật liệu giống, cấp chứng nhận nguồn gốc lô giống, quản lý sản xuất cây con ở vườn ươm, cấp chứng nhận nguồn gốc lô cây con tới khâu lưu thông đến chân lô trồng rừng theo Quy chế quản lý giống cây trồng lâm nghiệp được ban hành kèm theo Quyết định số 89/2005/QĐ-BNN của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

2. Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã, kiểm lâm địa bàn tăng cường kiểm tra, giám sát đối với các hộ gia đình, cá nhân kinh doanh nhỏ lẻ, trong đó đặc biệt quan tâm đến nguồn gốc các lô vật liệu giống đưa vào sản xuất. Kiên quyết không cho phép sử dụng các lô giống không rõ nguồn gốc; xử lý, tiêu hủy tất cả các lô giống khi phát hiện không rõ nguồn gốc.

3. Đẩy mạnh triển khai Thông tư số 14/2011/TT-BNNPTNT về việc kiểm tra, đánh giá, phân loại các cơ sở sản xuất kinh doanh giống cây lâm nghiệp chính tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp; tăng cường tái kiểm tra đối với những cơ sở loại C, đình chỉ hoặc thu hồi giấy phép kinh doanh đối với những cơ sở không đủ điều kiện.

4. Công bố danh sách và cập nhật thông tin các đơn vị sản xuất kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp đủ điều kiện trên địa bàn vào trang Web Quản lý giống cây trồng lâm nghiệp, các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương để các tổ chức, cá nhân đầu tư trồng rừng biết lựa chọn sử dụng giống tốt.

5. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về danh mục các loại giống mới, lợi ích của việc sử dụng giống mới, giống có chất lượng để nâng cao năng suất và chất lượng rừng trồng; khuyến khích sử dụng cây giống vô tính, chất lượng cao (mô, hom) và áp dụng biện pháp kỹ thuật trồng rừng thâm canh (làm đất, bón phân, chăm sóc) trong trồng rừng sản xuất.

6. Làm tốt công tác nhân giống, chăm sóc, bảo vệ cây giống để đảm bảo đủ số lượng và chất lượng cây giống đáp ứng mùa vụ và kế hoạch trồng rừng; nâng cao tỷ lệ thành rừng, năng suất và chất lượng rừng trồng.

7. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao các đơn vị trực thuộc Bộ thực hiện các nhiệm vụ sau:

- Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường: Chủ trì và phối hợp với Tổng cục Lâm nghiệp rà soát danh mục các tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan đến quản lý chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp, báo cáo Bộ trưởng và đưa vào kế hoạch thực hiện ngay trong năm 2014.

- Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam: Chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, đánh giá năng suất rừng trồng đối với một số loài cây trồng chính (Thông, Keo, Bạch đàn,...) để phát hiện và loại bỏ những giống có năng suất và chất lượng thấp ra khỏi cơ cấu giống cây trồng rừng tại các địa phương; đề xuất danh mục giống, nguồn giống cây trồng chính có năng suất và chất lượng cao, phù hợp với điều kiện lập địa từng vùng cụ thể để trình Bộ phê duyệt.

- Tổng cục Lâm nghiệp: Tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc, chỉ đạo các địa phương thực hiện nghiêm túc Quy chế quản lý giống cây trồng lâm nghiệp và Thông tư số 14/2011/TT-BNNPTNT về việc kiểm tra, đánh giá, phân loại các cơ sở sản xuất kinh doanh giống; chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức rà soát, sửa đổi bổ sung, xây dựng mới các văn bản, tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan đến công tác quản lý chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp; tổng hợp những khó khăn, vướng mắc của địa phương về công tác quản lý chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp để kịp thời báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, giải quyết.

Đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các đơn vị thuộc Bộ và các đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị này./.

 

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ ( để b/c);
- Bộ trưởng Cao Đức Phát (b/c);
- Tổng cục Lâm nghiệp;
- Vụ KHCN&MT;
- Viện KHLN VN;
- UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Sở NN& PTNT các tỉnh,TP;
- Lưu: VT, TCLN.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Hà Công Tuấn