Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 97/NH-CT

Hà Nội, ngày 14 tháng 1 năm 1990

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC XÉT KHIẾU TỐ TRONG NGÀNH NGÂN HÀNG

Từ khi Ngân hàng chuyển sang hạch toán kinh doanh theo Nghị định 53/HĐBT ngày 26/3/1988 của Hội đồng Bộ trưởng, việc chấp hành các quy định về tiếp dân, xét và giải quyết các khiếu nại, tố cáo của công dân thuộc trách nhiệm của Ngân hàng có một số chuyển biến tích cực. Nhưng cũng có một số đơn vị ngân hàng còn để đơn thư tồn đọng quá thời hạn quy định của pháp luật, thậm chí có vụ việc đến nay đã gần 10 năm không được giải quyết dứt điểm. Nguyên nhân là do thủ trưởng ở các Ngân hàng đó chưa nhận rõ trách nhiệm của mình chưa quan tâm đúng mức đối với việc xét, giải quyết đơn thư khiếu tố nên làm giảm lòng tin của quần chúng nhân dân đối với ngành Ngân hàng.

Để thực hiện việc xét khiếu tố trong ngành Ngân hàng đạt kết quả tốt, phát huy hiệu lực của hai Pháp lệnh đã được công bố tại Lệnh số 37 và số 38 ngày 24/5/1990 của Hội đồng Nhà nước về tổ chức và hoạt động Ngân hàng. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các đồng chí thủ trưởng các cấp, các đơn vị thuộc hệ thống Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng thương mại quốc doanh, Ngân hàng đầu tư và phát triển thực hiện tốt những việc sau đây:

1. Các cấp, các đơn vị trong ngành Ngân hàng phải thực hiện đúng pháp luật của Nhà nước về xét khiếu tố. Tổ chức tốt việc tiếp nhận, xem xét và giải quyết các khiếu nại, tố cáo của các cơ quan, tập thể cán bộ công nhân viên và nhân dân một cách nghiêm túc và kịp thời. Ngăn ngừa có hiệu quả các hiện tượng vi phạm pháp luật và tăng cường pháp chế XHCN bảo vệ lợi ích của Nhà nước, các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

2. Thủ trưởng và Chánh thanh tra các cấp, các đơn vị Ngân hàng phải thực hiện đúng lịch tiếp dân (không kể các trường hợp ngoại lệ, đột xuất). Mỗi lần tiếp dân và nhất là đối với những trường hợp đã hẹn trước cần cố gắng giải quyết rõ ràng ngay tại chỗ cho đương sự và các bên hữu quan.

3. Mọi đơn thu khiếu nại, tố cáo của cán bộ công nhân viên các tổ chức và nhân dân đối với cấp nào, đơn vị nào thì thủ trưởng cấp và đơn vị ngân hàng đó có trách nhiệm xem xét giải quyết kịp thời và trả lời cho đương sự. Không được lẩn tránh trách nhiệm, đùn đẩy việc giải quyết cho người khác, hoặc cho cấp trên. Các khiếu nại, tố cáo đã giải quyết nhưng đương sự vẫn còn khiếu nại, tố cáo hoặc phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì cấp trên trực tiếp của đơn vị phải xem xét, giải quyết.

4. Việc phân cấp trách nhiệm xét và giải quyết các khiếu nại, tố cáo quy định cụ thể như sau:

4.1. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xét, giải quyết:

a. Các khiếu nại, tố cáo đối với Tổng giám đốc Ngân hàng thương mại quốc doanh Việt Nam, Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam.

b. Các khiếu nại, tố cáo đối với Giám đốc Vụ, Cục, Viện, Ban, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố, đặc khu, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng.

Chánh thanh tra Ngân hàng Nhà nước Trung ương chịu trách nhiệm chuẩn bị chính xác các tư liệu, hồ sơ làm cơ sở pháp lý cho việc xem xét và kiến nghị cách giải quyết để Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định.

4.2. Chánh thanh tra Ngân hàng Nhà nước Trung ương xét, giải quyết:

a. Các khiếu nại, tố cáo đối với Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại quốc doanh Việt Nam, Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam.

b. Các khiếu nại tố cáo đối với Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố, đặc khu, Hiệu trưởng, Hiệu phó các Trường trung học Ngân hàng; Giám đốc, Phó giám đốc các xí nghiệp, Công ty trực thuộc Ngân hàng Nhà nước Trung ương.

c. Các khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của các ngân hàng, các tổ chức tín dụng, quy định các điểm 4.5 và 4.6 của Chỉ thị này đã được giải quyết nhưng đương sự còn khiếu nại, tố cáo hoặc phát hiện có sai lầm.

4.3. Vụ trưởng Vụ Tổ chức và cán bộ có trách nhiệm xem xét và trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước giải quyết các khiếu nại về những vấn đề thuộc công tác cán bộ và thực hiện chính sách cán bộ thuộc diện quản lý của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước sau khi có ý kiến tham gia của Chánh thanh tra Ngân hàng Nhà nước.

4.4. Giám đốc các Vụ, Cục, Viện, Ban có trách nhiệm xem xét và trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước giải quyết các khiếu nại tố cáo về chuyên môn nghiệp vụ do mình phụ trách; xét giải quyết các khiếu nại, tố cáo đối với cán bộ công nhân viên thuộc biên chế của mình quản lý.

4.5. Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố, đặc khu chịu trách nhiệm hướng dẫn kiểm tra việc xét, giải quyết các khiếu nại, tố cáo đối với các đơn vị ngân hàng các tổ chức tín dụng trên địa bàn và xét, giải quyết các khiếu nại, tố cáo đối với cán bộ, nhân viên do mình quản lý.

4.6. Tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại quốc doanh Trung ương, Ngân hàng Đầu tư và phát triển Trung ương chịu trách nhiệm quản lý, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc xét và giải quyết các khiếu nại, tố cáo đối với các chi nhánh Ngân hàng thương mại quốc doanh, Ngân hàng đầu tư và phát triển tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương và quận, huyện thuộc hệ thống mình và trực tiếp xét, giải quyết.

- Các khiếu nại, tố cáo đối với cán bộ công nhân viên thuộc cơ quan Ngân hàng quốc doanh Trung ương quản lý.

5. Về chế độ báo cáo xét, giải quyết khiếu tố:

Định kỳ 3 tháng, 6 tháng và năm các Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố, đặc khu, các Ngân hàng thương mại quốc doanh và Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam phải lập báo cáo xét, giải quyết khiếu tố lên Ngân hàng Nhà nước Trung ương (Thanh tra Ngân hàng Nhà nước).

- Chánh thanh tra Ngân hàng Nhà nước tổng hợp trình Thống đốc và báo cáo lên Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.

Căn cứ Chỉ thị này, Tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại quốc doanh, Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam có hướng dẫn cụ thể công tác xét, giải quyết khiếu tố trong hệ thống Ngân hàng mình.

Chánh thanh tra Ngân hàng Nhà nước chịu trách nhiệm hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các cấp, các đơn vị ngân hàng thi hành nghiêm chỉnh Chỉ thị này.

 

 

Cao Sĩ Kiêm

(Đã ký)