BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 9897/CT-BNN-TY | Hà Nội, ngày 09 tháng 12 năm 2014 |
VỀ TĂNG CƯỜNG CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH GIA SÚC, GIA CẦM
Trong gần hai năm vừa qua, nhờ có sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các Bộ, ngành liên quan, do vậy cả nước đã tạo thế chủ động kiểm soát tốt dịch bệnh Cúm gia cầm, Tai xanh ở lợn và Lở mồm long móng (LMLM) gia súc. Tuy nhiên, hiện nay bệnh LMLM gia súc đã phát sinh và lây lan tại một số địa phương, cụ thể: Tỉnh Hà Tĩnh đã phát sinh dịch từ đầu tháng 11/2014 (tại huyện Can Lộc và thị xã Hồng Lĩnh) làm 113 con gia súc mắc bệnh; tỉnh Lạng Sơn đã phát hiện dịch LMLM vào cuối tháng 11/2014 (tại huyện Lộc Bình và Đình Lập) làm 178 con gia súc mắc bệnh (gồm có: 159 con bò bị bệnh LMLM có nguồn gốc từ địa phương khác được vận chuyển đến tỉnh Lạng Sơn để cấp cho các hộ gia đình nghèo, sau đó lây lan sang 19 con gia súc của địa phương).
Mặt khác, theo thông báo của Tổ chức Thú y thế giới (OIE), từ đầu năm 2014 đến nay: Dịch Cúm gia cầm thể độc lực cao đã xảy ra tại 17 quốc gia và vùng lãnh thổ tại Trung Quốc, Đài Loan (H5N1, H5N2, H5N3, H5N6, H5N8, H7N9), Lào (H5N6), Căm-pu-chia (H5N1), Ấn Độ (H5N1), Nepal (H5N1), Nhật Bản (H5N8), Triều Tiên (H5N1), Hàn Quốc (H5N8), Đức (H5N8), Hà Lan (H5N8), Nga (H5N1), Anh (H5N8), Úc (H7N2), Li-by-a (H5N1), Mexico (H7N3); dịch LMLM đang xảy ra ở các nước trong khu vực như Trung Quốc, Hàn Quốc, Căm-pu-chia,... và một số nước châu Phi.
Qua kiểm tra thực tế cho thấy, công tác phòng, chống dịch chủ động tại một số địa phương đang có biểu hiện chủ quan, lơ là và bộc lộ một số tồn tại bất cập như sau: (1) Công tác giám sát, phát hiện, báo cáo ổ dịch chậm hoặc không báo cáo dịch, không lấy mẫu xét nghiệm để xác định týp, chủng vi rút gây bệnh, không công bố dịch kịp thời và gây khó khăn cho công tác tổ chức phòng chống dịch, không đánh dấu gia súc mắc bệnh theo quy định để quản lý nhằm ngăn chặn hiện tượng bán chạy gia súc mắc bệnh; (2) Tổ chức tiêm phòng vắc xin nhưng không đảm bảo kỹ thuật và không đạt tỷ lệ tiêm phòng theo quy định nên dịch bệnh dễ xảy ra, đa số các ca bệnh xảy ra ở gia súc chưa được tiêm phòng, vỏ lọ vắc xin sau khi sử dụng không được thu gom và tiêu hủy theo quy định, lọ vắc xin tiêm phòng dở chưa hết được chủ gia súc giữ lại để tiêm phòng tiếp đợt sau; (3) Công tác kiểm dịch động vật nội địa chưa được thực hiện tốt, một số Chi cục Thú y chưa ủy quyền cho Trạm Thú y cấp huyện thực hiện việc kiểm dịch và cấp giấy chứng nhận kiểm dịch, gây khó khăn cho công tác kiểm dịch, nhiều gia súc không rõ nguồn gốc được thu gom từ nhiều địa phương khác và được chủ gia súc hợp thức hóa để vận chuyển đi làm giống, cung cấp cho các dự án xóa đói giảm nghèo (một số dự án đã mua bò không đảm bảo chất lượng, đang có mầm bệnh LMLM để phát cho các hộ nghèo và làm lây lan dịch bệnh LMLM cho gia súc tại địa phương); vẫn còn hiện tượng chủ gia súc tự mua thẻ tai, ghi mã số, tự bấm thẻ tai cho trâu bò, làm giả niêm phong phương tiện vận chuyển (dây niêm phong chì hoặc nhựa), tẩy xóa và làm giả giấy chứng nhận kiểm dịch để vận chuyển gia súc đi tiêu thụ; gia súc làm giống, chăn nuôi từ tỉnh khác nhập vào địa phương nhưng không được nuôi cách ly trước khi phát cho các hộ chăn nuôi và làm lây lan dịch bệnh LMLM như một số dự án xóa đói giảm nghèo vừa qua; (4) Công tác tổ chức kiểm tra, giám sát, hướng dẫn việc thực hiện các quy định của pháp luật về thú y tại tuyến cơ sở chưa được chú trọng, không phát hiện kịp thời vi phạm để khắc phục.
Để chấn chỉnh kịp thời những tồn tại, bất cập nêu trên với mục tiêu kiên quyết không để dịch bệnh gia súc, gia cầm phát sinh và lây lan diện rộng, nhất là vào thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán như các năm trước đây; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống bệnh cúm gia cầm đề nghị đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và lãnh đạo các Bộ, ngành thành viên Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm tập trung triển khai một số nội dung chính sau đây:
1. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo thực hiện các nội dung sau đây:
a) Tổ chức rà soát và kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống dịch và phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên Ban chỉ đạo trong công tác phòng, chống dịch bệnh động vật; kiện toàn và tăng cường năng lực cơ quan quản lý chuyên ngành thú y từ cấp tỉnh đến cấp huyện theo đúng quy định để thực thi các nhiệm vụ quản lý chuyên ngành về thú y theo đúng tinh thần của pháp luật thú y; tạo cơ chế, chính sách ưu đãi để thu hút nhân lực có trình độ chuyên môn để làm công tác thú y cơ sở nhằm phát hiện kịp thời, chính xác triệu chứng lâm sàng dịch bệnh động vật tại tuyến cơ sở để báo cáo cho cơ quan chuyên ngành thú y cấp huyện;
b) Khẩn trương tổ chức xây dựng, phê duyệt kế hoạch và bố trí kinh phí để triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm năm 2015; đồng thời gửi bản kế hoạch đã được phê duyệt về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Cục Thú y) trước ngày 10/01/2015 để phối hợp thực hiện;
c) Tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh động vật trên địa bàn, nhằm phát hiện và xử lý ngay ổ dịch khi còn ở diện hẹp; thực hiện việc công bố dịch theo đúng quy định của pháp luật thú y để áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch có hiệu quả, không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng; phát động và tổ chức thực hiện “Tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi” trong toàn quốc đợt 3/2014, bắt đầu từ ngày 20/12/2014 đến 20/01/2015;
d) Chấn chỉnh ngay công tác tiêm phòng vắc xin, đảm bảo việc tiêm phòng định kỳ và bổ sung theo đúng quy định; kiểm soát chặt chẽ việc tiêm phòng vắc xin, đảm bảo việc tiêm phòng đúng chủng loại vắc xin và hiệu quả; nghiêm cấm việc cấp không giấy chứng nhận tiêm phòng; rà soát công tác kiểm dịch động vật nội địa, yêu cầu cơ quan thú y địa phương thực hiện nghiêm túc quy định về kiểm dịch tại nơi xuất phát và nơi đến, tăng cường ủy quyền công tác kiểm dịch nội địa cho Trạm Thú y cấp huyện, đồng thời tổ chức kiểm tra thường xuyên, đột xuất để phát hiện kịp thời những vi phạm, xử lý theo đúng quy định; rà soát, bãi bỏ các trạm, chốt kiểm dịch động vật thành lập không đúng quy định hoặc hoạt động không hiệu quả, gây phiền hà, cản trở tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật;
đ) Tổ chức rà soát, chấn chỉnh hoạt động đối với các chương trình, dự án liên quan đến cung cấp gia súc, gia cầm cho người dân trên địa bàn; yêu cầu tuân thủ nghiêm các quy định về chất lượng vật nuôi, quy định về kiểm dịch động vật;
e) Đối với các tỉnh biên giới, tổ chức ngăn chặn triệt để việc nhập lậu động vật, sản phẩm động vật qua biên giới, nhằm ngăn chặn mầm bệnh Cúm gia cầm, LMLM và Tai xanh xâm nhiễm vào Việt Nam;
g) Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm: Không phát hiện, báo cáo dịch, làm thủ tục công bố dịch kịp thời; không thực hiện việc kiểm dịch theo quy định; làm giả giấy chứng nhận tiêm phòng, giấy chứng nhận kiểm dịch, niêm phong kẹp chì phương tiện vận chuyển; buôn bán động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh, ốm, chết làm phát sinh và lây lan dịch bệnh động vật, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định tại Nghị định số 119/2013/NĐ-CP ngày 09/10/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi; công khai danh sách các tổ chức, cá nhân vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổng hợp và thông báo định kỳ, đột xuất về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Cục Thú y) để phối hợp xử lý vi phạm;
h) Tổ chức tuyên truyền sâu rộng các nội dung nêu trên cho các tổ chức, cá nhân liên quan; thường xuyên tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ và kiến thức pháp luật trong công tác thú y cho toàn hệ thống thú y địa phương, đặc biệt là kỹ thuật tiêm phòng vắc xin, quy định phòng, chống dịch, kiểm dịch động vật và các quy định pháp luật khác có liên quan.
2. Các Bộ, ngành thành viên trong Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm:
Tổ chức chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo chức năng của các Bộ, ngành và các nhiệm vụ khác theo phân công của Ban chỉ đạo quốc gia.
3. Các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
a) Cục Thú y chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan: (1) Thành lập các đoàn kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc các địa phương thực hiện các giải pháp nhằm tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh, kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ, quản lý và sử dụng thuốc thú y, nhất là trong giai đoạn trước và sau Tết Nguyên đán; (2) Chủ trì xây dựng, trình ban hành và tổ chức hướng dẫn thực hiện các nội dung liên quan đến công tác kiểm tra các hoạt động thú y từ tuyến cơ sở (cơ sở chăn nuôi, thú y cơ sở,...), đến thú y cấp huyện và cấp tỉnh; (3) Hướng dẫn xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh gia súc, gia cầm để kiểm soát mối nguy và cảnh báo, tạo điều kiện thuận lợi tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi; (4) Rà soát, tổng hợp và báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ cho phép những trạm, chốt kiểm dịch động vật đầu mối giao thông thuộc diện phê duyệt của Bộ hoặc hoạt động có hiệu quả mới được phép kiểm dịch, đồng thời đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng; (5) Tổng hợp những tồn tại, vướng mắc và vi phạm trong công tác phòng chống dịch bệnh, kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, quản lý và sử dụng thuốc thú y để báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp giải quyết, xử lý kịp thời;
b) Trung tâm Khuyến nông quốc gia tổ chức hướng dẫn, tuyên truyền: (1) Người chăn nuôi thực hiện tốt việc chăn nuôi gia súc, gia cầm an toàn dịch bệnh; (2) Các tổ chức, cá nhân buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm, buôn bán và sử dụng thuốc thú y thực hiện tốt các quy định của pháp luật thú y, đồng thời tuân thủ hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn về công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và kiểm dịch động vật;
Đề nghị đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, lãnh đạo các Bộ, ngành thành viên Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm chỉ đạo các đơn vị liên quan và các cơ quan liên quan thuộc Bộ tổ chức thực hiện nghiêm Chỉ thị này, đồng thời thường xuyên báo cáo Ban chỉ đạo quốc gia để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Trong quá trình chỉ đạo nếu có vướng mắc, đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, các Bộ, ngành thông báo về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để phối hợp, xử lý kịp thời./.
Nơi nhận: | BỘ TRƯỞNG |
- 1 Công điện 8385/CĐ-BNN-TY năm 2015 về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn điện
- 2 Công văn 101/TY-TTr.PC hướng dẫn nội dung kiểm tra hoạt động thú y năm 2015 do Cục Thú y ban hành
- 3 Thông báo 2394/TB-BNN-VP năm 2014 kết luận của Thứ trưởng Vũ Văn Tám Hội nghị sơ kết công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 4 Nghị định 119/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi
- 5 Công văn 262/BNN-TY chấn chỉnh công tác tiêm phòng vắc xin, sử dụng hóa chất để phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và động vật thủy sản do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 1 Công điện 8385/CĐ-BNN-TY năm 2015 về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn điện
- 2 Thông báo 2394/TB-BNN-VP năm 2014 kết luận của Thứ trưởng Vũ Văn Tám Hội nghị sơ kết công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 3 Công văn 262/BNN-TY chấn chỉnh công tác tiêm phòng vắc xin, sử dụng hóa chất để phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và động vật thủy sản do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành