Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 03/CT-UBND

Đà Nẵng, ngày 04 tháng 3 năm 2013

 

CHỈ THỊ

TĂNG CƯỜNG SỬ DỤNG VẬT LIỆU XÂY KHÔNG NUNG VÀ HẠN CHẾ SẢN XUẤT, SỬ DỤNG GẠCH ĐẤT SÉT NUNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

Việc phát triển vật liệu xây không nung để sử dụng thay thế gạch đất sét nung truyền thống, hạn chế sử dụng đất sét và than (nguồn tài nguyên không tái tạo), góp phần bảo vệ an ninh lương thực, tiết kiệm năng lượng và giảm lượng khí thải CO2 bảo vệ môi trường là một xu hướng phát triển tất yếu. Bản thân vật liệu xây không nung có khả năng cách âm, cách nhiệt, chịu nhiệt tốt, bền, tiết kiệm thời gian thi công, một số loại gạch nhẹ có tỷ trọng thấp qua đó giảm tải trọng công trình và tiết kiệm chi phí xây dựng,…

Hiện nay trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, tình hình tiêu thụ gạch đất sét nung vẫn diễn ra phổ biến tại các công trình xây dựng. Vì vậy việc tiêu thụ vật liệu xây không nung, đặc biệt là gạch bê tông nhẹ gặp nhiều khó khăn, những lợi ích của việc sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung không được phát huy và không khuyến khích được việc đầu tư phát triển vật liệu xây không nung.

Nhằm tăng cường việc phát triển vật liệu xây không nung, thay thế gạch đất sét nung theo định hướng Chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020 tại Quyết định số 567/QĐ-TTg ngày 28 tháng 4 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ; thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 16 tháng 4 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ v/v tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung và Thông tư số 09/2012/TT-BXD ngày 28 tháng 11 năm 2012 của Bộ Xây dựng v/v quy định sử dụng vật liệu xây không nung trong các công trình xây dựng, Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực xây dựng và vật liệu xây dựng, Chủ đầu tư các dự án xây dựng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng thực hiện nghiêm các nội dung sau:

1. Đối với người quyết định đầu tư và chủ đầu tư các dự án xây dựng

a) Khi lập dự án đầu tư xây dựng, lập thiết kế bản vẽ thi công, lập hồ sơ mời thầu, đánh giá lựa chọn nhà thầu thi công phải chú ý việc ưu tiên sử dụng vật liệu xây không nung theo hướng:

- Các công trình được đầu tư bằng nguồn vốn Nhà nước bắt buộc phải sử dụng 100% vật liệu xây không nung.

- Các công trình xây dựng từ 9 tầng trở lên không phân biệt nguồn vốn, từ nay đến năm 2015 phải sử dụng tối thiểu 30% và sau năm 2015 phải sử dụng tối thiểu 50% vật liệu xây không nung loại nhẹ (khối lượng thể tích không lớn hơn 1000kg/m3) trong tổng số vật liệu xây (tính theo thể tích khối xây).

- Khuyến khích sử dụng vật liệu xây không nung trong các công trình xây dựng không phân biệt nguồn vốn, không phân biệt số tầng.

- Không lựa chọn sử dụng gạch đất sét nung bằng lò thủ công, lò thủ công cải tiến, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch (than, dầu, khí) trong các công trình xây dựng.

b) Tổ chức kiểm tra sự phù hợp về chất lượng theo yêu cầu của quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng cho công trình và yêu cầu thiết kế đối với sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng nói chung và vật liệu xây không nung nói riêng trước khi sử dụng vào công trình xây dựng theo quy định tại Điều 14 Thông tư số 27/2009/TT-BXD ngày 31/7/2009 của Bộ Xây dựng. Kết quả xác nhận sự phù hợp về chất lượng phải thể hiện bằng văn bản.

c) Định kỳ hằng năm báo cáo Sở Xây dựng về tình hình sử dụng vật liệu xây không nung tại các dự án xây dựng do mình đầu tư, bao gồm: Loại vật liệu xây không nung, số lượng sử dụng và tỷ lệ sử dụng (%) trên tổng số vật liệu xây của công trình.

2. Sở Xây dựng

a) Ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện các nội dung cụ thể của Chương trình phát triển vật liệu xây không nung phù hợp với điều kiện của địa phương.

b) Chủ trì, phối hợp với các hội, hiệp hội nghề nghiệp, cơ quan truyền thông tại địa phương để tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về sản xuất và các tính năng ưu việt, hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường… khi sử dụng vật liệu xây không nung, đặc biệt là gạch bê tông nhẹ.

c) Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân lập dự án đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất vật liệu xây không nung để trình duyệt theo quy định về quản lý đầu tư xây dựng.

d) Xây dựng và công bố đơn giá xây dựng công trình sử dụng vật liệu xây không nung trên cơ sở định mức Bộ Xây dựng đã ban hành để các chủ đầu tư và đơn vị tư vấn tham khảo, sử dụng vào việc lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình trên địa bàn thành phố.

e) Tổ chức hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, giám sát việc tuân thủ tỷ lệ sử dụng vật liệu xây không nung trong các công trình xây dựng sử dụng vốn nhà nước và các công trình nhà cao tầng trên địa bàn thành phố theo quy định tại khoản 1 Chỉ thị này.

f) Phối hợp với Sở Công thương xây dựng các chương trình xúc tiến đầu tư sản xuất vật liệu xây không nung; chế tạo thiết bị sản xuất vật liệu xây không nung.

g) Định kỳ hàng năm rà soát, đánh giá tình hình đầu tư sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung tại địa phương; báo cáo Bộ Xây dựng và Ủy ban nhân dân thành phố; đề xuất khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích tốt trong việc tham gia thực hiện Chương trình phát triển vật liệu xây không nung trên địa bàn thành phố.

3. Sở Tài nguyên và Môi trường

a) Ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện nhằm quản lý chặt chẽ việc sử dụng đất nông nghiệp làm gạch đất sét nung.

b) Hướng dẫn tổ chức, cá nhân sử dụng chất thải công nghiệp làm nguyên liệu, nhiên liệu, phụ gia để sản xuất vật liệu xây không nung đảm bảo quy định về môi trường trong quá trình vận chuyển, lưu giữ và sản xuất.

c) Rà soát, đề xuất với Ủy ban nhân dân thành phố trình Hội đồng nhân dân quyết định nâng mức phí bảo vệ môi trường đối với việc khai thác đất sét làm gạch nung lên mức tối đa.

d) Tăng cường kiểm tra việc quản lý khai thác và sử dụng tài nguyên (đất sét, than…) để sản xuất gạch, kiểm tra về môi trường tại các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung theo đúng các quy định của pháp luật về tài nguyên và môi trường trên quan điểm bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

e) Cung cấp thông tin cho Sở Xây dựng định kỳ hàng năm trước ngày 10 tháng 12 hoặc đột xuất khi có yêu cầu về các nội dung được giao nhiệm vụ tại Chỉ thị này để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố và Bộ Xây dựng.

4. Sở Kế hoạch và Đầu tư

a) Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan nghiên cứu xây dựng, hoàn chỉnh các chính sách hỗ trợ, ưu đãi đầu tư nhằm khuyến khích phát triển và tạo điều kiện cho các dự án chế tạo thiết bị sản xuất vật liệu xây không nung; các dự án sản xuất vật liệu xây không nung.

b) Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân sản xuất vật liệu xây không nung; chế tạo thiết bị sản xuất vật liệu xây không nung về các chính sách hỗ trợ, ưu đãi đầu tư.

c) Phối hợp với các ngành trong công tác tuyên truyền về sản xuất, sử dụng vật liệu xây không nung đến các doanh nghiệp, các chủ đầu tư.

d) Trong công tác tham mưu cấp giấy chứng nhận đầu tư cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước ngoài khu công nghiệp, khuyến khích và ưu tiên lựa chọn dự án đầu tư có sử dụng vật liệu xây không nung.

e) Cung cấp thông tin doanh nghiệp có ngành nghề sản xuất vật liệu xây không nung cho Sở Xây dựng định kỳ hàng năm trước ngày 10 tháng 12 hoặc đột xuất khi có yêu cầu để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố và Bộ Xây dựng.

5. Sở Tài chính

a) Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng và các đơn vị liên quan tổ chức quản lý về giá các loại vật liệu xây không nung trên thị trường, không để tình trạng các sản phẩm này trở thành độc quyền của một số nhà cung cấp, đẩy giá tăng cao bất hợp lý.

b) Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu xây dựng, hoàn chỉnh các chính sách hỗ trợ, ưu đãi đầu tư nhằm khuyến khích phát triển và tạo điều kiện cho các dự án chế tạo thiết bị sản xuất vật liệu xây không nung; các dự án sản xuất vật liệu xây không nung.

c) Hướng dẫn thực hiện các chính sách thuế liên quan và mức thuế suất của thuế tài nguyên đối với đất sét sản xuất gạch theo quy định của Bộ Tài chính.

d) Cung cấp thông tin cho Sở Xây dựng định kỳ hàng năm trước ngày 10 tháng 12 hoặc đột xuất khi có yêu cầu về các nội dung được giao nhiệm vụ tại Chỉ thị này để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố và Bộ Xây dựng.

6. Sở Khoa học và Công nghệ

a) Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng tổ chức các hoạt động về khoa học công nghệ, giới thiệu các công nghệ sản xuất vật liệu xây không nung tiên tiến, hiện đại đến các nhà đầu tư; hướng dẫn nhà đầu tư lựa chọn dây chuyền, công nghệ đảm bảo về môi trường, phù hợp với quy mô sản xuất, ưu tiên lựa chọn thiết bị, máy móc trong nước đã sản xuất được; thẩm định về dây chuyền công nghệ các dự án đầu tư sản xuất vật liệu xây không nung trên địa bàn thành phố.

b) Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân có dự án đầu tư sản xuất vật liệu xây không nung đổi mới công nghệ, đầu tư công nghệ mới, chuyển giao công nghệ, các dự án ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực vật liệu xây không nung, chế tạo thiết bị sản xuất vật liệu xây không nung được hưởng các ưu đãi của Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia, Quỹ phát triển khoa học và công nghệ thành phố, Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, áp dụng ưu đãi về chuyển giao công nghệ theo Luật Chuyển giao công nghệ.

c) Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân sản xuất và nhập khẩu vật liệu xây không nung thực hiện công bố tiêu chuẩn áp dụng theo quy định.

d) Ưu tiên bố trí vốn cho các đề án nghiên cứu công nghệ sản xuất vật liệu xây không nung và sản xuất thiết bị cho sản xuất vật liệu xây không nung. Không sử dụng vốn khoa học hàng năm vào việc hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung sử dụng công nghệ nung bằng lò thủ công cải tiến, lò vòng.

e) Cung cấp thông tin cho Sở Xây dựng định kỳ hàng năm trước ngày 10 tháng 12 hoặc đột xuất khi có yêu cầu để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố và Bộ Xây dựng về các nội dung:

- Tình hình quản lý về công nghệ sản xuất vật liệu xây dựng nói chung và vật liệu xây không nung nói riêng, tỷ lệ nội địa hóa trong các dây chuyền sản xuất.

- Các thông tin về chính sách ưu đãi đầu tư trong lĩnh vực khoa học công nghệ có thể áp dụng trên địa bàn thành phố.

- Tình hình tham gia Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ thành phố của các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực vật liệu xây dựng.

7. Cục thuế thành phố

Hướng dẫn và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân sản xuất vật liệu xây không nung; chế tạo thiết bị sản xuất vật liệu xây không nung chính sách ưu đãi về thuế: nhập khẩu, thu nhập doanh nghiệp; ưu đãi như đối với các dự án thuộc chương trình cơ khí trọng điểm đối với các dự án chế tạo thiết bị sản xuất vật liệu xây không nung nhẹ và sản xuất gạch xi măng - cốt liệu công suất từ 7 triệu viên quy tiêu chuẩn/năm trở lên theo khoản 4, Điều 1, Quyết định số 567/QĐ-TTg ngày 28/4/2012của Thủ tướng Chính phủ.

8. Sở Công thương

a) Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng xây dựng các chương trình xúc tiến đầu tư sản xuất vật liệu xây không nung; chế tạo thiết bị sản xuất vật liệu xây không nung.

b) Không sử dụng kinh phí khuyến công hàng năm vào việc hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung sử dụng công nghệ nung bằng lò thủ công cải tiến, lò vòng.

c) Tham gia thẩm định, ý kiến về dây chuyền công nghệ các dự án đầu tư sản xuất vật liệu xây không nung trên địa bàn thành phố.

d) Cung cấp thông tin cho Sở Xây dựng định kỳ hàng năm trước ngày 10 tháng 12 hoặc đột xuất khi có yêu cầu về các hoạt động và chương trình xúc tiến đầu tư liên quan đến sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố và Bộ Xây dựng.

9. Sở Thông tin Truyền thông

a) Chủ động, bằng nhiều hình thức tích cực tuyên truyền, phổ biến và cung cấp thông tin về khuyến khích sản xuất và ưu tiên sử dụng vật liệu xây không nung, đặc biệt là đối với các công trình vốn nhà nước và công trình cao tầng (từ 9 tầng trở lên) theo quy định.

b) Cung cấp thông tin cho Sở Xây dựng định kỳ hàng năm trước ngày 10 tháng 12 hoặc đột xuất khi có yêu cầu về các hoạt động tuyên truyền liên quan đến sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố và Bộ Xây dựng.

10. Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp thành phố

a) Hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đảm bảo điều kiện về công nghệ, môi trường và quy mô được đầu tư các nhà máy sản xuất vật liệu xây không nung trong các khu công nghiệp của thành phố.

b) Cung cấp thông tin cho Sở Xây dựng định kỳ 06 tháng, năm trước ngày 10 tháng 6 và 10 tháng 12 hoặc đột xuất khi có yêu cầu về tình hình đầu tư, sản xuất vật liệu xây không nung, trình độ công nghệ của các doanh nghiệp hoạt động trong các khu công nghiệp để tổng hợp báo cáo Bộ Xây dựng, Ủy ban nhân dân thành phố.

11. Ủy ban nhân dân các quận, huyện

a) Tăng cường kiểm tra, không cho phép các loại sản phẩm, hàng hóa gạch đất sét nung bằng lò thủ công, lò thủ công cải tiến, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trên thị trường và sử dụng trong các công trình xây dựng trên địa bàn do mình quản lý; không cho phép đầu tư xây mới hoặc tái sản xuất (đối với các cơ sở đã chấm dứt hoạt động) các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công, lò thủ công cải tiến, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

b) Phát hiện kịp thời và báo cáo ngay cho Sở Xây dựng về các chủ đầu tư và dự án thuộc đối tượng tại khoản 1 Chỉ thị này không tuân thủ đúng quy định về tỷ lệ sử dụng vật liệu xây không nung để Sở Xây dựng đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố xử lý.

12. Các Hội, Hiệp hội xây dựng và vật liệu xây dựng

a) Tích cực tuyên truyền, phổ biến, vận động các doanh nghiệp sử dụng vật liệu xây không nung thay thế gạch đất sét nung trong các công trình xây dựng, đặc biệt là các vật liệu xây không nungloại nhẹ.

b) Huy động tiềm lực của các doanh nghiệp để đầu tư sản xuất vật liệu xây không nung với công nghệ hiện đại, các loại vật liệu xây không nung mới và ứng dụng các loại vật liệu này vào công trình xây dựng.

13. Các cơ quan thông tin truyền thông

a) Chủ động, tích cực tuyên truyền các nội dung về khuyến khích sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung, đặc biệt là các đối tượng bắt buộc sử dụng tại khoản 1 Chỉ thị này.

b) Xây dựng và thực hiện một số chương trình nhằm giới thiệu, tuyên truyền rộng rãi đến người tiêu dùng về những ưu điểm của vật liệu xây không nung, qua đó đẩy mạnh việc phổ biến và sử dụng loại sản phẩm này.

14. Ban Thi đua khen thưởng thành phố

Theo dõi kết quả thực hiện và chấp hành Chỉ thị này của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố; xem đây là một trong những tiêu chí xem xét khen thưởng, đánh giá thi đua cuối năm đối với các cơ quan quản lý Nhà nước, tổ chức Hội nghề nghiệp, doanh nghiệp.

Nhận được Chỉ thị này, yêu cầu các Sở, ban, ngành cơ quan, đơn vị liên quan trên địa bàn thành phố Đà Nẵng nghiêm túc triển khai thực hiện. Trong quá trình thực hiện, nếu có phát sinh vướng mắc, các đơn vị có văn bản gửi Sở Xây dựng để được hướng dẫn hoặc tổng hợp trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét giải quyết./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Văn Hữu Chiến