BỘ XÂY DỰNG | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 07/2004/CT-BXD | Hà Nội, ngày 15 tháng 11 năm 2004 |
VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ CÁN BỘ CÔNG CHỨC HỌC TẬP Ở NƯỚC NGOÀI
Việc gửi công dân Việt Nam đi đào tạo ở nước ngoài là một hướng quan trọng để bồi dưỡng nguồn nhân lực, đào tạo các nhà quản lý, kinh doanh, các chuyên gia công nghệ giỏi và công nhân lành nghề nhằm đáp ứng các yêu cầu mới của sự nghiệp Công nghiệp hoá- Hiện đại hoá đất nước, đưa nhanh nền khoa học và công nghệ nước ta vươn lên trình độ của Quốc tế.
Trong những năm gần đây, số lượng lưu học sinh Việt Nam học tập ở nước ngoài ngày càng tăng. Đa số lưu học sinh có ý thức tốt trong tu dưỡng phẩm chất chính trị và năng lực chuyên môn, có nếp sống lành mạnh và tích cực tham gia các sinh hoạt chính trị do cơ quan đại diện của ta ở nước ngoài hướng dẫn. Kết quả học tập và rèn luyện của họ được các cơ sở đào tạo nước ngoài đánh giá cao và nhiều người khi trở về nước thực sự đã trở thành vốn quý cho sự nghiệp xây dựng và phát triển của ngành.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, còn có một số lưu học sinh học tập kém, vi phạm phạm pháp luật của nước sở tại và quy chế của cơ sở đào tạo, gây dư luận xấu trong cộng đồng lưu học sinh; một số không trở về nước sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ học tập; thậm chí có một bộ phận lưu học sinh bị các tổ chức và cá nhân xấu lôi kéo tham gia các hoạt động xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Nguyên nhân là do trong công tác quản lý lưu học sinh còn nhiều bất cập, còn có tình trạng chồng chéo, trùng lặp và lỏng lẻo trong quản lý, không ít người được gửi đi đào tạo không đủ tiêu chuẩn, kết quả học tập kém, do công tác tổ chức tuyển chọn và hướng dẫn theo dõi, kiểm tra thiếu sự chỉ đạo thống nhất.
Để triển khai thực hiện Chỉ thị số 35/2004/CT-TTg ngày 22/10/2004 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý người Việt Nam học tập ở nước ngoài; Bộ Xây dựng yêu cầu các đơn vị trực thuộc Bộ tăng cường công tác quản lý cán bộ công chức thuộc đơn vị mình được cử đi học tập ở nước ngoài theo các nội dung sau đây:
- Có kế hoạch chủ động đào tạo bồi dưỡng cán bộ công chức của đơn vị về chuyên môn, ngoại ngữ, tin học v.v.. để khi có cơ hội họ đạt được kết quả cao trong các kỳ thi tuyển đi học ở nước ngoài.
- Tăng cường công tác hợp tác quốc tế với các Tổ chức nước ngoài trong lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu khoa học, thực hiện các dự án nghiên cứu chung, để qua đó cử được nhiều cán bộ ra nước ngoài học tập nâng cao trình độ.
- Tranh thủ sự bảo lãnh, giúp đỡ của cá nhân các nhà khoa học, các nhà hoạt động xã hội nước ngoài hoặc thân nhân đang sinh sống ở nước ngoài để cử thêm được nhiều cán bộ ra nước ngoài học tập.
- Nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật nước Cộng hoà XHCN Việt Nam và quy chế quản lý người Việt Nam đang học ở nước ngoài của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
- Nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, tôn trọng phong tục tập quán của nước sở tại; thực hiện đúng các quy định về học tập, sinh hoạt, đi lại của cơ sở đào tạo và địa phương nơi lưu trú.
- Lưu học sinh được cấp học bổng có nghĩa vụ học tập, nghiên cứu, thực tập đúng quy định về thời hạn, bậc học và ngành nghề đã được phân công hoặc đăng ký. Trường hợp phải thay đổi, lưu học sinh phải có đơn gửi Đại sứ quán Việt Nam ở nước sở tại xem xét giải quyết sau khi có ý kiến của Bộ Giáo dục và Đào tạo và của cơ quan chủ quản (nếu là cán bộ công chức). Báo cáo kết quả học tập, nghiên cứu sau mỗi học kỳ và năm học với Đại sứ quán Việt Nam thông qua đơn vị lưu học sinh (nếu có) và với cơ quan chủ quản.
- Lưu học sinh được cấp học bổng không được lưu ban, không được kéo dài thời hạn nghiên cứu, thực tập. Trường hợp do ốm đau, tai nạn có xác nhận của bệnh viện và những lý do đặc biệt khác lưu học sinh phải được Đại sứ quán Việt Nam cho phép lưu ban hoặc kéo dài thời hạn sau khi có ý kiến của Bộ Giáo dục và Đào tạo và của cơ quan chủ quản (nếu là cán bộ, công chức). Nếu không được Đại sứ quán Việt Nam cho phép mà lưu học sinh vẫn tự ý kéo dài thời hạn học tập, nghiên cứu thì phải chịu hình thức xử lý vi phạm theo quy định hiện hành và tự giải quyết các khoản chi phí tài chính như đối với lưu học sinh tự túc.
- Lưu học sinh cần tham gia sinh hoạt tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội thanh niên-sinh viên Việt Nam do Đại sứ quán Việt Nam tổ chức; có ý thức trách nhiệm xây dựng, gắn bó với tập thể và chịu sự quản lý trực tiếp của đơn vị lưu học sinh. Đối với đảng viên khi được cử ra nước ngoài học tập, công tác phải chấp hành nghiêm chỉnh Quy định số 17- QĐ/TW ngày 10/12/1996 của Ban Chấp hành Trung ương quy định nhiệm vụ của đảng viên khi ra nước ngoài.
- Sau khi kết thúc khoá đào tạo ở nước ngoài lưu học sinh phải về nước đúng thời gian quy định. Sau khi về nước trong thời hạn một tháng lưu học sinh có trách nhiệm đến Bộ Giáo dục và Đào tạo xuất trình hồ sơ (diện được cấp học bổng) hoặc nộp hồ sơ tại cơ sở cử hoặc cho phép đi đào tạo (nếu học bổng được cấp từ nguồn vốn địa phương, doanh nghiệp nhà nước, hoặc từ các nguồn kinh phí khác, kể cả kinh phí do cá nhân tự túc).
- Lưu học sinh được cấp học bổng là cán bộ, công chức sau khi về nước (đã nộp hồ sơ và giải quyết xong các thủ tục liên quan), được Bộ Giáo dục và Đào tạo có văn bản gửi về Bộ Xây dựng tiếp tục công tác. Việc chuyển cơ quan khác do Bộ Xây dựng phối hợp với đơn vị giải quyết.
Nơi nhận: | BỘ TRƯỞNG BỘ XÂY DỰNG |