- 1 Công văn 9369/VPCP-KGVX năm 2013 hợp tác truyền thông giữa báo Nông thôn Ngày nay và Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 2 Quyết định 463/QĐ-BTTTT năm 2018 quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm Báo chí và Hợp tác truyền thông quốc tế do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành
- 3 Quyết định 801/QĐ-BTTTT năm 2021 sửa đổi Quyết định 463/QĐ-BTTTT quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm Báo chí và Hợp tác truyền thông quốc tế do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN - | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 02/CTrPH-BNN-THVN | Hà Nội, ngày 11 tháng 4 năm 2023 |
Căn cứ Luật Báo chí năm 2016;
Căn cứ Nghị định 105/2022/NĐ-CP ngày 22/12/2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Căn cứ Nghị định 60/2022/NĐ-CP ngày 08/9/2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Đài Truyền hình Việt Nam;
Căn cứ Nghị định số 39/2022/NĐ-CP ngày 18/6/2022 của Chính phủ ban hành Quy chế làm việc của Chính phủ;
Căn cứ Nghị định số 09/2017/NĐ-CP ngày 09/02/2017 của Chính phủ ban hành Quy định chi tiết việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước;
Căn cứ Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;
Căn cứ Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050;
Trên cơ sở nhu cầu phối hợp công tác giữa hai cơ quan, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Đài Truyền hình Việt Nam thống nhất Chương trình Hợp tác truyền thông giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Đài Truyền hình Việt Nam giai đoạn 2023 - 2025, với những nội dung như sau:
1. Mục đích
Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên, toàn diện, hiệu quả giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (sau đây viết tắt là Bộ NN&PTNT) và Đài Truyền hình Việt Nam (Sau đây viết tắt là Đài THVN) trong công tác truyền thông chính sách, đặc biệt là tuyên truyền, phổ biến về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các giải pháp, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và Bộ NN&PTNT về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; thông tin về các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ NN&PTNT; đặc biệt là về những vấn đề được xã hội quan tâm; nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm, tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội về chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về vai trò, vị trí của nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong giai đoạn phát triển mới, về cơ cấu lại nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, sớm đưa Nghị quyết 19-NQ/TW ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (sau đây viết tắt là Nghị quyết) và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, ban hành kèm theo Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ (sau đây viết tắt là Chiến lược) đi vào cuộc sống.
2. Yêu cầu
a) Thiết lập cơ chế, phương thức phối hợp thông tin, tuyên truyền giữa Bộ NN&PTNT và Đài THVN đảm bảo kịp thời, hiệu quả, chính xác, theo đúng quy định của nhà nước, vì mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững.
b) Bám sát quan điểm, mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững được nêu trong Nghị quyết và Chiến lược nhằm góp phần đổi mới tư duy, thống nhất nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, bà con nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng và xã hội.
c) Đảm bảo chủ động, kịp thời với nội dung, hình thức đa dạng, phù hợp với từng nhóm đối tượng. Tận dụng triệt để và phát huy hiệu quả thế mạnh của công nghệ, các nền tảng số để nâng cao chất lượng, hiệu quả chương trình tuyên truyền cũng như thu hút công chúng khán giả.
Bộ NN&PTNT và Đài THVN thống nhất phối hợp thông tin truyền thông kịp thời, chính xác và đầy đủ toàn diện về:
a) Thông tin, giới thiệu về nội dung, sự đổi mới tư duy trong cách tiếp cận và cách tiếp cận mới, linh hoạt của Nghị quyết và Chiến lược; trong đó, tập trung làm rõ các nội dung như:
- Khẳng định, làm rõ vai trò, vị trí chiến lược của nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
- Nông dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển và là nhân tố quyết định thành công của sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn. Nông nghiệp là lợi thế quốc gia, là trụ đỡ của nền kinh tế. Xây dựng nông thôn hiện đại, có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, kết nối với đô thị.
- Các giải pháp nâng cao vai trò, vị thế, năng lực làm chủ, cải thiện toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn.
b) Thông tin, truyền thông về các nội dung chỉ đạo, định hướng và chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết, Chiến lược của Bộ, ngành, địa phương, kết quả và sự chuyển biến tích cực thực tế ở cơ sở như:
- Việc chuyển từ tư duy “sản xuất nông nghiệp” sang tư duy “kinh tế nông nghiệp”; việc “phát triển đơn ngành” sang mục tiêu “phát triển tích hợp liên ngành”, từ mục tiêu “đơn giá trị” sang mục tiêu “tích hợp đa giá trị”; thay đổi tư duy buôn chuyến, manh mún, nhỏ lẻ của người nông dân sang tư duy phát triển hệ sinh thái ngành hàng xuất khẩu, tạo ra một liên minh của những nhà xuất khẩu...
- Chuyển từ theo đuổi giá trị gia tăng sang vừa tạo ra giá trị gia tăng, vừa giảm thiểu chi phí sản xuất, chi phí xã hội, chi phí môi trường...
- Chuyển từ “nền nông nghiệp sản lượng cao” sang “nền nông nghiệp công nghệ cao, sinh thái, trách nhiệm, bền vững”.
- Việc xây dựng nền nông nghiệp xanh là nền nông nghiệp sản xuất áp dụng đồng bộ các quy trình, công nghệ, sử dụng hợp lý, tiết kiệm vật tư đầu vào, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên...
- Việc hỗ trợ nông dân tiếp cận tri thức, công nghệ, hiểu biết về quy luật cung cầu, an toàn vệ sinh thực phẩm, phát triển bền vững.
c) Khẳng định Nghị quyết, Chiến lược là kết tinh trí tuệ, tâm huyết của các nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia khắp mọi miền đất nước, đồng thời, cũng đã tiếp thu những góp ý từ nhiều tổ chức quốc tế tại Việt Nam.
- Việc thực hiện Nghị quyết, Chiến lược cần đến sự chung tay của toàn xã hội, không phải của riêng ngành nông nghiệp.
- Nghị quyết, Chiến lược xác định mục tiêu tạo dựng một nền nông nghiệp xanh, sinh thái, trách nhiệm, bền vững; chuyển từ “tư duy sản xuất” sang “tư duy kinh tế”, “tích hợp đa tầng giá trị”.
- Nghị quyết, Chiến lược tiếp cận xu thế thay đổi không ngừng của thế giới trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với những dư địa tăng trưởng mới, những giá trị phát triển mới phù hợp với điều kiện, đặc điểm của Việt Nam.
- Nghị quyết, Chiến lược quan tâm đến việc gìn giữ và phát huy những giá trị cốt lõi, độc đáo của làng quê, để nông thôn ngày thêm trù phú, đáng sống.
- Nghị quyết, Chiến lược dành cho người nông dân, xoay quanh người nông dân và vì chất lượng sống ngày một tốt hơn của người nông dân.
d) Thông tin, giới thiệu về những mô hình mới, cách làm hay, sáng tạo ở các địa phương; nhất là các bài học kinh nghiệm trong việc tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết, Chiến lược ở cơ sở dựa trên lợi thế, tiềm năng của mỗi vùng, miền; Chiến lược xây dựng các thương hiệu sản phẩm nông sản của Bộ, của các địa phương cũng như người nông dân.
e) Tuyên truyền, thông tin về cơ chế, chính sách mới trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; Thành tựu khoa học công nghệ, tiến bộ kỹ thuật trong nông nghiệp đạt được trong mỗi giai đoạn; Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm, Chương trình du lịch nông thôn; Công tác bảo đảm an toàn thực phẩm nông sản; Phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng vật nuôi...
f) Tuyên truyền, thông tin về những quy định mới của thị trường, định hướng sản xuất kinh doanh, hạn chế các yếu tố tác động đến giá cả, đảm bảo lợi ích của nông dân, giữ vững an ninh lương thực và mục tiêu xuất khẩu.
g) Phát hiện những tồn tại, hạn chế, những nút thắt trong thực tiễn sản xuất, xây dựng nông thôn mới và tiêu thụ nông sản.... Từ đó có phản biện chính sách phù hợp, kịp thời.
- Các Bản tin thời sự, các chuyên mục trên kênh VTV1 như: Chuyện nhà nông, Nông nghiệp 4.0, Nông nghiệp xanh, Con đường nông sản, Nông nghiệp mới, Chào buổi sáng bông lúa, Tọa đàm, Sự kiện bình luận, vấn đề hôm nay, Phim tài liệu, Chương trình Miền Quê đáng sống trong chương trình Chuyển động 24h, Chương trình Tài chính kinh doanh...
- Hệ thống các chương trình, chuyên mục về nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên kênh VTV2 như: Bạn của Nhà nông, Đường tới nông trại, Phim tài liệu khoa giáo, Toạ đàm, Nhà nông chuyên nghiệp...
- Chương trình Làng vui, Nhà nông vui vẻ trên kênh VTV3 và các bản tin, chuyên mục phù hợp trên kênh VTV5, VTV8, VTV9, VTV Cần Thơ, Báo điện tử VTV News (http://vtv.vn)
1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
a) Chủ động cung cấp thông tin cho Đài THVN về chương trình, kế hoạch, các văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn; công tác chỉ đạo, điều hành của Lãnh đạo Bộ và hoạt động của Bộ NN&PTNT.
b) Tạo điều kiện thuận lợi cho các phóng viên, biên tập viên của Đài THVN tiếp cận, tìm hiểu thực tế và khai thác thông tin về các mặt hoạt động của Bộ NN&PTNT; tham gia đưa tin về các sự kiện, hoạt động của Bộ.
c) Cử đầu mối phối hợp với Đài THVN thông tin kịp thời, đúng định hướng về các vấn đề cấp thiết, bức xúc, nhạy cảm; hỗ trợ việc định hướng các vấn đề dư luận quan tâm.
d) Phối hợp với Đài THVN xây dựng kế hoạch truyền thông cụ thể từng năm. Trong đó cung cấp thông tin mang tính chất định hướng cho Đài THVN triển khai tuyên truyền theo yêu cầu của từng giai đoạn (ngắn hạn, dài hạn). Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan trực thuộc Bộ chủ động phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng của Đài THVN triển khai kế hoạch này.
e) Tạo điều kiện thuận lợi để các đơn vị Đài THVN tham gia thực hiện các chương trình tuyên truyền trong khuôn khổ các chương trình, dự án do Bộ NN&PTNT quản lý hoặc chủ trì thực hiện.
2. Đài Truyền hình Việt Nam
a) Chỉ đạo các đơn vị, các Ban biên tập, phóng viên của Đài THVN thường xuyên cập nhật, đưa thông tin đầy đủ, chính xác và toàn diện về các cơ chế, chính sách, pháp luật về lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn; công tác chỉ đạo, điều hành, các hoạt động nổi bật, các sự kiện mang tính đột xuất, sự kiện quan trọng tác động đến đời sống dân sinh của Bộ NN&PTNT trong các bản tin, chương trình, chuyên mục trên các kênh sóng và nền tảng số của Đài THVN.
b) Phối hợp với đầu mối của Bộ NN&PTNT thông tin kịp thời, đúng định hướng về các vấn đề cấp thiết, bức xúc, nhạy cảm; hỗ trợ việc định hướng những vấn đề dư luận quan tâm.
c) Thực hiện các hoạt động phối hợp khác để tuyên truyền, quảng bá và phổ biến kiến thức pháp luật về chương trình, đề án của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.
d) Chủ trì, phối hợp với Bộ NN&PTNT xây dựng kế hoạch phối hợp truyền thông cụ thể theo từng năm. Chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tổ chức phối hợp chặt chẽ với Bộ NN&PTNT và các đơn vị thuộc Bộ NN&PTNT trong việc phối hợp triển khai kế hoạch này; tổ chức đầu mối thu thập, xử lý, chọn lọc và đưa thông tin chính xác, khách quan, phù hợp với chức năng nhiệm vụ của Đài THVN, đúng quy định của pháp luật.
e) Hỗ trợ cung cấp tư liệu của Đài THVN liên quan tới lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn để phục vụ cho công tác thông tin, tuyên truyền của Bộ NN&PTNT trên nguyên tắc đảm bảo các quy định về bảo vệ bản quyền của Đài THVN.
f) Phối hợp đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng về kỹ năng xây dựng, sản xuất các chương trình truyền hình cho cán bộ, công chức của Bộ NN&PTNT.
1. Kinh phí triển khai, tổ chức thực hiện chương trình phối hợp công tác do mỗi bên tự đảm nhiệm theo chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị.
2. Đối với kinh phí hỗ trợ cho các hoạt động thông tin, tuyên truyền liên kết, đặt hàng sản xuất của Đài THVN, Bộ NN&PTNT cấp hỗ trợ theo đề án, chương trình, kế hoạch từng năm.
Căn cứ trên kế hoạch đề ra, Đài THVN đề xuất kinh phí hỗ trợ thực hiện chương trình; tiếp nhận, quản lý, sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ đúng mục đích, đúng chế độ quy định của nhà nước.
1. Bộ NN&PTNT giao Văn phòng Bộ, Đài THVN giao Ban Thư ký biên tập làm đầu mối, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể và tổ chức thực hiện Chương trình này (các đơn vị nội dung của Đài THVN cử đầu mối phối hợp trực tiếp với Bộ theo kế hoạch chung hai bên ký kết). Các đơn vị chức năng của Bộ NN&PTNT và Đài THVN phối hợp với hai đơn vị đầu mối của hai cơ quan tổ chức thực hiện có hiệu quả các nội dung Chương trình này.
2. Định kỳ hàng năm, hai bên sẽ tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm, đồng thời đề ra các biện pháp nâng cao hiệu quả thông tin, tuyên truyền về nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong năm tiếp theo.
3. Trường hợp phát sinh nhu cầu đột xuất, đơn vị chức năng thuộc Bộ NN&PTNT và Đài THVN kịp thời chủ động phối hợp, bàn bạc xử lý hoặc đề xuất biện pháp và thống nhất báo cáo Lãnh đạo hai Cơ quan xem xét, quyết định.
1. Chương trình hợp tác truyền thông giữa Bộ NN&PTNT và Đài THVN giai đoạn 2023 - 2025 được lập thành 04 bản, mỗi bên giữ 02 bản và có hiệu lực từ thời điểm ký kết đến hết ngày 31/12/2025.
2. Trên cơ sở thoả thuận trách nhiệm của mỗi bên, hai bên cam kết thực hiện nghiêm chỉnh những điều khoản đã thoả thuận, nếu có vấn đề phát sinh, khó khăn, Lãnh đạo hai cơ quan sẽ trao đổi, thống nhất cách giải quyết để chương trình được thực hiện hiệu quả./.
ĐÀI TRUYỀN HÌNH VIỆT NAM | BỘ NÔNG NGHIỆP |
Nơi nhận: |
|
- 1 Công văn 9369/VPCP-KGVX năm 2013 hợp tác truyền thông giữa báo Nông thôn Ngày nay và Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 2 Quyết định 463/QĐ-BTTTT năm 2018 quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm Báo chí và Hợp tác truyền thông quốc tế do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành
- 3 Quyết định 801/QĐ-BTTTT năm 2021 sửa đổi Quyết định 463/QĐ-BTTTT quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm Báo chí và Hợp tác truyền thông quốc tế do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành