Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO - BỘ TƯ PHÁP
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1355/CTr-BGDĐT-BTP

Hà Nội, ngày 30 tháng 12 năm 2019

 

CHƯƠNG TRÌNH

PHỐI HỢP THỰC HIỆN CÔNG TÁC PHÁP CHẾ GIỮA BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO VÀ BỘ TƯ PHÁP GIAI ĐOẠN 2020 - 2025

Căn cứ Nghị định số 69/2017/NĐ-CP ngày 25/5/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

Căn cứ Nghị định số 96/2017/NĐ-CP ngày 16/8/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp;

Căn cứ Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế,

Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Tư pháp thống nhất ban hành Chương trình phối hợp thực hiện công tác pháp chế giai đoạn 2020 - 2025 như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

a) Tăng cường sự phối hợp giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Tư pháp trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao nhằm hoàn thiện, nâng cao chất lượng công tác pháp chế ngành giáo dục;

b) Hoàn thiện thể chế, nâng cao chất lượng, hiệu quả xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) trong quản lý nhà nước về lĩnh vực giáo dục để triển khai Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập;

c) Nâng cao chất lượng, hiệu quả xây dựng và hoàn thiện hệ thống VBQPPL trong lĩnh vực giáo dục; tập trung soạn thảo, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành và ban hành theo thẩm quyền văn bản hướng dẫn thi hành, văn bản được rà soát để sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới phù hợp các quy định của Luật Giáo dục năm 2019 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học;

d) Hoàn thiện thể chế, xây dựng và phát huy vai trò của tổ chức pháp chế, đội ngũ những người làm công tác pháp chế tại Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo theo quy định của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế; hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Tư pháp về công tác pháp chế ngành giáo dục; nâng cao chất lượng thực hiện các nhiệm vụ về công tác pháp chế ngành giáo dục;

đ) Chương trình phối hợp là căn cứ để Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Tư pháp xây dựng kế hoạch cụ thể hằng năm theo chức năng, nhiệm vụ cụ thể của từng Bộ và chỉ đạo, tổ chức, thực hiện, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện kế hoạch, nhiệm vụ công tác pháp chế ngành giáo dục.

2. Yêu cầu

a) Hoạt động phối hợp đúng chức năng, nhiệm vụ của hai Bên, được thực hiện thường xuyên, đảm bảo thiết thực, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, tránh phô trương, hình thức;

b) Định kỳ thực hiện kiểm tra, sơ kết, tổng kết việc thực hiện Chương trình phối hợp, kịp thời đề ra phương hướng, nhiệm vụ phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

II. NỘI DUNG PHỐI HỢP

Chương trình này xác định việc phối hợp thực hiện công tác pháp chế giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Tư pháp giai đoạn 2020 - 2025.

Trong giai đoạn 2020 - 2025, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Tư pháp tăng cường phối hợp nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung nhiệm vụ sau:

1. Công tác xây dựng pháp luật

a) Hai Bộ phối hợp chặt chẽ trong việc xây dựng và ban hành VBQPPL và các chương trình, đề án, dự án có liên quan đến giáo dục và đào tạo. Trong đó, tập trung vào thực hiện các nhiệm vụ tổ chức soạn thảo trình cấp có thẩm quyền ban hành và ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục năm 2019 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học; rà soát sửa đổi, bổ sung hoặc bổ sung mới các văn bản phù hợp với quy định của hai Luật nêu trên và các Luật mới được ban hành;

b) Bộ Tư pháp cử đại diện tham gia Ban soạn thảo, Tổ biên tập đối với các dự án, dự thảo VBQPPL do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì soạn thảo; tham gia hội nghị, hội thảo, tổ chức góp ý, thẩm định các VBQPPL theo thẩm quyền; góp ý các văn bản do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì soạn thảo, ban hành có nội dung phức tạp, liên quan đến nhiều đối tượng;

c) Bộ Giáo dục và Đào tạo tham gia góp ý, thẩm định kịp thời các dự thảo VBQPPL, đề án, dự án, chính sách, điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế do Bộ Tư pháp xây dựng trình cấp có thẩm quyền theo quy định của pháp luật; cử đại diện tham gia Ban soạn thảo, Tổ biên tập các dự án, dự thảo VBQPPL, đề án, dự án, chính sách do Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo.

2. Công tác kiểm tra, xử lý; rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật

a) Hai Bộ phối hợp chặt chẽ trong công tác kiểm tra, xử lý VBQPPL; kịp thời trao đổi, thống nhất phương án xử lý đối với những văn bản có dấu hiệu trái pháp luật do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành và văn bản do Bộ, cơ quan ngang Bộ, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành có liên quan đến lĩnh vực giáo dục;

b) Hai Bộ phối hợp trong việc thực hiện công tác rà soát, hệ thống hóa VBQPPL có liên quan đến lĩnh vực giáo dục; xử lý kết quả rà soát theo quy định của pháp luật.

3. Công tác hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật, pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật

a) Hai Bộ phối hợp thực hiện các nhiệm vụ về hợp nhất VBQPPL và pháp điển hệ thống QPPL về giáo dục. Bộ Tư pháp hướng dẫn quy trình, kỹ thuật thực hiện pháp điển hệ thống QPPL về giáo dục theo đề nghị của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

b) Hai Bộ phối hợp hoàn thành việc pháp điển chủ đề “Giáo dục”; Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức thực hiện pháp điển đề mục “Giáo dục”; cập nhật QPPL mới vào đề mục “Giáo dục” và đề mục “Giáo dục đại học” theo quy định; xây dựng hồ sơ gửi Bộ Tư pháp thẩm định kết quả pháp điển theo quy định; thực hiện việc xác định, cập nhật QPPL mới vào Bộ pháp điển; bổ sung chủ đề, đề mục mới (nếu có phát sinh) theo quy định của pháp luật.

4. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật

a) Hai Bộ tăng cường sự phối hợp để thực hiện có hiệu quả Quyết định số 705/QĐ-TTg ngày 25/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2017 - 2021; Quyết định số 3957/QĐ-BGDĐT ngày 28/9/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường” giai đoạn 2017 - 2021;

b) Hai Bộ tiếp tục phối hợp hướng dẫn công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường; hướng dẫn nội dung, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật trong ngành giáo dục; chỉ đạo, hướng dẫn, triển khai, tổ chức “Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” hằng năm;

c) Bộ Tư pháp cử báo cáo viên pháp luật tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; tham gia biên soạn sách hướng dẫn, tài liệu tham khảo, v.v… phục vụ cho việc giảng dạy và học tập các môn giáo dục công dân và môn pháp luật ở các cơ sở giáo dục.

5. Công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật

a) Hai Bộ phối hợp theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực giáo dục tại các bộ, ngành, địa phương và cơ sở giáo dục đại học;

b) Hai Bộ phối hợp theo dõi tình hình thi hành pháp luật trọng tâm, liên ngành giai đoạn 2020 - 2025.

6. Công tác quản lý xử lý vi phạm hành chính

Hai Bộ phối hợp thực hiện các quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Bộ Tư pháp kịp thời hướng dẫn về nghiệp vụ xử lý vi phạm hành chính theo đề nghị của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

7. Công tác bồi thường của nhà nước

Hai Bộ phối hợp thực hiện các quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành. Bộ Tư pháp kịp thời hướng dẫn về nghiệp vụ trong việc giải quyết các vụ việc phát sinh liên quan đến bồi thường của Nhà nước theo đề nghị của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

8. Công tác pháp chế

a) Hai Bộ phối hợp thực hiện các nội dung, chương trình, kế hoạch nhằm tăng cường năng lực cho đội ngũ những người làm công tác pháp chế của ngành giáo dục;

b) Bộ Tư pháp hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ pháp chế cho đội ngũ những người làm công tác pháp chế của ngành giáo dục; tham gia các đoàn kiểm tra công tác pháp chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo; cử báo cáo viên tham gia các lớp tập huấn để nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ những người làm công tác pháp chế ngành giáo dục;

c) Phối hợp tổ chức hội nghị, hội thảo và các diễn đàn về công tác pháp chế giữa hai Bộ.

9. Công tác giáo dục và đào tạo

a) Hai Bộ phối hợp triển khai thực hiện Quyết định số 549/QĐ-TTg ngày 04/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án tổng thể Trường Đại học Luật Hà Nội và Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh thành trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật và Quyết định số 2083/QĐ-TTg ngày 08/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp”;

b) Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Tư pháp trong việc đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ giảng viên của trường đại học luật góp phần nâng cao chất lượng, trình độ của đội ngũ giảng viên luật;

c) Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Tư pháp nghiên cứu, đề xuất với cơ quan có thẩm quyền cơ chế hỗ trợ về chế độ, chính sách đối với việc đào tạo các sinh viên nước ngoài đang theo học tại các trường đào tạo luật thuộc Bộ Tư pháp;

d) Bộ Giáo dục và Đào tạo tăng cường công tác quản lý nhà nước trong đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, trong đó chú trọng đến yêu cầu đào tạo và bồi dưỡng cán bộ pháp luật trong và ngoài nước theo yêu cầu cải cách tư pháp; tăng cường công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật, thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về đào tạo luật trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Giao Vụ Pháp chế thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo và Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật thuộc Bộ Tư pháp là đơn vị đầu mối, tham mưu cho Lãnh đạo hai Bộ trong việc đôn đốc, triển khai thực hiện, kiểm tra việc thực hiện Chương trình này; các đơn vị có liên quan thuộc hai Bộ căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình, trực tiếp tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao.

2. Định kỳ hằng năm, căn cứ vào nhiệm vụ do mỗi cơ quan chủ trì tại Chương trình, hai Bộ phối hợp xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện, tổ chức đánh giá kết quả thực hiện các nhiệm vụ phối hợp và đề ra phương hướng, nhiệm vụ cho năm tiếp theo; tổng kết, đánh giá kết quả sau 05 năm thực hiện Chương trình.

3. Hai Bộ chỉ đạo, hướng dẫn sở tư pháp, sở giáo dục và đào tạo triển khai thực hiện Chương trình này.

4. Sở Tư pháp, Sở Giáo dục và Đào tạo chủ động phối hợp, tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ban hành kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện các nội dung của Chương trình phối hợp này tại địa phương.

5. Hằng năm, căn cứ nhiệm vụ do mỗi cơ quan chủ trì, hai Bộ dự toán và bố trí kinh phí thực hiện nhiệm vụ của Chương trình này theo các quy định pháp luật hiện hành.

6. Chương trình phối hợp này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Giáo dục và Đào tạo (qua Vụ Pháp chế) và Bộ Tư pháp (qua Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật) để xem xét, giải quyết.

 

BỘ TRƯỞNG
BỘ TƯ PHÁP




Lê Thành Long

BỘ TRƯỞNG
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO




Phùng Xuân Nhạ

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư;
- Văn phòng TW Đảng;
- Ban Nội chính Trung ương, Ban Dân vận TW;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chính phủ;
- Ủy ban VHGDTTNNĐ của Quốc hội;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW (để phối hợp);
- Các Thứ trưởng BGDĐT;
- Các Thứ trưởng BTP;
- Các đơn vị thuộc BGDĐT (để thực hiện);
- Các đơn vị thuộc BTP (để thực hiện);
- SGDĐT các tỉnh, thành phố trực thuộc TW (để thực hiện);
- STP các tỉnh, thành phố trực thuộc TW (để thực hiện);
- Cổng thông tin điện tử BGDĐT, BTP;
- Lưu: VT BGĐT, BTP, Vụ PC BGDĐT (10b), Vụ VĐCXDPL BTP (10b).