Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 397/BGTVT-KHĐT

Hà Nội, ngày 17 tháng 01 năm 2012

 

CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 01/NQ-CP NGÀY 30/01/2012 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ NHỮNG GIẢI PHÁP CHỦ YẾU CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH THỰC HIỆN KH PHÁT TRIỂN KT-XH VÀ DỰ TOÁN NSNN NĂM 2012

Mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu:

Mục tiêu tổng quát của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012 đã được Quốc hội thông qua và ghi trong Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 03/01/2012 với những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2012 là:

Ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; bảo đảm phúc lợi xã hội; an sinh xã hội và cải thiện đời sống nhân dân; giữ vững ổn định chính trị, củng cố quốc phòng, bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế.

Trên cơ sở mục tiêu trên cùng với nhiệm vụ chủ yếu của Ngành năm 2012, Bộ Giao thông vận tải ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 03/01/2012 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2012 đồng thời giao nhiệm vụ cho các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ theo những nội dung sau:

1. Vận tải:

Chủ trì phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương nghiên cứu thực hiện các biện pháp phù hợp, hiệu quả để nâng cao năng lực vận chuyển hành khách công cộng ở các đô thị lớn; phát triển hình thức vận tải đa phương thức, cải thiện hệ thống phương tiện và dịch vụ vận tải để đáp ứng yêu cầu về số lượng và chất lượng vận chuyển hành khách, hàng hóa tại các nhà ga, bến cảng và bình ổn giá góp phần giải quyết ùn tắc giao thông đặc biệt ở các thành phố lớn, giải quyết việc tồn đọng ùn ắc hàng hóa tại các cảng biển.

Phấn đấu cả năm vận chuyển hàng hóa tăng trưởng 8% về tấn, 6% về TKm; vận chuyển khách tăng 9% về khách, 8% về HKKm so với năm 2011.

Hàng thông qua cảng biển ước đạt trên 313 triệu tấn, so với cùng kỳ năm trước tăng 9 đến 11%. Trong đó: Hàng khô tăng 9%, container tăng 13 đến 15%, hàng lỏng tăng 6%, hàng quá cảnh tăng trên 10%.

(Vụ Vận tải; các Tổng cục/Cục chuyên ngành, các Tổng công ty 91, Sở GTVT).

2. Công nghiệp

- Công nghiệp ô tô: Phấn đấu tăng trưởng 15,6% về giá trị sản xuất và 8,8% doanh thu. Sản phẩm chủ yếu: Sản xuất 1580 xe khách và bus, 4490 xe tải, 1000 xe con, 10000 xe gắn máy, 32 trạm trộn các loại.

- Về công nghiệp tàu thủy: Cố gắng giữ vững thị trường truyền thống trong nước và nước ngoài, mở rộng tìm kiếm thị trường mới; chủ động trong kế hoạch sản xuất kinh doanh, tập trung nguồn lực hoàn thành các hợp đồng đóng mới tàu biển đang triển khai đúng tiến độ đã ký kết; chú trọng nâng cao năng lực công nghiệp sửa chữa và dịch vụ kỹ thuật biển.

(Vụ KHCN, Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy, Tổng Công ty Công nghiệp ôtô Việt Nam, Tổng công ty đường sắt Việt Nam, Tổng công ty đường sông Miền Bắc, Tổng công ty đường sông Miền Nam).

3. Xây dựng cơ bản

- Phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch nhà nước giao. Đẩy nhanh tiến độ các dự án đã được bố trí vốn, các dự án huy động vốn ngoài ngân sách nhà nước (BOT, PPP…) đang triển khai để sớm hoàn thành đưa vào khai thác phát huy hiệu quả đầu tư.

- Thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 1792/CT-TTg ngày 15/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ. Rà soát, sắp xếp ưu tiên bố trí vốn trả nợ KLHT các dự án đã hoàn thành, bàn giao, đưa vào sử dụng trước ngày 31/12/2011 nhưng chưa bố trí đủ vốn; các dự án có khả năng hoàn thành trong năm 2012 và một số dự án trọng điểm cấp bách để sớm đưa vào khai thác sử dụng phát huy hiệu quả đầu tư. Chủ động rà soát, điều hòa, điều chỉnh vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ năm 2012 trong phạm vi quản lý để tập trung vốn đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án; đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn, đặc biệt là nguồn vốn ODA.

- Tiếp tục hoàn chỉnh thủ tục đàm phán với các nhà tài trợ ODA để sớm ký kết Hiệp định vay vốn các dự án đầu tư đã có danh mục trong tài khóa; đàm phán, phối hợp chuẩn bị các dự án thuộc danh mục đầu tư trong tài khóa tới.

- Thực hiện đồng bộ các biện pháp để huy động các nguồn lực. Đẩy mạnh xã hội hóa trong đầu tư phát triển; huy động vốn ngoài ngân sách để triển khai thực hiện các dự án quan trọng, cấp thiết; tăng cường thu hút các nguồn lực xã hội cho đầu tư cơ sở hạ tầng GT, khuyến khích các hình thức đầu tư BOT, PPP…

- Quán triệt tổ chức thực hiện nghiêm kỷ luật Tài chính, ngân sách, tăng cường kiểm tra giám sát việc sử dụng ngân sách nhà nước, TPCP.

- Báo cáo Thủ tướng Chính phủ ưu tiên bố trí vốn đầu tư của nhà nước và các nguồn lực khác cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, ưu tiên đầu tư nâng cấp mở rộng Quốc lộ 1A với quy mô 4 làn xe, trước mắt là đoạn Thanh Hóa - Hà Tĩnh.

- Thực hiện tái cơ cấu đầu tư với trọng tâm là đầu tư công theo hướng nguồn vốn của nhà nước tập trung để đầu tư các công trình, dự án hạ tầng giao thông trọng yếu, có ý nghĩa quan trọng với sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.

- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các dự án, công trình giao thông bảo đảm chất lượng, hiệu quả; đẩy mạnh công tác quyết toán các dự án hoàn thành; phân giao các dự án, đề án phù hợp với năng lực của chủ đầu tư, đơn vị tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát…

(Vụ Kế hoạch đầu tư, các Vụ Tài chính, Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng CTGT và các Vụ tham mưu, các Tổng cục/Cục chuyên ngành, các Ban Quản lý dự án, các Sở Giao thông vận tải)

4. Công tác quản lý kết cấu hạ tầng giao thông

- Tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng giao thông. Nghiên cứu đề xuất sửa đổi hoặc ban hành mới một số cơ chế về quản lý kết cấu hạ tầng giao thông như: cho thuê khai thác kết cấu hạ tầng cảng biển được đầu tư bằng vốn nhà nước; thí điểm hình thức khoán mục tiêu, kinh phí (hoặc hợp đồng trọn gói) quản lý bảo trì đường bộ và công tác nạo vét, duy tu hàng hải tại các tuyến luồng trọng điểm.

- Xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả kế hoạch bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông, chú trọng công tác bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm, đầu mối, đường cao tốc, quốc lộ, đường sắt Bắc Nam, cảng biển quốc tế… đồng thời tập trung hoàn thành việc xây dựng Đề án Quỹ bảo trì, duy tu kết cấu hạ tầng giao thông.

(Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông, Vụ Tài chính, các Vụ tham mưu, các Tổng cục/Cục chuyên ngành)

5. Công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn

- Xây dựng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hàng hải Việt Nam…

- Phối hợp, tham gia với các Bộ ngành trong việc sửa đổi, bổ sung xây dựng mới quy định pháp luật về đấu thầu, xây dựng, đất đai, Luật Đầu tư công và mua sắm công gắn với quá trình xây dựng Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quy hoạch, Luật Hợp tác xã (sửa đổi)…

- Tham gia, phối hợp với các Bộ KH&ĐT, Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên & Môi trường nghiên cứu, xây dựng, rà soát, điều chỉnh cơ chế chính sách liên quan đến công tác đầu tư xây dựng theo hình thức huy động vốn tham gia ngoài NSNN như BOT, BT, BT…, công tác GPMB, công tác quản lý chất lượng…

- Đổi mới cơ chế quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực đầu tư xây dựng.

- Xây dựng Đề án thống kê dữ liệu kết cấu hạ tầng giao thông và đánh giá tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; xây dựng một số quy trình, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, định mức kinh tế - kỹ thuật về quản lý bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông.

(Vụ Pháp chế, Vụ KHCN, Vụ KCHT, các Vụ tham mưu, Tổng cục/Cục, Cục Quản lý xây dựng & Chất lượng CTGT, các Tổng công ty 91)

6. Công tác quy hoạch

- Tiếp tục hoàn thiện, ban hành và tổ chức triển khai thực hiện: Đề án “Xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2020”; Đề án “Công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành Giao thông vận tải”.

- Tiếp tục triển khai lập các quy hoạch chuyên ngành (cảng sông, cảng biển, cảng hàng không, tuyến đường sắt, hệ thống bến bãi vận tải, giao nhận, kho tập kết tại các cửa khẩu…) phù hợp với quy hoạch phát triển ngành đã được duyệt. Lập mới, rà soát, điều chỉnh các quy hoạch theo yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đồng thời cần chủ động rà soát, nghiên cứu đề xuất điều chỉnh quy hoạch để đảm bảo phù hợp với tình hình mới.

- Tích hợp, lồng ghép các yếu tố của biến đổi khí hậu trong quá trình xây dựng, rà soát, điều chỉnh chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải (triển khai Quyết định 2139/QĐ-TTg ngày 05/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu).

(Vụ Kế hoạch đầu tư, Môi trường và các Vụ tham mưu, các Tổng cục/Cục, Viện Chiến lược & PTGTVT và các đơn vị tư vấn)

7. Công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông và an toàn lao động

- Tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết số 88/NQ-CP ngày 24/08/2012 của Chính phủ về tăng cường thực hiện các giải pháp trọng tâm bảo đảm trật tự an toàn giao thông qua việc thực hiện kế hoạch hành động “Năm An toàn giao thông 2012” của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia và Bộ Giao thông vận tải trên tất cả các lĩnh vực đường bộ, đường sắt, hàng hải, hàng không và đường thủy nội địa; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về bảo đảm trật tự an toàn giao thông, góp phần với các Bộ, ngành và chính quyền các địa phương giảm tai nạn giao thông từ 5% đến 10% trên cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương, thiết lập kỷ cương về trật tự an toàn giao thông trên phạm vi cả nước;

- Chỉ đạo ban hành việc xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, các đề án bảo đảm trật tự an toàn giao thông được giao trong Nghị quyết số 88/NQ-CP ngày 24/08/2011;

- Đẩy mạnh việc thực hiện các dự án an toàn giao thông, chống ùn tắc giao thông, xử lý các điểm đen trên đường bộ, đường ngang mất an toàn trên đường sắt; đẩy nhanh tiến độ giải tỏa hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt theo Quyết định số 1856 của Chính phủ; thực hiện việc phân làn giao thông, tổ chức giao thông hợp lý trên các tuyến quốc lộ trọng điểm có mật độ phương tiện tham gia giao thông cao;

- Nâng cao chất lượng của công tác đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe, đăng kiểm phương tiện cơ giới đường bộ, chống tiêu cực trong hoạt động này;

- Tăng cường công tác giám sát tải trọng xe trên đường bộ, khôi phục hoạt động của một số trạm kiểm tra tải trọng xe trên các quốc lộ.

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về đảm bảo trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là đạo đức của người điều khiển phương tiện khi tham gia hoạt động kinh doanh vận tải;

- Chỉ đạo lực lượng thanh tra giao thông phối hợp chặt chẽ với lực lượng cảnh sát giao thông phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông;

- Phối hợp với hai thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh triển khai quyết liệt các giải pháp trọng tâm như chống ùn tắc giao thông đã được xác định trong Nghị quyết số 88/NQ-CP của Chính phủ.

- Tuyệt đối tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về bảo đảm an toàn lao động; thường xuyên kiểm tra đánh giá tình hình chấp hành quy định về an toàn lao động; có chế tài xử lý nghiêm khắc các trường hợp xảy ra mất an toàn lao động.

(Vụ An toàn giao thông, Cục Quản lý xây dựng & chất lượng CTGT và các cơ quan đơn vị thuộc Bộ)

8. Công tác cải cách hành chính

- Tiếp tục triển khai chương trình hành động của Chính phủ về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước, ban hành và chỉ đạo thực hiện Chương trình cải cách hành chính giai đoạn 2011 - 2020 của Bộ.

- Rà soát, nghiên cứu cắt giảm, bổ sung các thủ tục hành chính để đảm bảo tính thống nhất, chặt chẽ, tránh trùng lặp, chồng chéo, tuân thủ thực hiện đơn giản tiện lợi.

- Công bố, công khai, minh bạch đầy đủ, kịp thời thông tin, thủ tục hành chính đến các cơ quan, đơn vị, tổ chức, người dân…

(Văn phòng Bộ, Vụ Tổ chức cán bộ, các cơ quan đơn vị thuộc Bộ)

9. Công tác giáo dục đào tạo và sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp

- Thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp trọng tâm là doanh nghiệp nhà nước thuộc ngành. Rà soát, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách và mô hình về thực hiện chức năng quản lý nhà nước và chức năng quản lý của chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước. Tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp của Bộ GTVT theo thẩm quyền.

- Thực hiện nghiêm túc phương án sắp xếp doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2015 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Khẩn trương lập phương án, triển khai tái cơ cấu từng doanh nghiệp phù hợp với chủ trương của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Rà soát các doanh nghiệp thành viên, công ty liên doanh, liên kết để đẩy nhanh công tác cổ phần hóa, thoái vốn tại các ngành, lĩnh vực nhà nước không cần nắm giữ vốn. Tập trung vốn đầu tư vào ngành nghề sản xuất kinh doanh chính, không đầu tư ngoài ngành, nhất là các lĩnh vực tài chính, bảo hiểm, bất động sản, chứng khoán. Có phương án, kế hoạch thoái vốn đối với các khoản đầu tư ra ngoài ngành nghề sản xuất kinh doanh theo lộ trình phù hợp.

- Thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển kinh tế giáo dục và đào tạo, triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia về giáo dục.

(Ban Đổi mới và Quản lý doanh nghiệp GTVT, Vụ Tài chính, Vụ Tổ chức cán bộ, các Tập đoàn, Tổng công ty, công ty thuộc Bộ, Viện, trường thuộc Bộ)

10. Khoa học công nghệ

- Tập trung xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ trọng điểm cấp nhà nước trong nghiên cứu cơ bản, đặc biệt là các lĩnh vực có nhu cầu và tiềm năng phát triển; thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ khoa học và công nghệ trọng điểm phục vụ quốc phòng, an ninh, ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế biển, chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

- Tiếp tục nghiên cứu áp dụng công nghệ mới trong xây dựng công trình ngầm; nghiên cứu sử dụng đường bằng bêtông ximăng, vật liệu mới trong xây dựng đường giao thông phù hợp với điều kiện Việt Nam. Xây dựng, điều chỉnh bổ sung quy trình, tiêu chuẩn kỹ thuật, các định mức trong xây dựng cơ bản ngành giao thông vận tải phục vụ công tác quản lý của Bộ Giao thông vận tải.

- Tiếp tục nghiên cứu định hướng công nghệ cơ bản áp dụng chung cho hệ thống ITS trên các tuyến đường cao tốc trong cả nước và các thành phố lớn để phục vụ công tác quản lý, điều hành giao thông của Bộ Giao thông vận tải trong lĩnh vực đường bộ và đảm bảo an toàn giao thông trong quá trình khai thác.

- Tăng cường công tác quản lý kiểm tra đánh giá hiệu quả của hoạt động khoa học công nghệ sử dụng vốn ngân sách nhà nước theo Quy chế quản lý các đề tài, dự án khoa học công nghệ, quản lý tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.

(Vụ Khoa học Công nghệ, Viện Chiến lược và PTGTVT, Viện KHCN, TEDI, TEDIS, các đơn vị thuộc Bộ)

11. Bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu

- Thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường giai đoạn 2012- 2015.

- Tập trung thực hiện các nhiệm vụ thuộc Đề án kiểm soát ô nhiễm trong hoạt động giao thông vận tải đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 855/QĐ-TTg ngày 06/6/2011.

- Tăng cường công tác thống kê, tổng hợp các sự cố, thiệt hại đối với công trình, hoạt động giao thông vận tải do tác động của thiên tai đồng thời cập nhật kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng để chủ động đánh giá tác động và xây dựng giải pháp thích ứng trong từng lĩnh vực của ngành giao thông vận tải.

- Nâng cao nhận thức và đẩy mạnh thực hiện các biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong hoạt động giao thông vận tải.

- Triển khai công tác kiểm soát khí thải đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.

- Tăng cường công tác kiểm tra tuân thủ pháp luật bảo vệ môi trường trong các hoạt động đầu tư xây dựng, khai thác công trình kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, công nghiệp giao thông vận tải…

(Vụ Môi trường, các Vụ tham mưu, các Tổng cục/Cục, Tập đoàn, Tổng công ty 91)

12. Hợp tác quốc tế

- Tập trung triển khai có hiệu quả các hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế cả về song phương và đa phương trong các lĩnh vực hàng hải, hàng không, đường bộ, đường sắt và đường sông. Chủ động nghiên cứu đàm phán, tổ chức thực hiện các Điều ước quốc tế cũng như các Thỏa thuận quốc tế cấp Bộ với các đối tác tương ứng.

- Tiếp tục phát triển mối quan hệ hữu nghị truyền thống với các nước láng giềng truyền thống như Lào, Campuchia, Trung Quốc đi vào chiều sâu, hiệu quả thiết thực. Tăng cường mối quan hệ với các đối tác có tính chiến lược như Nhật Bản, Hàn Quốc…; với các tổ chức tài chính quốc tế như ADB, WB, JICA để thu hút đầu tư vào lĩnh vực giao thông vận tải… Tích cực mở rộng mối quan hệ với các đối tác quan trọng tiềm năng như Hoa Kỳ, Nga, EU…

- Chú trọng đề xuất và thúc đẩy công tác xúc tiến đầu tư nhằm thu hút các nguồn vốn trong lĩnh vực giao thông vận tải.

- Tham gia tích cực vào hoạt động của các tổ chức quốc tế như Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO), Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) để tranh thủ sự hợp tác trợ giúp và nâng cao vai trò của Việt Nam về liên kết, hội nhập giao thông vận tải trong khu vực và thế giới.

(Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Kế hoạch đầu tư, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các Cục chuyên ngành, các Tổng công ty 91)

13. Công tác thanh tra, kiểm tra; thực hiện Luật phòng chống tham nhũng và Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí:

- Kiểm soát việc thực hiện tiết kiệm, tiết giảm tối đa chi phí điện, nước, điện thoại, văn phòng phẩm, xăng dầu, chi phí hội nghị, hội thảo, khởi công, khánh thành, đi công tác trong, ngoài nước,…

- Tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát các công trình, dự án đầu tư sử dụng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ, bảo đảm tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Kiểm tra, giám sát công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ. Thực hiện minh bạch hóa chi tiêu ngân sách nhà nước và đầu tư công; tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp của Bộ theo thẩm quyền.

- Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, học tập, quán triệt Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Luật phòng chống tham nhũng; thực hiện tốt Nghị quyết 21/NQ-CP ngày 12/5/2009 của Chính phủ về Chiến lược quốc gia phòng chống tham nhũng đến năm 2020.

- Tăng cường thanh tra chuyên ngành đối với việc chấp hành pháp luật chuyên ngành. Tiếp tục tăng cường thanh tra công tác bảo vệ hành lang an toàn công trình giao thông.

- Tổ chức tốt việc tiếp nhận và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo; xử lý kịp thời đúng thẩm quyền, đúng pháp luật.

(Thanh tra Bộ, Vụ Tài chính, Vụ Tổ chức cán bộ, Cục Quản lý xây dựng và chất lượng CTGT, Vụ Kế hoạch đầu tư, các Tập đoàn, Tổng công ty 91 và các cơ quan đơn vị thuộc Bộ)

Theo chức năng, nhiệm vụ và các công việc được giao trong Chương trình hành động này, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các đơn vị xây dựng chương trình hành động của đơn vị mình, tổ chức thực hiện nghiêm túc và báo cáo đánh giá tổng kết gửi về Bộ trước ngày 01/12/2012 để tổng hợp gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 10/12/2012 theo quy định.

(Các đơn vị nghiên cứu Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 03/1/2012 trên website http://www.chinhphu.vn).

 

 

Nơi nhận:
- VP Chính phủ (để biết);
- Bộ KH&ĐT (để biết);
- Các Thứ trưởng (để chỉ đạo);
- Các cơ quan đơn vị thuộc Bộ;
- Tổng công ty 90 91, các Sở GTVT;
- UBAT GTQG;
- Lưu VT, KHĐT (5).

BỘ TRƯỞNG




Đinh La Thăng