TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO - BỘ TƯ PHÁP | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 162/CTPH-TANDTC-BTP | Hà Nội, ngày 08 tháng 4 năm 2019 |
CHƯƠNG TRÌNH PHỐI HỢP
PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT VÀ HÒA GIẢI Ở CƠ SỞ GIỮA TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO VÀ BỘ TƯ PHÁP GIAI ĐOẠN 2019 - 2023
Căn cứ Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật ngày 20 tháng 6 năm 2012;
Căn cứ Luật Hòa giải ở cơ sở ngày 20 tháng 6 năm 2013;
Căn cứ Luật Tổ chức Tòa án nhân dân ngày 24 tháng 11 năm 2014;
Căn cứ Nghị định số 96/2017/NĐ-CP ngày 16 tháng 8 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp;
Tòa án nhân dân tối cao và Bộ Tư pháp thống nhất ban hành Chương trình phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật và hòa giải ở cơ sở giữa Tòa án nhân dân tối cao và Bộ Tư pháp giai đoạn 2019-2023 như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
a) Tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa Tòa án nhân dân tối cao và Bộ Tư pháp (sau đây gọi là hai Bên) góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), hòa giải ở cơ sở.
b) Phát huy đầy đủ vai trò, thế mạnh và nguồn lực sẵn có của mỗi bên; nâng cao trách nhiệm của hệ thống Tòa án nhân dân và Bộ Tư pháp trong công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở.
2. Yêu cầu
a) Hoạt động phối hợp phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; bám sát yêu cầu nhiệm vụ chính trị và phù hợp với điều kiện, nguồn lực của mỗi bên; xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, nhất là đơn vị đầu mối và cơ chế phối hợp trong quá trình triển khai các nhiệm vụ.
b) Các hoạt động phối hợp được thực hiện thường xuyên với hình thức đa dạng, kịp thời, thiết thực, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm.
c) Chương trình phối hợp được cụ thể hóa, lồng ghép trong kế hoạch công tác hàng năm; định kỳ kiểm tra, sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả và đề ra phương hướng, nhiệm vụ phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
II. NỘI DUNG PHỐI HỢP
Phát huy vị trí vai trò của Tòa án nhân dân tối cao và Bộ Tư pháp trong việc tham gia tuyên truyền, PBGDPL và hòa giải ở cơ sở. Trong giai đoạn 2019-2023, hai Bên tăng cường phối hợp công tác để thực hiện có hiệu quả các nội dung nhiệm vụ sau đây:
1. Phối hợp trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật
a) Xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật, tổ chức góp ý kiến đối với các dự thảo văn bản, chương trình, đề án liên quan đến thực hiện công tác PBGDPL.
b) Xác định nội dung pháp luật phổ biến gắn với chức năng, nhiệm vụ của mỗi bên; phổ biến sâu rộng Hiến pháp, các Luật, Pháp lệnh mới ban hành, các văn bản pháp luật liên quan tới quyền, nghĩa vụ của người dân, công chức, viên chức, doanh nghiệp; lựa chọn các hình thức PBGDPL phù hợp với đối tượng được phổ biến và đặc thù của từng Bên; chú trọng thực hiện PBGDPL thông qua hoạt động xét xử của Tòa án nhân dân các cấp.
c) Triển khai có hiệu quả Luật phổ biến, giáo dục pháp luật, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật và Quyết định số 705/QĐ-TTg ngày 25/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2017-2021; hướng dẫn chủ đề, nội dung, hình thức PBGDPL, chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức có hiệu quả “Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
d) Phát huy đầy đủ vai trò của Tòa án nhân dân tối cao trong hoạt động của Hội đồng phối hợp PBGDPL Trung ương; phối hợp xây dựng, khai thác, sử dụng có hiệu quả đội ngũ Báo cáo viên pháp luật của Tòa án nhân dân các cấp và huy động đội ngũ Thẩm phán, cán bộ Tòa án tham gia công tác PBGDPL.
đ) Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực, kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ Báo cáo viên pháp luật, cán bộ phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, nguồn lực và điều kiện của mỗi bên.
e) Thực hiện thông tin, truyền thông về hoạt động chỉ đạo, điều hành, tổ chức triển khai các lĩnh vực công tác thuộc chức năng, nhiệm vụ của hai Bên theo cách thức phù hợp, gắn với ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ thuật số, huy động các nguồn lực trong xã hội tham gia.
g) Phối hợp tổ chức nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm, giải đáp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác PBGDPL và tăng cường thực hiện chính sách xã hội hóa công tác này.
2. Phối hợp trong công tác hòa giải ở cơ sở
a) Phổ biến về công tác hòa giải ở cơ sở; phối hợp xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về hòa giải và hòa giải ở cơ sở.
b) Chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện quy định về việc công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án theo Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; nghiên cứu, xây dựng các tài liệu nghiệp vụ về hòa giải tranh chấp dân sự và các tài liệu hướng dẫn quy trình, thủ tục công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án.
c) Chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện áp dụng các biện pháp xử lý chuyển hướng về hòa giải, các trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự khi người bị hại tự nguyện hòa giải và biện pháp hòa giải tại cộng đồng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) và Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
d) Tổ chức trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, tập huấn kiến thức pháp luật về hòa giải và đào tạo chuyên sâu về kỹ năng hòa giải ở cơ sở cho đội ngũ Hòa giải viên; giải đáp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động hòa giải thuộc lĩnh vực quản lý của mỗi bên.
e) Kịp thời phát hiện, thông tin, biểu dương những Tòa án, Thẩm phán, Hòa giải viên ở cơ sở, Tổ hòa giải có số vụ việc hòa giải thành cao để tuyên truyền, nhân rộng điển hình tiên tiến.
g) Động viên đội ngũ Thẩm phán đã nghỉ hưu tham gia làm Hòa giải viên ở cơ sở; tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ Tòa án đương chức tham gia bồi dưỡng, hỗ trợ kiến thức pháp luật, kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải cho Hòa giải viên ở cơ sở.
III. CÁC NHIỆM VỤ CỤ THỂ
1. Tòa án nhân dân tối cao
a) Phối hợp với Bộ Tư pháp triển khai thực hiện các nội dung phối hợp quy định tại Chương trình này.
b) Chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp thực hiện thông tin, truyền thông, đối thoại chính sách pháp luật về những lĩnh vực, vấn đề mà dư luận xã hội quan tâm hoặc cần định hướng dư luận xã hội liên quan đến tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân các cấp trong quá trình thực thi pháp luật; thực hiện phổ biến rộng rãi các án lệ sau khi được Tòa án nhân dân tối cao công bố.
c) Thường xuyên hướng dẫn, chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả Luật PBGDPL, Luật hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành cũng như việc thực hiện quy định về việc công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án theo Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 trong nội bộ hệ thống Tòa án nhân dân.
d) Tham gia tích cực, có chất lượng, hiệu quả vào các hoạt động của Hội đồng phối hợp PBGDPL Trung ương và Ban Thư ký giúp việc Hội đồng; hướng dẫn Tòa án nhân dân các cấp lồng ghép PBGDPL có hiệu quả cho nhân dân thông qua hoạt động xét xử của Tòa án; tích cực tham gia biên soạn các tài liệu phục vụ công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở.
đ) Chỉ đạo, hướng dẫn Tòa án nhân dân các cấp giới thiệu cán bộ, Thẩm phán Tòa án có kinh nghiệm, năng lực, trình độ tham gia làm Báo cáo viên pháp luật; tích cực tham gia tập huấn, truyền đạt kỹ năng, kinh nghiệm giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư cho đội ngũ Hòa giải viên ở cơ sở; tổng hợp, cập nhật, cung cấp cho cơ quan Tư pháp các tài liệu chuyên sâu có liên quan phục vụ triển khai công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở.
e) Chủ trì hoặc lồng ghép tổ chức các khóa bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực, kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ công tác thuộc phạm vi phối hợp cho đội ngũ cán bộ, Thẩm phán thuộc Tòa án nhân dân các cấp.
g) Cử thành viên tham gia các đoàn kiểm tra, khảo sát, hội nghị tập huấn, hội thảo, tọa đàm theo đề nghị của Bộ Tư pháp.
h) Mời đại diện Bộ Tư pháp tham gia các hội thảo, tập huấn, nghiên cứu, khảo sát do Tòa án nhân dân tối cao tổ chức có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tư pháp và lĩnh vực công tác phối hợp theo Chương trình.
2. Bộ Tư pháp
a) Chủ trì, phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao theo dõi, đôn đốc, tổ chức kiểm tra, sơ kết, tổng kết việc thực hiện Chương trình phối hợp.
b) Chủ trì, phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao tổ chức các Hội thảo, tọa đàm để trao đổi, thảo luận về các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL nói chung và cơ chế phối hợp giữa hai ngành trong công tác PBGDPL.
c) Hướng dẫn cơ quan Tư pháp các cấp tăng cường phối hợp, huy động đội ngũ cán bộ, Thẩm phán của Tòa án nhân dân các cấp tích cực tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở.
d) Cử chuyên gia, Báo cáo viên pháp luật tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; tập huấn, trao đổi kinh nghiệm, kỹ năng thực hiện hoạt động hòa giải các tranh chấp, mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư cho đội ngũ Hòa giải viên tại cơ sở; mời đại diện Tòa án nhân dân tối cao tham gia làm Báo cáo viên pháp luật tại các hội nghị tập huấn kiến thức pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở do Bộ Tư pháp tổ chức có nội dung phù hợp.
đ) Phối hợp triển khai sử dụng các kênh thông tin, truyền thông có hiệu quả của hai Bên; có giải pháp thực hiện việc kết nối thông tin thông suốt, đồng bộ trên cơ sở tận dụng nguồn lực sẵn có, gắn với triển khai Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL giai đoạn 2019 - 2021” sau khi được Thủ tướng Chính phủ ban hành.
e) Cử cán bộ, công chức tham gia các đoàn kiểm tra, khảo sát, hội nghị, hội thảo, tọa đàm về công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở theo đề nghị của Tòa án nhân dân tối cao.
g) Lồng ghép hiệu quả nội dung Chương trình phối hợp vào các Chương trình, Kế hoạch, Đề án đang triển khai có liên quan để tăng nguồn lực hỗ trợ hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật và hòa giải ở cơ sở.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Tòa án nhân dân tối cao giao Báo Công lý; Bộ Tư pháp giao Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật là các đơn vị đầu mối làm nhiệm vụ thường trực tham mưu triển khai thực hiện Chương trình phối hợp này.
Các đơn vị đầu mối có trách nhiệm tham mưu triển khai thực hiện, theo dõi, đánh giá, tổng hợp kết quả và kịp thời tham mưu cho Lãnh đạo hai Bên trong việc hướng dẫn, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, kiểm tra, sơ kết, tổng kết Chương trình phối hợp.
2. Định kỳ hằng năm, căn cứ nhiệm vụ do mỗi cơ quan chủ trì, hai Bên cùng triển khai thực hiện Chương trình, lồng ghép các hoạt động phối hợp cụ thể trong Kế hoạch công tác năm và tổ chức đánh giá kết quả thực hiện các nhiệm vụ phối hợp và thống nhất hoạt động năm tiếp theo. Hai Bên chủ động dự toán và bố trí kinh phí thực hiện nhiệm vụ của Chương trình này theo quy định pháp luật hiện hành và các nguồn xã hội hóa (nếu có).
3. Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan của Bộ Tư pháp và Tòa án nhân dân, Tòa án quân sự các cấp triển khai thực hiện Chương trình phối hợp này phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng địa phương.
4. Hằng năm, hai Bên phối hợp tổ chức họp sơ kết đánh giá kết quả thực hiện Chương trình; kết thúc giai đoạn tổ chức tổng kết, đánh giá việc thực hiện và đề ra phương hướng, giải pháp phối hợp trong giai đoạn tiếp theo; kịp thời khen thưởng những tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong triển khai thực hiện; tổ chức kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Chương trình phối hợp lồng ghép với việc thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn của hai Bên.
5. Sở Tư pháp, Tòa án nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động phối hợp, ký kết Kế hoạch phối hợp công tác để triển khai thực hiện Chương trình phối hợp này tại địa phương.
6. Trường hợp phát sinh nhu cầu đột xuất, đơn vị đầu mối thường trực của hai cơ quan chủ động phối hợp, xử lý hoặc đề xuất biện pháp và thống nhất báo cáo Lãnh đạo hai Bên xem xét, quyết định.
V. KINH PHÍ THỰC HIỆN
Kinh phí tổ chức thực hiện Chương trình này do các Bên tự đảm bảo từ nguồn ngân sách và các Chương trình, Kế hoạch, Đề án liên quan theo Kế hoạch hằng năm; đồng thời, huy động nguồn lực từ xã hội hóa để triển khai thực hiện.
Sở Tư pháp, Tòa án nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động tham mưu cho các cơ quan có thẩm quyền bố trí kinh phí thực hiện các nội dung theo chương trình, kế hoạch phối hợp đã ký kết.
VI. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Chương trình phối hợp này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị phản ánh về Tòa án nhân dân tối cao (qua Báo Công lý) và Bộ Tư pháp (qua Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật) để xem xét, giải quyết./.
TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO | BỘ TƯ PHÁP |
|
- 1 Quyết định 4249/QĐ-BNN-TTr năm 2019 về Kế hoạch thực hiện Đề án “Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2019-2021” do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 2 Quyết định 3729/QĐ-BVHTTDL năm 2019 về Kế hoạch thực hiện Đề án Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2019-2021 do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành
- 3 Nghị định 96/2017/NĐ-CP về quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp
- 4 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
- 5 Quyết định 705/QĐ-TTg năm 2017 Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2017-2021 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 6 Bộ luật hình sự 2015
- 7 Bộ luật tố tụng hình sự 2015
- 8 Bộ luật tố tụng dân sự 2015
- 9 Luật tổ chức Tòa án nhân dân 2014
- 10 Công văn 2961/BTP-PBGDPL năm 2014 xây dựng dự toán ngân sách nhà nước thực hiện nhiệm vụ công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở và hòa giải ở cơ sở năm 2015 do Bộ Tư pháp ban hành
- 11 Hiến pháp 2013
- 12 Luật hòa giải ở cơ sở năm 2013
- 13 Luật phổ biến, giáo dục pháp luật 2012
- 1 Quyết định 4249/QĐ-BNN-TTr năm 2019 về Kế hoạch thực hiện Đề án “Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2019-2021” do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 2 Quyết định 3729/QĐ-BVHTTDL năm 2019 về Kế hoạch thực hiện Đề án Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2019-2021 do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành
- 3 Công văn 2961/BTP-PBGDPL năm 2014 xây dựng dự toán ngân sách nhà nước thực hiện nhiệm vụ công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở và hòa giải ở cơ sở năm 2015 do Bộ Tư pháp ban hành