Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc Lập - Tự Do - Hạnh Phúc

Số 9783/BGD&ĐT-TƯĐTN

Hà Nội, ngày 6 tháng 10 năm 2003

 

 

CHƯƠNG TRÌNH PHỐI HỢP CÔNG TÁC NĂM HỌC 2003 – 2004 GIÃ BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO VÀ TRUNG ƯƠNG ĐOÀN TNCS HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Nghị quyết liên tịch số 10/2003/NQ-GD&ĐT-TƯĐTN ngày 17 tháng 3 năm 2003 giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh về “Tăng cường công tác học sinh, sinh viên và xây dựng Đoàn, Hội, Đội trong trường học giai đoạn 2003 - 2007” và nhiệm vụ năm học 2003 - 2004 của 2 ngành, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thống nhất triển khai Chương trình phối hợp công tác năm học 2003 - 2004.

A. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM

1. Tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, giáo dục đạo đức lối sống, tổ chức tốt các đợt sinh hoạt chính trị, trong đó tập trung triển khai tổ chức cho học sinh, sinh viên học tập tư tưởng Hồ Chí Minh, 6 bài học lý luận chính trị và giáo dục hướng nghiệp cho học sinh phổ thông.

2. Tổ chức các hoạt động thi đua học tập, rèn luyện, xung kích, tình nguyện đi đầu xây dựng xã hội học tập. Đối với phương pháp giảng dạy và học tập, tăng cường nền nếp, kỷ cương, ngăn chặn các hiện tượng tiêu cực trong giáo dục.

3. Đẩy mạnh phong trào học sinh, sinh viên tình nguyện thiết thực kỷ niệm 10 năm hoạt động tình nguyện của học sinh, sinh viên thời kỳ đổi mới và 5 năm phát động chiến dịch thanh niên học sinh, sinh viên tình nguyện - hè toàn quốc.

4. Tăng cường đoàn kết tập hợp thanh niên và củng cố các tổ chức Đoàn, Hội, Đội vững mạnh; tổ chức Đại hội Hội sinh viên các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc Hội sinh viên Việt Nam lần thứ VII; Tăng cường phát triển đoàn viên, hội viên, đội viên và đảng viên trẻ trong giáo viên, học sinh, sinh viên.

5. Phối hợp triển khai thực hiện tốt Quy chế đánh giá kết quả rèn luyện của học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp hệ chính quy và xếp loại học sinh khối các trường phổ thông.

6. Tham mưu đề xuất với Thủ tướng Chính phủ quy định về chế độ chính sách đối với cán bộ Đoàn, Hội, Đội và kinh phí hoạt động Đoàn, Hội, Đội trong trường học.

B. NỘI DUNG VÀ BIỆN PHÁP CHỦ YẾU

I. Tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên.

1. Tăng cường đẩy mạnh và đổi mới các hoạt động giáo dục Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bồi dưỡng lý luận chính trị, đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước, của Đoàn thanh niên, ngành Giáo dục.

- Phối hợp tổ chức các hình thức tìm hiểu, thi Olympic các môn khoa học Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong các trường đại học, cao đẳng, môn chính trị trong các trường trung học chuyên nghiệp, môn giáo dục công dân trong các trường trung học phổ thông; tích cực triển khai đợt sinh hoạt chính trị “Tuổi trẻ với tư tưởng Hồ Chí Minh” (Căn cứ theo Kế hoạch số 25/KH-TƯĐTN ngày 10 tháng 7 năm 2003 của Ban Bí thư Trung ương Đoàn) và 6 bài học lý luận chính trị cho đoàn viên thanh niên do TƯ Đoàn và Ban Tư tưởng - Văn hoá TƯ biên soạn, cao điểm vào dịp Tháng thanh niên và dịp kỷ niệm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

- Phối hợp tổ chức tốt Tuần sinh hoạt công dân - học sinh, sinh viên đầu năm học 2003 - 2004 theo tinh thần công văn số 5985/CTCT ngày 16 tháng 7 năm 2003 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

- Phối hợp tăng cường công tác tuyên truyền và tổ chức các hoạt động thiết thực trong tháng 3 - Tháng thanh niên - 2004 với các hoạt động thi đua, rèn luyện trong học tập, nghiên cứu khoa học, các hoạt động xung kích, tình nguyện.

2. Tăng cường tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống, giáo dục đạo đức, lối sống, nếp sống.

- Tuyên truyền về truyền thống phong trào học sinh, sinh viên Việt Nam và Hội sinh viên Việt Nam. Tổ chức tốt các diễn đàn góp ý Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu toàn quốc Hội sinh viên Việt Nam lần thứ VII và Điều lệ Hội sinh viên Việt Nam sửa đổi; tổ chức các hoạt động chào mừng Đại hội.

- Tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ: Phối hợp tổ chức tốt cuộc thi “Tìm hiểu lịch sử, đất nước, con người Điện Biên Phủ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” theo chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Tổ chức các hình thức thi tìm hiểu lịch sử chiến thắng Điện Biên Phủ. Hội trại, mít tinh kỷ niệm...

- Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, các sinh hoạt chính trị kỷ niệm 90 năm ngày sinh đồng chí Lý Tự Trọng với các nội dung giáo dục về lý tưởng cộng sản và chí khí cách mạng của đồng chí Lý Tự Trọng, người Đoàn viên TNCS đầu tiên của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.

- Tuyên tuyền giới thiệu cho học sinh, sinh viên về lịch sử SEA Games, về quan hệ hữu nghị Việt Nam với các nước ASEAN, về SEA Games 22, PARA Games 2 lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam với tinh thần hoà bình - hữu nghị - hợp tác và phát triển.

- Tổ chức các diễn đàn về nếp sống, lối sống: đẩy mạnh phong trào nói lời hay, làm việc tốt: thực hiện tốt 5 điều Bắc Hồ dạy thiếu niên, nhi đồng.

3. Tăng cường công tác giáo dục luật pháp, ý thức công dân và nâng cao cảnh giác cách mạng cho học sinh, sinh viên:

- Tập trung tuyên truyền cho học sinh, sinh viên thực hiện tốt Luật an toàn giao thông, thực hiện tốt “4 không”: không điều khiển mô tô, xe máy khi không có giấy phép lái xe; không lạng lách, đánh võng, vượt quá tốc độ quy định khi điều khiển mô tô, xe máy, xe đạp: không cổ vũ và đua xe trái phép; không điều khiển mô tô, xe máy khi đã uống rượu, bia.

- Củng cố, phát triển và tăng cường lãnh đạo, hướng dẫn hoạt động của mạng lưới thăm dò dư luận xã hội trong học sinh, sinh viên nhằm chủ động nắm bắt tình hình diễn biến tư tưởng của học sinh, sinh viên, kịp thời vạch rõ âm mưu, hoạt động “diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch.

- Tăng cường các hình thức giáo dục và định hướng nội dung truy cấp Internets cho học sinh, sinh viên. Phòng tránh truy cập các Website có nội dung xấu. Tổ chức các hoạt động phòng chống việc truyền đạo trái phép trong học sinh, sinh viên.

- Tăng cường các hoạt động đối thoại giữa lãnh đạo trường với học sinh, sinh viên. Tổ chức định kỳ các buổi nói chuyện thời sự, trang bị báo chí của 2 ngành, thông tin qua bảng tin, hệ thống truyền thanh của trường tại ký túc xá.

4. Tập trung thực hiện tốt công tác giáo dục hướng nghiệp và dạy nghề, đặc biệt là cho học sinh phổ thông:

Tăng cường định hướng, tư vấn, giúp đỡ học sinh, sinh viên trong việc chọn nghề phù hợp với năng lực sở trường của bản thân cũng như yêu cầu của xã hội, nhất là với học sinh phổ thông thông qua các cuộc gặp mặt, toà đàm giữa doanh nghiệp, các chuyên gia tư vấn, lãnh đạo các địa phương với học sinh, sinh viên.

II. Đẩy mạnh phong trào "Tuổi trẻ thi đua, tình nguyện xây dựng và bảo vệ Tổ quốc".

1. Tổ chức phong trào thi đua học tập, tiến quân vào khoa học công nghệ, xung kích đi đầu xây dựng xã hội học tập.

- Tăng cường công tác giáo dục thái độ, động cơ học tập đúng đắn cho học sinh, sinh viên. Đồng thời đẩy mạnh công tác phối hợp phòng chống các tiêu cực, gian lận trong học tập, thi và kiểm tra. Tổ chức sâu rộng các hình thức diễn đàn, sinh hoạt chi đoàn, chi hội, Chi đội như: “Tiêu cực trong thi và kiểm tra - Thái độ của bạn?”. “Thực hiện Quy chế thi, kiểm tra - hành động của bạn?”...; tổ chức phát động các kỳ thi nghiêm túc, chất lượng; khuyến khích sự sáng tạo của các đơn vị trong việc góp phần thực hiện tốt Quy chế thi cử, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

- Thường xuyên tổ chức các đợt thi đua, giờ học tốt, tuần học tốt, tháng học tốt: các cuộc thi Olympic các môn học: các diễn đàn, hội thảo, sinh hoạt chuyên đề từ chi đoàn đến cấp trường, cụm trường: tăng giờ mở giảng đường, thư viện vào những ngày nghỉ dành cho học sinh, sinh viên tự học, tự nghiên cứu. Duy trì và phát triển hệ thống câu lạc bộ học thuật; khuyến khích phát triển các hình thức giúp nhau trong học tập như: Đôi bạn cùng tiến, nhóm tình nguyện,...

- Đẩy mạnh phong trào tập sự nghiên cứu khoa học và nghiên cứu khoa học; hỗ trợ học sinh, sinh viên tiếp cận với công nghệ mới, với thực tế sản xuất, tham gia chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật phục vụ sản xuất và đời sống. Tổ chức Đoàn, Hội chủ động đề xuất nhà trường phân công giáo viên giỏi hướng dẫn học sinh, sinh viên nghiên cứu khoa học, rèn luyện tay nghề, nghiệp vụ, thường xuyên phát động phong trào nghiên cứu khoa học và định kỳ phối hợp với nhà trường tổ chức các hội nghị báo cáo khoa học, hội thi tay nghề, nghiệp vụ, thi sáng tạo và ứng dụng công nghệ mới...; Phối hợp tổ chức tốt các kỳ kiến tập, thực tập, tham quan cơ sở sản xuất; khuyến khích các trường tổ chức các Hội nghị khoa học, công nghệ tuổi trẻ theo khối ngành.

- Tổ chức vận động, khuyến khích học sinh, sinh viên đi đầu trong việc học ngoại ngữ và tin học; Phấn đấu nâng dần tỷ lệ học sinh, sinh viên sử dụng thành thạo tin học và ngoại ngữ phục vụ tốt cho việc học tập và nghiên cứu khoa học. Phối hợp tổ chức tốt Hội thi tin học trẻ không chuyên toàn quốc năm 2004.

2. Tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao, tích cực đấu tranh phòng chống tệ nạn ma tuý, tệ nạn xã hội, xây dựng trường học có đời sống văn hoá tốt.

- Tổ chức tốt các hoạt động văn hoá, thể thao từ cơ sở nhằm giáo dục học sinh, sinh viên phát triển toàn diện như: Hội diễn văn nghệ, hội thi các đội tuyên truyền ca khúc cách mạng, hội thi học sinh, sinh viên thanh lịch, các giải thể thao... theo hướng tăng cường các hoạt động văn hoá do chính thanh niên học sinh, sinh viên tổ chức.

- Tăng cường phối hợp với các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp theo hướng xã hội hóa các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao cho học sinh sinh viên. Tập trung tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao ở các cấp hưởng ứng và chào mừng SEA Games 22 và PARA Games 2, hướng tới Hội khoẻ Phù đổng toàn quốc và Hội thi “Tiếng hát sinh viên toàn quốc” năm 2004.

- Tổ chức các hoạt động giao lưu kết nghĩa giữa sinh viên, học sinh với lực lượng vũ trang, thanh niên trên địa bàn dân cư.

- Thường xuyên tổ chức các hoạt động nhằm sử dụng có hiệu quả Nhà Văn hoá học sinh, sinh viên; Nhà thi đấu Thể dục thể thao; Nhà đa năng; Các Câu lạc bộ sở thích, các thiết chế văn hoá phục vụ sinh hoạt ngoài giờ học của học sinh, sinh viên.

- Tăng cường các hình thức tuyên truyền, kiểm tra, tổ chức các hoạt động thu hút học sinh, sinh viên tham gia phòng chống tiêu cực, tội phạm và tệ nạn xã hội nhất là ma tuý, phòng chống lây nhiễm HIV - AIDS... trong học sinh, sinh viên.

- Các tổ chức Đoàn thanh niên, Hội sinh viên hăng hái đi đầu trong việc hưởng ứng thực hiện cuộc vận động phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá trong trường học”, xây dựng các trường học, cơ quan giáo dục trở thành đơn vị có đời sống văn hoá tốt, thực hiện tốt phong trào toàn dân “Rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”.

3. Tăng cường chỉ đạo và phối hợp tổ chức phong trào học sinh, sinh viên tình nguyện.

- Chú trọng đẩy mạnh các hoạt động tình nguyện tại chỗ, tình nguyện thường xuyên trong năm học thông qua các hoạt động học tập, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức... bằng các hình thức “Ngày thứ bảy tình nguyện”, “Ngày chủ nhật xanh”, “Ngày môi trường”, “Ngày vì đàn em thân yêu”... góp phần xây dựng nhà trường xanh - sạch - đẹp, giáo dục ý thức vì cộng đồng cho học sinh, sinh viên.

- Tiếp tục tổ chức tốt hoạt động “Tiếp sức mùa thi”, tham gia phục vụ các kỳ tuyển sinh các cấp năm 2004.

- Tổ chức các đội học sinh, sinh viên tình nguyện tham gia giải toả ùn tắc giao thông nhất là ở các giao lộ, cổng trường...; phòng chống tệ nạn xã hội, đảm bảo an ninh trật tự, Tổ chức tốt các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn, chăm sóc thiếu niên nhi đồng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, tuyên truyền và hiến máu nhân đạo.

- Tổ chức tốt chiến dịch thanh niên học sinh, sinh viên tình nguyện - Hè 2004 và các hoạt động tình nguyện theo hướng học sinh, sinh viên vận dụng kiến thức được học ở nhà trường phục vụ cộng đồng, phục vụ nhân dân theo phương châm “Học đi đôi với hành” với các nội dung: Tham gia phát triển kinh tế - xã hội, xoá đói, giảm nghèo; giữ gìn và bảo vệ môi trường, trật tự an toàn giao thông, đấu tranh phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội; các hoạt động xã hội; các hoạt động văn hoá cộng đồng;...

- Tổ chức giới thiệu 100% học sinh, sinh viên tham gia các hoạt động tình nguyện tại địa phương trong kỳ nghỉ hè.

- Tuyên truyền, động viên sinh viên, học sinh trung học chuyên nghiệp tốt nghiệp tình nguyện đến các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn công tác góp phần phát triển kinh tế, văn hoá xã hội ở những nơi khó khăn.

III. Tăng cường xây dựng, củng cố tổ chức Đoàn, Hội, Đội: tích cực tham gia xây dựng nhà trường vững mạnh toàn diện.

- Các nhà trường quan tâm, tạo điều kiện đào tạo, bồi dưỡng và cử cán bộ giáo viên trẻ, sinh viên, học sinh có năng lực làm cán bộ Đoàn, Hội, Đội; Quy định thời gian, kinh phí, địa điểm cho sinh hoạt và các hoạt động Đoàn, Hội, Đội đảm bảo theo Điều lệ Đoàn, Hội, Đội; phối hợp với các cấp bộ Đoàn xây dựng kế hoạch tổ chức Đại hội, tập huấn cán bộ, tổng kết các Nghị quyết, các cuộc vận động của Đoàn, Hội, Đội, phục vụ các nhiệm vụ chính trị của nhà trường.

- Tập trung nâng cao chất lượng công tác tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ Đoàn, Hội, Đội, cán bộ làm công tác học sinh, sinh viên. Quán triệt và triển khai sâu rộng 2 Nghị quyết Hội nghị lần thứ 3 của Ban chấp hành Trung ương Đoàn khoá VIII về “Công tác cán bộ trong tình hình mới” và “Đoàn kết tập hợp thanh niên vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Tăng cường chỉ đạo, đổi mới hình thức sinh hoạt chi đoàn; tổ chức tốt các hình thức sinh hoạt đội, nhóm, câu lạc bộ và hoạt động quy mô lớn phù hợp với tâm lý lứa tuổi. Phối hợp tổ chức Hội nghị tập huấn cán bộ Hội Sinh viên toàn quốc vào dịp tháng 4/2004.

- Rà soát, sắp xếp, củng cố lại bộ máy tổ chức theo Điều lệ Đoàn và Hướng dẫn thực hiện Điều lệ Đoàn khoá VIII; đặc biệt là các vấn đề về Ban cán sự Đoàn, Đoàn trong các Đại học Quốc gia, Đại học khu vực, Liên chi đoàn... thực hiện đúng quy định “Đoàn trong các trường đại học và cao đẳng là cấp bộ Đoàn tương đương cấp huyện...” để thống nhất trong công tác tổ chức và chỉ đạo trên phạm vi toàn quốc. Tăng cường công tác phát triển đoàn viên, hội viên, đội viên và triển khai thực hiện “Chương trình rèn luyện đoàn viên”, “Rèn luyện đội viên”, quản lý đoàn viên, đoàn viên sinh hoạt 2 chiều.

- Các trường đại học, cao đẳng tổ chức tốt Đại hội, Hội nghị đại biểu Hội sinh viên và tích cực tham gia các hoạt động chuẩn bị và tổ chức Đại hộc đại biểu toàn quốc Hội sinh viên Việt Nam lần thứ VII. Xúc tiến thành lập tổ chức Hội sinh viên ở các trường chưa có tổ chức Hội.

- Bộ Giáo dục và Đào tạo và Trung ương Đoàn phối hợp khảo sát thực trạng và tổ chức Hội nghị về chương trình, nội dung và đội ngũ giảng dạy môn học Đoàn, Hội, Đội ở các trường sư phạm; quy định thống nhất về đội ngũ giáo viên, chương trình, nội dung giảng dạy, đưa môn học Đoàn, Hội, Đội trở thành môn học chính thức trong các trường sư phạm.

- Tăng cường chỉ đạo thực hiện cuộc vận động “Đoàn viên thanh niên phấn đấu trở thành đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam”, trong đó chú trọng đổi mới phương pháp và hình thức bồi dưỡng đoàn viên ưu tú giới thiệu với Đảng xem xét kết nạp; chú trọng phát triển đảng đối với các đối tượng: Sinh viên đại học, cao đẳng, học sinh trung học chuyên nghiệp, trung học phổ thông, Tổng phụ trách Đội, Cố vấn Đoàn, Trợ lý thanh niên, Bí thư Đoàn thanh niên và cán bộ giáo viên trẻ.

IV. Thực hiện cơ chế chính sách, công tác học sinh, sinh viên nội, ngoại trú và học sinh, sinh viên Việt Nam đang học tập ở nước ngoài.

- Bộ Giáo dục và Đào tạo và Trung ương Đoàn tích cực xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ về chế độ chính sách đối với cán bộ Đoàn, Hội, Đội và kinh phí hoạt động Đoàn, Hội, Đội trong trường học theo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 09/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ ngày 28 tháng 1 năm 2003 trong năm học 2003 - 2004.

- Thực hiện theo các quy định hiện hành về chế độ làm việc của giảng viên, giáo viên làm công tác đoàn thể trong nhà trường và thông báo số 2612/VP ngày 5 tháng 4 năm 2000 về “Kết quả làm việc giữa lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo và Ban Bí thư Trung ương Đoàn” của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đối với Tổng phụ trách Đội thực hiện nghiêm chế độ theo quy định tại Thông tư 23 ngày 15 tháng 1 năm 1996 của liên ngành Ban TCCBCP (nay là Bộ Nội vụ) - Bộ Giáo dục và Đào tạo - Bộ Tài chính - Trung ương Đoàn về việc “Hướng dẫn chế độ công tác và phụ cấp trách nhiệm đối với giáo viên làm tổng phụ trách Đội TNTP Hồ Chí Minh”. Tuỳ theo điều kiện cụ thể, khuyến khích các trường hỗ trợ thêm các chế độ phụ cấp đối với cán bộ Đoàn, Hội, Đội.

- Định kỳ, Lãnh đạo nhà trường làm việc tập thể với Ban thường Vụ hoặc làm chấp hành Đoàn thanh niên, Hội LHTN, Hội sinh viên. Tổng phụ trách và Ban chỉ huy liên đội về hoạt động của tổ chức Đoàn, Hội, Đội trong nhà trường.

- Các nhà trường bố trí văn phòng làm việc, cơ sở vật chất và trang bị sách nghiệp vụ, các loại báo, tạp chí của Đoàn, Hội, Đội cho Đoàn Thanh niên, Hội LHTN. Hội Sinh viên, Đội TNTP hoạt động: phối hợp với Đoàn Thanh niên địa phương sử dụng thích hợp, có hiệu quả sân trường, phòng học để làm điểm tổ chức sinh hoạt, vui chơi cho thiếu niên nhi đồng, đặc biệt trong thời gian nghỉ hè.

- Tăng cường vai trò của Đoàn Thanh niên, Hội LHTN, Hội Sinh viên, Đội TNTP Hồ Chí Minh trong các hội đồng thi đua khen thưởng, kỷ luật.

- Các trường bố trí cán bộ chuyên trách Đoàn theo Quy định: Đối với các cơ sở trường học có 1000 đoàn viên trở lên được bố trí cán bộ Đoàn chuyên trách (Hướng dẫn số 63 ngày 10 tháng 8 năm 2001 của Ban Tổ chức Trung ương Đảng và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh).

- Phối hợp triển khai cho sinh viên và học sinh trung học chuyên nghiệp và dạy nghề vay Quỹ tín dụng đào tạo; vận động học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm thân thể.

- Tăng cường công tác học sinh, sinh viên nội, ngoài trú và quản lý học sinh sinh viên Việt Nam đang học tập, công tác và đào tạo ở nước ngoài theo các Quy định hiện hành.

- Kết quả công tác Đoàn, Hội, Đội là chỉ tiêu đánh giá, xếp loại thi đua của các trường, lớp. Cán bộ Đoàn là giáo viên. Tổng phụ trách, trợ lý hoặc cố vấn thanh niên đạt danh hiệu giỏi cấp nào thì được hưởng các quyền lợi về khen thưởng như giáo viên giỏi cấp đó.

- Thực hiện nghiêm chỉnh Quy chế 42/2002/QĐ-BGD&ĐT về việc đánh giá kết quả rèn luyện của học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp. Làm tốt việc đánh giá cho điểm kết quả tham gia các hoạt động tình nguyện, các hoạt động Đoàn, Hội, Đội theo Quy chế rèn luyện đối với các trường đào tạo và làm căn cứ xếp loại học sinh khối các trường phổ thông. Cán bộ Đoàn, Hội, Đội là học sinh, sinh viên khi được khen thưởng thì được cộng điểm rèn luyện theo quy định và được hướng các quyền lợi khác như tham quan, nghỉ mát...

C. CÁC HOẠT ĐỘNG PHỐI HỢP CẤP TOÀN QUỐC

- Đại hội đại biểu toàn quốc Hội sinh viên Việt Nam lần thứ VII (tháng 12 năm 2003).

- Tổ chức Hội nghị khoa học tuổi trẻ các trường đại học, cao đẳng khối Nông Lâm (ĐH Nông nghiệp I đăng cai - tháng 9 năm 2003), Hội nghị khoa học tuổi trẻ cả trường đại học, cao Đẳng Y - Dược (ĐH Y tế cộng đồng đăng cai - tháng 5 năm 2004). Hội nghị khoa học trẻ các trường đại học Kinh tế ( Đại học kinh tế Quốc dân Hà Nội đăng cai - tháng 3 năm 2004) và các Hội nghị khoa học, các cuộc thi Olimpic khác.

- Tập huấn cán bộ Hội sinh viên toàn quốc tháng 4 năm 2004.

- Tổ chức Chiến dịch thanh niên học sinh, sinh viên tình nguyện - hè 2004 (ngày 1 tháng 6 năm 2004 đến 31 tháng 8 năm 2004) và tổng kết 5 năm phát động chiến dịch Thanh niên học sinh sinh viên tình nguyện hè từ năm 2000 đến năm 2004 (tháng 9 năm 2004) và 10 năm hoạt động tình nguyện của học sinh, sinh viên thời kỳ đổi mới.

- Tổ chức Hội khoẻ phù đổng toàn quốc (tháng 8/2004).

- Tổ chức thi Olympic các môn khoa học Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong các trường ĐH, CĐ (tháng 3/2004).

- Tổ chức giải Bóng chuyền bãi biển sinh viên toàn quốc (tháng 7 năm 2004)

- Tổ chức giải Bóng đá sinh viên toàn quốc (tháng 9/2004)

D. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

I. Cấp Trung ương:

- Tổ chức hướng dẫn, kiểm tra việc triển khai thực hiện Chương trình phối hợp năm học 2003 - 2004; đặc biệt tăng cường hướng dẫn theo chuyên đề, chỉ đạo nhân rộng cách làm sáng tạo, các mô hình hiệu quả.

- Phối hợp với các cơ quan hữu quan tổ chức các hoạt động cấp toàn quốc.

- Tập trung phối hợp với các cơ quan hữu quan tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định về chế độ chính sách đối với ôans bộ Đoàn, Hội, Đội và kinh phí hoạt động Đoàn, Hội, Đội trong trường học.

- Chỉ đạo các cơ quan tuyên truyền của 2 ngành đưa tin phản ánh kịp thời các hoạt động của  ngành, những nhân tố điển hình, mô hình hay, cách làm sáng tạo của các địa phương, trường học.

II. Các Sở Giáo dục và Đào tạo, các tỉnh, thành Đoàn, Đoàn trực thuộc các Đại học, các trường Đại học, Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp:

- Triển khai thực hiện chương trình phối hợp phù hợp với đặc điểm tình hình địa phương, đơn vị; phối hợp hướng dẫn, kiểm tra đánh giá các trường thực hiện chương trình phối hợp.

- Dành một phần kinh phí tiến hành triển khai Chương trình phối hợp, tập huấn, kiểm tra, sơ kết, tổng kết và khen thưởng.

- Thường xuyên thông tin, báo cáo việc triển khai thực hiện Chương trình phối hợp. Thời hạn gửi Báo cáo kết quả thực hiện Chương trình phối hợp về Thường trực Ban chỉ đạo Nghị quyết 10 (Vụ Công tác học sinh, sinh viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo 49 Đại Cồ Việt - Hà Nội; Ban Thanh niên Trường học Trung ương Đoàn 64 Bà Triệu - Hà Nội) trước ngày 30 tháng 6 năm 2004.

Các ông, bà Chánh Văn phòng, Thủ tướng các đơn vị liên quan của Bộ Giáo dục và Đào tạo, của Trung ương Đoàn, các Bộ, ngành có trường đào tạo, các Sở Giáo dục và Đào tạo, các tỉnh, thành Đoàn và các Đoàn trực thuộc, các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và Đoàn Thanh viên cùng cấp triển khai thực hiện Chương trình phối hợp công tác này.

 

TM. BAN THƯỜNG VỤ TƯ ĐOÀN
BÍ THƯ




Bùi Đặng Dũng

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
THỨ TRƯỞNG




Trần Văn Nhung