Hệ thống pháp luật

Chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động được không?

Ngày gửi: 31/03/2019 lúc 11:31:12

Mã số: HTPL36673

Câu hỏi:

Hiện tại tôi đang làm công nhân lái xe cho công ty điện Phú Thọ. Nhờ luật sư tư vấn về vấn đề hợp đồng lao động. Nội dung như sau: trong hợp đồng tuyển dụng vào công ty tôi được tuyển vào vị trí lái xe, đến nay điện lực sáp nhập hai đơn vị vào làm một thì có hai lái xe nên công việc ít đi nên đơn vị được giao nhiệm vụ tôi làm những công việc không có chuyên môn liên quan đến pháp lý và tính mạng con người ( ví dụ như làm hoàn thiện hợp đồng mua bán sử dụng điện với khách hàng, ghi chỉ số công tơ, thu tiền điện khách hàng, và nhận những hóa đơn chứng từ của khách hàng) tất cả những công việc đó tôi đều không có chuyên môn nghiệp vụ hay huấn luyện đào tạo gì cả. Lãnh đạo đơn vị bắt tôi phải làm làm mà trong hợp đồng lao động không ghi những nghĩa vụ đấy mà chỉ có ghi là hường bằng lương làm công nhân lái xe ( trong quyết định điều động đến đơn vị mới có ghi thêm là nhận lệnh và theo sự phân công của đơn vị) và không ghi những công việc tôi phải làm như tôi đã trình bày ở nội dung trên. Chính vì vậy tôi đã từ chối nhận nhiệm vụ khi được đơn vị giao mà không đúng chuyên môn tôi đã ký hợp đồng. Vật luật sư tư vấn cho tôi như vậy tối từ chối nhiệm vụ là đúng hay sai. Rất mong nhận được sự hồi đáp của luật sư. Tôi xin trân thành cám ơn.

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

 

1. Căn cứ pháp lý

Luật Viên chức năm 2010

Bộ luật Lao động năm 2012

2. Nội dung tư vấn

Căn cứ vào Điều 2 Luật Viên chức năm 2010:

Điều 2. Viên chức

Viên chức là công dân Việt Nam được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật. 

Theo đó, một người được coi là viên chức khi người đó đáp ứng được những điều sau: 

– Là công dân Việt Nam; 

– Được tuyển dụng vào vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo hợp đồng làm việc; 

– hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật. 

Tuy nhiên Tập đoàn Điện lực Việt Nam là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên vào công ty Điện lực Tỉnh Phú Thọ là công ty con của Tập đoàn điện lực Việt Nam không phải là đơn vị sự nghiệp công lập. Vì vậy nhân viên làm việc trong công ty sẽ được tuyển dụng theo hợp đồng lao động nên mọi vấn đề phát sinh liên quan tới hợp đồng lao động sẽ áp dụng theo Bộ luật Lao động năm 2012. 

Căn cứ vào Điều 31 Bộ luật Lao động năm 2012 về chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động:

Điều 31. Chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động

1. Khi gặp khó khăn đột xuất do thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh, áp dụng biện pháp ngăn ngừa, khắc phục tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, sự cố điện, nước hoặc do nhu cầu sản xuất, kinh doanh, người sử dụng lao động được quyền tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động, nhưng không được quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong một năm, trừ trường hợp được sự đồng ý của người lao động.

2. Khi tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động, người sử dụng lao động phải báo cho người lao động biết trước ít nhất 03 ngày làm việc, thông báo rõ thời hạn làm tạm thời và bố trí công việc phù hợp với sức khoẻ, giới tính của người lao động.

3. Người lao động làm công việc theo quy định tại khoản 1 Điều này được trả lương theo công việc mới; nếu tiền lương của công việc mới thấp hơn tiền lương công việc cũ thì được giữ nguyên mức tiền lương cũ trong thời hạn 30 ngày làm việc. Tiền lương theo công việc mới ít nhất phải bằng 85% mức tiền lương công việc cũ nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.

Như vậy, trong trường hợp của bạn là công ty sáp nhập 2 đơn vị thành một nên công ty đã chuyển bạn làm công việc khác. Việc sáp nhập 2 đơn vị là trường hợp do nhu cầu sản xuất kinh doanh nên công ty có quyền điều chuyển bạn làm công việc khác so với hợp đồng lao động. Và công ty có nhiệm vụ báo trước cho người lao động ít nhất 3 ngày. 

>>> Luật sư tư vấn pháp luật lao động qua tổng đài: 024.6294.9155

Và người lao động làm việc theo công việc mới sẽ được hưởng lượng theo công việc mới nếu tiền lương của công việc mới thấp hơn tiền lương công việc cũ thì người lao động được giữ nguyên tiền lương cũ trong thời hạn 30 ngày. Sau 30 ngày tiền lương sẽ thay đổi theo công việc cũ nhưng ít nhất phải bằng 85% mức lương công việc cũ nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng. 

Như vậy, nếu công ty đã thực hiện đầy đủ các điều kiện để điều chuyển người lao động  thì việc từ chối lệnh điều chuyển là không đúng. Còn đối với vấn đề tiền lương trong trường hợp tiền lương của công việc mới của bạn thấp hơn lương của công việc cũ thì việc công ty trả tiền lương cho công việc mới của bạn là hoàn toàn phù hợp với quy định cua pháp luật. Còn trường hợp lương của công việc mới cao hơn lương của công việc cũ nhưng công ty lại trả cho bạn tiền lương chỉ bằng tiền lương của công việc cũ thì chế độ tiền lương trong trường hợp này trái với quy định của pháp luật. Vì tiền lương theo công việc mới ít nhất phải bằng 85% mức tiền lương công việc cũ .

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.

Gửi yêu cầu tư vấn